Báo “Tầm nhìn” (Nga) số ra ngày 2/10 có bài viết cho biết Belarus đã quyết định nâng gấp 1,5 lần phí vận chuyển dầu Nga theo đường ống dẫn dầu từ thời Xô viết mang tên “Hữu nghị”. Rõ ràng đây là nỗ lực của Belarus nhằm mặc cả để có thể được hưởng mức giá thấp đối với khí đốt mua của Gazprom, vấn đề gây tranh cãi suốt 10 tháng qua. Dư luận cho rằng Belarus đang thể hiện cách cư xử rất giống với Ukraine.
Đường ống “Hữu nghị” từ thời Xôviết này đang thuộc sở hữu của các công ty Belarus là “Gomeltransneft Hữu nghị” và “Polotsktransneft Hữu nghị”. Điều này được nêu lên trong quyết định số 30 của Bộ Thương mại và Chống độc quyền Belarus hôm 1/10. Mức phí mới sẽ có hiệu lực 10 ngày sau khi văn bản kể trên chính thức được công bố, có nghĩa là vào ngày 11/10.
Với quyết định này, Belarus đang cố gắng gây áp lực đối với Nga nhằm mong được hưởng lợi trong những tranh cãi kéo dài suốt từ đầu năm nay với việc Moskva xoay quanh khả năng cung cấp khí tự nhiên từ Nga. Minsk cho rằng giá khí đốt Nga quá đắt và Gazprom phải giảm giá cho họ. Chính vì vậy mà Thủ tướng Belarus Andrey Kobyakov nói rằng 1.000 m3 năng lượng chỉ nên có giá khoảng 80 USD, thay vì 132 USD (giá hiện nay Nga dành cho Belarus). Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Belarus cho rằng mức giá khí đốt “công bằng” phải là mức 73 USD/1.000 m3.
Gazprom cho biết Belarus buộc phải trả tiền mua năng lượng theo giá hợp đồng đã ký kết là 132 USD/1.000 m3. Theo hợp đồng thì giá khí đốt của Công ty Yamal-Nenets là 36 USD, cộng thêm 90 USD phí vận chuyển đến Belarus, cộng thêm 6 USD phí lưu giữ khí đốt dưới lòng đất. Chính vì vậy mà từ đầu năm nay, Belarus phải trả cho Nga với giá đó, và phía Nga coi mức giá đó là hợp lý. Gazprom sẽ tính toán theo giá hợp đồng và khoản chênh lệch thì sẽ tính vào số Belarus nợ Nga. Chỉ trong nửa đầu năm nay, khoản nợ này đã lên tới hơn 270 triệu USD và đến nay thì con số đã vượt hơn 300 triệu USD.
Vào tháng 8/2016, “Báo Thương gia” thông báo các bên đã đi đến nhất trí. Nga được cho là đồng ý bán cho Belarus khí tự nhiên với giá 100 USD/1.000 m3. Ngoài ra, Minsk cũng khẳng định sẽ giảm giá thành vận chuyển khí và phí lưu giữ khí đốt dưới lòng đất. Tuy nhiên, sau đó Kremlin phủ nhận thông tin rằng Nga đồng ý giảm giá bán khí đốt. Sau đó, đến ngày 11/9, chính Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tuyên bố rằng Nga và Belarus một lần nữa gần đi đến nhất trí về giá khí đốt. Ông Lukashenko nói: “Chúng tôi gần như đã thống nhất, và các tài liệu liên quan đang được soạn thảo”.
Tuy nhiên, đến lúc này thì cả hai bên vẫn chưa đi đến một thỏa hiệp. Chỉ 9 ngày sau, ông Lukashenko tuyên bố thể hiện sự tức giận: “Mất tới vài tháng mà chúng tôi vẫn chưa thể thống nhất được giá khí đốt. Chính vì thế mà Nga đã giảm cung cấp dầu. Chúng tôi cảm thấy đây như là áp lực, nhưng tôi sẽ không chấp nhận áp lực và người dân Belarus cũng thế”.
Nga đang rất cố gắng để có thể “thuyết phục” Minsk không phá vỡ điều kiện hợp đồng cung cấp khí đốt bằng cách giảm cung cấp dầu khí Nga sang Belarus để đáp trả lại việc các công ty của Belarus không trả đủ tiền mua khí đốt. Còn nhớ rằng Moskva đã áp dụng mức giá ưu đãi đối với việc cung cấp dầu thô cho nhà máy lọc dầu Belarus để sau đó sinh lời cho ngành xuất khẩu dầu mỏ của họ. Tuy nhiên, theo thỏa thuận, Belarus phải trả một phần sản phẩm dầu khí cho Nga để đổi lấy việc cung cấp dầu thô từ Nga. Moskva nhiều lần cáo buộc Minsk không tuân thủ thỏa thuận này.
Trong khi đó, Tổng thống Lukashenko còn đe dọa Moskva sẽ phá vỡ sự hợp tác trong khuôn khổ Liên minh Kinh tế Á-Âu. Ông Lukashenko tuyên bố rằng đã chỉ thị cho chính phủ tối ưu hóa sự tham gia của Belarus trong quá trình hội nhập vào không gian hậu Xôviết. Ông Lukashenko nói: “Chúng tôi đang phân tích rất kỹ lưỡng sự tham gia của chúng tôi trong Liên minh Kinh tế Á-Âu. Nếu như sự tham gia này tiếp diễn thì chúng ta còn duy trì một loạt quan chức, tại sao phải trả tiền cho một loạt chuyên gia cấp cao ở Moskva? Tất cả những gì thỏa thuận đều bị vi phạm”.
Belarus đã nhiều lần đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ như vậy với nỗ lực mặc cả với Moskva để được giảm giá khí đốt. Ví dụ như cách đây không lâu, Minsk tuyên bố sẵn sàng mua khí đốt của nước khác, không phải Nga, mà có thể là Kazakhstan, Uzbekistan, bởi vì ở đó giá thành rẻ hơn. Tất cả những điều này chỉ như là yếu tố để thương lượng với Gazprom.
Trên thực tế, giá khí đốt Nga cung cấp cho Belarus là mức thấp nhất trong châu Âu. Và cho dù Belarus có chấp nhận mua mức giá cao hơn thì cũng khó mà tìm được một nhà cung cấp thay thế. Mức giá 132 USD/1.000 m3 là mức giá ưu đãi trong một hợp đồng dài hạn đã được ký kết trên cơ sở các thỏa thuận liên chính phủ giữa Nga và Belarus.
Giá khí đốt mà Belarus phải mua của Nga là mức thấp nhất trong cả châu Âu lẫn trong số các nước Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG). Mức trung bình ở châu Âu là 170-180 USD/1.000 m3, còn mức trung bình ở SNG là 140-150 USD/1.000 m3.
Công ty con của Gazprom là “Gazprom Transgaz Belarus” hồi tháng 5/2016 đã đệ đơn kiện Phòng Thương mại Belarus lên Tòa trọng tài liên quan các khoản nợ mua khí đốt. Gazprom có thể dễ dàng giành chiến thắng trong vụ kiện này.