Viễn cảnh, mà trong đó Thủ tướng Mario Draghi vẫn cương quyết rời khỏi chính phủ, được cho là sẽ gây ra nhiều bất trắc không chỉ đối với sự ổn định của Italy mà còn đối với những vấn đề lợi ích chung hiện nay của phương Tây. Do đó, mọi nỗ lực cả trong nước và quốc tế đang được các lực lượng chính trị Italy gấp rút thúc đẩy nhằm tránh để xảy ra kịch bản này.
Khủng hoảng chính trị lần này tại Italy chính thức được đánh dấu từ sau cuộc bỏ phiếu của thượng viện ngày 14/7 liên quan dự luật hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp ứng phó tình trạng giá cả leo thang. Mặc dù dự luật vẫn được Thượng viện thông qua với tỷ lệ 172 phiếu thuận so với 39 phiếu chống, song việc Phong trào 5 Sao (M5S), đảng lớn thứ hai trong liên minh cầm quyền, tẩy chay cuộc bỏ phiếu chính là nút thắt quyết định khiến Thủ tướng Draghi nộp đơn xin từ chức như ông đã tuyên bố trước đó. Thủ tướng Draghi cho rằng: "Các lá phiếu ngày hôm nay tại quốc hội rất có ý nghĩa về quan điểm chính trị. Phần lớn sự đoàn kết dân tộc ủng hộ chính phủ này kể từ khi được thành lập đã không còn nữa".
Tuy nhiên, Tổng thống Italy Sergio Mattarella đã bác đơn xin từ chức và yêu cầu ông Draghi xuất hiện trước quốc hội để báo cáo về tình hình chính trị vào ngày 20/7 tới. Đó cũng sẽ là thời điểm rất được chờ đợi vì tại đó Thủ tướng Draghi sẽ tái khẳng định mong muốn từ chức hay chấp nhận tiếp tục điều hành chính phủ theo các phương án thỏa hiệp mới.
Được thành lập từ tháng 2/2021, chính phủ đoàn dân tộc do Thủ tướng Draghi lãnh đạo quy tụ hầu hết các đảng chính trị có mặt trong quốc hội, ngoại trừ đảng đối lập “Anh em Italy” của chính trị gia cực hữu Giorgia Meloni. Vai trò đóng góp cá nhân của Thủ tướng Draghi và năng lực điều hành của Chính phủ Italy hiện nay đã được thể hiện rõ qua những dấu ấn nổi bật được ghi nhận cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, với tính chất là một liên minh mở rộng, những khác biệt và bất đồng vốn đã tồn tại, càng trở nên nghiêm trọng hơn trong thời gian gần đây. Một số đảng thành viên chủ chốt như M5S, đảng Dân chủ (PD), đảng Liên đoàn (Lega) thường xuyên chỉ trích, tranh cãi nhau liên quan các đề xuất chính sách ngay từ khi mới được thảo luận trong nội bộ chính phủ. Trong đó, dự luật cứu trợ (Aiuti) gần đây được đa số liên minh ủng hộ song M5S lại phản đối vì cho rằng một số nội dung không phù hợp với giá trị nền tảng của đảng.
Về mặt cá nhân, mối quan hệ giữa ông Draghi với cựu Thủ tướng Giuseppe Conte, lãnh đạo M5S cũng khá căng thẳng sau khi rộ lên thông tin cho rằng Thủ tướng Drghi tìm cách gây sức ép với danh hài Beppe Grillo, người sáng lập M5S, nhằm loại bỏ ông Conte khỏi vai trò chủ tịch đảng này. Bên cạnh đó, một yếu tố khác cũng góp phần đẩy cao căng thẳng giữa M5S với chính phủ, là việc Ngoại trưởng Luigi Di Maio mới quyết định rời khỏi M5S, nơi ông từng làm chủ tịch, và thành lập nhóm chính trị mới trong quốc hội, một bước đi mà M5S nghi ngờ có sự hậu thuẫn của Thủ tướng Draghi.
Đến ngày 6/7, M5S đưa ra yêu sách gồm 9 điểm buộc Thủ tướng Draghi phải thực hiện. Mặc dù Thủ tướng Draghi đã thể hiện sự nhượng bộ nhất định với việc đánh giá các yêu sách của M5S “có thể chia sẻ”, đồng thời khẳng định những biện pháp hỗ trợ sẽ sớm được triển khai, nhưng M5S vẫn cho rằng điều đó là chưa đủ để “người dân cảm nhận được tác dụng từ các biện pháp này”. Sau khi “tối hậu thư” trên không được đáp ứng, M5S chính thức tuyên bố sẽ tẩy chay cuộc bỏ phiếu tại thượng viện, một ngày trước khi sự kiện này diễn ra.
Nguy cơ sụp đổ chính phủ đang hiển hiện khi các bên liên quan cuộc khủng hoảng vẫn giữ nguyên lập trường của mình. Phát biểu tại hội nghị toàn quốc của M5S ngày 16/7, ông Conte khẳng định đảng này “không thể chia sẻ trách nhiệm” nếu chính phủ không có giải pháp rõ ràng cho những vấn đề đã được nêu lên.
Trong khi đó, Thủ tướng Draghi cho rằng M5S “dường như vẫn chưa nhận thức được biến động mà họ đã gây ra”, đo đó “nên để cho họ hiểu mức độ khó khăn của tình hình” nhưng “hiện tôi chưa thấy nỗ lực nào có thể thay đổi những điều đó”. Tuy nhiên, thực tế thì nhiều nỗ lực đang được thực hiện nhằm thuyết phục Thủ tướng Draghi ở lại chính phủ.
Trước hết, ngay trong hội nghị toàn quốc của M5S, ít nhất 8 nghị sỹ thuộc đảng này đã tuyên bố phản đối đường lối chung của đảng và khẳng định sự tín nhiệm đối với chính phủ. Trong khi đó, đại diện các đảng lớn đều khẳng định ủng hộ Thủ tướng Draghi, đồng thời cảnh báo tác động nghiêm trọng nếu chính phủ hiện nay sụp đổ. Lãnh đạo đảng Italia Viva Matteo Renzi tìm cách vận động đủ 100 nghìn chữ ký cho kiến nghị thư kêu gọi Thủ tướng Draghi không từ chức. Cũng với mục đích đó, thư kêu gọi của 11 thị trưởng các thành phố lớn như Rome, Milan, Venice, Torino… nhấn mạnh cần duy trì ổn định và hành động vì lợi ích quốc gia.
Trên bình diện quốc tế, khủng hoảng chính trị tại Italy là vấn đề quan tâm chung của các nước, nhất là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết nước này đang chú ý theo dõi diễn biến chính trị Italy và bày tỏ sự tôn trọng đối với Thủ tướng Draghi. Về phía EU, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Frans Timmermans cũng nhấn mạnh vai trò đóng góp to lớn của Thủ tướng Draghi đối với Italy và EU.
Như vậy, quyết định sắp tới của Thủ tướng Draghi có thể còn chịu sự tác động đáng kể từ những chuyển biến tiếp theo trong nội bộ chính trường Italy cũng như từ các yếu tố tác động khác ở bên ngoài. Một bộ phận lớn dư luận chính giới, cử tri Italy đang rất hy vọng vào một sự thay đổi, dù rằng rất khó khăn, để tránh nguy cơ những chính sách quan trọng nhất hiện nay của Italy và châu Âu lâm vào bế tắc trong trường hợp ông Draghi không còn ở vai trò thủ tướng nền kinh tế lớn thứ ba EU.