Đây cũng là cuộc đối thoại quốc gia đầu tiên trong lịch sử nền Cộng hòa Pháp, trong đó tất cả các công dân sẽ được tự do bày tỏ ý kiến liên quan đến 4 chủ đề lớn, gồm chính sách thuế, hệ thống tổ chức chính quyền nhà nước, chính sách chuyển đổi và phát triển nguồn năng lượng bền vững và nền dân chủ.
“Những đề xuất của quý vị sẽ cho phép xây dựng một khế ước mới cho đất nước, định hình hoạt động của chính phủ và quốc hội, xác định vị trí của nước Pháp trong Liên minh châu Âu (EU) và trên thế giới” - bức thư Tổng thống Macron gửi người dân 2 ngày trước khi cuộc thảo luận lớn bắt đầu, chẳng khác gì trao cho người dân Pháp “sứ mệnh” đồng hành cùng ông đưa nền Cộng hòa Pháp “tiến bước”, đúng như tên chính đảng ông đã thành lập năm 2016 để chuẩn bị tranh cử.
Có thể nói, sau cam kết tăng lương, giảm thuế cho người có thu nhập thấp, việc tổ chức cuộc Đối thoại toàn quốc là biện pháp lớn thứ hai để giải quyết cuộc khủng hoảng biểu tình “Áo vàng” làm chấn động toàn nước Pháp suốt 2 tháng qua.
Từ nay đến ngày 15/3, trên cả nước, chính quyền địa phương sẽ mở sổ thu thập ý kiến của công dân. Tuy nhiên, cuộc thảo luận không giới hạn ở các tòa thị chính, mà có thể diễn ra ở bất cứ nơi nào, với nhiều hình thức đa dạng, ở chợ, nơi làm việc hay các địa điểm công cộng phù hợp với luật pháp, do từng cá nhân riêng lẻ, các chức sắc dân cử, đảng phái hay đại diện hội đoàn đóng góp.
Ngoài ra, chính phủ cho lập thêm một đường dây điện thoại riêng để tiếp nhận phản ánh, tất cả rõ ràng nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân tham gia. Từ đầu tháng 3, các vùng - đơn vị hành chính địa phương cao nhất của Pháp - sẽ lập ra các “hội nghị công dân” với thành phần khoảng 100 người lựa chọn bằng hình thức rút thăm ngẫu nhiên từ đại diện của tất cả các bên liên quan để trao đổi và cho ý kiến về các đề xuất thu được.
Để bảo đảm cuộc đối thoại diễn ra một cách minh bạch và vô tư, một hội đồng 5 thành viên, trong đó hai người do thủ tướng bổ nhiệm, hai người do lãnh đạo hai viện Quốc hội đề cử và một người do chủ tịch Hội đồng kinh tế, xã hội và môi trường lựa chọn, cũng được thành lập.
Từ nhượng bộ để xoa dịu làn sóng “Áo vàng”, bằng cuộc Đối thoại toàn quốc này, Tổng thống Macron đã tiến thêm một bước - mở ra cơ hội để trực tiếp lắng nghe và cùng người dân tìm cách tháo gỡ vướng mắc.
Với hình thức tổ chức được đánh giá là bao quát và công khai, cuộc đối thoại được coi là lối thoát cho cuộc khủng hoảng “Áo vàng”, đồng thời có thể giúp khôi phục lòng tin của người dân vào các thiết chế chính quyền.
Phe đối lập ngay lập tức chỉ trích sáng kiến này, nhưng với mức độ khác nhau. Trong khi các đảng ôn hòa truyền thống như Những người Cộng hòa, đảng Xã hội coi đây là chiêu thức truyền thông của tổng thống, tỏ ra dè dặt và để ngỏ khả năng tham gia, thì lãnh đạo thiên tả Jean-Luc Mélenchon của đảng “Nước Pháp bất khuất” tuyên bố đối thoại chỉ là cách để chính quyền lảng tránh dự án cải tổ hiến pháp. Phe cực hữu “Tập hợp quốc gia” cũng cho rằng giải pháp không phải là đối thoại, mà phải tiến hành cải tổ hiến pháp lập tức, giải tán hạ viện và tiến hành bầu cử.
Bất luận ra sao thì đây cũng là thành quả nhất định của phong trào “Áo vàng”. Trong một thời gian ngắn, phản ứng của vài chục nghìn người đã khiến chính quyền rơi vào thế bị động toàn diện và phải tiến hành những biện pháp mà chưa một phong trào xã hội nào làm được trong vòng nửa thế kỷ nay, dù các cuộc biểu tình, đình công lớn làm tê liệt toàn nước Pháp không phải là hiếm.
Từ bỏ việc tăng thuế môi trường đánh vào xăng dầu, rót thêm 10 tỷ euro để cải thiện thu nhập cho tầng lớp thu nhập thấp… chưa thể hạ nhiệt căng thẳng, Tổng thống Macron đã buộc phải chấp nhận cuộc chơi “sát ván” với vòng đối thoại toàn quốc đầu tiên trong lịch sử.
Dù là tìm một lối thoát tạm thời cho khủng hoảng hay quyết tâm điều chỉnh định hướng chính trị, kết quả cuộc đối thoại lần này không chỉ quyết định thành bại nhiệm kỳ tổng thống của ông, mà còn ảnh hưởng lớn tới tương lai của nước Pháp.
Thực tế thì ông Macron không còn lựa chọn nào khác, nếu không sẽ có nguy cơ nhìn phần còn lại của nhiệm kỳ trôi qua trong sự bất lực do cuộc khủng hoảng kéo dài dai dẳng và không thấy tia sáng le lói báo hiệu đi đến cuối đường hầm.
Không muốn buông xuôi, Tổng thống Macron buộc phải tạo ra thành công từ cuộc đối thoại này. Nói cách khác là tái lập lại sợi dây liên lạc với người dân Pháp, vốn đã bị đứt đoạn từ vài tháng nay, là tìm ra một lối thoát chính trị cho cuộc khủng hoảng, “biến nỗi tức giận thành giải pháp”, để đạt được điều đó thì cần sự chân thành, cần một cuộc thảo luận thực sự, cởi mở, minh bạch.
Từ lúc cuộc khủng hoảng “Áo vàng” lên đến cao trào, Tổng thống Pháp đã có ba bước đi lớn cơ bản. Thứ nhất là thừa nhận sự thất vọng của người dân mà những người biểu tình “Áo vàng” là đại diện, thừa nhận sự chính đáng trong một phần yêu sách của họ.
Thứ hai là cố gắng thay đổi phong cách lãnh đạo, mà cuộc đối thoại chính là việc làm cụ thể. Trong hơn một năm qua, nhờ thắng lợi vang dội trong bầu cử, chính quyền Tổng thống Macron đã thúc ép tiến độ cải tổ một cách gấp rút, phớt lờ tất cả các phản đối do có sự hậu thuẫn từ đảng cầm quyền chiếm đa số tuyệt đối trong Hạ viện.
Nay đến lúc phải thay đổi sự áp đặt bằng một cuộc đối thoại dân chủ, quay trở lại một nguyên tắc lớn trong cương lĩnh tranh cử tổng thống, đólà tái lập một “Nền cộng hòa ràng buộc bởi khế ước”, từ đó “lập lại niềm tin vào các địa phương, vào xã hội và các nhân tố xã hội để sẵn sàng thay đổi”. Đến lúc tất cả các công dân Pháp lên tiếng, và chính quyền lắng nghe tiếng nói của họ.
Bước đi thứ ba mới chỉ bắt đầu, đó là xem xét các đề xuất từ cuộc đối thoại và thực hiện chúng. Nếu điều này xảy ra, Tổng thống sẽ phải điều chỉnh định hướng chính sách trong 3 năm còn lại của nhiệm kỳ.
Nhưng nếu không chấp nhận, với lý do nó đi ngược lại các nguyên tắc lớn trong cương lĩnh tranh cử hay đơn giản chỉ coi cuộc đối thoại là giải pháp tạm thời để đối phó với tình thế, ông sẽ bị trừng phạt ngay lập tức trong cuộc bầu cử nghị viện châu Âu tháng 5 tới, với hậu quả rất lớn và người giành phần thắng sẽ là lực lượng dân túy, cực hữu của bà Marine Le Pen, đối thủ đã thất bại trước Tổng thống Macron trong cuộc đua tới Điện Elysee năm 2017.
Chìa khóa thành công của cuộc đối thoại quốc gia nằm ở khả năng chấp nhận các đề xuất mà người Pháp trao cho chính quyền. Đến nay, Tổng thống Macron vẫn tránh đề cập ý tưởng tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về các vấn đề người dân gửi lên. Nhưng có lẽ đây là kịch bản dễ xảy ra nếu những đề xuất đó không phù hợp với ý tưởng của tổng thống.
Trong lịch sử nước Pháp hiện đại, không ít lần lấy ý kiến như vậy đã kéo theo sự sụp đổ của chính quyền, như nhà lãnh đạo Charles De Gaulle đã buộc phải rút khỏi đời sống chính trị khi người Pháp nói “không” trong cuộc trưng cầu dân ý năm 1969. Với Tổng thống Macron, đây là một “canh bạc lớn” rất nhiều rủi ro, nhưng là cuộc chơi mà ông không thể nào lảng tránh.