Vận hành một nhà hàng, tiệm ăn chưa bao giờ là một công việc đơn giản. Nhưng ở Malaysia - đất nước mà người dân có thói quen ăn bên ngoài, những thành công chủ yếu đến từ danh tiếng, uy tín của cửa hiệu và các chủ nhà hàng chẳng thấy có lý do gì để cần phải thay đổi mô hình hoạt động.
Nhưng đến tháng 3/2020, Malaysia buộc phải đóng cửa một phần do đại dịch COVID-19. Các đầu bếp, chủ nhà hàng bắt đầu cuống lên tìm cách thức sinh tồn - từ tìm kiếm sự hỗ trợ của chính phủ, đàm phán với chủ cửa hàng giảm giá thuê mặt bằng và gấp rút chuyển hướng sang các ứng dụng chuyên về giao đồ ăn. Một số nhận ra cơ hội ngay trong khủng hoảng: Nhiều doanh nghiệp mới thành lập trong ngành thực phẩm, đồ uống dựa vào tối ưu hóa kiến thức của mình về kĩ thuật số, tiến mạnh theo hướng đổi mới.
Rizal Van Geyzel, chủ nhà câu lạc bộ hài kịch Crackhouse Comedy ở vùng Taman Tun Dr Ismail, ngoại ô Kuala Lumpur là một trong số này. Bị buộc phải đóng cửa ngay trong những ngày đầu đại dịch xuất hiện, câu lạc bộ của Geyzel tồn tại được vài tháng nhờ vào khoản trợ cấp của chính phủ. Anh nhận thấy rằng giờ chỉ còn hai lựa chọn, hoặc là tổ chức các sự kiện trực tuyến trên mạng như hầu hết các doanh nghiệp cùng ngày giải trí đã làm, hoặc là chuyển sang lĩnh vực kinh doanh thực phẩm, đồ ăn.
Geyzel quyết định lựa chọn giải pháp thứ hai, bởi lẽ anh tin rằng vẫn có thể theo đuổi ngành này sau khi đại dịch chấm dứt. Geyzel sau đó quyết định sẽ kèm theo mỗi đơn hàng pizza bán qua mạng một clip hài thời lượng một phút. Kết quả thật không ngờ: Doanh thu bán đồ ăn tăng hơn 60% so với việc bán vé vào xem ở thời điểm câu lạc bộ được phép đón khách giữa hai kỳ đóng cửa vì dịch bệnh.
Với Geyzel, việc chuyển đổi mô hình sang một doanh nghiệp giao pizza toàn thời gian không hẳn là hợp lý về mặt tài chính, nhưng ít nhất quá trình chuyển đổi tạm thời cũng giúp công ty trang trải được các khoản chi phí. “Không quá quan trọng khi mất bao lâu ngành giải trí mới có thể hồi phục. Hiện tại, chúng tôi vẫn giao đồ ăn bởi ít nhất việc kinh doanh này còn giúp doanh nghiệp có được nguồn thu để chi trả khoản tiền điện, nước”, Geyzel chia sẻ.
Tương tự như Geyzel, Ivan Chong Han đầu mùa hè vừa rồi cũng khai trương công ty Cotta chuyên cung cấp bánh mỳ phô-mai ở vùng Damansara Heights, ngoại ô Kuala Lumpur, đúng hai tuần sau khi Malaysia bước vào kỳ phong tỏa trên phạm vi toàn quốc. Không có được dòng tiền mạnh như một số nhà hàng khác trong bối cảnh chính quyền thực thi lệnh hạn chế đi lại, Ivan Han không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc để công nhân thôi việc và một mình đứng ra vận hành doanh nghiệp.
Những trở ngại ban đầu Ivan Han gặp phải là việc tiếp cận được bản quyền đóng gói để bảo vệ thương hiệu loại bơ tự làm, một công việc tốn khá nhiều tiền. Kế đến là phải cân đối lại các khoản chi phí để tính gộp 30% phí hoa hồng cho mỗi chuyến giao hàng được các lái xe Grab thực hiện. Quyết định của chính phủ về giảm khoản lãi vay đã giúp Cotta trụ vững, công ty hiện đang vận hành theo mô hình đối tác cộng đồng và Ivan Han hy vọng thời gian tới công việc kinh doanh sẽ tốt đẹp hơn.
Theo Imran Sheik, chủ nhà hàng Jibril SS15 ở Subang Jaya, những công ty, thực thế có mặt trên thị trường đồ ăn, giải khát Malaysia đã tìm cách chuyển hướng sang những mô hình có khả năng “chống dịch” sau sự xuất hiện của COVID-19.
Số này tập trung vào cá thực đơn phù hợp với việc đóng gói, vận chuyển, cải tiến lại hoạt động theo hướng phù hợp hơn với môi trường mới. Các nhà hàng sẽ đi theo xu hướng “bếp trung tâm” (cloud kitchen) hoặc liên kết với một nhà cung cấp “bếp trung tâm”. Cách làm này sẽ giúp họ chỉ việc chuyên tâm vào cung ứng món ăn theo thực đơn phù hợp mà không phải bận tâm đến chi phí thành lập doanh nghiệp.
Abbinash Santhanakrishnan, người mất vị trí bếp trưởng tại tổ hợp kinh doanh khách sạn bình dân Holiday Inn ở Penang sau khi đơn vị này buộc phải đóng cửa vì dịch bệnh, cho rằng đợt khủng hoảng y tế này đã làm thay đổi suy nghĩ của người dân về thói quen ăn tại nhà hàng, tiệm ăn, tạo ra cú hích mới kĩ thuật số trong ngành ẩm thực ở Malaysia. Sẽ mất nhiều thời gian để ngành kinh doanh này phục hồi lại được mô hình truyền thống, do những đổi thay về thói quen ăn uống cũng như mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt đến từ mô hình “bếp trung tâm”.