Toàn cảnh Indonesia vật lộn với COVID-19 khi đỉnh dịch còn ở phía trước

Dịch bệnh lây lan mạnh đẩy quốc gia đông dân thứ tư thế giới trở thành tâm dịch COVID-19 tại châu Á.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Tangerang, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Trong nhiều tuần trở lại đây, Indonesia ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc COVID-19 mới/ngày. Số ca tử vong cũng lên tới hàng trăm người/ngày khi biến thể Delta càn quét qua đất nước 270 triệu dân này. Các bệnh viện ở Indonesia bắt đầu lâm vào tình trạng thiếu nguồn cung oxy, thiếu máy thở, hàng triệu người chờ để được vào khu vực cách ly. Với tổng số trên 2,7 triệu người nhiễm và trên 70.000 người tử vong, nhiều người lo ngại dịch vẫn chưa tới đỉnh.

Diễn biến dịch bệnh

Trong cả năm 2020, Indonesia đã cơ bản thành công trong kiểm soát dịch bệnh. Nhưng đến tháng 6 vừa qua, tình hình chuyển biến xấu khi số ca nhiễm tăng mạnh, các bệnh viện rơi vào quá tải. Liên đoàn Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) đã phải lên tiếng cảnh báo Indonesia đã ở “bên bờ thảm kịch COVID-19”.

Theo Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin, số các mắc được xác định tăng chóng mặt sau dịp nghĩ lễ Eid al-Fitr vào trung tuần tháng 5, kết thúc tháng ăn chay của người Hồi giáo. Ông Sadikin cũng quy biến thể Delta được xác định lần đầu tiên tại Ấn Độ là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bùng nổ lây nhiễm COVID-19.

Indonesia bắt đầu áp dụng lệnh đóng cửa trên phạm vi toàn quốc vào ngày 10/7, thời điểm nước này ghi nhận 30.000 ca mắc mới/ngày. Chính phủ ra tuyên bố khẳng định sẽ huy động mọi nguồn lực để đối phó với bùng phát COVID-19, trong đó có cả việc nhập khẩu oxy từ nước ngoài để đáp ứng nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng "quốc gia vạn đảo" này đang phải gánh chịu hệ quả nặng nề từ việc không tiến hành đóng cửa sớm hơn. 

Chú thích ảnh
Chôn cất thi thể bệnh nhân COVID-19 tại Tây Java, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Số liệu hiện thời có thể không phản ánh đầy đủ tình hình. Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopskin, tỉ lệ xét nghiệm cho kết quả dương tính ở Indonesia là 27%, mức cao nhất thế giới, đồng nghĩa với việc nhiều ca mắc mới chưa được thống kê đủ. Một khảo sát công bố hôm 17/7 cho thấy, gần 50% dân số thủ đô Jakarta có thể đã nhiễm COVID-19, gấp 12 lần con số mà chính quyền công bố chính thức.

Vấn nạn thông tin sai lệch và tương lai phía trước

Một nhân tố khác cản trở kiểm soát dịch bệnh ở Indonesia chính là nạn tin giả tràn lan, nhất là trên truyền thông mạng xã hội. Trong nhiều tháng, tin nhắn trên mạng WhatsApp phát tán thông tin sai sự thật về các biện pháp điều trị không hiệu quả đối với COVID-19.

Những tin tức lừa bịp về vaccine lây lan trên mạng xã hội, khiến nhiều người ngại tiêm vaccine vì lo sợ mắc bệnh nghiêm trọng, thậm chí là tử vong. Cũng chính vì vấn nạn tin giả mà một bộ phận lớn dân chúng Indonesia không thực sự quan tâm đến mức độ nghiêm trọng của đại dịch, ngay cả khi số ca nhiễm mới tăng vọt. Giữa những ồn ào trên mạng này, cảnh báo từ truyền thông chính thống về COVID-19 gần như mất tích.

Mới vài tuần trước, Karunia Sekar Kinanti, 32 tuổi, phát hiện ra cậu con trai hai tháng tuổi Zhafran bị sốt. Nhưng cô mặc định đó chỉ là cảm cúm thông thường. Mẹ của Kinanti cũng ho, sốt, nhưng cô không nghĩ rằng đó là do COVID-19, bởi bà vẫn giữ được khứu giác. “Triệu chứng của mẹ dường như không phải do COVID-19, vì thế tôi không mảy may nghĩ đến biện pháp phòng ngừa, chữa trị. Sau đó bé Zhafran, tôi và mẹ tôi đều bị ốm”, Kinanti chia sẻ.

Đến khi bé trai ốm nặng, khó thở, người mẹ đưa em đến bệnh viện, ảnh chụp cắt lớp cho thấy COVID-19 đã phá hủy lá phổi bên phải của Zhafran. Kinanti nhớ như in lời bác sĩ nói rằng cô cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, khi tất cả mọi chuyện giờ đây “phụ thuộc vào Chúa trời”. Đến ngày 5/7, mẹ của Kinanti qua đời và cô không biết bà có mắc COVID-19 hay không vì chưa kịp làm xét nghiệm.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng để nạp bình oxy tại một cửa hàng ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Tình cảnh trên cũng khá phổ biến ở Indonesia. Theo Aman B. Pulungan, Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ Nhi khoa Indonesia (IDAI), nhiều bậc cha mẹ thường mặc nhiên coi trẻ em không bao giờ nhiễm COVID-19, trong khi thực tế lại khác. Nhiều gia đình không quan tâm bảo vệ con trẻ trước nguy cơ lây nhiễm, và ngay cả khi bị nhiễm thì cha mẹ cũng coi đó là cảm cúm thông thường.

Indonesia giờ đang rơi vào tình cảnh tương tự của Ấn Độ ở làn sóng lây nhiễm thứ hai, với tình trạng thiếu hụt oxy y tế, bệnh nhân chờ đợi trong mệt mỏi để được nhập viện chữa trị. Nhiều người mắc bệnh, ốm nặng đang chờ đợi cái chết, vì thế họ mong nếu có cơ hội thì tốt nhất là chết trong viện. Tình hình sẽ còn tệ, bởi dịch ở Indonesia còn chưa tới đỉnh.

Hy vọng lớn nhất giúp xử lý khủng hoảng y tế leo thang hiện nay là vaccine. Tổng thống Joko Widodo nói rằng cần phải bảo đảm khả năng tiếp cạn vaccine công bằng và cân bằng, khi vẫn còn khoảng cách khá lớn xét trên quy mô toàn quốc.

Đầu tháng 7, Mỹ thông báo sẽ gửi 3 triệu liều vaccine Moderna để hỗ trợ Indonesia chống lại đợt dịch mới. Trước đó ngày 13/7, Indonesia đã tiếp nhận hơn 3 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca thông qua chương trình COVAX. Tính đến thời điểm hiện tại, Indonesia đã nhận được 14 triệu liều vaccine qua chương trình này.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (CNN)
COVID-19 tại ASEAN hết 17/7: Toàn khối vượt 6 triệu ca mắc; Indonesia lần thứ 4 có trên 50.000 ca mắc/ngày
COVID-19 tại ASEAN hết 17/7: Toàn khối vượt 6 triệu ca mắc; Indonesia lần thứ 4 có trên 50.000 ca mắc/ngày

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 17/7, tám quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 85.384 ca mắc COVID-19 và 1.517 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã vượt 6 triệu ca, trong đó 115.099 người tử vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN