Chuyên gia Nga đánh giá về 'người thắng, kẻ thua' mới trong cuộc xung đột ở Ukraine

Các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan, Armenia đang là những bên "chiến thắng" mới trong cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng có một số nước sẽ gặp thách thức từ sự kiện này.

Chú thích ảnh
Xung đột Nga-Ukraine đang tạo cơ hội cho một số nước láng giềng của Moskva. Ảnh: Eureporter.co

Tiến sĩ Khoa học Chính trị Ivan Timofeev, Giám đốc Chương trình tại Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga (RIAC), nhận định trên trang web của Câu lạc bộ Thảo luận Valdai ngày 25/4 rằng, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine đã làm rung chuyển trật tự thế giới đã tồn tại trong 30 năm qua. Nó đã gây ra những tổn thất và thiệt hại to lớn cho cả hai quốc gia. Có khả năng cao là sự thù địch sẽ kéo dài với những hậu quả chưa thể lường hết. Tuy nhiên, hiện đã có một số quốc gia bên ngoài đang được hưởng lợi từ cuộc xung đột này.

Thổ Nhĩ Kỳ dường như là một trong những nước hưởng lợi chính từ cuộc xung đột. Ankara đã và đang hành động khéo léo và được lợi từ tất cả các bên. Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ phản đối hoạt động quân sự của Nga và thể hiện tình đoàn kết với các đồng minh NATO.

Trong quan hệ với Mỹ và các đồng minh khác, vị thế của nước này ngày càng được củng cố. Trước khi xung đột nổ ra, nước này gây ra một loạt lo ngại với các đồng minh phương Tây như vụ mua vũ khí của Nga (S-400), các lệnh trừng phạt liên quan của Mỹ và căng thẳng với EU về việc thăm dò ở Đông Địa Trung Hải, thái độ cảnh giác đối với vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria và Libya, cũng như các vấn đề nhân quyền. Với cuộc khủng hoảng ở Ukraine, tất cả điều này đã bị lu mờ. Mặt khác, Ankara đang tích cực cung cấp vũ khí cho Ukraine, trong đó có máy bay không người lái (UAV) Bayraktar.

Đồng thời, Ankara vẫn duy trì quan hệ mang tính xây dựng với Moskva. Tổng thống Tayyip Erdogan đã từ chối thực hiện các biện pháp trừng phạt chống Nga. Các công ty Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng "lấp chỗ trống" trên thị trường Nga sau khi các công ty phương Tây rút khỏi. Vai trò trung gian kinh tế của nước này trong quan hệ giữa Nga và phương Tây ngày càng lớn, hứa hẹn mang lại những khoản lợi nhuận khổng lồ. Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã thể hiện sự linh hoạt trong quan hệ tài chính với Moskva như chấp nhận thẻ Mir (phiên bản Visa hoặc MasterCard của Nga). 

Bên cạnh đó, Ankara đang tìm cách đóng vai trò hòa giải trong việc giải quyết xung đột. Cho đến nay, những nỗ lực này vẫn chưa thành công, nhưng không một quốc gia phương Tây nào, mặc dù một số là trung lập (Thụy Sĩ, Phần Lan, Thụy Điển), hiện có thể đảm nhận vai trò như vậy. Xét về điều kiện, Thổ Nhĩ Kỳ có đủ ảnh hưởng chính trị vì là một phần của cộng đồng an ninh phương Tây, đồng thời đóng một vai trò độc lập. Do đó, cuộc khủng hoảng Ukraine đã củng cố vị thế của Ankara.

Azerbaijan là một quốc gia hưởng lợi khác. Baku duy trì quan hệ đối tác với Moskva, nhưng ở mức độ vừa phải. Cuộc khủng hoảng hiện tại đã làm tăng mạnh nhu cầu đối với dầu của Azerbaijan. Do đó, nước này sẽ tăng nguồn thu đáng kể từ dầu. Đồng thời, Azerbaijan vẫn là đối tác của Mỹ, Anh, EU và các nước phương Tây khác. Cuộc khủng hoảng Ukraine cũng có thể làm chuyển hướng sự chú ý của Nga khỏi vấn đề Nagorno-Karabakh (tranh chấp với Armenia).

Armenia cũng nhận được lợi ích từ cuộc xung đột. Hàng chục nghìn người Nga đang chuyển đến Yerevan, trong đó có những doanh nhân năng động và có kỹ năng trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Armenia đã trở thành một trung tâm thu hút đối với họ, với một môi trường tốt, khả năng lưu trú dài ngày được miễn thị thực, các thủ tục tương đối thuận tiện để xin giấy phép cư trú và sự đảm bảo của các dịch vụ tài chính. Yerevan đã trở thành giải pháp tối ưu cho các doanh nhân vừa và nhỏ làm việc để xuất khẩu các dịch vụ trí tuệ của họ. Nước này đang nhận được một nguồn nhân lực chất lượng cao và kéo theo đó là hiệu quả kinh tế. 

Kazakhstan cũng đóng vai trò là trung tâm thương mại của các doanh nhân Nga. Kazakhstan là một thị trường lớn, có đường biên giới dài với Nga, điều này tạo cơ hội cho việc tái xuất hàng hóa sang Nga. Các nhà chức trách nước này cho biết họ sẽ không lách các lệnh trừng phạt của phương Tây. Nhưng họ cũng có thể lấp chỗ trống trên thị trường Nga do các công ty phương Tây để lại. Ngoài ra, vẫn còn nhiều cơ hội để cung cấp các sản phẩm của họ cho Nga thông qua Kazakhstan mà không vi phạm các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Trong khi đó, Turkmenistan có thể sẽ được hưởng lợi từ giá khí đốt tăng. Ngược lại, Kyrgyzstan và Tajikistan có thể thiệt hại do dòng kiều hối từ Nga giảm vì thị trường thu hẹp. Uzbekistan ổn định hơn về mặt này do quy mô nền kinh tế lớn hơn.

Với Belarus, nước này sẽ chịu tác động lớn từ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Dù được bù đắp một phần nhờ vào việc làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại với Nga, nhưng do thị trường Nga bị thu hẹp, hiệu quả của mối quan hệ đối tác như vậy có thể thấp hơn dự kiến. 

Moldova có lẽ là “kẻ thua cuộc” trong cuộc khủng hoảng hiện nay. Nước này đã tiếp nhận một lượng lớn người sơ tán từ Ukraine. Brussels sẽ hỗ trợ tài chính cho Moldova để giúp những người sơ tán. Nhưng gánh nặng xã hội đối với nền kinh tế Moldova sẽ tăng lên. Ngoài ra, Moldova đang phải đối mặt với việc giá nhiên liệu tăng đáng kể, điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Tóm lại, Tiến sĩ Timofeev cho rằng, đối với hầu hết các nước láng giềng của Nga, xung đột giữa Moskva và Kiev mở ra những cơ hội lớn và thời gian sẽ cho biết chính xác họ tận chúng như thế nào. Tuy nhiên, nếu cuộc xung đột leo thang tới mức dẫn đến một cuộc đụng độ quân sự giữa Nga và NATO, điều này có thể làm mất đi nhiều lợi ích của các nước như thảo luận ở trên.

Công Thuận/Báo Tin tức (Valdaiclub.com)
Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường áp lực với Nga
Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường áp lực với Nga

Chuyên gia Nga đánh giá lý do Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa không phận với máy bay quân sự và dân sự Nga tới Syria.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN