Chiến thắng của ứng cử viên thân Nga ở Bulgaria nhìn từ Kiev

Kiev đã rất lo ngại khi trong cùng một thời điểm tại hai quốc gia có tầm quan trọng chiến lược đối với Ukraine là Moldova và Bulgaria các ứng cử viên tổng thống thân Nga đều chiến thắng.

Vitaly Martynjuk, chuyên viên của Hội đồng Chính sách đối ngoại "Lăng kính Ukraine", đã phân tích những bước đi của vị tân Tổng thống Bulgaria trong tương lai và sự tác động đối với mối quan hệ Ukraine – Nga.

Ông Rumen Radev có chủ trương tạo mối quan hệ thân thiết với Nga.

Theo ông Martynjuk, nếu chiến thắng của Igor Dodon, Chủ tịch đảng Những người xã hội chủ nghĩa (PSRM) tại Moldova, dễ đoán trước thì tại Bulgaria cơ hội của hai ứng cử viên tổng thống chủ chốt gần như ngang nhau.

Nảy sinh câu hỏi: Điều gì chờ đợi Bulgaria từ chiến thắng của ứng cử viên thuộc Đảng Xã hội đối lập Rumen Radev? Ngừng lại các biện pháp cấm vận nhằm vào Nga và tham gia các dự án năng lượng chung với Nga? Ít ra thì Điện Kremlin đã tuyên bố là họ có ấn tượng với một số tuyên bố của những người thắng cử tại Moldova và Bulagria. Hoặc là mọi việc chỉ dừng lại ở những lời nói suông chẳng ảnh hưởng gì tới đường lối quốc gia?

Dĩ nhiên, có thể cho rằng lời nói của ứng cử viên tổng thống từ một liên minh do Đảng Xã hội Bulgaria đối lập đứng đầu và chính sách của người giữ chức vụ tổng thống có nhiều khác biệt. Tuy vậy, ngay từ bây giờ có thể nêu ra những điểm nhạy cảm đối với Ukraine trong các bài phát biểu của ông Radev khi đang tranh cử và những điểm có thể sẽ không thay đổi.

Thái độ của ông Radev đối với Nga không thể không khiến Ukraine lo ngại. Ngay sau khi đắc cử ông Radev đã tuyên bố sẽ xem xét việc từ bỏ lệnh cấm vận Nga mà EU đang thực hiện. Ông cũng cam kết sẽ đối thoại với Moskva để tăng cường sự trao đổi thương mại.

Vị tổng thống mới đắc cử chủ trương chuyển mối quan hệ với Nga "sang một nền tảng thực tiễn rõ ràng". Lập trường này được ông gắn với quan niệm rằng "cuộc khủng hoảng ở Ukraine sẽ được giải quyết bằng con đường ngoại giao và không được biến thành xung đột".

Thêm một lập luận để ông Radev ủng hộ sự phát triển đối thoại với Nga là mong muốn chặn dòng người nhập cư từ Syria, một thách thức nghiêm trọng đối với nền an ninh của Bulgaria. Ông Radev còn bày tỏ sẵn sàng đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc tiếp tục phát triển mối quan hệ kinh tế song phương.

Năng lượng là điểm nhạy cảm đối với Ukraine trong mối quan hệ này, đặc biệt là sự tham gia của Bulgaria vào các dự án năng lượng của Nga. Chắc chắn là lập trường của Bulgaria đối với dự án "Dòng chảy phương Nam" của Nga sẽ không thay đổi.

Vấn đề gay cấn hiện nay là nhà máy điện nguyên tử Belene của Bulgaria đang xây dựng dở dang. Về vấn đề này ông Radev tuyên bố Bulgari sẽ phải hoàn thành công trình năng lượng vừa đáp ứng lợi ích của Nga vừa nối lại cuộc đối thoại nặng lượng với Bulgaria. Bulgaria đang quan tâm tới các dự án năng lượng mới của Nga, trong đó có việc xây dựng đường ống dẫn khí "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ".

Với tư cách là một vị tướng quân đội, ông Radev còn tuyên bố sẽ rất chú tâm tới vấn đề an ninh quốc gia, trong đó có việc mở rộng năng lực của NATO. Vị tướng này không giải thích là làm thế nào ông đồng thời có thể đối thoại với Nga vừa củng cố NATO trong khi Moskva kiên quyết chống lại NATO.

Do đó, có thể thấy ông sẽ giữ thái độ khá kiềm chế trong việc mở rộng sườn phía Đông của NATO để không chọc giận Nga bởi nếu không thì cuộc đối thoại với Nga sẽ đi vào ngõ cụt.

Ông Radev có ý định tăng cường mối quan hệ đối tác với Mỹ, và vấn đề đầu tiên mà ông lên kế hoạch sẽ thảo luận với vị tân Tổng thống Mỹ là an ninh. Trong số các vấn đề quan trọng hàng đầu khác có sự hợp tác với Mỹ về đầu tư và phát triển công nghệ mới.

Những quan điểm mà Radev từng phát ngôn cho thấy ông nghiêng về chính sách đa phương diện thông qua nỗ lực thiết lập quan hệ hữu nghị với Nga, Mỹ, Trung Quốc và các nước thành viên khác trong EU. Nhưng chính sách đa phương diện mà Ukraine đã rất thấm thía sẽ không dẫn đến sự ổn định và phồn vinh mong đợi mà còn làm căng thẳng tình hình.

Việc bầu ông Radev làm Tổng thống Bulgaria, dù chức danh này sẽ có những thẩm quyền hạn chế, cũng đã tác động tới chính sách quốc gia. Thủ tướng Bulgaria Boyko Borisov thuộc đảng GERB trong liên minh cầm quyền đã đệ đơn từ chức sau khi biết kết quả ban đầu của cuộc bầu cử tổng thống vòng hai.

Điều này có nghĩa là đất nước có thể rơi vào thời kỳ bất ổn chính trị bởi đảng GERB có tới 84 trong tổng số 240 nghị sỹ trong Quốc hội. Ít ra thì Đảng Xã hội Bulgaria đối lập đã nói tới khả năng sẽ diễn ra một cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn.

Nếu GERB vẫn giữ được liên minh như một đảng lớn nhất trong Quốc hội (Đảng Xã hội Bulgaria lớn thứ hai chỉ nắm 38 ghế) thì đảng này có thể tái lập chính phủ. Trong trường hợp đó Ukraine có thể hy vọng vào việc Bulgaria tiếp tục đường lối đối ngoại như hiện nay và giữ vị trí như hiện nay trong EU và NATO. Tuy nhiên, liên minh cầm quyền vẫn buộc phải nhìn vào thái độ của tân Tổng thống.

Trong mọi trường hợp thì có thể chờ đợi việc Bulgaria giảm bớt sự chỉ trích đối với chính sách của Nga và gia nhập hàng ngũ những nước chống lại lệnh trừng phạt Nga từ phía EU.

Nói thêm là chính sách của Bulgaria không chỉ phụ thuộc vào vị tân Tổng thống Radev, chính phủ cũ hay mới ở Bulgaria mà còn vào chính sách của EU và Mỹ.

Các cuộc bầu cử tại nhiều nước trên thế giới, đã diễn ra ở Bulgaria hay sẽ diễn ra trong tương lai, sẽ kéo theo sự thay đổi bối cảnh quốc tế. Ukraine cần thích ứng với thực tiễn mới để không mất đi sự ủng hộ quốc tế và bảo vệ những lợi ích ngoại giao của mình.

Trần Quang Vinh (P/v TTXVN tại CH Séc)
Tương lai nào cho Ukraine sau cuộc họp của nhóm Normandy?
Tương lai nào cho Ukraine sau cuộc họp của nhóm Normandy?

Trong bối cảnh mỗi ngày lại có thêm nhiều binh sĩ bỏ mạng ở Ukraine - khu vực duy nhất ở châu Âu vẫn còn xảy ra chiến tranh, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tổ chức cuộc họp ngày 19/10 để xét xem liệu Tổng thống Nga Vladimir V. Putin đã sẵn sàng nhất trí một thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc xung đột hay chưa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN