Các bệnh viện được bảo vệ như thế nào trong chiến tranh?

Luật Nhân đạo quốc tế nghiêm cấm tấn công vào các trung tâm y tế, trừ khi chúng được sử dụng để thực hiện "các hành động gây hại cho kẻ thù". Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp này, một chiến dịch gây nguy hiểm đến tính mạng của dân thường vẫn là bất hợp pháp.

Chú thích ảnh
Binh sĩ quân đội Israel đang tiến vào bệnh viện Al-Shifa ở Dải Gaza, ngày 15/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Hôm 15/11, xe tăng và binh lính cùng quân đội Israel đã tiến vào bệnh viện Al-Shifa, trung tâm y tế lớn nhất ở Dải Gaza. Có khoảng 2.000 người trong khu phức hợp bệnh viện, bao gồm bác sĩ, bệnh nhân và người tị nạn. Trong những ngày bị bao vây, nhân viên của trung tâm y tế đã báo cáo thông qua Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) rằng không thể sơ tán khỏi bệnh viện vì binh lính Israel bắn vào bất kỳ ai tìm cách rời đi. Bệnh viện không thể hoàn thành sứ mệnh nhân đạo của mình vì thiếu các phương tiện cơ bản cần thiết cho sự sống còn như điện, nhiên liệu, nước, thực phẩm và thuốc men. Tình trạng này đã dẫn đến cái chết của hàng chục người - trong số đó có ít nhất 7 trẻ sinh non đang nằm trong lồng ấp.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus trong tuần trước đã tố cáo hành động gây hấn chống lại bệnh viện Al-Shifa: “Theo luật nhân đạo quốc tế, các cơ sở y tế, nhân viên y tế, xe cứu thương và bệnh nhân phải được bảo vệ trước mọi hành động chiến tranh. Ngay cả khi các cơ sở y tế được sử dụng cho mục đích quân sự, các nguyên tắc phân biệt, phòng ngừa và tương xứng vẫn luôn được áp dụng. Bệnh viện không phải là chiến trường”.

Việc tấn công bệnh viện trong thời chiến có hợp pháp không?

Điều 18 của Công ước Geneva lần thứ tư nêu rõ: “Các bệnh viện dân sự được tổ chức để chăm sóc những người bị thương và bệnh tật, những trường hợp ốm yếu và sản phụ, trong mọi trường hợp không thể là đối tượng bị tấn công, phải luôn được tôn trọng và bảo vệ bởi các bên trong xung đột”

Luật Nhân đạo quốc tế (IHL) cũng cấm tấn công xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ y tế. Điều 21 của đạo luật nêu: “Các đoàn xe hoặc tàu bệnh viện trên đất liền hoặc tàu chuyên dụng trên biển, vận chuyển thường dân bị thương và bệnh tật, các trường hợp ốm đau và thai sản, phải được tôn trọng và bảo vệ”.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Israel được triển khai tại Dải Gaza ngày 12/11/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Hành động bao vây bệnh viện có hợp pháp không?

Các cuộc tấn công của Israel xung quanh bệnh viện Al-Shifa và các bệnh viện khác ở Gaza khiến các trung tâm y tế này mất nguồn cung cấp: không có internet, điện, thực phẩm, nước hoặc thuốc men.

Theo IHL, việc để dân thường không có lương thực và thuốc men là bất hợp pháp. Theo Điều 23 của Công ước Geneva lần thứ tư, các bên trong cuộc xung đột phải cho phép “tự do vận chuyển tất cả các lô hàng của các cửa hàng y tế và bệnh viện cũng như các đồ vật cần thiết cho việc thờ cúng tôn giáo chỉ dành cho dân thường bên kia, ngay cả khi đó là bên đối thủ”.

