Bị Mỹ cấm cửa, Huawei mạnh mẽ 'Nam tiến' xuống Mỹ Latinh

Cuộc chiến trên trận địa 5G đang lan đến Mỹ Latinh, và Mỹ đang có nguy cơ để tuột khu vực này khỏi tầm tay.

Chú thích ảnh
Logo Huawei ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters 

Chính phủ Mỹ đang cảnh giác với Huawei. Nhiều tháng qua, chính quyền Tổng thống Trump đã gây áp lực với các đồng minh ở châu Âu để loại trừ công ty công nghệ Trung Quốc khỏi hệ thống viễn thông 5G, với cáo buộc các sản phẩm của Huawei có thể gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia nhưng cho đến nay, những cảnh báo này hầu như đều bị bỏ qua.

Lúc này, chiến dịch chống Huawei đã lan đến một biên giới mới: đó là Mỹ Latinh. Mexico và Argentina đã có kế hoạch khởi xướng mạng lưới 5G đầu tiên vào năm 2020. Brazil dự kiến theo sau trong năm tới. Giống như ở châu Âu, chính quyền Mỹ đang nỗ lực thuyết phục các quốc gia này không phụ thuộc vào thiết bị 5G sản xuất tại Trung Quốc. Song cũng như ở châu Âu, Washington có nguy cơ không với được bàn tay ảnh hưởng của mình xuống phía Nam lục địa châu Mỹ.

Sự lựa chọn Huawei

Brazil là một trường hợp điển hình. Khi Tổng thống mới đắc cử Jair Bolsonaro đến thăm người đồng cấp Mỹ tại Nhà Trắng hồi tháng 3 năm nay để thiết lập quan hệ song phương mạnh mẽ hơn, ông Trump đã đưa ra những gì ông mong đợi từ Brazil để phát triển tình bạn mới. Nhà lãnh đạo Mỹ nói với người đồng cấp Bolsonaro rằng Brazil cần phải trở thành một đồng minh đáng tin cậy trong việc hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở Mỹ Latinh.

Chính phủ Mỹ cũng cảnh báo, điều quan trọng là phải kiềm chế sự lan rộng của công nghệ 5G của Huawei ở khu vực. Tuy nhiên, hiện tại công ty công nghệ Trung Quốc đã mở phòng thí nghiệm "Internet of Things" ở bang São Paulo và có kế hoạch xây dựng một nhà máy lắp ráp điện thoại thông minh ở Brazil vào cuối năm nay.

Chú thích ảnh
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tặng người đồng cấp Donald Trump chiếc áo cầu thủ trong chuyến thăm Mỹ vào tháng 3/2019. Ảnh: Getty Images

Về lý thuyết, Washington đã tìm thấy một con người quyết đoán ở ông Bolsonaro. Tổng thống Brazil, người có chính sách đối ngoại chủ trương xích gần hơn với chính quyền Tổng thống Trump, biết rằng ông sẽ mất đi những lợi thế của sự gần gũi đó nếu không thực hiện hành động cụ thể chống lại Huawei. Chẳng hạn, Mỹ có thể hạ cấp chia sẻ thông tin tình báo, hoặc cấm các công ty Brazil đấu thầu một số hợp đồng quốc phòng của Mỹ, những đặc quyền mà Washington đã trao cho Brazil vào tháng 3 khi tuyên bố nước này là đồng minh lớn của NATO. Chưa kể nguy cơ Mỹ rút lại sự ủng hộ Brazil ứng cử gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Nói cách khác, ông Bolsonaro biết rằng một liên minh chặt chẽ với Mỹ chỉ khả thi nếu Brazil có thể giúp Washington đạt được các mục tiêu địa chính trị cụ thể. Tuy nhiên, làm như vậy sẽ phải trả một cái giá chính trị trong nước và đó là lý do tại sao hầu hết các nỗ lực trong quá khứ để củng cố một liên minh như vậy đều thất bại.

Các tập đoàn kinh doanh Brazil đã bắt đầu bảo vệ mối quan hệ thương mại sâu sắc với Trung Quốc, chỉ ra rằng mọi hy vọng kiềm chế Trung Quốc và một lần nữa biến Mỹ thành đối tác thương mại quan trọng nhất của Brazil chỉ là hoài niệm phi thực tế.

Chú thích ảnh
Điện thoại thông minh của Huawei. Ảnh: Reuters

Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Mỹ latinh

Nhìn trên toàn khu vực cũng có thể thấy Mỹ sẽ không dễ dàng kìm chân Huawei khỏi Mỹ Latinh.

Việc Bắc Kinh tập trung vào phát triển kinh tế khu vực cho đến nay đã tỏ ra hấp dẫn hơn những nỗ lực của Washington trong việc mô tả công nghệ di động Trung Quốc là mối đe dọa an ninh địa chính trị và an ninh quốc gia.

Tại Brazil, nơi Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã theo dõi cựu Tổng thống Dilma Rousseff và nội các, khiến bà Rousseff hủy bỏ chuyến thăm chính thức tới Washington năm 2013, lời cảnh báo của Mỹ về gián điệp Trung Quốc là "vô nghĩa" nhất vì bà Rousseff đã yêu cầu một lời xin lỗi chính thức từ Tổng thống Barack Obama nhưng không được đáp ứng.

Ở những nơi khác trong khu vực cũng vậy, những lời hùng biện chống Trung Quốc của Mỹ đang phải trả giá. Trong chuyến thăm Chile vào tháng 4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã công khai tấn công Trung Quốc và cảnh báo về các hoạt động của Huawei. Đại sứ Trung Quốc tại Santiago đã “khẩu chiến" lại, cáo buộc ông Pompeo “mất trí” và phủ nhận Huawei có bất kỳ mối liên hệ nào với Chính phủ Trung Quốc. Và ngay sau chuyến thăm của ông Pompeo, Tổng thống Chile đã tới Trung Quốc để tham dự Hội nghị thượng đỉnh "Vành đai, Con đường" 2019, nơi ông cũng gặp gỡ các giám đốc điều hành của Huawei. Chile muốn Huawei mở một nhà máy trên đất của mình.

Một quốc gia quan trọng khác ở khu vực là Peru cũng đã bày tỏ sự quan tâm.

Ở Mỹ Latinh, việc Trung Quốc thiếu sức mạnh mềm và ảnh hưởng trong cuộc sống hàng ngày (như Mỹ), ngược lại, lại là sức mạnh của họ. Nhiều người Mỹ Latinh coi Trung Quốc là đối tác hữu ích để giúp đối trọng với ảnh hưởng quá mức của Mỹ, mặc dù ảnh hưởng của Bắc Kinh tại Brazil và Chile hiện đã vượt xa Washington.

Hiện nay, hầu hết các nhà khai thác viễn thông Mỹ Latinh đều tập trung vào việc mở rộng mạng 4G hiện tại và khu vực này sẽ chỉ chiếm khoảng 5% kết nối 5G toàn cầu vào năm 2025. Tuy nhiên, cuộc đua đưa thế hệ viễn thông tiếp theo đến Mỹ Latinh sẽ còn vượt xa ngoài khu vực. Xét cho cùng, càng có nhiều thị trường mà Huawei nắm bắt được ở các nước đang phát triển, thì Trung Quốc càng có thể trở thành một người thiết lập tiêu chuẩn thống trị toàn cầu.

Chú thích ảnh
Phó Tổng thống Brazil Mourao tại một hội nghị trong tháng 5 này ở Brazilia. Ảnh: Reuters

Các nhà hoạch định chính sách Mỹ Latinh đã bày tỏ sự hoang mang trước nỗi ám ảnh của Mỹ với Huawei. Doanh số bán điện thoại thông minh của công ty Trung Quốc trong khu vực đã tăng hơn 50% vào năm ngoái. Việc tiếp nhận gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc không chỉ có nghĩa là chọn một đối thủ cạnh tranh hơn, mà sẽ gây nguy hiểm cho công việc và mối quan hệ với một đối tác thương mại quan trọng như Mỹ. Nhưng đối với Mỹ Latinh, việc duy trì các điều khoản tốt đẹp với Trung Quốc là mối quan tâm trước mắt hơn. Các ngành công nghiệp thực sự phụ thuộc vào 5G, như xe hơi tự hành hoặc máy bay không người lái, thành phố thông minh, và trí tuệ nhân tạo, sẽ không lan rộng ở nơi này trước giữa thập niên 2020. Mà vào thời điểm đó, hầu hết các nhà hoạch định chính sách tại Mỹ latinh ngày nay sẽ rời nhiệm sở.

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tới Brasília vào tháng 11 tới, nơi ông dự kiến mời tất cả các nước Mỹ Latinh tham gia Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường. Nhiều chính phủ trong khu vực coi đây là việc Trung Quốc cung cấp cơ hội lịch sử cho sự phát triển kinh tế của họ. "Đây là một lợi ích chung. Trung Quốc muốn có sản phẩm của chúng tôi; chúng tôi cần tàu, cảng và đường cao tốc tạo điều kiện cho việc vận chuyển các sản phẩm này”, Phó Tổng thống Brazil Mourao phát biểu.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Huawei đã phạm ‘trọng tội’ gì khiến Mỹ trừng phạt?
Huawei đã phạm ‘trọng tội’ gì khiến Mỹ trừng phạt?

Mối quan hệ không mấy thân thiện giữa Mỹ và Huawei trong một thập niên qua đã lên đến cao trào vào ngày 15/5 khi chính quyền Tổng thống Donald Trump cấm các tập đoàn trong nước bắt tay kinh doanh với công ty Trung Quốc này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN