Dẫu vậy, sau những cái bắt tay, nụ cười và những lời lẽ nồng ấm giữa hai nhà lãnh đạo đương nhiệm, liệu bản tuyên bố chung chứa đựng những cam kết hướng tới nền hòa bình thực sự có được hiện thực hóa hay không, vẫn còn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (thứ 2, trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (thứ 2, phải) tại lễ ký Tuyên bố chung ở Singapore ngày 12/6. Ảnh: THX/TTXVN |
Tuyên bố chung cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều gồm 4 nguyên tắc cơ bản có thể coi là kết quả hợp logic của xu hướng hòa giải đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên. Việc hai bên nhất trí thiết lập nền hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên thông qua xây dựng một cơ chế hòa bình ổn định và lâu dài ở khu vực này là điểm nổi bật và mấu chốt của bản tuyên bố chung. Theo đó, Tổng thống Trump cam kết đảm bảo an ninh cho Triều Tiên, còn nhà lãnh đạo Kim Jong-un tái khẳng định phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến bày tỏ sự hoài nghi khi cho rằng văn kiện được 2 nhà lãnh đạo Mỹ - Triều ký kết dường như mới chỉ dừng ở những tuyên bố chung chung, thiếu những chi tiết cụ thể cũng như không đưa ra khung thời gian rõ ràng để thực hiện những cam kết. Không ít ý kiến cho rằng tuyên bố chung rất được trông đợi này về cơ bản chỉ là lời hứa hẹn hướng tới quan hệ ngoại giao tốt đẹp hơn và hòa bình cho bán đảo Triều Tiên. Đặc biệt, khi cả hai bên đều coi cam kết của bên kia là điều kiện tiên quyết cho hành động của mình, việc bên nào sẽ thể hiện thiện chí bằng hành động cụ thể sẽ là vấn đề.
Về phía Mỹ, dường như cam kết của Tổng thống Trump đã đi ngược lại ý muốn của các thế lực trong tổ hợp công nghiệp - quân sự Mỹ từ lâu luôn hưởng lợi từ những cuộc xung đột hay chiến tranh trên khắp thế giới. Thế lực này có thể cản trở Quốc hội Mỹ thông qua bất kỳ thỏa thuận nào cho phép Washington thực hiện cam kết với Bình Nhưỡng. Để thực hiện cam kết, Mỹ cũng cần tính tới nhiều yếu tố bên ngoài. Như việc Mỹ triển khai quân và khí tài ở Hàn Quốc, hoàn toàn phụ thuộc vào hiệp định song phương giữa Mỹ với Hàn Quốc nói riêng cũng như các thỏa thuận giữa Mỹ và các đồng minh chiến lược khác ở Đông Bắc Á, như Nhật Bản. Nếu muốn rút quân, Mỹ phải tính tới cán cân lực lượng ở khu vực Đông Bắc Á.
Về phía Triều Tiên, cam kết "hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên" trong thỏa thuận không khác so với những gì ông Kim Jong-un đưa ra trong Tuyên bố Panmunjom ký với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi tháng 4 vừa qua. Vấn đề là ở chỗ đây không phải lần đầu tiên Triều Tiên đưa ra cam kết về phi hạt nhân hóa. Ít nhất, năm 1994 và 2005, Triều Tiên cũng từng đưa ra những cam kết hướng tới hạn chế và dừng hoàn toàn chương trình hạt nhân, xong mọi chuyện lại quay về điểm xuất phát khi Bình Nhưỡng và Washington liên tục cáo buộc lẫn nhau vi phạm các thỏa thuận.
Mặc dù khẳng định Mỹ - Triều cùng nỗ lực kiến tạo một nền hòa bình ổn định lâu dài trên bán đảo Triều Tiên, song tuyên bố chung lại không đề cập đến một Hiệp ước hòa bình, chính thức chấm dứt tình trạng đình chiến tại khu vực này. Ông Trump chỉ đưa ra những đảm bảo an ninh "không cụ thể" cho Triều Tiên, tương tự như cam kết phi hạt nhân hóa "mơ hồ" của Bình Nhưỡng khi không nói rõ lịch trình và quy mô của các hoạt động này.
Tương tự, hiện cũng không có điều khoản cụ thể nào về vấn đề hạt nhân trong tuyên bố hôm 12/6 và không có lời khẳng định chung nào về mục tiêu giải trừ hạt nhân “hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược” mà các cố vấn của ông Trump trước đó cho là mấu chốt của thành công. Mấu chốt của sự "lệch pha" giữa Mỹ và Triều Tiên nằm ở trình tự phi hạt nhân hóa. Với Mỹ, đó là việc Triều Tiên phải tiến hành phi hạt nhân hóa một cách hoàn toàn, có kiểm chứng và không thể đảo ngược.
Trong khi đó, Triều Tiên lại coi việc phi hạt nhân hóa cần được tiến hành từng giai đoạn và Bình Nhưỡng muốn chủ động trong lịch trình này. Mặc dù trong cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đồng ý cam kết giải trừ kho vũ khí hạt nhân theo đúng yêu cầu của phía Mỹ, tiến trình này cũng sẽ rất phức tạp khi chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng phần lớn vẫn được giữ bí mật.
Từng có chuyên gia nhận định rằng với quy mô chương trình hạt nhân của Triều Tiên như những gì nước này đã thể hiện, có thể phải mất hàng thập kỷ để hoàn toàn mục tiêu hạt nhân hóa. Không loại trừ khả năng một chính quyền mới ở Mỹ, sau Tổng thống Donald Trump, có thể đảo ngược những cam kết trong tuyên bố chung ngày 12/6. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra nếu xét tới việc chính quyền Tổng thống Trump cũng từng “đảo ngược” các chính sách của chính quyền tiền nhiệm, như thỏa thuận hạt nhân Iran hay quan hệ với Cuba.
Ngay cả việc Mỹ và Triều Tiên cam kết thiết lập các mối quan hệ mới phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước vì hòa bình và thịnh vượng cũng bị đánh giá là mơ hồ và đòi hỏi thời gian lâu dài để hiện thực hóa. Nội hàm của "mối quan hệ mới" này cụ thể như thế nào vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ và cần phải được hai bên xác định trong các cuộc đàm phán sắp tới. Thực tế cho thấy việc thiết lập quan hệ ngoại giao Mỹ - Triều đã từng được đề cập đến khi hai bên đạt được thỏa thuận về Thỏa thuận khung Geneva năm 1994 dưới thời chính quyền Tổng thống Bill Clinton. Khi đó, hai bên nhất trí sẽ mở văn phòng liên lạc tại thủ đô mỗi nước và tiến tới nâng cấp thành đại sứ quán. Tuy nhiên, điều này đã không được hiện thực hóa khi quan hệ giữa hai nước liên tục rơi vào tình trạng căng thẳng.
Bên cạnh đó, khi thỏa thuận chuyển sang giai đoạn tiếp theo, chắc chắn Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ cần đến sự trợ giúp của các nước láng giềng và khu vực để có thể hiện thực hóa những cam kết. Trong tương lai, Mỹ sẽ phải tìm kiếm một cách tiếp cận toàn diện hơn bằng cách phối hợp chặt chẽ với Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga, thậm chí là Liên hợp quốc (LHQ), Liên minh châu Âu (EU) và các cường quốc khác như Autralia, Singapore và Ấn Độ để giải quyết những thách thức, khó khăn. Một cách tiếp cận đa phương sẽ là lựa chọn khả thi duy nhất để giải quyết vấn đề hạt nhân với một kết quả chắc chắn. Tuy nhiên, với sự tham gia của nhiều bên với lợi ích vừa đan xen vừa có phần trái ngược nhau, mọi vấn đề sẽ đều trở nên phức tạp hơn.
Chữ ký của Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) trong bản Tuyên bố chung kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Sentosa, Singapore ngày 12/6. Ảnh: AFP/TTXVN |
Mặc dù vẫn còn nhiều hoài nghi, song cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều vẫn được đánh giá là một thành tựu ngoại giao lịch sử của cả hai nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, rõ ràng từ cam kết tới hành động cụ thể là một khoảng cách mà người ta chưa thể xác định cụ thể là dài hay ngắn, bởi lịch sử cho thấy vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên luôn rất phức tạp. Dù sao, những viên gạch hướng tới thành công đã được đặt đúng vị trí và giờ đây các bên cần phải dùng lòng tin và quyết tâm chính trị để vượt qua khoảng cách ấy, vớ mục tiêu hướng tới một tương lai hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.