Thỏa thuận này quy định một ngoại lệ là “các chuyến hàng có thể bị chuyển hướng khỏi điểm đến”, “việc kiểm soát đó có thể không hiệu quả” hoặc “kẻ thù có thể thu được lợi thế rõ ràng từ chúng cho các hành động chiến tranh của họ”. Nhưng Israel đã không ám chỉ bất kỳ giả định nào trong số này là lý do để ngăn chặn việc cung cấp thực phẩm và thuốc men cho Gaza.

Có trường hợp nào bệnh viện mất đi sự bảo vệ pháp lý không?

Có. Việc bảo vệ các bệnh viện dân sự chỉ có thể chấm dứt nếu họ “ngoài nhiệm vụ nhân đạo của mình, thực hiện các hành động gây hại cho kẻ thù” như quy định tại điều 19 của Công ước Geneva lần thứ tư. Mặc dù luật nhân đạo quốc tế không định nghĩa những “hành động gây hại” này là gì, nhưng cũng làm rõ rằng trong mọi trường hợp chúng sẽ không được coi là như vậy bất chấp sự hiện diện của “các thành viên lực lượng vũ trang bị ốm hoặc bị thương đang được chăm sóc tại các bệnh viện này, hoặc vũ khí nhỏ và đạn dược được lấy từ những chiến binh như vậy và chưa được giao cho lực lượng thích hợp”. Ví dụ, việc chăm sóc y tế cho một thành viên Hamas bị thương, miễn là họ không tham gia chiến đấu, không phải là một trong những lý do khiến bệnh viện mất đi sự bảo vệ.

Ủy ban Chữ Thập Đỏ Quốc tế cho rằng bệnh viện sẽ mất đi sự bảo vệ khi không còn thực hiện chức năng nhân đạo là chăm sóc người bệnh và người bị thương và được sử dụng để “can thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp vào các hoạt động quân sự và do đó gây tổn hại cho kẻ thù”.

Tổ chức này trích dẫn một số ví dụ: “Nếu một bệnh viện được sử dụng làm căn cứ để tiến hành một cuộc tấn công, làm trạm quan sát quân sự để truyền thông tin có giá trị quân sự, làm kho chứa vũ khí hoặc đạn dược, làm trung tâm liên lạc với quân đội chiến đấu, hoặc làm nơi trú ẩn cho những chiến binh khỏe mạnh".

Điều gì sẽ xảy ra nếu chắc chắn rằng kẻ thù đang ẩn náu trong bệnh viện?

“Luật Nhân đạo quốc tế quan tâm hết sức đến việc bảo vệ các bệnh viện trong chiến tranh và dân thường trong đó: việc tấn công bệnh viện là không hợp pháp. Điều 18 của Công ước Geneva lần thứ tư đã nói rõ điều đó", ông Francisco Rey, đồng giám đốc Viện Nghiên cứu Xung đột và Hành động Nhân đạo (IECAH), cho biết. Theo chuyên gia này, “ngay cả khi chiến binh địch được xác định đang nổ súng từ nóc bệnh viện, nếu không thể phân biệt rõ ràng nguy cơ đối với dân thường trong cuộc tấn công thì chiến binh đó không thể bị tấn công”.

Mặc dù IHL không thể áp dụng một cách máy móc, ông Rey nhớ lại rằng nó có những nguyên tắc cơ bản như nguyên tắc phân biệt: “Cuộc tấn công là không hợp pháp nếu thiệt hại dự định gây ra cho kẻ thù không thể phân biệt được với thiệt hại có thể gây ra cho dân thường. ”

 

Chú thích ảnh
Binh sĩ Israel tiến hành chiến dịch bên trong bệnh viện Al-Shifa ở Gaza. Ảnh: IDF/AFP 

Điều gì sẽ xảy ra nếu Hamas sử dụng bệnh nhân làm lá chắn sống?

Israel cáo buộc lực lượng Hamas sử dụng bệnh nhân và dân thường trú ẩn trong bệnh viện làm lá chắn sống. Theo ông Rey, "dữ liệu do các tổ chức nhân đạo cung cấp cho thấy có rất nhiều nạn nhân dân sự đang trong tình trạng khủng khiếp tại các bệnh viện ở Gaza. Việc quân đội Israel vào bệnh viện là vi phạm nghiêm trọng IHL và có thể là tội ác chiến tranh”. Và ông nói thêm: “Mặt khác, nếu Hamas sử dụng bệnh nhân, bác sĩ và thường dân trong bệnh viện làm lá chắn sống, điều đó cũng sẽ vi phạm nghiêm trọng IHL”. Theo điều 8.2.b.XXIII của Quy chế Rome - quy định hoạt động của Tòa án Hình sự Quốc tế, “sử dụng sự hiện diện của một cá nhân dân sự hoặc người được bảo vệ khác để khiến một số điểm, khu vực hoặc lực lượng quân sự miễn nhiễm khỏi các hoạt động quân sự" là tội ác chiến tranh.

Điều gì sẽ xảy ra nếu có đường hầm của Hamas dưới bệnh viện?

Theo Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF), mặc dù các trung tâm y tế có thể mất tình trạng bảo vệ đặc biệt nếu bị lợi dụng để thực hiện các hành động gây hại cho kẻ thù ngoài chức năng nhân đạo của họ, “những cáo buộc rằng các đường hầm tồn tại trong bệnh viện không tước đi tình trạng bảo vệ của bệnh viện theo Luật Nhân đạo quốc tế".

“Ngay cả khi việc phá hủy các đường hầm dưới lòng đất là hợp pháp, nó sẽ không ảnh hưởng đến bản thân bệnh viện và sẽ yêu cầu mọi biện pháp phòng ngừa cần thiết để tránh và/hoặc giảm thiểu mọi thiệt hại ngẫu nhiên cho bệnh viện, nhân viên y tế, bệnh nhân và dân thường”, MSF nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Lối vào một đường hầm mà theo quân đội Israel, được sử dụng bởi Hamas, nằm bên dưới bệnh viện Al-Shifa. Ảnh: IDF/Reuters 

Israel đã cung cấp bằng chứng gì cho thấy các bệnh viện ở Gaza là mục tiêu quân sự?

Israel tuyên bố Hamas sử dụng bệnh viện làm căn cứ cho hoạt động của mình. Trong trường hợp cụ thể của Al-Shifa, MSF tuyên bố rằng họ chưa nhận được thông tin hỗ trợ cho cáo buộc này. “Các nhân viên của MSF trên thực địa là các chuyên gia y tế, không phải chuyên gia quân sự. Tuy nhiên, điều chúng tôi có thể nói là chúng tôi chú ý đến những cáo buộc này và chúng tôi chưa nhận được bất kỳ báo cáo hay dấu hiệu nào từ nhân viên làm việc tại bệnh viện ủng hộ cáo buộc rằng bệnh viện đang được sử dụng làm căn cứ của Hamas”, nguồn tin từ MSF giải thích trong một email.

Tuy nhiên, ngày 19/11, quân đội Israel tuyên bố phát hiện một đường hầm dài 55 mét, nằm sâu 10 mét bên dưới bệnh viện Al-Shifa ở Gaza. Israel cũng công bố một video quay ngày 17/11 cho thấy binh sĩ nước này thâm nhập đường hầm, đồng thời cáo buộc đường hầm này được sử dụng bởi chiến binh Hamas.

Vài ngày trước, bộ phận liên lạc của quân đội Israel cũng công bố một đồ họa thông tin không thể được xác nhận độc lập, trong đó cho thấy toàn bộ mạng lưới đường hầm và cơ sở hạ tầng được cho là của Hamas trong khu phức hợp y tế Al-Shifa.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo El Pais)
Lực lượng Israel đang bao vây bệnh viện Indonesia ở Gaza
Lực lượng Israel đang bao vây bệnh viện Indonesia ở Gaza

Phóng viên đài Al Jazeera đưa tin từ Gaza cho biết, lực lượng Israel hiện đang bao vây bệnh viện Indonesia và bắn phá khu vực lân cận bệnh viện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN