Syria đề nghị Liên hợp quốc duy trì các nghị quyết yêu cầu Israel rút khỏi Cao nguyên Golan

Syria ngày 22/3 đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) duy trì các nghị quyết yêu cầu Israel rút khỏi Cao nguyên Golan sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington sẽ công nhận chủ quyền của Israel đối với khu vực này.

Chú thích ảnh
Xe quân sự Israel tham gia huấn luyện trên vùng đất chiếm đóng của Cao nguyên Golan ngày 7/5/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một lá thư gửi HĐBA LHQ, Đại sứ Syria tại LHQ Bashar Jaafari đề nghị HĐBA tiến hành các biện pháp thiết thực nhằm đảm bảo cơ quan này thực thi đầy đủ nhiệm vụ của mình trong việc thực hiện các nghị quyết liên quan đến Cao nguyên Golan. Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres tái khẳng định quan điểm của tổ chức đa phương này trong vấn đề Israel chiếm đóng Cao nguyên Golan từ Syria trong cuộc xung đột kéo dài 6 ngày năm 1967.

Dự kiến HĐBA LHQ sẽ thảo luận vấn đề Cao nguyên Golan vào ngày 27/3 tới trong cuộc họp về việc nối lại nhiệm vụ của lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ giữa Israel và Syria tại Golan. 

Trước đó, trên mạng xã hội Twitter ngày 21/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận định: “Sau 52 năm, đã đến lúc Mỹ thừa nhận đầy đủ chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan, vốn đóng vai trò quan trọng an ninh và chiến lược trọng yếu đối với Nhà nước Israel và sự ổn định khu vực”. Động thái này của Tổng thống Trump đã vấp phải nhiều phản ứng từ cộng đồng quốc tế, tương tự quyết định trước đây của ông về việc chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem.

Khi được hỏi về quan điểm trên của Tổng thống Donald Trump, người phát ngôn LHQ Farhan Haq nhấn mạnh chính sách của LHQ dựa trên các nghị quyết của HĐBA cũng như những các nghị quyết của Đại Hội đồng LHQ về tình trạng của Cao nguyên Golan. Ông khẳng định các nghị quyết trên không thay đổi, do đó, chính sách của LHQ cũng không thay đổi. 

Mỹ đã ủng hộ Nghị quyết 242 được thông qua năm 1967, kêu gọi Israel rút khỏi lãnh thổ chiếm đóng trong cuộc chiến kéo dài 6 ngày cùng năm cũng như đề cập tới việc "không thể sáp nhập lãnh thổ thông qua chiến tranh". HĐBA sau đó đã thông qua một nghị quyết vào năm 1973 tái khẳng định yêu cầu Israel rút quân, và một nghị quyết trong năm 1981 ủng hộ biện pháp riêng rẽ theo đó, phản đối việc Israel sáp nhập Cao nguyên Golan.

Ngọc Hà (TTXVN)
EU và nhiều nước khẳng định không công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan
EU và nhiều nước khẳng định không công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan

Ngày 22/3, Liên minh châu Âu (EU) đã khẳng định lập trường không công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN