Chuyên gia Trung Quốc nhận định về việc Phần Lan gia nhập NATO

Phần Lan gia nhập NATO khiến bối cảnh an ninh tổng thể của châu Âu trở nên'bấp bênh' hơn, có thể thúc đẩy Liên bang Nga tăng cường triển khai vũ khí hạt nhân.

Chú thích ảnh
Cờ của Phần Lan chuẩn bị được kéo lên trước trụ sở NATO ở Brussels. Ảnh: AFP

Với việc lá cờ Phần Lan lần đầu tiên tung bay bên ngoài trụ sở NATO tại Brussels vào ngày 4/4, quốc gia Bắc Âu này đã chính thức trở thành quốc gia thành viên thứ 31 của Liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu.

Sự kiện này đánh dấu một thay đổi lịch sử từ chính sách trung lập truyền thống của Phần Lan, mà các chuyên gia Trung Quốc cho rằng điều đó đang đẩy Helsinki lên tuyến đầu trong cuộc đối đầu với Nga và có thể thúc đẩy Moskva tăng cường triển khai vũ khí hạt nhân, do đó, làm cho bối cảnh an ninh chung của châu Âu trở nên bấp bênh hơn.

Tham dự buổi lễ chính thức gia nhập NATO ở Brussels về phía Phần Lan có Tổng thống Sauli Niinisto, Bộ trưởng Ngoại giao Pekka Haavisto và Bộ trưởng Quốc phòng Antti Kaikkonen. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết kể từ thời điểm này trở đi, "Phần Lan sẽ nhận được sự đảm bảo an ninh chắc chắn", vì quy tắc "một người vì mọi người, mọi người vì một người" hiện được áp dụng cho Phần Lan. Phần Lan cùng với Thụy Điển đệ đơn gia nhập NATO vào tháng 5/2022, chỉ vài tháng sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra.

Phản ứng về sự kiện trên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 4/4 cảnh báo rằng tư cách thành viên NATO của Phần Lan sẽ buộc Nga "thực hiện các biện pháp đối phó để đảm bảo an ninh chiến thuật và chiến lược của chính mình", vì sự liên kết quân sự của Helsinki là "sự leo thang của tình hình" và "xâm phạm an ninh của Nga".  

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko trước đó cho biết Moskva sẽ tăng cường năng lực quân sự ở các khu vực phía Tây và Tây Bắc (hướng biên giới với Phần Lan). "Trong trường hợp các thành viên NATO khác triển khai lực lượng trên lãnh thổ Phần Lan, chúng tôi sẽ thực hiện các bước bổ sung để đảm bảo an ninh quân sự của Nga", hãng thông tấn Nga RIA Novosti dẫn lời ông Grushko nêu rõ.

Nhận định về sự kiện Phần Lan gia nhập NATO, Cui Heng, học giả tại Trung tâm Nghiên cứu Nga của Đại học Sư phạm Hoa Đông (Trung Quốc), nói với tờ Hoàn cầu Thời báo: “Đối với những quốc gia bị kẹt giữa các cường quốc, việc không đứng về phía nào thực sự là một lựa chọn rất hợp lý. Việc từ bỏ tính trung lập và đặt mình vào tuyến đầu trong cuộc đối đầu của NATO với Nga chắc chắn sẽ làm tăng rủi ro an ninh của chính Phần Lan".

Nhà nghiên cứu Cui cho biết, hiện nay các tên lửa của NATO đã ở rất gần Nga, nên sẽ không có gì ngạc nhiên nếu chúng được triển khai tới Phần Lan trong tương lai. Vị chuyên gia Trung Quốc này lưu ý: "Nga nhất định phải phản ứng với những lo ngại về an ninh quốc gia mới này. Một mặt, Moskva có thể tăng cường tấn công trên chiến trường Ukraine. Mặt khác, nước này có thể tiếp tục tăng cường triển khai vũ khí hạt nhân".

Theo hãng tin AFP, khoảng một năm trước, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, hiện giữ chức phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga đã cảnh báo rằng nếu Phần Lan hoặc Thụy Điển gia nhập NATO, Moskva sẽ triển khai vũ khí hạt nhân gần các nước Baltic và Bắc Âu.

Về phần mình, Li Haidong, Giáo sư tại Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Học viện Ngoại giao Trung Quốc, nhận định rằng tư cách thành viên NATO của Phần Lan sẽ khiến an ninh chung của châu Âu trở nên bấp bênh hơn.

Giáo sư Li nhấn mạnh sự kiện trên cho thấy "Phần Lan đã mất chức năng làm cầu nối giữa Nga và châu Âu và hoàn toàn chọn bên đứng". Đối đầu quân sự giữa NATO và Nga sẽ ngày càng xấu đi, trong khi khả năng xảy ra xung đột hạt nhân giữa NATO và Nga đang gia tăng sẽ khiến việc đảm bảo an ninh cho tất cả các nước châu Âu trở nên khó khăn hơn.

Một số nhà phân tích cũng cho rằng tư cách thành viên NATO của Phần Lan sẽ kéo dài chiến tuyến của Liên minh quân sự này với Nga thêm 1.300 km (biên giới mà Phần Lan có chung với Nga), điều này sẽ gây thêm áp lực lên các khu vực phía Tây Bắc của Nga, nhưng các chuyên gia Trung Quốc lưu ý việc kéo dài chiến tuyến cũng có nghĩa là NATO cũng sẽ cần đầu tư thêm nguồn lực quốc phòng.

Chuyên gia Cui nói: "Vũ khí thông thường của Nga có thể đã tụt hậu so với vũ khí của toàn bộ khối NATO, vì vậy không cần thiết phải tăng mạnh vũ khí thông thường. Điều chính mà Nga cần để đối phó với NATO sẽ là vũ khí hạt nhân, chẳng hạn như nâng cấp khả năng phòng thủ hạt nhân của họ". Trong khi đó, Giáo sư Li nhận định: "Thật vô cùng nguy hiểm khi NATO buộc Nga phô diễn sức mạnh hạt nhân của mình". 

Học giả tại Trung tâm Nghiên cứu Nga trên kết luận: NATO đã tăng cường khả năng răn đe trước Nga bằng cách trao cho Phần Lan tư cách thành viên và Nga đã tăng cường khả năng răn đe bằng cách triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus, vì vậy "chiến lược của hai bên thực sự khá nhất quán". 

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Globaltimes.cn)
Belarus bắt giữ nhiều công dân Ukraine vì hoạt động gián điệp, âm mưu tấn công khủng bố
Belarus bắt giữ nhiều công dân Ukraine vì hoạt động gián điệp, âm mưu tấn công khủng bố

Thông tin trên được người đứng đầu Ủy ban An ninh quốc gia Belarus (KGB) Ivan Tertel đưa ra khi gặp Tổng thống Alexander Lukashenko và Giám đốc Cơ quan Tình báo đối ngoại (SVR) của Nga, ông Serge Naryshkin tại Minsk hôm 4/4.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN