Ngoại giao, trừng phạt thất bại
Theo ông Steve Ganyard, trong hai tháng qua, quá trình giải quyết mối đe dọa từ Triều Tiên về cơ bản đã thay đổi. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã cho phóng một quả tên lửa có thể vươn tới hầu hết mọi nơi trên nước Mỹ, đã kích hoạt một quả bom nhiệt hạch có sức mạnh gấp ít nhất 20 lần so với quả bom nguyên tử bị thả xuống Hiroshima năm nào, đã cho thế giới thấy Triều Tiên có thể thu nhỏ vũ khí hạt nhân lắp vừa vào tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN |
Triều Tiên giờ đã trở thành mối nguy hiểm với Mỹ và đồng minh cũng như có nguy cơ gây bất ổn trên thế giới. Nguy cơ đó càng rõ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa hủy diệt Triều Tiên trước Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 19/9 và Triều Tiên đáp trả bằng tuyên bố có thể thử bom nhiệt hạch trên Thái Bình Dương.
Trong bối cảnh đó, ông Ganyard cho rằng những lựa chọn không mấy dễ chịu đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump không khác mấy so với lựa chọn của những tổng thống trước đó: dùng biện pháp ngoại giao nhiều hơn, trừng phạt kinh tế nhiều hơn, tấn công quân sự phòng ngừa vào các cơ sở tên lửa và hạt nhân Triều Tiên.
Biện pháp ngoại giao với Triều Tiên trong hàng chục năm qua đã thất bại. Khi tốc độ phát triển chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên tiếp tục gia tăng, nước này không có động cơ để đàm phán và đã tuyên bố rõ ràng rằng sẽ không đàm phán về phi hạt nhân hóa. Trong khi đó, Mỹ không có gì mới để mang ra trao đổi với Trều Tiên.
Một điều quan trọng nữa là không có biện pháp trừng phạt kinh tế nào có thể hữu hiệu nếu thiếu sự hợp tác từ Trung Quốc. Mà việc Trung Quốc hợp tác toàn tâm toàn ý với Mỹ trong trừng phạt Triều Tiên khó có thể xảy ra vì bản thân Trung Quốc có lợi ích khi chính quyền ở Triều Tiên ổn định.
Các biện pháp trừng phạt Triều Tiên của Liên hợp quốc cũng bị Trung Quốc hạn chế mức độ nghiêm trọng, đến mức Tổng thống Trump coi các biện pháp này không phải là điều gì to tát. Như Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nhận định, người Triều Tiên sẽ “ăn cỏ” nếu phải ăn để truy trì chương trình hạt nhân, tên lửa.
Thông thường, khi ngoại giao và trừng phạt thất bại thì quân sự sẽ “lên tiếng”. Tuy nhiên, vì có quá ít thông tin tình báo nên nếu tấn công phòng ngừa nhằm vào các cơ sở hạt nhân Triều Tiên, Mỹ sẽ chắc chắn đánh trượt các mục tiêu quan trọng của chương trình hạt nhân.
Điều đáng lo ngại hơn là một cuộc tấn công trực tiếp sẽ có nguy cơ kích hoạt một cuộc chiến hủy diệt trên bán đảo Triều Tiên, trong đó vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng. Thậm chí, Triều Tiên có thể nã một loạt vũ khí hạt nhân vào lục địa Mỹ.
Tuy nhiên, Mỹ cũng không thể đứng yên cho phép Triều Tiên đe dọa và cho phép phổ biến công nghệ vũ khí hạt nhân. Vậy Mỹ và đồng minh cần làm gì?
“Kiềm chế chủ động”
Trong bối cảnh đó, chuyên gia Ganyard cho rằng còn có một lựa chọn khác, một chiến lược “kiềm chế chủ động” sử dụng năng lực quân sự sẵn có: xây dựng một vành đai phòng thủ tên lửa trong vùng biển quốc tế quanh Triều Tiên. Vành đai phòng thủ này sẽ hạ gục mọi tên lửa từ khi nó được Triều Tiên phóng.
Tàu khu trục Kirishima lớp Aegis của Nhật Bản phóng tên lửa từ ngoài khơi Hawaii. Ảnh: Reuters |
Đây là cách tiếp cận có thể nhanh chóng giải quyết vấn đề khó khăn một cách hiệu quả mà lại vừa phải, có thể ngăn chặn ông Kim Jong-un tiếp tục phát triển các vũ khí hạt nhân.
Ông Ganyard cho rằng ý tưởng này là khả thi xét tới công nghệ hải quân hiện nay. Hải quân Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đều có hệ thống radar Aegis hiện đại và có khả năng tương tác. Các nước này có thể mua tên lửa SM-3, loại tên lửa có thể đánh chặn phần lớn tên lửa Triều Tiên trên đường bay. Điều quan trọng nhất là phiên bản Block IIA mới nhất của SM-3 cũng có thể hạ gục loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) cho dù tên lửa này vừa bay lên hay đang bay ở giai đoạn cuối.
Dữ liệu hải quân Mỹ được giải mật cho thấy chỉ cần hai tàu khu trục của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc trong vùng biển quốc tế ngoài Triều Tiên là có thể tạo thành một vành đai phòng thủ tên lửa. Trong đó, một tàu ở Biển Nhật Bản gần phía đông Hàn Quốc và một ở phía nam Hàn quốc ở Biển Hoàng Hải.
Các cảm biến trên không gian và radar hiệu quả ở Hàn Quốc và Nhật Bản có thể phát hiện tên lửa bay lên và truyền dữ liệu mục tiêu ban đầu về các tàu trên biển. Sau đó, các tàu có thể phóng tên lửa phá hủy tên lửa Triều Tiên đang bay.
Quá trình đánh chặn có thể được tính toán sao cho nó xảy ra bên ngoài không phận Triều Tiên và sao cho các mảnh vỡ rơi xuống đại dương một cách vô hại.
Chiến lược này cũng giống như các chiến lược khác, tức là đều có rủi ro phải tính tới. Một rủi ro là có thể đánh trượt tên lửa Triều Tiên. Tuy nhiên, các nước có thể bẽ mặt trong lần đầu đánh trượt nhưng sẽ rút được kinh nghiệm để hoàn thiện năng lực kỹ thuật nhanh chóng để đánh trúng trong lần tiếp theo.
Vấn đề pháp lý của việc bắn hạ một tên lửa cũng được tính đến. Tuy nhiên, dù Triều Tiên có thể tuyên bố thử tên lửa hòa bình nhưng Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản có thể đưa ra lý do là phòng vệ tập thể.
Triều Tiên khó có thể coi các nước vi phạm chủ quyền hoặc khó có thể tìm kiếm sự thông cảm ở Liên hợp quốc khi mà chương trình tên lửa của nước này đã bị coi là bất hợp pháp. Đánh chặn tên lửa bất hợp pháp trên không phận quốc tế từ vùng biển quốc tế sẽ khiến Triều Tiên không có lý do để phản đối.
Rủi ro tồi tệ nhất trong cách này là Triều Tiên có thể đưa ra các động thái quân sự khác khi bị ngăn chặn khả năng phóng tên lửa.
Với các điểm mạnh và rủi ro nói trên, ông Ganyard cho rằng kiềm chế chủ động sẽ giải quyết không chỉ mối đe dọa hiện tại từ Triều Tiên mà còn cả mối đe dọa trong tương lai.