Ngoại trưởng Yair Lapid chính thức trở thành Thủ tướng thứ 14 của Israel kể từ ngày 1/7, sau khi ông Naftali Bennett nhường lại ghế theo đúng thỏa thuận ban đầu về cơ chế thủ tướng luân phiên khi thành lập chính phủ liên minh hồi năm ngoái. Ông Bennett cũng tuyên bố sẽ tạm rời khỏi chính trường, không tham gia cuộc bầu cử sắp tới. Do đó, ông Lapid sẽ đảm nhiệm chức thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao cho đến khi bầu cử đạt được kết quả ngã ngũ.
Dự luật giải tán Knesset đạt được sự đồng thuận sau nhiều ngày tranh cãi kịch tính đến phút chót giữa liên minh cầm quyền và phe đối lập về thời điểm tổ chức tổng tuyển cử và nhiều vấn đề liên quan khác. Với lợi thế đa số quá mong manh so với phe đối lập, chính phủ liên minh khi ra đời đã được dự báo sẽ không thể tồn tại lâu do thành phần quá đa dạng và khác biệt. Hơn 1 năm qua, chính phủ của ông Bennett và Lapid đã vất vả tìm tiếng nói chung cho một liên minh 8 đảng, bao gồm cả phe hữu khuynh, tả khuynh, trung dung và đảng của người Arab. Mặc dù tập hợp được 61/120 ghế sau cuộc bầu cử hồi tháng 3 năm ngoái, nhưng ngay sau khi thành lập, đảng Yamina của Thủ tướng Bennett đã mất thành viên Amichai Chikli khi ông này tuyên bố sẽ không ủng hộ chính phủ trong các cuộc bỏ phiếu. Thời gian gần đây liên tục có thêm thành viên rời bỏ hoặc tuyên bố rời bỏ liên minh để phản đối các chính sách của đảng Yamina. Liên minh rạn nứt ngay trong nội bộ đảng do Thủ tướng Bennett đứng đầu. Không còn ưu thế đa số, sự tan rã của chính phủ liên minh đã được nhìn thấy trước. Với 59/120 đại biểu trong Knesset, chính phủ chỉ còn hoạt động trong trạng thái “vịt què” và không thể thông qua các chính sách quan trọng.
Sự tan rã của liên minh được coi là thắng lợi của phe đối lập do cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu dẫn dắt. Sau thất bại trong cuộc bầu cử năm ngoái, chính trị gia lão luyện này không từ bỏ khát vọng trở lại nắm quyền, vì vậy liên tục vận động các đảng viên phe hữu rời bỏ liên minh nhằm làm suy yếu chính phủ. Hầu như mọi chính sách đưa ra Knesset đều bị phe đối lập cản trở. Liên minh cầm quyền chủ động đề xuất Knesset tự giải tán, dưới góc độ nào đó, là một bước đi giữ thể diện tránh để phe đối lập tập hợp đủ lực lượng cho một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Mặc dù chỉ tồn tại được hơn một năm, song chính phủ của liên minh Bennett-Lapid đã ghi dấu với không ít kết quả tích cực. Nổi bật là đã thông qua được luật ngân sách chính phủ, mở rộng quan hệ với các nước Arab Hồi giáo trong và ngoài khu vực, bộ máy chính phủ vận hành trơn tru. Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Trung Đông dự kiến vào giữa tháng này là sự khẳng định thanh thế đang lên của Israel trong khu vực. Bên cạnh đó, Israel đã vượt qua được đại dịch COVID-19 mà không cần phong tỏa xã hội, qua đó đưa nền kinh tế hồi phục nhanh chóng, ngân sách bội thu. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử có một đảng của người Arab có chân trong Knesset. Nó cho thấy hòa hợp người Arab trong nền chính trị của Nhà nước Do Thái là một “thử nghiệm thành công”, dù không tồn tại được lâu.
Tuy nhiên, năm qua cũng là năm xảy ra nhiều vụ xung đột giữa người Israel và Palestine, nhất là làn sóng khủng bố đã xuất hiện trở lại tại nhiều thành phố, khiến hàng chục người thiệt mạng. Một vấn đề nổi cộm nữa là tình trạng giá cả tăng nhanh, khiến đời sống của một bộ phận lớn người dân gặp khó khăn. Liên tục xảy ra các cuộc lãn công, tuần hành đòi tăng lương của giới lái xe buýt và giáo viên. Đây chính là những điểm yếu để phe đối lập khai thác, tấn công chính phủ liên minh.
