Nguy cơ “Brexit” ảnh hưởng ngân sách quốc phòng EU

Trong khi Bộ trưởng Quốc phòng các nước Liên minh châu Âu (EU) cùng ủng hộ lời kêu gọi của Pháp về tăng cường đoàn kết quân sự nội khối sau các vụ tấn công nghiêm trọng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Paris, thì Anh đã không ủng hộ kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng chung thêm 3 triệu euro.

Phản ứng của Anh trong bối cảnh này càng phô bày những rạn nứt của liên minh khi đoàn kết đang là điều cần thiết nhất đối với toàn bộ khối. Gần hai thập kỷ sau khi Pháp và Anh, hai cường quốc quân sự hàng đầu của EU, triển khai Chính sách Chung về An ninh và Quốc phòng châu Âu (CSDP), lục địa này đang đối mặt với hàng loạt mối đe dọa nghiêm trọng, từ khủng bố IS cho tới một nước Nga ngày càng cương quyết và cứng rắn. 

Thủ tướng Anh David Cameron để ngỏ khả năng tiến hành cuộc trưng cầu ý dân vào tháng 6/2016 về việc Anh ra đi hay ở lại EU.

Cho đến giờ, những thách thức này - kể cả cuộc khủng hoảng di cư với hàng triệu người chạy trốn khỏi chiến tranh và đói nghèo đã tràn tới EU trong năm 2015 - càng cản trở nỗ lực tăng cường hợp tác quốc phòng của liên minh 28 thành viên. Thậm chí, trong chuyến thăm Đức hồi tháng 10 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Junker còn cho rằng xét từ các nội dung trong chính sách quốc phòng chung của châu Âu hiện hành, “một đàn gà có lẽ còn là một đơn vị chiến đấu có tính thống nhất hơn”.

Có rất nhiều lý do khiến người ta hoài nghi về các mục tiêu quốc phòng mà EU đang theo đuổi, trong đó đáng chú ý là chủ nghĩa hoài nghi về sự hội nhập châu Âu đã ăn sâu bám rễ trong xã hội Anh, tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, vấn đề ngân sách và nợ công phức tạp tại nhiều quốc gia sử dụng đồng tiền chung euro, sự bất bình của công chúng về các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan, và sự nổi lên của các đảng phái có tư tưởng phản đối EU trên khắp châu Âu. Bên cạnh mớ bòng bong này giờ đang xuất hiện một nguy cơ mới mà người ta vẫn thường gọi là “Brexit” - Anh rời bỏ EU. Chính quyền Bảo thủ ở Anh ngày càng hoài nghi về mục tiêu hội nhập châu Âu và đã cam kết sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc ở lại hay rời khỏi EU trước cuối năm 2017 sau khi tái đàm phán các điều khoản về tư cách thành viên của nước này.

Chủ nghĩa hoài nghi của Anh - điều trái ngược hoàn toàn với cam kết của nước này đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - một liên minh do Mỹ dẫn đầu - từ lâu đã trở thành nhân tố cản trở nhiều kế hoạch quốc phòng của EU, mặc dù cựu Thủ tướng Tony Blair là người đã cùng cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac thúc đẩy CSDP vào năm 1998. Mục đích của việc làm này là hoàn thiện NATO bằng cách xây dựng năng lực quốc phòng tại châu Âu. Khi ấy, NATO đang lệ thuộc Mỹ nặng nề về mặt quốc phòng và quốc gia này chiếm 70% chi tiêu quốc phòng của toàn liên minh.

Cố vấn Quốc phòng Đặc biệt của EU, Michel Barnier, cho rằng trên thực tế các nước EU đều hoạt động đơn lẻ. Lấy dẫn chứng cho nhận định này của mình, ông đã nêu lên 7 chương trình phát triển tàu khu trục và 23 hệ thống xe bọc thép hạng nhẹ khác nhau hiện đang được triển khai độc lập trên toàn châu Âu. Chi tiêu quốc phòng đã giảm mạnh trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008 - 2009 và trên thực tế nhiều nước thành viên NATO đang tiếp tục mạnh tay cắt giảm các khoản tiền này tại thời điểm hiện tại, mặc dù vào năm 2014, các nước thành viên từng cam kết sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên tới mức 2% GDP vào năm 2024. Đa số các nước thành viên EU cũng có mặt trong liên minh NATO.

Giới chuyên gia cho rằng không gì có thể thay đổi bền vững nếu không có những cam kết chính trị về quốc phòng. Nick Witney, người từng đứng đầu EDA hiện làm việc tại Hội đồng châu Âu về Quan hệ Quốc tế, khẳng định: “Nếu Anh bỏ phiếu ở lại EU, tình hình có thể sẽ được cải thiện. Chúng ta cần một sự ‘đổi gió’ chính trị”.
TTK
Anh chi thêm 18 tỉ USD cho ngân sách quốc phòng
Anh chi thêm 18 tỉ USD cho ngân sách quốc phòng

Anh sẽ chi thêm 12 tỉ bảng Anh (18,2 tỉ USD) để tăng cường sức mạnh quốc phòng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN