Chuyên gia Ấn Độ lý giải nguyên nhân xung đột Nga - Ukraine chưa thể chấm dứt

Hiện tại không có bên liên quan nào nghĩ đến giải pháp ngoại giao để chấm dứt xung đột Nga - Ukraine vì lợi ích chiến lược riêng của họ, muốn tạo lợi thế trước khi quay trở lại bàn đàm phán.

Chú thích ảnh
Cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa thấy hồi kết do các bên liên quan đều không muốn là kẻ thất bại hoàn toàn. Ảnh: Reuters

Thiếu tướng Shashi Asthana, nhà phân tích chiến lược của Ấn Độ với nhiều năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực quốc tế và Liên hợp quốc, cho rằng xung đột Nga - Ukraine dường như đang bước vào giai đoạn nguy hiểm, với những bước ngoặt quan trọng sau khi Moskva sáp nhập thêm 4 vùng ở khu vực miền Đông Ukraine cũng như huy động lực lượng một phần 300.000 quân nhân dự bị cho các nhiệm vụ ở tiền tuyến. Những thành công gần đây từ cuộc phản công của Ukraine, khi các khoản viện trợ quân sự tích lũy lên đến hơn 60 tỷ USD đổ vào Kiev, đứng đầu là Mỹ, dường như đã khuyến khích Tổng thống Zelensky tuyên bố "sẽ đánh bại" Nga và giành lại quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ của mình. 

Theo ông Asthana, cuộc xung đột kéo dài này đang khiến tất cả mọi người trên thế giới bị ảnh hưởng bởi áp lực lạm phát, gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có và tình trạng thiếu lương thực trầm trọng. Trong bối cảnh đó, ngoại giao và đàm phán để chấm dứt xung đột lẽ ra đã là lựa chọn hợp lý từ lâu, nhưng dường như không bên liên quan nào nghĩ đến điều này vì lợi ích chiến lược riêng, muốn tạo lợi thế trước khi quay trở lại bàn đàm phán. Tất cả các bên đều biết rằng họ không thể là người chiến thắng hoàn toàn trong cuộc xung đột này, nhưng vẫn chấp nhận kéo dài tổn thất của mình để tránh trở thành kẻ thua cuộc.

Với Nga, nước này vẫn chưa đạt được mục tiêu chiến lược là kiểm soát hoàn toàn khu vực Donbass và phần còn lại ở miền Nam Ukraine để phá thế phong tỏa khu vực này, nhằm kết nối và thúc đẩy hợp tác với vùng Transnistria. Moskva cũng đang chịu những tổn thất lớn và không nhận được sự hỗ trợ trang thiết bị quân sự đáng kể từ bên ngoài khi xung đột kéo dài; do đó để củng cố lợi ích của mình, Moskva đã bố trí lại lực lượng bằng cách rút khỏi những khu vực không thân thiện với Nga.

Bên cạnh đó, Nga có thể sẽ mở rộng giới tuyến đối đầu trên bộ trực tiếp với NATO thêm hàng nghìn km khi Phần Lan gia nhập liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu này. Moskva cũng tiếp tục hứng chịu những cuộc phản công từ các khả năng tầm xa mà Ukraine mới nhận từ phương Tây, sử dụng máy bay không người lái cũng như các cuộc đột kích bí mật của các lực lượng đặc biệt và các tổ chức phi nhà nước như vụ nổ ở cầu Crimea.

Rõ ràng, Nga nhận thấy những thách thức trong các lĩnh vực kinh tế, ngoại giao, chiến tranh thông tin và cả áp lực chính trị. Do đó, nước này có xu hướng duy trì việc kiểm soát các vùng lãnh thổ hiện có và kéo dài xung đột sang mùa Đông, điều có thể tạo lợi thế cho một cuộc tấn công mới nhằm hoàn thành các mục tiêu quân sự còn lại để dẫn đến một vị thế đàm phán mạnh hơn để dẫn đến việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Với Ukraine, sau khi nhận được nhiều viện trợ từ phương Tây và có một số thành công nhất định trong các hoạt động phản công của mình, Tổng thống Zelensky cũng có xu hướng không muốn nhượng bộ để chấm dứt xung đột.