Giới phân tích cho rằng sự mất ổn định về chính trị tại Israel sẽ tác động tới các vấn đề đối nội nhưng không ảnh hưởng nhiều tới các vấn đề đối ngoại, bao gồm quan hệ song phương với Mỹ, vấn đề Iran hay chính sách với Palestine. Mặc dù tuyên bố tạm rút lui khỏi chính trường, ông Bennett cho biết vẫn tiếp tục giữ chức thủ tướng luân phiên nhằm hỗ trợ tối đa cho ông Lapid, đồng thời phụ trách chính sách về vấn đề Iran. Điều này cho thấy ít nhất từ nay đến khi bầu cử, chính sách đối ngoại của Israel vẫn có sự nhất quán. Việc Knesset giải tán trước thời hạn đã giúp cho Israel không bị rơi vào tình trạng khoảng trống pháp lý \trong chính sách đối với người Israel tại Bờ Tây của Palestine, qua đó tránh được một cuộc khủng hoảng đối nội nghiêm trọng. Chủ tịch Viện Dân chủ Israel, Yohanan Plesner nhận định chính sách đối ngoại của Israel sẽ có sự tiếp nối do “các vấn đề an ninh chính trong chương trình nghị sự không phải là điểm mâu thuẫn” giữa các bên. Ngoài ra, trong năm qua, bộ máy chính quyền (phi chính trị) đã được kiện toàn các vị trí lãnh đạo và chuyên môn, ít nhất có thể tiếp tục hoạt động suôn sẻ trong một thời gian khá dài trước khi nền chính trị lâm vào một cuộc khủng hoảng mới.
Trước sự tan vỡ của chính phủ liên minh, ông Netanyahu tuyên bố sẽ trở lại nắm quyền. Hướng tới bầu cử, có nhiều yếu tố thuận lợi với chủ tịch đảng Likud. Thứ nhất, đảng của ông đang chiếm nhiều ghế nhất trong Knesset, 30 ghế, nhiều hơn tới 13 ghế so với đảng lớn thứ hai Yesh Atid. Thứ hai, phe cánh hữu và tôn giáo vẫn là lực lượng mạnh nhất trên chính trường Israel trong các kỳ bầu cử gần đây. Hiện tại, phe này chiếm tổng cộng tới 72 ghế Knesset , trong khi cánh tả chiếm 38 ghế và các đảng của người Arab chiếm 10 ghế. Các cuộc thăm dò cử tri gần đây đều cho thấy bốn đảng cánh hữu ủng hộ ông Netanyahu gồm Likud, Religious Zionist Party, Shas và United Torah Judaism sẽ giành 58 ghế. Chỉ cần có thêm sự ủng hộ của đảng Yamina (cũng theo cánh hữu, và chủ tịch mới là bà Ayelet Shaked từng có ý hợp tác với ông Netanyahu), phe hữu sẽ đủ số ghế để lập chính phủ. Thứ ba, có tới 47% cử tri hiện nay ủng hộ ông Netanyahu giữ ghế thủ tướng.
Tuy nhiên, các cuộc thăm dò cử tri tại Israel thường không sát với kết quả bầu cử, vì vậy vẫn còn quá sớm để khẳng định những diễn biến vừa qua sẽ mang lại lợi thế chắc chắn cho ông Netanyahu. Trong phe cánh hữu, bao gồm những người theo chủ nghĩa dân tộc và tôn giáo, cũng bị chia rẽ khi một bộ phận lớn không ủng hộ ông Netanyahu, người đã có 12 năm liên tiếp giữ chức thủ tướng. Đó là lý do khiến trong 4 cuộc bầu cử gần nhất, từ năm 2019 đến 2021, dù đảng Likud luôn dẫn đầu về số ghế trong quốc hội, nhưng ông Netanyahu vẫn không thành lập được chính phủ. Hơn nữa, bản thân ông Netanyahu còn đang vướng vào các phiên tòa hình sự, với các tội danh nhận hối lộ, lừa đảo và bội tín, một trở ngại lớn trên con đường trở lại với quyền lực.
Cơ chế bầu cử đặc thù của Israel với các đảng phái manh mún khiến trong lịch sử 74 năm lập quốc chưa bao giờ có một đảng nào tự mình hội đủ đa số trong quốc hội. Để thành lập chính phủ, các đảng buộc phải liên minh với nhau. Các đảng vừa và nhỏ thường sẽ bị phân mảnh và hợp nhất, tạo thành vòng xoáy bất ổn liên tục. Chỉ cần một đảng nhỏ thay đổi lập trường hoặc không đạt đủ số ghế tối thiểu (3,25% tổng số) để có chỗ đứng trong Knesset cũng có thể khiến cục diện thay đổi. Vì vậy, diễn biến trên chính trường Israel từ nay đến tháng 11 khi tổ chức bầu cử sẽ còn nhiều biến động khó lường. Sự khiếm khuyết của hệ thống bầu cử sẽ khiến các bên khó tránh khỏi sẽ lại phải lựa chọn liên minh. Vấn đề là sự lựa chọn này có tối ưu để duy trì được chính phủ trong một thời gian ổn định hay không?