Sự kiện này được đánh giá là một “cột mốc lịch sử” trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, có ý nghĩa quan trọng khi cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông đã bước sang năm thứ 9 với nhiều bộn bề.
Tuy nhiên, không vì thế mà thế giới có thể lạc quan về một tương lai yên bình sau sự diệt vong của IS tại Syria, khi mà hệ tư tưởng Hồi giáo cực đoan mới là chiến trường thực sự của cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố nhuốm màu sắc tôn giáo.
Từ năm 2014, lợi dụng tình hình bất ổn nghiêm trọng tại Syria với khoảng trống quyền lực, IS đã nhanh chóng nổi lên, chiếm đóng phần lớn lãnh thổ Syria và Iraq, biến những nơi này làm thành trì chính trước khi dần tan rã.
Liên quân do Mỹ đứng đầu với khoảng 70 nước tham dự đã thực hiện hơn 34.000 cuộc không kích vào các mục tiêu IS tại Syria và IS. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016, ứng cứ viên Donald Trump không nói nhiều và cụ thể về chính sách an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại, ngoại trừ một điều: Cam kết đánh bại IS. Sau khi thắng cử, Tổng thống Trump tăng cường cuộc chiến chống IS, gia tăng hậu thuẫn cho các nhóm vũ trang địa phương tại Syria, bao gồm các nhóm người Kurd (Cuốc) và các lực lượng an ninh tại Iraq. Cuối cùng, chính sách này đã thu được kết quả với việc IS bị đánh bại ở cả Iraq và Syria.
Tuy nhiên, việc đánh bại IS trên thực địa được cho là chưa thể giúp loại bỏ hết các nguy cơ an ninh. Thế và lực của tổ chức này vẫn là một dấu hỏi lớn không dễ có câu trả lời. Giới chuyên gia cảnh báo việc giành lại kiểm soát phần lãnh thổ của IS tại Syria không đồng nghĩa với sự chấm dứt các tư tưởng cực đoan và nguy cơ đe dọa khủng bố của tổ chức này.
Ngay cả khi IS đã sụp đổ, người ta vẫn chưa biết một cách chính xác IS thực sự là gì, được bắt đầu như thế nào, cấu trúc ra sao, do ai hỗ trợ, nguồn tài trợ và vũ khí đến từ đâu? Thông thường, việc đánh bại một kẻ thù dựa trên tư tưởng đòi hỏi 3 yếu tố, đó là kẻ thù phải biến mất trên chiến trường và trên lãnh thổ mà chúng kiểm soát; tư tưởng - nguồn gốc đã làm nên sức mạnh của kẻ thù - phải bị triệt tiêu.
Thứ ba, các nhân tố về chính trị, kinh tế và xã hội đã cho phép kẻ thù hình thành và phát triển vào thời kỳ khởi điểm phải được thay đổi để ngăn chặn nguy cơ tái trỗi dậy. So sánh một cách tương đối với cuộc chiến chống IS nhiều năm qua của liên quân do Mỹ đứng đầu, có thể thấy yếu tố thứ nhất đã được giải quyết.
Tuy nhiên, các điều kiện sau là không dễ dàng khi tư tưởng cực đoan của IS bắt nguồn từ tôn giáo trong khi các chính thể tại Syria và Iraq còn khá non yếu. Vì thế, cuộc chiến chống IS không phải là cuộc chiến mà lối thoát là một chiến thắng quyết định, mà là việc đối phó, phòng ngừa các nguy cơ trong dài hạn.
Sức mạnh quân sự có thể đánh bại kẻ thù nhưng không đủ sức để triệt tiêu được chủ nghĩa cực đoan hay thay đổi các điều kiện đã sinh ra chủ nghĩa cực đoan này.
Theo ông John Spencer, một học giả tại Viện Chiến tranh hiện đại tại West Point (Mỹ), cuộc chiến chống IS không thể tuyên bố giành chiến thắng một cách đơn giản. Ông cho rằng IS là một tổ chức khủng bố và tất cả những gì chúng phải làm lúc này là hạ vũ khí xuống, chà trộn vào đám đông để “chờ thời”.
Chia sẻ quan điểm này, ông Ilan Berman, thành viên Hội đồng chính sách đối ngoại Mỹ, cảnh báo: “Sự lạc quan về việc đã đánh bại hoàn toàn IS, mặc dù chỉ là để làm hài lòng dư luận, cũng là quá sớm".
Hệ tư tưởng thánh chiến từ lâu đã chứng tỏ khả năng thích nghi với sự thay đổi hoàn cảnh, và sẽ không thiếu sự xung đột, bất công, đàn áp, nghèo đói, chủ nghĩa bè phái và sự thù hận tôn giáo để các phần tử Hồi giáo lợi dụng.
Thực tế, trong hai năm trở lại đây, sau khi hứng chịu những tổn hại lớn khi đánh mất các lãnh thổ tại Iraq và Syria, IS đã có những điều chỉnh trong chiến lược để thích nghi với hoàn cảnh mới. Chúng đã thay đổi phương thức hoạt động, bắt đầu tái cơ cấu, phân tán, chuyển sang hoạt động bí mật chờ thời để bất ngờ trỗi dậy.
Ban lãnh đạo IS đã trở nên ít tập trung hơn, mà mở rộng hơn ra các nhóm nhỏ. Các nhánh “án binh bất động” của chúng vẫn đang cố thủ tại vùng sa mạc rộng lớn ở miền Trung Syria và xuất hiện rải rác tại các thành phố của Iraq để thực hiện các vụ tấn công bất ngờ, bắt cóc dân thường và chờ đợi cơ hội để trỗi dậy. Trong khi đó, hàng chục nghìn tay súng IS đã di chuyển đến các khu vực khác trên thế giới, giao tranh với các lực lượng chính phủ từ Nigeria tới Afghanistan hay Phillipines.
Ngoài ra, IS vẫn tiếp tục tổ chức hoặc “tạo cảm hứng” cho các vụ tấn công trên khắp khu vực và cả ra ngoài Trung Đông. Ngay cả khi bắt đầu đánh mất nền tảng quân sự của mình tại Syria và Iraq, IS vẫn nhận là thủ phạm các vụ tấn công tại nhiều quốc gia khác nhau, dù đôi khi đây chỉ là hành động của các “con sói đơn độc”. Mặc dù lãnh thổ nòng cốt của IS từng nằm ở Iraq và Syria, các nhóm thánh chiến tại các quốc gia khác - điển hình là Nigeria, Yemen và Afghanistan - vẫn tuyên thệ trung thành với chúng.
Thêm vào đó, nguy cơ tiềm ẩn của IS đến từ các tay súng là công dân nước ngoài, chủ yếu là các nước phương Tây. Nhiều tranh luận đã nổ ra về khả năng nhiều nước châu Âu phải tiếp nhận trở lại những công dân từng tham gia IS, nhất là khả năng truy tố các tay súng này vì những hành động họ gây ra là tại Syria.
Chẳng có gì đảm bảo khi trở về nước, các phần tử này không phải là mầm mống gieo rắc tư tưởng cực đoan và mưu toan thực hiện các vụ tấn công khủng bố ngay tại nơi “chôn nhau cắn rốn” của mình.
Cỗ máy tuyên truyền của IS trên không gian mạng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ. Các chuyên gia cho rằng sự sụp đổ của “Vương quốc Hồi giáo” trên thực địa sẽ mở ra một chương mới của “Vương quốc số” trên Internet bằng việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội, các nền tảng truyền thông được mã hóa và Internet “đen” để khuyến khích những kẻ ủng hộ và những người theo dõi (follower) thực hiện các cuộc tấn công theo nhiều cách.
Theo ông Charlie Winter, nhà nghiên cứu cấp cao của Trung tâm Quốc tế nghiên cứu về cực đoan hóa (ICSR) thuộc King's College London, những hình ảnh phi công Jordan bị thiêu sống trong cũi sắt hay cảnh hành quyết các nhà báo và nhân viên cứu trợ phương Tây mà IS tung lên mạng sẽ tiếp “sinh lực” cho những kẻ thánh chiến.
IS đã sử dụng các mạng xã hội như Facebook, Twitter, YouTube cùng mã hóa dịch vụ Telegram để đưa các video clip này đến với hàng triệu người xem trên toàn cầu. Chuyên gia Winter khẳng định IS đã đầu tư "nhiều thời gian, tiền bạc, năng lượng và nguồn nhân lực cho cỗ máy tuyên truyền của mình hơn bất kỳ nhóm thánh chiến nào” để từng bước cực đoan hóa hàng nghìn tín đồ Hồi giáo trẻ tuổi.
Thực tế cho thấy sự can dự lâu dài của Mỹ tại Iraq và Syria không thể thay đổi căn bản hệ thống sinh thái của chủ nghĩa cực đoan. Tư tưởng thánh chiến cực đoan của IS sẽ không dễ dàng bị triệt tiêu và chúng sẽ tiếp tục kích động tấn công khủng bố mà không phụ thuộc vào tình hình tại Trung Đông. Và cuộc chiến chống IS vẫn tiếp diễn.