Cơ quan đứng đằng sau các quyết sách COVID-19 gây tranh cãi ở Ấn Độ

Trong thế kỷ qua, Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR) là một cơ quan chính phủ ít người biết tới, làm nhiệm vụ nghiên cứu dịch bệnh trụ sở ở New Delhi. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 khiến vai trò của hội đồng này tăng mạnh nhưng cũng gây tranh cãi.

Theo Bloomberg, ICMR là đơn vị cố vấn y khoa chính cho Thủ tướng Narendra Modi và Bộ Y tế. Tuy nhiên, cơ quan này ngày càng bị các nhà khoa học độc lập và bác sĩ Ấn Độ chỉ trích về các khuyến nghị dùng thuốc chữa COVID-19 và thiếu minh bạch về dữ liệu liên quan các biến thể virus có nguồn gốc Ấn Độ.

Chú thích ảnh
Thành viên nhóm ICMR xét nghiệm kháng thể cho nhân viên y tế tại bệnh viện ở Noida. Ảnh: Getty Images

Trong quá trình Ấn Độ vất vả kiềm chế làn sóng dịch bệnh nghiêm trọng nhất thế giới, ICMR đã đồng ý cho Bộ Y tế khuyến nghị dùng thuốc chữa sốt rét hydroxychloroquine để trị COVID-19. Thuốc này vẫn nằm trong hướng dẫn chữa COVID-19 gần một năm sau khi bị Mỹ loại bỏ khỏi quy trình điều trị COVID-19.

Bác sĩ SP Kalantri, người hỗ trợ vận hành bệnh viện 1.000 giường bệnh ở làng Sevagram, đã viết bài trên tạp chí The Lancet, cho biết các bác sĩ kê đơn hydroxychloroquine và bệnh nhân tìm mua thuốc này khắp nơi. Cuộc săn lùng thuốc này khiến các công ty dược hốt bạc và người chịu thiệt nhất là bệnh nhân nghèo.

Theo Aparna Mukherjee, nhà khoa học cấp cao tại ICMR, có nhiều liệu pháp ban đầu rất hứa hẹn và hướng dẫn của ICMR liên tục thay đổi khi có bằng chứng thử nghiệm mới. Bà nói: “Chỉ trích khi có vấn đề gì đó được đặt ra thì rất dễ. Khi biết có khả năng thuốc này có hiệu quả, thì không thể khuyên đừng dùng thuốc đó vì thuốc đang thiếu”. Bà cho biết như các cơ quan y tế khác của chính phủ Ấn Độ, ICMR đã căng mình trong đại dịch.

Trong năm 2020, ICMR cũng bị chỉ trích găm dữ liệu về COVID-19 và các biến thể virus, khiến các bác sĩ Ấn Độ mò mẫm tìm đường đối phó với dịch bệnh. 

Các quyết sách của ICMR cũng cho thấy những khó khăn và tình trạng loay hoay trong cuộc chiến chống COVID-19 ở Ấn Độ.

Bà Shahid Jameel, nhà virus học Ấn Độ, cho rằng chính phủ Ấn Độ cần bằng chứng và lời khuyên chính sách tốt hơn từ ICMR.

Thủ tướng Modi đã cải tổ nội các. Bộ trưởng Y tế đã từ chức nhưng ICMR gần như không có thay đổi gì.

Thành lập từ năm 1911, ICMR rơi vào tình huống chưa từng trải qua khi dịch bệnh COVID-19 ập đến, khiến cơ quan này phải đối với với đợt bùng phát virus quy mô lớn.

Trong các đại dịch trước đây, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Quốc gia Ấn Độ đóng vai trò lớn hơn. Nhưng trong COVID-19, ICMR đã trở thành gương mặt đại diện cho cuộc chiến chống dịch của Ấn Độ.

ICMR phải gánh thêm các trách nhiệm như xét nghiệm, mua trang thiết bị chẩn đoán bệnh.

Có nguồn tài trợ thông qua Bộ Y tế, ICMR có ngân sách 316 triệu USD năm nay và có hàng trăm nhà khoa học là thành viên.

Trong bối cảnh các bang nới lỏng phong tỏa dù mới 6% dân số đã tiêm vaccine đầy đủ, Ấn Độ lại đứng trước nguy cơ trải qua làn sóng lây nhiễm mới. Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng mạng lưới y tế Ấn Độ chưa sẵn sàng cho đợt sóng dịch tiếp theo.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ ngày 25/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ông Lalit Kant, từng là trưởng bộ phận dịch bệnh truyền nhiễm tại ICMR, nhận định: “Dễ thấy là cộng đồng khoa học chưa sẵn sàng xử lý đại dịch và quy trình tham vấn, xây dựng đồng thuận, chia sẻ dữ liệu và ra quyết định tại Ấn Độ còn chưa rõ ràng”.

Hồi tháng 4, gần 300 nhà khoa học và nghiên cứu y khoa Ấn Độ đã kêu gọi Thủ tướng Modi cho phép họ tiếp cận dữ liệu để nghiên cứu, dự áo và kiềm chế COVID-19 lây lan. Dù nắm dữ liệu xét nghiệm của Ấn Độ nhưng ICMR chưa cho phép tiếp cận.

ICMR đã thực hiện khảo sát huyết thanh học toàn diện nhất hồi năm 2020, như nghiên cứu về hiện diện kháng thể trong một số nhóm dân số. ICMR cũng mới đăng nghiên cứu về tỷ lệ tử vong trong làn sóng dịch thứ hai ở Ấn Độ.

Ông Mukherjee tại ICMR cho biết ICMR không cản trở tiếp cận dữ liệu miễn là người muốn tiếp cận có đề xuất đúng quy trình.

Tới nay, COVID-19 đã khiến trên 414.000 người Ấn Độ thiệt mạng, con số mà các chuyên gia cho rằng còn rất thấp so với thực tế. Khi số ca mắc tăng mạnh trong hè này, các bệnh viện thiếu ô xy và bệnh nhân chết ngoài viện nhiều. 

Thùy Dương/Báo Tin tức
ADB cắt giảm dự báo tăng trưởng của Ấn Độ và ASEAN do COVID-19
ADB cắt giảm dự báo tăng trưởng của Ấn Độ và ASEAN do COVID-19

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cắt giảm triển vọng tăng trưởng của khối các nền kinh tế đang nổi ở châu Á xuống còn 7,2% trong năm 2021.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN