Trước nguy cơ những thông tin sai sự thật này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong đời thực, các nhà chức trách Iraq đang đẩy mạnh nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của chúng.
Theo ông Aws al-Saadi - một thành viên sáng lập tổ chức giám sát tin giả Tech 4 Peace của Iraq cho biết nước này đang có nhiều thông tin sai lệch về các vấn đề chính trị, xã hội, an ninh và kinh tế lan truyền trên mạng trực tuyến trong nước, trong đó "có hàng trăm trang lưu hành thông tin sai lệch trên Facebook và Twitter”.
Ông lấy ví dụ về việc một phần tử người Saudi Arabia đã bị cáo buộc tiến hành đánh bom liều chết ở Baghdad (Iraq), khiến 32 người thiệt mạng. Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh những căng thẳng trong quan hệ giữa Iraq và Saudi Arabia vừa lắng dịu và hai nước đã cho mở cửa trở lại một cửa khẩu chung. Những hình ảnh về phần tử người Saudi Arabia nói trên được đăng tải và chia sẻ rộng rãi trên Twitter và Facebook. Tuy nhiên, các điều tra sau đó lại cho thấy đúng là phần tử trên đã tiến hành tấn công liều chết, nhưng là vụ tấn công ở Saudi Arabia trong năm 2015. Tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng sau đó cũng tuyên bố đã thực hiện vụ đánh bom ở Baghdad.
Lo ngại về tác động của những thông tin sai lệch ở đất nước đã trải qua gần 20 năm xung đột, các nhà chức trách Iraq đã thiết lập một "dịch vụ giám sát" có nhiệm vụ theo dõi thông tin.
Các nhân viên thuộc Bộ Nội vụ Iraq dành hàng giờ trong văn phòng được phủ kín những máy tính và màn hình vô tuyến để theo dõi các luồng tin tức vô tận đang lan truyền từng giây. Tướng Nebras Mohammad – người đứng đầu cơ quan kiểm soát tin giả cho biết: "Khi phát hiện có một thông tin đáng ngờ, họ sẽ phát tín hiệu báo động và sau đó một cuộc điều tra sẽ được tiến hành để xác minh hoặc lật tẩy những thông tin này”.
Theo DataReportal, hiện có khoảng 25 triệu người Iraq sử dụng mạng xã hội, nhưng chỉ có 34.000 người trong số này theo dõi trang Facebook của Cơ quan giám sát tin giả - nơi “chỉ mặt, điểm tên” những tin tức sai sự thật được đăng tải.
Ông Saadi cho biết Facebook là "phương tiện chính để lan truyền các tin tức sai sự thật ở Iraq", trong đó bịa ra những câu chuyện hấp dẫn đang là xu hướng mới. Trong số những câu chuyện bịa đặt được lan truyền, bao gồm cả chuyện một thanh niên trẻ từ Mosul đã kết hôn với 4 cô gái chỉ trong một ngày (trên thực tế là nhằm quảng bá chương trình khuyến mãi của một thẩm mỹ viện), hay những câu chuyện hỏa hoạn ở một bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Baghdad khiến 82 người thiệt mạng hồi cuối tháng 4 vừa qua.
Theo ông Saadi, đôi khi thông tin sai lệch có mang khuynh hướng chính trị đã làm dấy lên những căng thẳng bè phái tiềm ẩn trong nước, với những thông tin được trả nhiều tiền cho những người truyền bá. Ví dụ, vào cuối tháng 8/2020 đã xuất hiện một tin đồn lan truyền trên mạng Internet rằng lực lượng chức năng đã bắt giữ một người đàn ông từ thành phố Tikrit (nơi có đa số người Sunni sinh sống), khi ông này lái một chiếc ô tô chất đầy chất nổ tới khu vực miền Nam nơi có đa số người Shiite sinh sống.
Trong bối cảnh Iraq chuẩn bị tiến hành tổng tuyển cử vào tháng 10 tới, các lực lượng chống tin giả đã tăng cường các chiến dịch ở cấp cơ sở, bao gồm phát tờ rơi và tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về hậu quả của việc phát tán thông tin sai lệch.
Hiện các luật hình sự hóa việc phát tán thông tin sai lệch tại Iraq chưa được cập nhật kể từ năm 1969. Một dự thảo luật mới về tội phạm mạng đang được quốc hội nước này xem xét, song đang bị các tổ chức nhân quyền phản đối do cho rằng điều này "có thể được sử dụng để kìm hãm sự tự do ngôn luận".