Theo bình luận của công ty tình báo năng lượng (Energy Intelligence Group) ngày 26/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây đã thiết quân luật tại 4 vùng vừa bị sáp nhập. Một số khu vực khác của Nga, bao gồm cả Moskva, hiện đang được đặt trong chế độ cảnh báo đặc biệt có thể áp dụng các biện pháp nhanh và đột xuất của chính quyền địa phương để đối phó với các tình huống khẩn cấp do xung đột.
Một hội đồng điều phối do Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin làm Chủ tịch đã được thành lập để huy động nền kinh tế đáp ứng nhu cầu của quân đội. Mục đích là đưa ra các quyết định nhanh chóng để cung cấp cho quân đội tất cả các vật chất và trang thiết bị cần thiết và các hoạt động kinh tế cũng tham gia vào quá trình này.
Những vấn đề trên đặt ra câu hỏi về những thay đổi có thể xảy ra trong chính sách kinh tế của Nga và tác động đến lĩnh vực dầu khí của nước này. Nhiều chuyên gia dự báo sẽ có sự kiểm soát của nhà nước nhiều hơn đối với ngành công nghiệp này, cũng như nhu cầu ngày càng tăng của chính phủ đối với tiền mặt từ lĩnh vực kinh doanh dầu khí.
Các công ty kinh doanh dầu khí cho biết cho đến nay, việc áp dụng chế độ đặc biệt ở một số khu vực đã dẫn đến các biện pháp an ninh tăng cường được thực hiện để bảo vệ cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng, bao gồm đường ống, nhà máy lọc dầu, bồn chứa dầu và các cơ sở khác.
Các biện pháp phòng ngừa được tăng cường sau vụ phá hủy cầu Crimea, các vụ nổ trên đường ống dẫn khí đốt Nord Stream cũng những gì ông Putin nói là những nỗ lực tấn công đường ống Thổ Nhĩ Kỳ (Turk Stream) và các cơ sở hạ tầng năng lượng khác đã bị đánh bại.
Các công ty dầu mỏ của Nga cũng phải đối mặt với tình trạng mất nhân sự do sắc lệnh huy động lực lượng quân sự một phần của Tổng thống Putin.
Bên cạnh đó, Chính phủ Nga có thể đặt ra nhiều yêu cầu hơn nữa để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của quân đội đối với các sản phẩm dầu mỏ, đặc biệt nếu xung đột kéo dài hoặc leo thang hơn nữa. Nhu cầu về nguồn cung cấp nhiên liệu cho máy bay chiến đấu đã tăng cao với việc các lực lượng vũ trang của Nga đã tăng cường mua trong nửa đầu tháng này.
Các nhà máy lọc dầu của Nga cũng có thể buộc phải duy trì sản lượng và nguồn cung cấp các sản phẩm dầu cần thiết ngay cả khi họ phải đối mặt với mức lợi nhuận thấp.
Mặt khác, duy trì sản lượng dầu thô và khí ngưng tụ ở mức hiện tại khoảng 10,6 triệu thùng/ngày, đồng thời tìm kiếm người mua mới cho khối lượng xuất khẩu cũng có thể là yếu tố quan trọng đối với Moskva do nhu cầu tài chính lớn cho xung đột.
Theo dự thảo ngân sách cho năm 2023, doanh thu từ dầu và khí đốt được lên kế hoạch ở mức 9 nghìn tỷ rúp (184 tỷ USD), nhưng điều này khó có thể đạt được do lệnh cấm vận đối với dầu thô và các sản phẩm dầu của Nga có hiệu lực lần lượt vào ngày 5/12/2022 và ngày 5/2/2023.
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov thừa nhận nguy cơ thu nhập giảm trong năm tới. “Nếu không có những khoản thu ngân sách này, chúng tôi sẽ tìm kiếm các nguồn tài trợ khác và chuẩn bị các đề xuất để đảm bảo cân đối ngân sách”, ông Siluanov nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng truyền thông RBC của Nga.
Bộ trưởng Siluanov khẳng định rằng nhà nước sẽ tăng thuế, bao gồm cả đối với lĩnh vực dầu khí. Duma Quốc gia tuần trước đã thông qua lần đầu tiên dự thảo luật dự kiến mức thuế khai thác khoáng sản (MET) cao hơn đối với dầu thô và đối với Gazprom, trong khi các nhà xuất khẩu LNG cũng sẽ phải chịu lợi nhuận thấp hơn do tăng thuế.
Ưu tiên khí đốt
Nhiệm vụ chính của ngành công nghiệp khí đốt Nga vẫn là đáp ứng nhu cầu trong nước trong suốt mùa Đông đồng thời đảm bảo an toàn cho các cơ sở sản xuất và vận chuyển. Nhu cầu trong nước ở Nga không tăng trong năm nay và bất kỳ khả năng suy giảm của nền kinh tế sẽ gây thêm áp lực lên nhu cầu khí đốt. Sản lượng khí đốt của Nga đã giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái trong 9 tháng đầu năm 2022, mặc dù điều này chủ yếu là do xuất khẩu khí đốt đường ống giảm mạnh.
Các nhà xuất khẩu khí đốt qua đường ống và LNG của Gazprom và Novatek đã được hưởng lợi về mặt tài chính từ giá xuất khẩu cao và chấp nhận rằng họ phải chia sẻ lợi nhuận thu được với nhà nước thông qua các khoản thuế bổ sung.
Nguồn thu ngân sách chủ chốt của Điện Kremlin - Gazprom do nhà nước kiểm soát - sẽ sớm hoàn thành việc chia cổ tức với tổng số tiền 1,2 nghìn tỷ rúp cho nửa đầu năm 2022, theo sự chấp thuận của các cổ đông vào cuối tháng 9. Gazprom, nhà xuất khẩu khí đốt đường ống duy nhất của Nga, cũng sẽ bắt đầu trả MET cao hơn từ tuần này.
Tuy nhiên, dự báo về vai trò lớn hơn của nhà nước trong nền kinh tế Nga đã làm dấy lên suy đoán về khả năng có thể xảy ra việc tập đoàn Rosneft do nhà nước kiểm soát sẽ tiếp quản nhà sản xuất dầu độc lập hàng đầu của Nga Lukoil.
Nhiều nhà kinh doanh trên thị trường năng lượng đã chỉ ra sự ra đi của các nhân vật chủ chốt của Lukoil và các cổ đông lớn là Vagit Alekperov và Leonid Fedun, cũng như cái chết bất thường của Chủ tịch hội đồng quản trị Ravil Maganov, là những dấu hiệu của những thay đổi sắp tới.