Hệ lụy đáng ngại từ cuộc chiến Huawei

Việc Tổng thống Donald Trump liên tiếp đưa ra loạt biện pháp "cấm cửa" Huawei đã đẩy "cuộc đối đầu" giữa hai cường quốc lên một nấc thang mới.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong nhiều tháng qua đã tiến hành chiến dịch rầm rộ và quyết liệt trên toàn cầu nhắm vào tập đoàn công nghệ viễn thông khổng lồ Huawei của Trung Quốc, với cao trào là quyết định cấm các hãng sản xuất Mỹ bán linh kiện và công nghệ cho tập đoàn này, đồng thời cấm các công ty công nghệ trong nước mua hoặc sử dụng thiết bị cùng dịch vụ của Huawei. 

Mặc dù Washington tạm hoãn thực thi lệnh cấm xuất khẩu công nghệ của Mỹ cho Huawei đến giữa tháng 8 tới, nhưng tác động của các biện pháp chống Huawei đối với cả hai bên được dự báo là không hề nhỏ, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế nhất nhì thế giới vẫn chưa có dấu hiệu vãn hồi.

Chú thích ảnh
Một cửa hàng của Huawei ở Thượng Hải, Trung Quốc ngày 10/5/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Việc Tổng thống Donald Trump liên tiếp đưa ra loạt biện pháp "cấm cửa" Huawei đã đẩy "cuộc đối đầu" giữa hai cường quốc lên một nấc thang mới. Từ mặt trận thương mại, căng thẳng Mỹ-Trung tiếp tục mở rộng tới lĩnh vực công nghệ khi mà Trung Quốc ngày càng thể hiện là một "thế lực đáng gờm" trong lĩnh vực được đánh giá là nền tảng của sự đổi mới và sẽ giữ vai trò chi phối trong thế giới tương lai thời cách mạng công nghiệp 4.0 này.

Giới phân tích cho rằng các biện pháp mới nhất của Mỹ trước hết nhằm kiềm chế "sự bành trướng" của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ. Chỉ xét về kinh doanh thuần túy, mặc dù có thể phần lớn người tiêu dùng Mỹ thậm chí không biết cách phát âm chuẩn tên Huawei, nhưng thương hiệu này đang ngày càng trở nên phổ biến ở nhiều nước trên thế giới và âm thầm trở thành một "ngôi sao đang lên" trên thị trường điện thoại thông minh toàn cầu.

Với chiến lược công phá những thị trường mới, cung cấp các dòng sản phẩm với nhiều lựa chọn hợp lý về giá cả cho người tiêu dùng có thu nhập thấp, cũng như các dòng điện thoại cao cấp, Huawei đang chứng tỏ mình là một đối thủ cạnh tranh "nặng ký" trước những thương hiệu có tiếng như Apple và Samsung ở Trung Quốc và châu Âu. Theo hãng nghiên cứu IDC, trong quý I/2019, Huawei đã xuất xưởng 59 triệu điện thoại thông minh, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái và nhiều hơn gần 23 triệu chiếc so với Apple.

Lệnh cấm của Mỹ nếu được thực thi trước mắt sẽ tác động trực tiếp tới doanh số của Huawei, hiện đang là nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới. Giới phân tích dự báo, với một hệ điều hành Android bị tinh giản hóa chỉ còn lại những tính năng cơ bản nhất, người tiêu dùng có thể sẽ quay lưng với Huawei và chuyển sang sử dụng các dòng sản phẩm của các thương hiệu khác. Với 48% số điện thoại của hãng được giao bên ngoài Trung Quốc trong năm 2018, các biện pháp hạn chế của Mỹ đang đẩy Huawei vào nguy cơ mất thị phần.

Theo ông Ryan Koontz, nhà phân tích của thị trường chứng khoán Rosenblatt, Huawei đang phụ thuộc lớn vào các sản phẩm bán dẫn của Mỹ và chắc chắn sẽ bị tác động nghiêm trọng nếu thiếu nguồn cung linh kiện chủ chốt của Mỹ. Nếu tình huống này xảy ra, Huawei - vốn tự nhận là "một trong những đối tác toàn cầu lớn của Android", có thể sẽ bị lùi một bậc trong bảng xếp hạng các nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn trên toàn cầu, xuống vị trí thứ ba sau "Trái táo cắn dở" Apple của Mỹ.

Nhà phân tích Roger Entner nhận định: "Đây sẽ là một cuộc khủng hoảng lớn đối với Huawei. Thay vì trở thành nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới trong năm nay, Huawei sẽ phải chật vật ở vị trí thứ hai, nhưng cũng có thể bị tụt lại phía sau".

Lệnh cấm của Mỹ còn khiến Trung Quốc chậm trễ trong việc xây dựng mạng lưới 5G. Ông Scott Kennedy, một chuyên gia về Trung Quốc của Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, cho rằng lệnh phong tỏa của Mỹ không chỉ có khả năng làm tê liệt hoạt động của Huawei mà còn cản trở lộ trình ra mắt trên toàn cầu của mạng không dây 5G then chốt. Tập đoàn Huawei thông báo hiện đã ký hơn 40 hợp đồng 5G thương mại trên toàn thế giới, bao gồm cả ở châu Âu, Trung Đông và châu Á.

Trong khi đó, Mỹ, dù cũng đang cạnh tranh xây dựng mạng lưới 5G tốc độ cao mà Tổng thống Trump từng tuyên bố "cuộc đua nhằm xây dựng 5G là cuộc đua mà Mỹ phải giành chiến thắng", song các chuyên gia cho rằng Mỹ vẫn thiếu một chiến lược 5G rõ ràng. Mỹ lâu nay vẫn tìm cách cả vận động lẫn cảnh báo để ngăn cản các đồng minh truyền thống từ Liên minh châu Âu (EU) tới Australia, Nhật Bản... sử dụng thiết bị 5G của Huawei.

Rộng hơn, những "ngón đòn" của Mỹ đối với Huawei có lẽ còn mang tính chiến lược. Từ lâu, sự trỗi dậy của Trung Quốc với sức mạnh kinh tế và công nghệ ngày càng nổi trội, được cho có thể xoay chiều cán cân quyền lực trên thế giới. Bởi vậy mà căng thẳng thương mại hay cuộc chiến công nghệ liên quan Huawei đã vượt xa khỏi ý nghĩa kinh tế thuần túy, mà là một phần của cuộc cạnh tranh địa-chính trị sâu sắc và sự đối địch để xác lập vị thế "người đứng đầu" giữa Mỹ và Trung Quốc.

Những tác động với chủ thể Huawei là không bàn cãi. Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá việc ngăn chặn bán linh kiện quan trọng cho Huawei cũng giáng một đòn mạnh vào các công ty Mỹ vốn là một thành tố trong chuỗi cung ứng của tập đoàn công nghệ khổng lồ Trung Quốc. Năm ngoái, ước tính các công ty Mỹ bán được khối lượng linh kiện khổng lồ có tổng trị giá 11 tỷ USD cho Huawei. Số liệu trên cho thấy một thực tế là các công ty công nghệ Mỹ đang ngày càng phụ thuộc vào Huawei, và ngược lại, tập đoàn công nghệ của Trung Quốc cũng phải dựa vào nguồn cung cấp của các "đại gia" ở thung lũng Sillicon để bảo đảm sản lượng. Do đó, mối quan hệ cộng sinh giữa hai bên chắc chắn không tránh được những tác động tiêu cực.

Ông Roger Kay, người sáng lập và nhà phân tích của Endpoint Technologies Associates, cho biết lệnh cấm có thể thúc đẩy các nỗ lực của Huawei và các công ty Trung Quốc trong việc phát triển những nguồn cung cấp riêng về bộ vi xử lý và các thiết bị khác. Theo ông Kay, tác động ngắn hạn đối với cả doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc chắc chắn là tiêu cực, trong khi tác động dài hạn là Huawei và các công ty Trung Quốc khác sẽ né tránh hợp tác với các công ty Mỹ.

Về phần mình, ông Avi Greengart, người sáng lập công ty nghiên cứu Techsponential, nhận định lệnh cấm các doanh nghiệp Mỹ bán công nghệ cho Huawei có thể ảnh hưởng tới nhiều công ty có quy mô hoạt động từ nhỏ tới lớn của Mỹ, trong đó có Corning, sản xuất kính cường lực Gorilla Glass cho các loại điện thoại thông minh, và Dolby - nhà sản xuất phần mềm hình ảnh và âm thanh cho tai nghe.

Đối với Mỹ nói riêng, việc triển khai 5G chắc chắn sẽ tốn kém hơn, diễn ra lâu hơn và gây bất lợi cho Mỹ trong cuộc chạy đua hướng tới lĩnh vực sản xuất thông minh, chưa kể đến lĩnh vực cơ sở hạ tầng thông minh. Không những vậy, các công ty công nghệ của Mỹ, vốn sẽ đối mặt với giảm doanh số, còn có thể đương đầu với nguy cơ phải cắt giảm nhân viên. Theo thống kê của Hiệp hội ngành công nghệ tin học, hơn 52.000 việc làm trong lĩnh vực công nghệ ở Mỹ trực tiếp liên quan tới xuất khẩu của Trung Quốc.

Ngoài ra, nếu được thực thi đầy đủ, quyết định của chính quyền Tổng thống Trump cũng có thể gây ra những tác động dây chuyền đối với ngành công nghiệp bán dẫn trên toàn cầu. Intel là nhà cung cấp chip chính cho máy chủ của Huawei, trong khi Qualcomm là nhà cung cấp chip và modem cho nhiều công ty điện thoại thông minh của Huawei và Xilinx bán chip lập trình mạng, còn Broadcom là nhà cung cấp chip chuyển đổi mạng. Động thái của Mỹ còn làm dấy lên lo ngại rằng mục tiêu của Tổng thống Trump nhằm kiềm chế Trung Quốc sẽ gây ra một cuộc "chiến tranh lạnh" kéo dài giữa các nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Có lẽ Mỹ cũng nhận thấy những nguy cơ đối với các công ty công nghệ trong nước, nên tạm hoãn thực thi lệnh cấm đối với Huawei trong thời gian 90 ngày. Theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross, việc nới lỏng lệnh cấm sẽ tạo điều kiện cho các nhà cung cấp viễn thông Mỹ vốn lệ thuộc vào thiết bị của Huawei có thời gian để có những điều chỉnh riêng. Tuy nhiên, khi vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung đang lâm vào bế tắc, quyết định của Washington nhằm vào tập đoàn viễn thông Huawei càng khiến mâu thuẫn giữa hai nước khó hóa giải. Cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung có thể sẽ là cuộc đấu dài hạn và toàn diện, dẫn tới những rủi ro chưa thể lường hết.

Thùy An (TTXVN)
Huawei - 'tâm điểm' trong bất đồng thương mại và công nghệ Mỹ - Trung
Huawei - 'tâm điểm' trong bất đồng thương mại và công nghệ Mỹ - Trung

Trung tuần tháng 5/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp cấm các công ty công nghệ trong nước mua hoặc sử dụng thiết bị nước ngoài "có thể gây nguy hại an ninh quốc gia của Mỹ hoặc an ninh và an toàn của người Mỹ".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN