Cuộc chiến quyết liệt chống biến thể Delta ở Đông Nam Á

Các nước Đông Nam Á đang trong cuộc chiến quyết liệt đối phó với làn sóng lây nhiễm mới của dịch COVID-19 do biến thể Delta. Đây có thể coi là “đợt tấn công” mạnh nhất của virus SARS-CoV-2 vào Đông Nam Á trong hơn một năm rưỡi COVID-19 hoành hành.

Chú thích ảnh
Người dân tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Tangerang, Indonesia, ngày 17/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tốc độ tăng số ca nhiễm và tử vong ở nhiều nước Đông Nam Á đặc biệt gây lo ngại khi tình trạng phân bổ vaccine không đồng đều trên toàn cầu ảnh hưởng tới tiến độ tiêm chủng trong khu vực.

Theo thống kê của trang worldmeters.info, tính đến ngày 19/7, Indonesia, Phillippines và Malaysia nằm trong nhóm 35 nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới, 10 nước có nhiều ca nhiễm nhất châu Á. Trong tuần kết thúc ngày 18/7, tính chung cả 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), số ca nhiễm mới tăng trung bình 29% so với 7 ngày trước đó, cao gần gấp đôi so với mức 15% của cả thế giới. Tính đến ngày 19/7, tổng số ca mắc COVID-19 tại 10 nước ASEAN vượt 6.127.000 ca, với trên 116.800 ca tử vong.

Indonesia đang là “điểm nóng” dịch, số ca mắc mới theo ngày thường xuyên cao nhất thế giới, có ngày hơn 50.000 ca, trong khi số ca tử vong mới đứng thứ hai thế giới, ngày 19/7 ở mức cao nhất từ trước đến nay, với 1.338 ca. Thái Lan, Malaysia liên tục ghi nhận trên 11.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Số ca nhiễm hàng ngày ở Phillippines, Myanmar, Việt Nam ở mức 4 chữ số. Số ca mắc mới ở Campuchia, Lào, Singapore liên tục tăng.

Con số thống kê tăng đột biến trong những tuần qua phần nào là do các nước tăng cường lấy mẫu xét nghiệm, khi biến thể Delta với sức tấn công nhanh và mạnh lan đến Đông Nam Á từ tháng 2. Bên cạnh đó, tâm lý chủ quan, lơ là phòng dịch trong khi chưa nhận thức hết mối nguy hiểm từ biến thể mới, cũng như tỷ lệ tiêm chủng trong khu vực còn thấp khiến Delta trở thành biến thể chủ đạo gây ra làn sóng dịch mới tại khu vực.

“Bão” Delta ập vào khi các nước trong khu vực dần nới lỏng các hạn chế phòng dịch và tìm cách khôi phục kinh tế sau 1 năm đối phó với COVID-19, thậm chí các nước như Indonesia và Thái Lan đã chuẩn bị sẵn sàng đón khách quốc tế quay trở lại các điểm du lịch nổi tiếng.

Cách đây 2 tháng, nhiều người dân Indonisia nghĩ rằng giai đoạn tồi tệ nhất của dịch bệnh đã qua với số ca nhiễm giảm một nửa so với thời kỳ đỉnh dịch vào tháng 2/2021. Hàng nghìn người Hồi giáo đã tập trung ăn mừng, di chuyển về quê trong kỳ lễ xả chay Eid-al-Fitz vào trung tuần tháng 5, phớt lờ các hạn chế đi lại và cảnh báo phòng dịch của chính phủ. Thống kê của Google cho thấy lượt đi lại của người dân Indonesia trong thời gian này tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Phải đến đầu tháng 7, khi số ca nhiễm theo ngày vượt ngưỡng 50.000 người, Chính phủ Indonesia mới siết chặt các quy định hạn chế. Một quan chức Chính phủ Indonesia thừa nhận, giới chức nước này cũng chưa tính đến khả năng dịch xuất hiện trở lại và lây lan mạnh như vậy, dẫn đến việc không thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội đủ mạnh.

Theo Giáo sư Dicky Budiman, chuyên gia dịch tễ học thuộc Đại học Griffith (Australia), hệ thống xét nghiệm, truy vết và cách ly của Indonesia cũng chưa đủ nhanh để kịp thời kiểm soát tình hình. Giáo sư cho rằng tỷ lệ dương tính trong tổng số xét nghiệm tại Indonesia hiện là 26% chắc chắn chưa phản ánh hết tình hình.