Ukraine không thể bỏ qua thực tế rằng họ đã mất 15% diện tích lãnh thổ kể từ khi độc lập, với hơn 10 triệu người phải đi sơ tán, tị nạn; các thị trấn bị tàn phá; chịu nhiều thương vong. Trong khi hỗ trợ quân sự của NATO do Mỹ dẫn đầu có thể tăng sức mạnh chiến đấu để tiến hành một số cuộc phản công, việc giành lại quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ từ ​​Nga sẽ rất khó khăn, thậm chí còn trong bối cảnh lo ngại sử dụng vũ khí hạt nhân.

Sự hỗ trợ quân sự của NATO để kéo dài xung đột sẽ không giúp Ukraine hướng gần đến hòa bình hơn; tuy nhiên, nó có thể dẫn đến những thay đổi lâu dài đối với cơ cấu lãnh thổ cùng cuộc chiến ủy nhiệm không hồi kết. Tổng thống Zelensky cũng nhận thức được rằng trong cuộc chiến truyền thông mà phương Tây miêu tả ông như một anh hùng và người chiến thắng rõ ràng là không chắc chắn, nhưng ông Zelensky vẫn chấp nhận kéo dài cuộc xung đột để bảo đảm vị thế chính trị của mình và tiếp tục nhận viện trợ.

Với NATO, Liên minh này có lẽ được khuyến khích bởi những thành công từ các cuộc phản công của Ukraine, nhưng họ cũng lo ngại về những cảnh báo hạt nhân của Moskva vì nếu Nga bị "dồn vào chân tường" thì một cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật là điều có thể xảy ra.

Trước việc Phần Lan và Thụy Điển chuẩn bị gia nhập, NATO đang muốn bổ sung cả hai quân đội mạnh này để đảm bảo sườn phía Bắc của mình nhằm tạo ra thế trận an ninh tập thể tốt hơn về lâu dài. Do đó, NATO sẽ vừa tiếp tục hối thúc Nga chấm dứt xung đột trong khi hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến ủy nhiệm kéo dài vì việc tổ chức đàm phán khi một phần lãnh thổ Ukraine vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Nga sẽ bị coi là điểm yếu của NATO.

Về phần mình, Mỹ có thể hưởng lợi từ việc mua bán vũ khí, năng lượng và các hợp đồng tái thiết sau xung đột ở Ukraine. Họ có thể biện minh cho việc gia tăng viện trợ gần đây để theo đuổi mục tiêu làm suy yếu Nga, nhưng tổn thất chiến lược lớn nhất của việc này là nó khiến Nga, Trung Quốc và Iran xích lại gần nhau hơn. Các nước này có thể bắt đầu áp dụng các hệ thống tài chính toàn cầu/địa phương hóa thay thế, làm suy yếu sự ràng buộc đối với hệ thống tài chính toàn cầu hiện tại do Mỹ chi phối.

Tóm lại, Thiếu tướng Asthana kết luận, trong cuộc cạnh tranh và đối đầu ở Ukraine, nhu cầu toàn cầu là cuộc xung đột này nên kết thúc, nhưng đàm phán hòa bình hiện khó có thể xảy ra, vì Nga vẫn chưa đạt được các mục tiêu chiến lược trên thực tế, điều cần thiết để thuyết phục phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Mặt khác, phương Tây do Mỹ dẫn đầu không có bất kỳ đòn bẩy nào để đàm phán với Moskva, vì vậy họ nhận thấy việc làm suy yếu Nga thông qua cuộc chiến ủy nhiệm đang diễn ra ở Ukraine, là lựa chọn hợp lý nhất. 

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Moderndiplomacy.eu)
Tác động của cuộc xung đột ở Ukraine đối với lĩnh vực dầu khí Nga
Tác động của cuộc xung đột ở Ukraine đối với lĩnh vực dầu khí Nga

Ngành công nghiệp dầu khí của Nga có thể là trọng tâm khi Moskva huy động nền kinh tế để hỗ trợ các lực lượng vũ trang của mình trong cuộc xung đột với Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN