Bốn thách thức đối ngoại lớn chờ ông Joe Biden

Nghị trình toàn cầu dài hạn của ông Joe Biden có thể gặp các vấn đề ngắn hạn do bốn thách thức đối ngoại này gây ra.

Theo tờ Vox, sau ngày nhậm chức tổng thống Mỹ vào ngày 20/1/2021, ông Biden có thể muốn chính quyền của mình tập trung vào các vấn đề dài hạn như đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, xây dựng lại các quan hệ liên minh và mối quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên, một số vấn đề về chính sách đối ngoại ngắn hạn nhưng quan trọng sẽ có thể khiến ông phải dồn sức giải quyết trước tiên.

Iran có thể trả đũa Israel hoặc Mỹ

Chú thích ảnh
Đám tang của nhà khoa học hạt nhân iran Mohsen Fakhrizadeh. Ảnh: Getty Images

Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran, Mỹ, các nước châu Âu, Nga và Trung Quốc đã đặt giới hạn nghiêm ngặt cho chương trình hạt nhân của Iran để Iran có thể được giảm trừng phạt. Mục tiêu của chính quyền Mỹ khi đó là ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân bằng con đường ngoại giao thay vì quân sự. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này năm 2018, áp đặt lại các biện pháp trừng phạt tài chính với Iran và đề nghị các nước châu Âu ngừng làm ăn với nước này.

Động thái này đã kích hoạt vòng xoáy leo thang căng thẳng kéo dài, khiến Iran tích trữ số lượng urani làm giàu nhiều gấp 12 giới hạn mà thỏa thuận cho phép. Hai nhân vật cấp cao Iran cũng bị sát hại, gồm Tướng Qassem Soleimani - Tư lệnh lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Iran và nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh. Chưa ai nhận trách nhiệm công khai về vụ sát hại ông Fakhrizadeh nhưng Israel bị nghi ngờ thực hiện một số vụ ám sát tương tự nhằm vào các nhà khoa học hạt nhân Iran.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã cáo buộc Israel sát hại ông Fakhrizadeh và cảnh báo: “Iran chắc chắn sẽ phản ứng sau sự hy sinh của nhà khoa học vào thời điểm thích hợp”.

Nếu Iran định đáp trả các vụ ám sát này bằng cách tăng cường tấn công nhân sự Mỹ ở Iraq hoặc tìm cách ám sát quan chức Israel hoặc Mỹ, chính quyền của ông Biden sẽ gặp thách thức lớn. Bà Dalia Dassa Kaye, chuyên gia về Trung Đông của Tập đoàn RAND nhận định: “Chắc chắn vụ trả đũa dẫn tới việc người Mỹ bị sát hại ở những nơi như Iraq sẽ gây rắc rối nghiêm trọng cho đội ngũ của ông Biden”.

Ông Biden thường tuyên bố rằng cam kết của Mỹ với Israel sẽ vẫn mạnh mẽ. Nếu Iran trực tiếp hoặc gián tiếp tấn công Israel, ông Biden sẽ gặp nhiều áp lực trong việc ủng hộ Israel.

Kịch bản này sẽ khiến Mỹ và Iran tiến gần chiến tranh hơn là giải pháp ngoại giao. Bà Ellie Geranmayeh, nhà phân tích về Iran tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu, nhận định: “Phản ứng như vậy có thể sẽ làm giảm cơ hội ngoại giao với ông Biden cũng như cơ hội Mỹ giảm trừng phạt”. Tuy nhiên, bà Geranmayeh cho rằng Iran có thể sử dụng lời đe dọa tấn công làm công cụ gây áp lực. Iran có thể trì hoãn trả đũa để có quân bài mặc cả khi tới thời điểm đàm phán tiềm năng trong tương lai với Mỹ và châu Âu.

Do đó, Iran định làm gì và không làm gì trong những tháng tới có thể ảnh hưởng lớn tới kế hoạch đối ngoại tổng thể của ông Biden.

Triều Tiên có thể thử tên lửa mạnh nhất

Chú thích ảnh
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AFP

Trong vòng vài tháng đầu tiên sau khi ông Barack Obama nhậm chức, Triều Tiên đã thử tên lửa tầm xa và thiết bị hạt nhân. Trong năm đầu ông Trump làm tổng thống, Triều Tiên đã phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên và thử quả bom hạt nhân mạnh nhất từ trước tới nay.

Một số chuyên gia cảnh báo Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un có thể thực hiện động thái tương tự trong thời gian đầu ông Biden vừa nhậm chức.

Vipin Narang, chuyên gia về chương trình hạt nhân Triều Tiên tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), nhận định: “Triều Tiên là một trong những thách thức mà không ai thực sự muốn đối mặt ngay bây giờ, vì không có giải pháp hay con đường nào dễ dàng để làm giảm tốc độ chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, Chủ tịch Kim Jong-un có cách để khiến Triều Tiên trở lại danh sách ưu tiên cao”.

Một trong số đó là ông Kim Jong-un có thể cho thử tên lửa đạn đạo liên lục địa mới mà Triều Tiên đã ra mắt hồi tháng 10. Các tên lửa này không chỉ là loại lớn nhất của Triều Tiên mà các chuyên gia cho rằng đó cũng là những tên lửa thuộc hàng lớn nhất trên thế giới.

Những tên lửa mới này chưa được phóng thử và nhiều chuyên gia dự báo Triều Tiên có thể sẽ thử một quả vào đầu năm 2021, một phần để xem tên lửa hoạt động ra sao, một phần để gửi thông điệp cho ông Biden.

Động thái này sẽ đòi hỏi chính quyền của ông Biden phản ứng. Không phải là phản ứng bằng chiến tranh mà có thể là áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt hơn, khôi phục lại tập trận Mỹ-Hàn, đưa thêm tàu chiến Mỹ tới khu vực…

Tìm ra phản ứng tốt nhất có thể mất nhiều thời gian và công sức khi ông Biden mới làm tổng thống, khiến ông có ít thời gian và sức lực để giải quyết một số mục tiêu chính sách dài hạn.

Nga có thể cứng rắn về vấn đề kiểm soát vũ khí

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP

Hiệp ước START mới (Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược) được Nga và Mỹ kí năm 2011, theo đó hạn chế số lượng vũ khí hạt nhân mà hai nước sở hữu.

Hiệp ước này sẽ hết hạn ngày 5/2/2021, khiến ông Biden phải gia hạn hiệp ước khi mới làm tổng thống 16 ngày.

Ông Biden đã cam kết gia hạn START mới và Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nói muốn gia hạn ít nhất một năm.

Phần lớn chuyên gia đều cho rằng ông Biden và Putin sẽ nhanh chóng gia hạn hiệp ước trước hạn chót. Tuy nhiên, thời gian gấp gáp có thể mang lại cho Nga lợi thế và khiến Mỹ nhượng bộ một số điều.

Các chuyên gia cho rằng Nga có thể yêu cầu ông Biden dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt được áp đặt thời ông Trump hoặc đề nghị Mỹ ra tuyên bố ca ngợi hiện diện quân sự của Nga ở Nagorno-Karabakh nhằm gìn giữ hòa bình giữa Armenia và Ajezbaijan.

Hiện chưa rõ Nga sẽ làm gì trước khi đồng ý gia hạn START mới. Nhưng nếu thực hiện một trong các động thái trên, Nga và Mỹ có nguy cơ mất START mới và hàng chục năm nỗ lực kiểm soát vũ khí.

Ngoài ra, hai nước có thể trải qua quá trình đàm phán khó khăn sau khi gia hạn hiệp ước, đặc biệt là nếu hai bên không gia hạn đủ 5 năm.

Rắc rối tiềm tàng này liên quan Nga ngay khi khởi động chính quyền mới có thể khiến chính quyền của ông Biden tốn thời gian.

Rút bớt quân ở Afghanistan có thể ảnh hưởng tới hòa đàm với Taliban

Chú thích ảnh
Lực lượng Mỹ tại Afghanistan. Ảnh: Getty Images

Khi chỉ còn hai tháng làm tổng thống, ông Trump đã khẩn trương giảm số lượng binh sĩ Mỹ ở Afghanistan từ 4.500 xuống còn 2.500 vào ngày 15/1/2021 – 5 ngày trước khi ông Biden nhậm chức.

Mặc dù nhiều người ở Mỹ ủng hộ chấm dứt cuộc chiến ở Afghanistan nhưng các chuyên gia lo ngại việc rút quân vội vã này sẽ ảnh hưởng tới lợi ích của Mỹ ở đây. 

Lo ngại chính là việc rút quân vội vã sẽ ảnh hưởng tới thỏa thuận ngoại giao của Mỹ với lực lượng Taliban. Theo thỏa thuận mà hai bên ký đầu năm 2020, mọi binh sĩ Mỹ sẽ phải rời đi vào tháng 5/2021 khi tình hình ở Afghanistan tương đối hòa bình và Taliban tuân thủ thỏa thuận.

Ông Jason Dempsey thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới nhận định: Rút thêm binh sĩ Mỹ khỏi Afghanistan khi các cuộc đàm phán giữa Taliban và chính phủ Afghanistan đang diễn ra có thể ảnh hưởng tới vị thế đàm phán của Kabul, khuyến khích Taliban thực hiện các vụ tấn công nhiều hơn.  

Câu hỏi là ông Biden sẽ làm gì với số lực lượng còn lại ở Afghanistan. Ông Biden từng nói muốn giữ đủ binh sĩ ở đây để làm lực lượng chống khủng bố vì thế có thể ông sẽ không thay đổi điều gì khi nhậm chức.

Tuy nhiên, hiện diện quân sự của Mỹ ít hơn sẽ khiến Taliban đòi hỏi nhiều hơn khi đàm phán với chính phủ Afghanistan. Khi đó, chính quyền của ông Biden sẽ phải hỗ trợ đồng minh ở Kabul, dẫn tới khả năng leo thang cuộc chiến ở quốc gia này.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Quan hệ Mỹ - Brazil như thế nào dưới thời ông Joe Biden?
Quan hệ Mỹ - Brazil như thế nào dưới thời ông Joe Biden?

Theo Al Jazeera, trong những năm giữ vị trí Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã tìm được đối tác ăn ý là người đồng cấp Brazil Jair Bolsonaro. Vậy viễn cảnh quan hệ Mỹ-Brazil sẽ đi về đâu trong trường hợp ông Joe Biden trở thành tổng thống?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN