Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng những lời kêu gọi như vậy của Mỹ có nguy cơ gây bất ổn nghiêm trọng cho khu vực Trung Đông và hủy hoại những nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hòa bình trong khu vực.
Trong khi đó cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng cảnh báo tuyên bố của Tổng thống Mỹ về chủ quyền Cao nguyên Golan có nguy cơ gây ra một "cuộc khủng hoảng mới".
Phát biểu tại cuộc họp khẩn của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) tại Istanbul, Tổng thống Erdogan cho rằng tuyên bố của Tổng thống Mỹ là không thể chấp nhận được và có thể đẩy khu vực này đến bên bờ vực của một cuộc khủng hoảng mới. Ông khẳng định: "Chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép việc chiếm đóng Cao nguyên Golan là hợp pháp". Theo ông Erdogan, OIC sẽ không "im lặng trước một vấn đề nhạy cảm như này".
Trước đó, trên mạng xã hội Twitter ngày 21/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận định: “Sau 52 năm, đã đến lúc Mỹ thừa nhận đầy đủ chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan, vốn đóng vai trò quan trọng an ninh và chiến lược trọng yếu đối với Nhà nước Israel và sự ổn định khu vực”. Động thái này của Tổng thống Trump đã vấp phải nhiều phản ứng từ cộng đồng quốc tế, tương tự quyết định trước đây của ông về việc chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem.
Israel chiếm đóng Cao nguyên Golan trong thời gian xảy ra chiến tranh Trung Đông 1967 và sau đó sáp nhập vào lãnh thổ của mình năm 1981 trong một động thái không được cộng đồng quốc tế công nhận. Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã gây sức ép để Mỹ thừa nhận tuyên bố chủ quyền của Israel đối với khu vực tranh chấp này và đã đề cập khả năng này tại cuộc gặp đầu tiên của ông với Tổng thống Trump tại Nhà Trắng hồi tháng 2/2017.