Cần thận trọng với các diễn biến kinh tế năm 2016

Bức tranh kinh thế thế giới trong năm tới sẽ tiếp tục có nhiều nét tương đồng với bối cảnh năm 2015.

Giao dịch viên làm việc tại sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ ngày 16/12. Ảnh: AFP/TTXVN

Sự tăng trưởng ở mức trung bình của các nền kinh tế phát triển có thể sẽ bù đắp sự yếu kém ở những khu vực khác, song sẽ không phát sinh nhiều lạm phát và duy trì tỷ lệ lãi suất ở mức thấp.

Việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định nâng mức lãi suất được duy trì từ lâu, từ mức 0%-0,25% lên mức 0,25%-0,5%, đã cho thấy sự lạc quan về tình hình kinh tế của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong khi đối thủ Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - đang chật vật tìm kiếm chỗ đứng trên thị trường tài chính với các biện pháp hạ giá tiền tệ mạnh tay.

Trong khi nhiều quốc gia, như Brazil, đang phải đối mặt với những thách thức từ lạm phát ở trong nước, mức tăng lãi suất đầu tiên của FED sau cuộc khủng hoảng khó có thể là liều thuốc chữa lành vết thương cho các nền kinh tế khác trên thế giới. Tỷ giá hối đoái vốn luôn là đề tài nổi cộm các cuộc tranh cãi về chính sách ở nhiều quốc gia, bởi vậy những biến động xung quanh đồng USD luôn nhận được sự quan tâm lớn. Hai nhà kinh tế học tại ngân hàng HSBC Janet Henry và James Pomeroy nhận định: “Câu hỏi quan trọng là liệu nền kinh tế Mỹ đã quay trở lại với đà tăng trưởng đủ để duy trì các thành tựu phục hồi, đồng thời hỗ trợ tích cực cho các hoạt động thương mại và tăng trưởng toàn cầu, và đủ để chống đỡ các tác động từ bên ngoài đối với việc giảm phát, hay chưa?”.

Trong năm qua, sản lượng thương mại toàn cầu đột ngột sụt giảm, giá tiêu dùng không ngừng lao dốc, và đồng USD tăng giá đã khiến tăng trưởng công nghiệp của Mỹ gần như giậm chân tại chỗ, khiến mục tiêu đạt mức lạm phát 2% gần như là không tưởng. Theo HSBC, một khó khăn khác là Mỹ, “với đồng USD đang được định giá cao, sẽ trở thành nạn nhân mới nhất của các biện pháp giảm phát, vốn đang tác động tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu trong suốt một thập kỷ qua. FED có thể sẽ đi vào vết xe của nhiều ngân hàng trung ương ở các thị trường phát triển khác, khi nhanh chóng hứng chịu các tác động tiêu cực từ việc tăng lãi suất”.

120 nhà kinh tế được Reuters thăm dò ý kiến hôm 18/12 dự đoán FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào tháng 3 tới song tốc độ tăng sẽ không nhanh như những gì các nhà hoạch định chính sách từng nói trước đó. Một cuộc thăm dò khác cũng do Reuters thực hiện với hàng trăm nhà phân tích trên toàn thế giới cho thấy kết quả không mấy tin tưởng vào việc tình trạng lạm phát trên thế giới, ngay cả ở Mỹ - nơi mà FED cho là có thể chạm mốc 2%, có nhiều chuyển biến tích cực. Thậm chí, các dự đoán lạc quan nhất cũng cho thấy chỉ số này còn xa mới đạt mục tiêu 2%.

Các cuộc thăm dò cho thấy tăng trưởng toàn cầu chỉ được dự đoán ở mức 3,4% trong năm tới, hoặc tối đa là 4%, nhất là bởi sự trì trệ của nền kinh tế Trung Quốc và bối cảnh u ám trên các thị trường đang nổi. Hầu hết giới phân tích đều không “đặt cược” vào khả năng đồng USD hạ giá, song cho rằng đồng euro sẽ sụt giá so với đồng USD. Đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc, hiện đã có mặt trong rổ tiền tệ quốc tế, trong hai tuần qua đã liên tục giảm, và nhiều người cho rằng chính quyền quốc gia này có thể sẽ tiếp tục hạ giá đồng nội tệ để thúc đẩy nền kinh tế vốn đang lao đao vì nợ nần.

Triển vọng tăng trưởng và lạm phát của Mỹ trong năm tới u ám hơn nhiều so với những dự đoán được đưa ra hồi cuối năm ngoái mặc dù tỷ lệ thất nghiệp đã giảm mạnh. Lạm phát tiền lương cũng tăng song ở mức thấp hơn kỳ vọng. Các chỉ số chứng khoán Phố Wall được giao dịch ở mức gần tương đương năm ngoái, và điều này đã chính thức làm tiêu tan các hy vọng về khả năng tăng trưởng bền vững trong năm 2015. Tuy nhiên, các chiến lược gia vẫn hy vọng những chỉ số này có thể sẽ được cải thiện bất chấp áp lực về tiền lãi giảm.

Kể từ khi giá dầu thô giảm mạnh 18 tháng trước từ 100USD/thùng xuống còn dưới 40USD/thùng, giới phân tích ngày càng giảm kỳ vọng về khả năng hồi phục. Thậm chí nhiều người còn cho rằng giá dầu, thay vì tăng lên, có thể giảm xuống tới 20 USD/thùng.

Tuy nhiên, nền kinh tế thế gưới cũng có những điểm sáng nhất định. Với sự hỗ trợ từ khoản mua trái phiếu trị giá 60 tỷ euro/tháng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), khu vực đồng euro cuối cùng cũng đã chứng kiến những tăng trưởng ở mức tương đối và tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu giảm. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức thấp dưới kỳ vọng, bởi vậy các biện pháp kích thích của ECB, như giữ lãi suất tiền gửi âm, sẽ tiếp tục được duy trì trong năm tới. Điều này đang đưa khối thương mại lớn nhất thế giới, cùng nhiều ngân hàng trung ương khác, đi theo lộ trình ngược lại với FED.

Một số nền kinh tế đang nổi cũng có những chuyển biến tích cực. Tăng trưởng của Ấn Độ được dự đoán sẽ có những chuyển biến tương đối tích cực trong năm tới, cùng với động lực có được từ kế hoạch cắt giảm lãi suất hồi đầu năm qua và tỷ lệ lạm phát thấp. Nhiều người cũng lạc quan về tình hình ở Mexico khi các cải cách quan trọng trong ngành năng lượng bắt đầu phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều quốc gia khác vẫn sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Giá thực phẩm đã đẩy lạm phát của Brazil tăng 10% trong suốt cuộc khủng hoảng trầm trọng và mọi chuyện thậm chí còn có thể tồi tệ hơn.

Alberto Ades - Giám đốc Ngân hàng America Merrill Lynch (BofA-ML) - nhận định: “Mặc dù các dự đoán về tỷ giá hối đoái hay tỷ lệ lãi suất có thể không mấy ảm đạm, song nhiều biến động khó lường vẫn có thể xảy ra. Bởi vậy các nhà kinh tế học và giới đầu tư cần hết sức thận trọng”.

TTXVN/Tin Tức (Theo Reuters)
Cảnh báo một cuộc khủng hoảng mới
Cảnh báo một cuộc khủng hoảng mới

Sau quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào hôm 17/12, thế giới có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới bắt nguồn từ một nền kinh tế mới nổi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN