COVID-19 tại ASEAN hết 4/10: Philippines tăng vọt ca nhiễm mới, Myanmar tốc độ tử vong cao nhất thế giới

Trong ngày 4/10, năm quốc gia ASEAN ghi nhận 7.489 ca mắc COVID-19 mới và 196 ca tử vong, nâng tổng số người mắc tại ASEAN từ đầu dịch lên trên 717.800 ca, trong đó trên 17.500 bệnh nhân không qua khỏi.

Chú thích ảnh
Khu vực Vùng Thủ đô Manila có số ca nhiễm mới cao nhất hàng ngày cao nhất tại Philippines trong ngày 4/10. Ảnh: Reuters 

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến hết ngày 4/10, các nước ASEAN ghi nhận tổng cộng 717.847 ca mắc COVID-19 trong đó có 17.559 ca tử vong và 579.047 bệnh nhân đã bình phục.

Indonesia tiếp tục dẫn đầu khu vực về số ca nhiễm mới, trong khi Philippines có số ca tử vong mới cao nhất ASEAN và số ca nhiễm mới tăng cao nhất trong gần 2 tuần qua. Philippines hiện có tổng số ca mắc bệnh cao nhất trong số các nước thành viên hiệp hội.

Trong khi đó, sau những ngày có số ca nhiễm mới tăng báo động, Myanmar không có thống kê chính thức về tình hình dịch bệnh trong ngày 4/10.

Chú thích ảnh
 Biểu đồ tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong tại các nước ASEAN đến hết ngày 4/10/2020 (Theo số liệu của worldometers.info).  

Philippines: Số ca nhiễm mới vọt lên cao nhất 2 tuần

Số ca nhiễm mới tại Philippines trong ngày 4/10 đã tăng vọt lên 3.190 trường hợp, mức cao nhất trong gần 2 tuần qua. Như vậy tổng số ca bệnh tại nước này đã lên tới 322.497 người, trong đó có 5.776 ca tử vong. Số bệnh nhân bình phục tại Philippines cũng tăng thêm 18.065 người, đạt 273.079 trường hợp. 

Vùng Thủ đô Manila dẫn đầu về tốc độ lây nhiễm trên cả nước, với số ca mắc mới cao nhất vào ngày 4/10 là 1.279 ca.

Bộ Y tế Philippines cho biết, tới nay đã có trên 3,6 triệu người dân nước này được xét nghiệm COVID-19, trên tổng dân số 109 triệu người.

Mới đây nhà chức trách Philippines đã gia hạn các lệnh giới hạn phòng dịch thêm 1 tháng để đề phòng "làn sóng Giáng sinh".  Tuy nhiên, chính phủ hiện đang tập trung vào các giải pháp mở dần lại những điểm đến du lịch với khách trong nước khi cho phép du khách nước ngoài nhập cảnh.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 21/9/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Thái Lan: Cựu Thủ tướng Thaksin mắc COVID-19 nhưng đã khỏi

Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra đã xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 vào tháng 8 nhưng sau đó ông đã hồi phục. Đây là thông tin được AP dẫn nguồn bạn thân của vị tỉ phú lưu vong cho biết. 

Cựu Thủ tướng 71 tuổi của Thái Lan hiện sống ở Dubai, UAE. Ông đã trải qua nửa tháng điều trị trước khi được xuất viện vào trung tuần tháng 9, nguồn tin tiết lộ. 

Chú thích ảnh
Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin. Ảnh: EPA-EFE

Ông Thaksin bị lật đổ quyền lực trong cuộc đảo chính quân sự năm 2006 và rời khỏi đất nước năm 2008. Ông bị Toà án ở Thái Lan kết tội tham nhũng. Năm 2011, bà Yingluck, em gái ông Thaksin, cũng trở thành Thủ tướng và bị lật đổ 3 năm sau đó.

Reuters: Myanmar có tốc độ tử vong do COVID-19 nhanh bậc nhất thế giới

Theo số liệu của Reuters, số ca tử vong do COVID-19 tại Myanmar đã tăng gấp đôi trong 7,8 ngày - nhanh hơn bất cứ quốc gia nào có tổng số ca tử vong nhiều hơn 5.

Những ngày gần đây, Myanmar ghi nhận mỗi ngày trên 1.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca lên 16.503, với 371 bệnh nhân tử vong và 4.795 người đã hồi phục. 

Chú thích ảnh
Tình nguyện viên tại một trung tâm cách ly bệnh nhân COVID-19 ở Yangon, Myanmar ngày 1/10. Ảnh: AFP 

Trước sự kiện bầu cử, Myanmar đã gia hạn lệnh cấm đi lại để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm. Uỷ ban Bầu cử quốc gia Myanmar từng loại bỏ phương án hoãn bầu cử, cho rằng các biện pháp hiện tại đủ để đảm bảo một cuộc bầu cử tự do và công bằng. Đảng cầm quyền Liên đoàn Dân chủ Quốc gia (NLD) cũng ủng hộ quyết định này, và cảnh báo rằng bất cứ sự trì hoãn nào cũng có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng chính trị. 

Indonesia: Tổng thống Widodo bảo vệ thành tích chống dịch

Tổng thống Indonesia  Widodo mới đây đã lên tiếng bảo vệ thành tích chống dịch COVID-19 của chính phủ trong bối cảnh ông đang đối mặt với những chỉ trích về tình hình y tế do cuộc khủng hoảng sức khoẻ cộng đồng.

Chú thích ảnh
Tổng thống Joko Widodo cam kết yêu cầu các bộ trưởng cải thiện phản ứng với khủng hoảng dịch bệnh. Ảnh: Reuters

Cách điều hành chống dịch của Chính phủ Indonesia từ tháng 3 đến nay đã vấp phải nhiều chỉ trích từ một số chuyên gia y tế cộng đồng cho rằng chính phủ ưu tiên kinh tế hơn mối lo ngại sức khoẻ nhân dân. Gần đây, Bộ Y tế Indonesia bị chỉ trích nặng nề từ các nhóm tình nguyện và cộng đồng mạng xã hội với những cáo buộc đã không chi tiêu đủ cho phòng chống đại dịch, không thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ cho nhân viên y tế và đẩy chi phí xét nghiệm COVID-19 lên cao khi cho phép dịch vụ tư nhân.

"Tôi có thể nói rằng việc xử lý COVID ở Indonesia không tệ, thực sự là khá tốt", Tổng thống Widodo khẳng định trong video được đăng trên tài khoản YouTube chính thức của mình. Ông cho rằng tổng số trường hợp mắc bệnh và số người chết tại Indonesia thấp hơn so với những nước tương đương. Ông Widodo cũng bảo vệ quyết định không áp đặt lệnh phong toả toàn tỉnh hoặc toàn thành phố tại những nơi có số ca lây nhiễm tăng mạnh vì không muốn làm tổn hại tới đời sống của người dân.

"Ưu tiên các vấn đề y tế không có nghĩa chúng ta phải hy sinh nền kinh tế, bởi hy sinh kinh tế cũng giống như hy sinh tính mạng của hàng chục triệu người", ông Joko nói. "Vượt qua đại dịch là khó khăn, đòi hỏi nỗ lực cùng nhau, tôi tôi tin rằng chúng ta có thể làm được điều đó".

Chú thích ảnh
Indonesia lên kế hoạch tiêm chủng cho 60 triệu dân tới cuối năm 2021. Ảnh: AFP 

Ngày 4/10, Indonesia ghi nhận thêm 3.992 ca nhiễm mới, mức thấp nhất trong vòng 6 ngày, nâng tổng số ca bệnh lên 303.498 ca, bao gồm 11.151 ca tử vong - con số cao nhất tại châu Á. 

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đang tiến tới năm suy thoái kinh tế đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998. Tuy nhiên, chính phủ Indonesia dự báo kinh tế nước này chỉ sụt giảm 1,7% trong năm 2020, tức là khá hơn nhiều nền kinh tế khác.

Indonesia dự kiến chủng ngừa COVID-19 cho 160 triệu người

Chính phủ Indonesia cũng đã lên kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 160 triệu người dân vào cuối năm 2021, một kế hoạch tham vọng nhằm chủng ngừa cho hơn một nửa dân số đang sinh sống ở hàng ngàn hòn đảo. Theo kế hoạch này, chính phủ ưu tiên chủng ngừa người dân trong độ tuổi 19-59, chiếm tới 70% dân số, và những người ở tuyến đầu chống dịch như nhân viên y tế, cảnh sát...

Để thực hiện mục tiêu trên Indonesia cần 370 triệu liều vaccine COVID-19, trong đó, giai đoạn đầu dự kiến 36 triệu liều sẽ được phân phối ngay trong quý 4  của năm nay.

Chú thích ảnh

Malaysia: Gần 300 ca nhiễm mới trong cộng đồng

Kuala Lumpur, Bộ Y tế Malaysia thông báo trong 24 giờ qua, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận thêm 293 ca nhiễm virus SARS-Cov-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này nên 12.381 ca với 137 người tử vong. Tổng giám đốc Cơ quan y tế Noor Hisham Abdullah cho biết, trong số các ca bệnh mới được phát hiện chỉ duy nhất 1 ca nhập cảnh trong khi 292 ca còn lại là lây nhiễm trong cộng đồng. 

Trong những ngày gần đây, tình hình dịch COVID-19 tại Malaysia có xu hướng diễn biến phức tạp với số ca mắc bệnh bị phát hiện mỗi ngày ở mức 3 con số cùng nhiều ổ dịch tập trung tại bang Sabah, Kedah. Đáng lưu ý, đến nay, tất cả các bang tại Malaysia đều phát hiện các ca nhiễm mới khiến dư luận lo lắng. Để ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, chính phủ nước này buộc tiếp tục phong tỏa, tái áp dụng lệnh giới hạn đi lại. 

Thu Hằng/Báo Tin tức
Chiều 4/10, Việt Nam thêm 1 ngày không có ca mắc mới COVID-19
Chiều 4/10, Việt Nam thêm 1 ngày không có ca mắc mới COVID-19

Tính đến 18 giờ ngày 4/10, Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19, tổng số vẫn là 1.096 ca.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN