Iran đã kiềm chế hành động quân sự trực tiếp nhằm vào Israel và Mỹ, ưu tiên sự ổn định của chế độ trong bối cảnh những thách thức nội bộ, bao gồm bất ổn xã hội và khủng hoảng kinh tế, theo nhận định của Đài phát thanh Tự do châu Âu (RFE/RL) ngày 10/2.
Nguồn tin trên cho rằng giới lãnh đạo Iran, trong đó có Tổng thống Ebrahim Raisi, đã nhấn mạnh cách tiếp cận hòa giải, tuyên bố Tehran sẽ không khơi mào chiến tranh nhưng sẽ đáp trả những hành động gây hấn.
Các chuyên gia lưu ý mặc dù năng quân sự của Iran có tiến bộ trong các lĩnh vực như máy bay không người lái và tên lửa, nhưng nước này không muốn xung đột với Israel, mà chỉ dựa vào “các biện pháp bất đối xứng và lực lượng ủy nhiệm để tránh đối đầu trực tiếp”.
Kể từ khi Israel phát động chiến dịch trên bộ ở Gaza, các nhóm vũ trang thân Iran đã tấn công các mục tiêu của Israel và Mỹ trên khắp Trung Đông để thể hiện sự ủng hộ đối với người Palestine ở dải đất trên.
Về phần mình, Iran cũng đã phô trương sức mạnh trong khu vực kể từ khi xung đột Israel – Hamas nổ ra vào tháng 10 năm ngoái, Tehran vẫn tránh thực hiện hành động quân sự trực tiếp nhằm vào Israel và đồng minh chủ chốt của nước này là Mỹ. Theo các chuyên gia, Tehran coi một cuộc chiến trực tiếp như vậy là mối đe dọa đối với sự ổn định nội bộ và sự sống còn của chính họ. Alex Vatanka, Giám đốc Chương trình Iran tại Viện Trung Đông ở Washington, nêu quan điểm: “Iran có quá nhiều thứ để mất trong một cuộc xung đột trực tiếp, đặc biệt là về tương lai của nước này”.
Tuy nhiên, khả năng xảy ra một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa Mỹ và Iran gia tăng sau khi lực lượng dân quân thân Iran ở Iraq tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào căn cứ quân sự Mỹ ở Jordan, khiến 3 lính Mỹ thiệt mạng và hơn 40 người bị thương ngày 29/1.
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi ngày 2/2 cho biết nước này “sẽ không bắt đầu bất kỳ cuộc chiến tranh nào” nhưng sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu “bị tấn công". Raz Zimmt, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Israel (INSS), cho rằng "sự tồn tại của chế độ là mục tiêu hàng đầu” của chính quyền Iran và bất kỳ cuộc chiến nào với Israel/Mỹ sẽ là mối đe dọa hiện hữu đối với chính quyền của nước cộng hòa Hồi giáo này.
Chính quyền Iran đã phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng trong nước trong những năm gần đây, bao gồm các cuộc biểu tình gia tăng và nền kinh tế đang suy thoái. Mahsa Amini, người bị thiệt mạng vào tháng 9/2022 khi bị cảnh sát giam giữ đã gây ra các cuộc biểu tình bạo lực trên toàn quốc trong nhiều tháng, đặt ra một trong những thách thức lớn nhất đối với nước cộng hòa Hồi giáo này trong nhiều thập kỷ.
Trước đó, cuộc bầu cử quốc hội năm 2020 và cuộc bầu cử tổng thống năm 2021 chứng kiến tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp kỷ lục, với chưa đến một nửa số cử tri đủ điều kiện tham gia bỏ phiếu trong cả hai cuộc bầu cử. Có những lo ngại tương tự về tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu kém trong cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân dự kiến diễn ra vào tháng tới ở Iran.
Chính quyền Iran cũng phải vật lộn với một nền kinh tế đang xấu đi, bị tê liệt bởi các lệnh trừng phạt từ phương Tây và một số vấn đề yếu kém trong quản lý điều hành của chính phủ, dẫn đến lạm phát tăng vọt, tỷ lệ thất nghiệp cao và tình trạng nghèo đói ngày càng gia tăng.
Chuyên gia Zimmt giải thích: “Các quyết định về chính sách đối ngoại của Iran không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dư luận. Tuy nhiên, việc ngăn chặn những xáo trộn chính trị không cần thiết trong nước ở Iran chắc chắn sẽ định hình các lựa chọn của họ”.
Về năng lực quân sự, trong nhiều năm, các quan chức Iran đã chứng minh sự phát triển về máy bay không người lái và tên lửa của nước này. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Iran chưa sẵn sàng thách thức Israel và Mỹ. Chuyên gia Zimmt nói: “Iran có thể thấy rằng Israel có lợi thế rõ ràng về tác chiến và tình báo trong một cuộc xung đột quân sự trực tiếp, cả về phòng thủ lẫn tấn công”.
Về phần mình, John Krzyzaniak, nhà nghiên cứu tại Dự án Wisconsin về Kiểm soát Vũ khí Hạt nhân, cho biết ngoài việc có một quân đội truyền thống vượt trội, Israel còn có khả năng răn đe hạt nhân. Israel được cho là sở hữu vũ khí hạt nhân, với Sáng kiến Đe dọa Hạt nhân có trụ sở tại Washington ước tính rằng Israel có khoảng 90 đầu đạn hạt nhân.
Dưới nhiều thập kỷ bị trừng phạt, Iran đã đầu tư rất nhiều vào việc phát triển các chương trình vũ khí nội địa, chế tạo máy bay không người lái và tên lửa giá rẻ nhưng hiệu quả. Các quan chức Iran từng tự hào rằng một số vũ khí của nước này được phát triển đặc biệt để tấn công Israel. Ví dụ, các quan chức Iran đã tuyên bố rằng tên lửa đạn đạo Fattah của họ có thể bay tới Tel Aviv trong khoảng 6 phút.
Nhưng chuyên gia Vatanka cho biết đây chỉ là “cuộc chiến tâm lý nhằm vào Israel” và nhằm “nâng cao hình ảnh của Tehran” với tư cách là “người bảo vệ hoặc thúc đẩy chính nghĩa của người Palestine”.
Trong khi đó, chuyên gia Krzyzaniak nhận định tên lửa của Iran có thể “gây ra mối đe dọa nghiêm trọng” cho Israel trong khi các máy bay không người lái tấn công của nước này như Shahed-136 có thể có sức “tàn phá” nếu được bắn với số lượng lớn. Tuy nhiên, ông cho biết Israel vẫn có ưu thế quân sự trước Iran.
Đó là lý do tại sao, theo Krzyzaniak, Iran sẽ tiếp tục dựa vào các hình thức bất đối xứng của mình: “Chiến thuật du kích là không bao giờ tấn công trực diện vào đối thủ. Bằng cách sử dụng mạng lưới các nhóm ủy nhiệm chống lại Israel và Mỹ, Tehran có thể làm giảm tổn thất của chính mình”.
Đồng quan điểm trên, chuyên gia Zimmt lưu ý điều này cho phép Iran “chiến đấu với Israel thông qua các liên kết ở khu vực trên nhiều mặt trận, mặc dù với phạm vi hạn chế”.
Các chuyên gia trên cũng cho rằng việc Iran không đáp trả sau khi ít nhất 10 thành viên Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) bị thiệt mạng do các cuộc tấn công của Israel ở Syria và Liban kể từ đầu tháng 12 vừa qua càng củng cố thêm lập luận rằng Tehran muốn tránh chiến tranh.
Tháng trước, Iran đã thực hiện các cuộc tấn công tên lửa vào các mục tiêu ở Syria, Iraq và Pakistan, động thái được nhiều người coi là lời cảnh báo đối với Israel và Mỹ. Nhưng chuyên gia Zimmt kết luận Iran đã tránh được sự leo thang một cách có tính toán trước nguy cơ có thể dẫn đến chiến tranh với Israel và Mỹ: “Hiện tại, những lo ngại của Iran về việc đối đầu trực tiếp với Israel dường như lớn hơn mong muốn đáp trả của họ”.