Cuộc điều tra do tổ chức chuyên nghiên cứu về xã hội Pulse Asia đặt trụ sở tại Hàn Quốc công bố ngày 5/10 cho thấy, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đạt mức tín nhiệm 91%, một mức tăng đáng kể so với tỉ lệ mà ông đạt được trong tháng 12/2019 cũng do Pulse Asia tiến hành.
Theo nhà khoa học chính trị Cleve Arguelles, những nhà lãnh đạo dân túy kiểu như ông Duterte thường nổi bật lên trong những thời điểm khủng hoảng, tình trạng khẩn cấp - như đại dịch COVID-19. Bởi trong hoàn cảnh đó, dân chúng thường hướng đến mẫu lãnh đạo quyết đoán, có sức mạnh, đủ khả năng duy trì ổn định.
Một xu hướng nổi bật
Ông Arguelles, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Coral Bell thuộc Đại học Quốc gia Australia cho rằng, đang xuất hiện xu hướng mức độ tín nhiệm với các nhà lãnh đạo dân túy tăng lên bất chấp việc họ nắm quyền tại những quốc gia có mức độ lây lan đại dịch COVID-19 trầm trọng nhất thế giới. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và ông Duterte là những đại diện cho xu thế này.
Số liệu của Đại học Johns Hopkins cho thấy, tính đến hết ngày 9/10, Ấn Độ hiện là tâm dịch lớn thứ hai thế giới, với trên 6,9 triệu ca mắc COVID-19 và trên 106.000 ca tử vong, chỉ xếp sau Mỹ với trên 7 triệu người nhiễm và gần 214.00 trường hợp tử vong. Brazil xếp ngay sau Ấn Độ, với trên 5 triệu ca nhiễm và gần 149.000 người chết vì virus SARS-CoV-2.
Philippines là nước đứng thứ 19 trong danh sách này và là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch tại Đông Nam Á, với khoảng 335.000 người mắc và hơn 6.100 trường hợp tử vong vì COVID-19.
Tuy nhiên, lãnh đạo tại ba nước này đều nhận được mức tín nhiệm cao từ dân chúng. Kết quả thăm dò dư luận do tờ India Today (Ấn Độ) công bố hồi tháng 8 vừa qua cho thấy, tỉ lệ cử tri hài lòng với khả năng điều hành của ông Modi là 78%, mức cao nhất kể từ khi ông nhậm chức nhiệm kỳ 2 (30/5/20190).
Còn tại Brazil, tờ Atlantic dẫn số liệu điều tra cho thấy, tỉ lệ tín nhiệm của cử tri với ông Bolsonaro hiện ở mức 40%, tăng so với tỉ lệ 32% hồi tháng sáu vừa qua. 40% cũng là mức ủng hộ lớn nhất đối với ông Bolsonaro kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 1/2019.
Đằng sau con số tưởng chừng như phi lý
Theo Arguelles, những người theo chủ nghĩa dân túy như ông Duterte thường lên nắm quyền trong bối cảnh xuất hiện những bất an kinh tế và gia tăng bất bình đẳng. Trong những thời khắc khủng hoảng, lo ngại của dân chúng ngày một lớn, nhường sân khấu cho những chính trị gia dân túy, khiến cử tri có tâm lý trông cậy, gửi gắm niềm tin mẫu hình lãnh đạo quyết đoán, mạnh mẽ.
Với trường hợp của ông Bolsonaro, Tổng thống Brazil nhận được sự ủng hộ của dân chúng là nhờ việc đề ra chương trình phúc lợi, tạo hình ảnh ông là nhà lãnh đạo “bảo vệ dân nghèo”. Tính đến hết tháng 7 vừa qua, có khoảng 30 triệu hộ gia đình tại Brazil được tiếp cận gói tài trợ của chính quyền liên bang về cấp kinh phí cho giới chủ, người lao động bị tác động bởi COVID-19, với số tiền khoảng 163 USD/tháng/hộ gia đình. Đầu tháng 8, ông Bolsonaro tiếp tục gia hạn chương trình này đến hết năm 2020.
Tương tự, Thủ tướng Modi cũng được hưởng lợi từ sức hút của chủ nghĩa dân túy tại thời điểm Ấn Độ đối mặt với khó khăn, thách thức từ đại dịch. Là người theo đuổi chủ nghĩa dân tộc Hindu, ông Modi nhận được sự ủng hộ cao từ cộng đồng người Hindu chiếm đa số. Những cam kết, lời hứa của ông về “đẩy lùi COVID-19 trong vòng 21 ngày” dễ được người dân tin tưởng trong thời điểm họ cảm thấy lo sợ, mất phương hướng.
Kinh nghiệm từ quãng thời gian cầm quyết trước đó giúp ông Modi hiểu rằng sức hút không hẳn là tính hiệu quả trong các quyết định. Điểm mấu chốt nằm ở chỗ phải làm cho dân chúng tin rằng mình người lãnh đạo vừa ra một quyết định rất lớn, một quyết định dường như chỉ những người như ông Modi mới dám thực hiện và ông có lý do tốt nhất để giải thích cho việc làm này.
Rõ nhất là việc ông Modi ra quyết định đóng cửa nền kinh tế trên phạm vi cả nước để ngăn chặn COVID-19. Ấn Độ có lẽ là quốc gia hành động mạnh mẽ, quyết đoán và sớm nhất ngay trong giai đoạn đầu, khiến các đối thủ chính trị của ông Modi không có cơ hội chỉ trích chính quyền hành động chậm chễ, lơ là.
Nói tóm lại, ở nhiều nước, mức độ hài lòng của công chúng với điều hành của chính phủ trong chống đại dịch được tính toán dựa trên số ca nhiễm, tử vong cũng như những hệ quả kinh tế. Nhưng ở một số nước như Philippines, Ấn Độ hay Brazil, quan điểm của công chúng lại phản ánh bản sắc chính trị hơn là thực tế dịch bệnh. Khi cuộc chiến chống COVID-19 trên toàn cầu còn tiếp diễn, hai xu hướng này sẽ tồn tại song song, tạo ra cách tiếp cận khác nhau của lãnh đạo thế giới trong đối phó với đại dịch.