Lệnh cấm gây sốc
Ngày 15/5, Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp cho phép chính phủ liên bang có quyền ngăn các công ty Mỹ mua thiết bị viễn thông nước ngoài bị coi là gây rủi ro cho an ninh quốc gia. Theo sắc lệnh, Bộ trưởng Thương mại Mỹ có quyền xác định giao dịch nào tiềm ẩn rủi ro.
Dù sắc lệnh không nêu rõ công ty cụ thể nào là mối đe dọa nhưng động thái của Mỹ được nhận định là để chống lại tập đoàn Huawei. Mỹ luôn cho rằng Chính phủ Trung Quốc có thể buộc các công ty như Huawei lắp đặt thiết bị bí mật để do thám các mạng lưới Mỹ. Huawei liên tục bác bỏ nghi ngờ này. Tổng giám đốc điều hành kiêm sáng lập viên Huawei, ông Nhậm Chính Phi, đã đưa ra những tuyên bố cứng rắn, nói rằng chiến dịch chống Huawei của Mỹ sẽ không ngăn công ty này phát triển trên toàn cầu.
Cùng ngày, Bộ Thương mại Mỹ thông báo sẽ đưa Huawei và các chi nhánh vào danh sách bị cấm mua linh kiện, thiết bị của công ty Mỹ nếu không được Chính phủ Mỹ cho phép.
Ngày 19/5, Google cho biết sẽ tuân thủ sắc lệnh và thông báo: “Với người dùng dịch vụ của chúng tôi, Google Play và dịch vụ bảo vệ an ninh từ Google Play Protect sẽ tiếp tục hoạt động trên các thiết bị Huawei hiện tại. Huawei sẽ chỉ có thể sử dụng phiên bản mở rộng của Android và sẽ không thể tiếp cận các ứng dụng, dịch vụ độc quyền của Google”.
Theo Bloomberg, ngay ngày hôm sau, tập đoàn Intel và Qualcomm cũng có cùng động thái với Google.
Phản ứng sau khi Huawei bị Mỹ áp lệnh cấm trên, Chính phủ Trung Quốc đã ra tuyên bố khẳng định ủng hộ các công ty Trung Quốc bảo vệ quyền hợp pháp. Ông Lục Khảng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói với kênh CNN: “Về những biện pháp mà công ty hoặc Chính phủ Trung Quốc sẽ thực hiện, hãy chờ xem”.
Động thái trên của Mỹ diễn ra sau một thời gian Mỹ không thể thuyết phục đồng minh châu Âu cấm sử dụng công nghệ Huawei.
Tuy nhiên, tới ngày 20/5, Bộ Thương mại Mỹ lại tạm thời cho phép Huawei duy trì các sản phẩm hiện tại cho các khách hàng hiện tại. Giấy phép tạm thời này sẽ kéo dài 90 ngày, hết hạn ngày 19/8. Trong 90 ngày tới, Huawei có thể mua hàng Mỹ để duy trì các mạng lưới hiện tại và cung cấp cập nhật phần mềm cho các thiết bị hiện có.
Việc vừa cấm rồi lại nới lỏng là dấu hiệu cho thấy Mỹ vừa muốn ngăn chặn Huawei, vừa lo sợ hậu quả sâu rộng và không mong muốn khi ban hành lệnh cấm chia sẻ công nghệ với tập đoàn này. Luật sư Kevin Wolf ở Washington, cựu quan chức Bộ Thương mại, nói: “Dường như ý định của Mỹ là hạn chế ảnh hưởng không mong muốn với bên thứ ba dùng thiết bị, hệ thống của Huawei”.
Phó Chủ tịch điều hành Huawei tại Anh, ông Jeremy Thompson, nhận định trên chương trình World At One của đài BBC Radio 4 rằng việc Mỹ ban lệnh cấm là do tranh chấp thương mại, không phải vấn đề an ninh. Ông nói: “Chúng tôi đang ở tâm điểm cuộc chiến thương mại giữa hai nước lớn, vì thế ra lệnh cấm vào đúng thời điểm này là để gây tổn thương tối đa cho tổ chức của chúng tôi. Chúng tôi là quả bóng bị đá trong cuộc chiến thương mại này”.
Theo tờ Guardian, lệnh cấm của Mỹ đã gây chấn động làng công nghệ thế giới. Thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giảm mạnh ngày 20/5. Cổ phiếu của các công ty công nghệ, nhà sản xuất chip giảm ít nhất từ 3% giá trị trở lên. Quyết định của Mỹ đã đột ngột gây gián đoạn lớn trong chuỗi cung cấp công nghệ, tác động tới những công ty sản xuất linh kiện lớn nhất như Intel, Qualcomm, Broadcom…
Bước đi sai lầm?
Theo Bloomberg, lệnh cấm đã được Mỹ cân nhắc suốt nhiều tháng qua nhưng chính quyền của Tổng thống Trump đã hoãn đưa Huawei vào danh sách đen do lo ngại động thái này có thể làm gián đoạn đàm phán thương mại với Trung Quốc. Washington chỉ hành động sau khi vòng đàm phán mới đây nhất (vòng thứ 11) bế tắc.
Theo bình luận của tờ Bloomberg, việc cấm Huawei khỏi các mạng lưới của Mỹ còn có lý nhưng việc đẩy Huawei vào cảnh phá sản thì không. Tờ Bloomberg ví lệnh cấm nói trên như là một quả tên lửa hạt nhân mà Mỹ phóng vào Huawei.
Theo lệnh cấm, các nhà cung cấp Mỹ có thể cần giấy phép mới có thể làm ăn với Huawei. Trong khi đó, cả điện thoại di động và thiết bị mạng lưới của Huawei đều phụ thuộc vào linh kiện Mỹ, trong đó có chất bán dẫn tân tiến. Nếu lệnh cấm được áp dụng nghiêm ngặt, nó có thể khiến Huawei với trên 180.000 nhân viên phá sản.
Đó sẽ làm một sai lầm nghiêm trọng. Trước hết, lệnh cấm sẽ gây thiệt hại cho người dùng. Những công ty không liên quan trên thế giới, trong đó có cả những nhà cung cấp Mỹ của Huawei, có thể phá sản, bị gián đoạn và tăng chi phí đáng kể. Những đồng minh không cấm Huawei bất chấp sức ép của Mỹ sẽ tức giận vì bị dồn vào chân tường. Ngay cả khi Tổng thống Trump có nới lỏng lệnh cấm, cũng không có gì đảm bảo lệnh cấm sẽ được áp đặt lại sau này. Trung Quốc do đó sẽ chỉ nỗ lực gấp đôi để sản xuất công nghệ tân tiến trong nước.
Nếu xét đây là một chiến lược đàm phán, quyết định này còn vô lý hơn. Giới chức Mỹ cho biết Huawei không liên quan tới đàm phán thương mại đình trệ hiện nay, nhưng có một điều chắc chắn là Tổng thống Trump muốn dùng Huawei làm đòn bẩy, tương tự như động thái của ông với tập đoàn ZTE năm 2018. Theo Bloomberg, Tổng thống Trump đã viện cớ an ninh quốc gia quá nhiều trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Làm như vậy sẽ tạo ra một tiền lệ kinh khủng và chắc chắn sẽ phản tác dụng vì sẽ khiến bế tắc đàm phán thêm trầm trọng và khiến Trung Quốc không có lợi gì trong việc tuân thủ thỏa thuận cuối cùng với Mỹ.
Điều tồi tệ hơn là quyết định này làm suy yếu một điểm quan trọng cần có trong bất kỳ thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung nào: không chỉ giải quyết vấn đề thương mại mà còn bình ổn quan hệ giữa hai nước lớn nhất thế giới. Căng thẳng là điều không thể tránh khỏi nhưng mối quan hệ giao thương lành mạnh theo lý thuyết cần phải khôi phục nền tảng, hai bên cùng có lợi khi hợp tác.
Trái lại, nhằm vào Huawei sẽ chỉ khiến những tiếng nói ôn hòa trong Chính phủ Trung Quốc ít đi và gia tăng những tiếng nói cứng rắn coi xung đột là điều không thể tránh khỏi. Với người dân Trung Quốc, họ sẽ có ấn tượng rằng Mỹ đơn giản là đang tìm cách hạn chế khả năng kinh tế của họ.
Hiện nay, Tổng thống Trump dường như không có mục tiêu cụ thể mà chỉ đơn giản là đang ngày càng xa rời đồng minh, khiến người Trung Quốc tức giận và tăng nguy cơ đối đầu. Điều mà Mỹ cần là một kế hoạch để cùng tồn tại lành mạnh với Trung Quốc, tức là phải tăng cường phòng vệ, nâng cao sức cạnh tranh, phối hợp với đồng minh trong các vấn đề quốc tế. Còn nếu chỉ chăm chăm vùi dập Huawei, Mỹ dường như đang tính toán chiến lược sai lầm và có thể để lại hậu quả nghiêm trọng.
Suy cho cùng, leo thang chiến tranh thương mại là thì cả đôi bên cùng thiệt hại, dù bên ít bên nhiều. Do đó, có lẽ sớm hay muộn Washington và Bắc Kinh cũng phải hạ nhiệt, xuống thang để tìm lối thoát hai bên cùng chấp nhận được cho thế đối đầu hiện nay.