Sự xuất hiện của các cụm lây nhiễm là những trung tâm giải trí của giới trẻ, khu công nghiệp hay nhà tù cũng làm phức tạp tình hình dịch tại nhiều nước. Là nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất khu vực với khoảng 73% trong tổng số 5,7 triệu dân đã được tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên, số ca mắc mới ở Singapore trong tuần kết thúc ngày 18/7 đã tăng tới 483% so với tuần trước đó, với các ổ dịch là tụ điểm giải trí, quán karaoke, câu lạc bộ đêm. Số ca mắc mới trong cộng đồng ngày 19/7 tăng gần 2 lần so với trước đó một ngày và Bộ trưởng Y tế Singapore cảnh báo con số này sẽ lên tới hơn 180 ca ngày 20/7.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 9/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Dịch bệnh ở Thái Lan cũng phức tạp với hơn 70 cụm lây nhiễm là các khu ký túc xá của người lao động và nhà tù. Chuỗi lây nhiễm kéo dài khi những lao động từ Thái Lan trở về nước làm bùng phát các ca nhiễm biến thể Delta tại Lào, Campuchia và Myanmar, những nước đã duy trì được số ca nhiễm ở mức thấp trong thời gian dài.

Trong khi đó, tỷ lệ dân số Đông Nam Á đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 vẫn ở mức thấp so với các khu vực khác trên thế giới. Đến nay, tỷ lệ tiêm chủng chung của Đông Nam Á là 9%, chỉ cao hơn châu Phi và Trung Á, và ở khoảng cách rất xa so với các khu vực phát triển như Tây Âu và Bắc Mỹ, nơi hơn 50% dân số đã được tiêm vaccine.

Theo số liệu thống kê của Bloomberg, tại Đông Nam Á chỉ có Singapore, nước triển khai tiêm chủng sớm nhất (từ 8/1), đã tiêm đủ liều vaccine cho 42% dân số và ước tính chỉ còn 4 tuần nữa sẽ đạt mục tiêu hoàn thành tiêm chủng cho 75% dân số. Indonesia dù bắt đầu sau Singapore chỉ vài ngày (từ 13/1) nhưng đến nay mới hoàn thành tiêm chủng cho 15,6% dân số. Trong cuộc chạy đua với biến thể Delta, tiến độ tiêm chủng của Indonesia đang có phần “hụt hơi” khi ước tính phải mất 13 tháng nữa mới đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 75% dân số. Đến nay, một nửa số nước thành viên ASEAN có tỷ lệ dân số được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 chưa đến 5%.

Chiến dịch tiêm chủng được khởi động chậm chạp ở mỗi nước do những yếu tố khác nhau, song phần lớn liên quan đến nguồn cung vaccine. Đó là tình trạng khan hiếm trầm trọng trong giai đoạn đầu tiên và sự bất bình đẳng tiếp cận vaccine trên toàn cầu, khi lượng vaccine sản xuất ra chủ yếu cung cấp cho các nước giàu đã đặt hàng, còn tại Đông Nam Á, nguồn lực y tế để tiêm phòng còn nhiều hạn chế, thiếu nguồn lực tài chính để mua đủ vaccine tiêm chủng đại trà.

Ngoài ra, những nước đã kiểm soát hiệu quả các đợt dịch trước đó như Việt Nam không nằm trong nhóm được ưu tiên cung cấp vaccine sớm theo cơ chế COVAX. Phải đến hai tháng gần đây, số lượng vaccine cung cấp cho các nước mới dồi dào hơn, một phần nhờ các hãng dược phẩm bắt đầu tăng lượng cung cấp theo hợp đồng, phần khác nhờ chính phủ các nước nỗ lực tìm kiếm nguồn cung vaccine.

Trước sức ép của biến thể Delta, chiến lược chống dịch của các nước Đông Nam Á cũng có nhiều thay đổi. Chương trình tiêm chủng đại trà đang được đẩy nhanh tại tất cả các nước. Campuchia với chiến dịch tiêm chủng “nở hoa” đã “phủ sóng” vaccine toàn khu vực trung tâm là vùng thủ đô Phnom Penh từ ngày 8/7 và đang mở rộng dần ra các vùng lân cận. Đến nay nước này đã tiêm chủng được cho 24% trong tổng dân số hơn 15 triệu người, cao thứ hai trong khu vực. Lào đã tiêm đủ liều vaccine cho 10% dân số và đang hướng tới mục tiêu hoàn thành tiêm vaccine cho 50% dân số trước cuối năm nay.

Chú thích ảnh
Việt Nam đã phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử từ ngày 10/7. Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN

Việt Nam đã chính thức phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử từ ngày 10/7 với mục tiêu tiêm vaccine phòng COVID-19 cho tất cả người dân trong độ tuổi trên 18 từ tháng 7/2021 tới tháng 4/2022. Đây là kết quả của việc sớm triển khai chiến lược vaccine, với mũi nhọn là “ngoại giao vaccine” để tiếp cận nhanh nhất, nhiều nhất nguồn vaccine từ bên ngoài. Việc triển khai “ngoại giao vaccine” hết sức bài bản và quyết liệt trên nhiều cấp khác nhau, đặc biệt ở cấp cao, theo cả kênh song phương lẫn đa phương, đã mang lại những kết quả khả quan.

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, Việt Nam đã bảo đảm được 105 triệu liều vaccine trong năm 2021 và tiến tới đạt 150 triệu liều để tạo miễn dịch cộng đồng trong cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Riêng trong tháng 7/2021, hơn 9 triệu liều vaccine được chuyển cho Việt Nam đúng vào thời điểm dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố phía Nam.

Bên cạnh đó, tùy vào mức độ lây lan COVID-19, mỗi nước cũng đang áp dụng các biện pháp hạn chế, phong tỏa, giãn cách chống dịch riêng, trong khi vẫn cố gắng giảm thiểu tác động về kinh tế và đời sống của người dân. Malaysia đã phong tỏa toàn diện từ ngày 1/6; Thái Lan liên tục công bố các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt mới; Lào ngày 19/7 lần thứ sáu gia hạn lệnh phong tỏa; Singapore thông báo từ ngày 22/7 sẽ siết chặt các hạn chế xã hội, trong đó có việc ngừng ăn uống tại nhà hàng, tập thể dục ngoài trời và cấm tập trung nhiều hơn 2 người. Tại Việt Nam, 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 19/7.

Có thể nói trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch do biến thể Delta, các nước Đông Nam Á đã và đang áp dụng các biện pháp quyết liệt với hy vọng sớm ngăn chặn đà lây lan của virus. Tuy nhiên, quyết tâm của chính phủ các nước cũng đang vấp phải một số rào cản. Ngay ở thời điểm hiện tại, bất chấp nhà chức trách Indonesia đã cấm tập trung đông người, khuyến cáo người dân không tụ tập cầu nguyện hoặc thực hành tín ngưỡng, ngày 20/7, người dân vẫn cầu nguyện bên ngoài các thánh đường cũng như tổ chức các sự kiện truyền thống để kỷ niệm lễ hiến sinh Eid al-Adha, diễn ra vào thời điểm kết thúc mùa hành hương hằng năm đến Thánh địa Mecca.

Tâm lý hoài nghi hiệu quả của vaccine và các biện pháp chống dịch, hay những thông tin sai lệch trên mạng xã hội cũng ảnh hưởng tới nỗ lực chống dịch ở Đông Nam Á. Tin đồn vô căn cứ tràn lan trên mạng rằng Ivermectin, thuốc uống thường dùng trong điều trị chấy và các loại bệnh do nhiễm ký sinh trùng khác, có thể điều trị COVID-19 khiến người dân Indonesia đổ xô đi mua, đẩy giá loại thuốc này hiện nay tăng gần gấp đôi. Cũng từ mạng xã hội, không ít người Hồi giáo tại Indonesia không chịu tiêm chủng do cho rằng “vaccine không được sản xuất theo tiêu chuẩn Halal của đạo Hồi”. Thái Lan hiện là nước có tỷ lệ người chưa muốn tiêm vaccine cao nhất, với hơn 60%. Trong khi đó, bất ổn chính trị tại Myanmar hay an ninh chưa bảo đảm tại một số khu vực ở Phillippines cũng gây gián đoạn các chiến dịch tiêm chủng.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo diễn biến dịch do biến thể Delta vẫn phức tạp trong thời gian, trong khi những biến thể mới nguy hiểm hơn nhiều khả năng sẽ xuất hiện khi tốc độ tiêm chủng vaccine trên toàn cầu chưa theo kịp tốc độ biến đổi của virus. Tổng Giám đốc WHO cũng dự báo, từ nay đến tháng 9/2021, tình hình khan hiếm vaccine sẽ diễn ra hết sức nghiêm trọng do nguồn cung không đáp ứng được nhu cầu, đứt gãy chuỗi sản xuất và sự tích trữ quá mức của các nước phát triển. Trong bối cảnh đó, cuộc chiến chống COVID-19 ở khu vực Đông Nam Á vẫn còn nhiều gian nan, đòi hỏi các chính quyền tiếp tục có những biện pháp quyết liệt và mạnh mẽ, trong khi người dân thể hiện trách nhiệm cộng đồng, tất cả cùng đồng lòng, đoàn kết để có thể đẩy lùi dịch bệnh.

Phương Hà (TTXVN)
Cách thức doanh nghiệp thực phẩm, đồ ăn Malaysia vượt lên COVID-19
Cách thức doanh nghiệp thực phẩm, đồ ăn Malaysia vượt lên COVID-19

Khi thói quen ăn ngoài nhà hàng mất đi do quy định kiểm soát COVID-19, đầu bếp và các nhà hàng chuyển hướng sang các ứng dụng điện tử giao đồ ăn, mong đợi được tiếp cận nguồn hỗ trợ từ chính phủ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN