Khoảng 43.000 ứng cử viên sẽ cạnh tranh gần 18.000 vị trí trong chính quyền địa phương như thống đốc bang, tỉnh trưởng, thị trưởng thành phố cho tới các cơ quan lập pháp.
Để giảm thiểu nguy cơ an ninh, lực lượng vũ trang Philippines (AFP) lên kế hoạch triển khai 35.000 binh sĩ nhằm hỗ trợ Cảnh sát quốc gia Philippines (PNP) duy trì trật tự trong thời gian diễn ra bầu cử.
Trước đó, PNP đã phát hiện ít nhất 701 điểm nóng và tăng cường lực lượng tại những nơi tiềm ẩn mối đe dọa từ của các nhóm phiến quân như Quân đội Nhân dân mới (NPA), Mặt trận Giải phóng Dân tộc Moro (MNLF), Abu Sayyaf, Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF).
Là một trong số những quốc gia có tỷ lệ người dùng mạng xã hội nhiều nhất thế giới, Ủy ban bầu cử Philippines (Comelec) đã áp dụng luật mới nhằm ngăn chặn các luồng thông tin sai lệch và đảm bảo tính minh bạch. Cụ thể, các mạng truyền thông xã hội lớn ủng hộ ứng cử viên phải báo cáo số tiền họ nhận được từ khách hàng để ủng hộ tranh cử hoặc chống lại một ứng viên nào đó. Các ứng cử viên và đảng phái cũng được yêu cầu đăng ký tên trang chủ, tài khoản xã hội.
Philippines hiện có 76 triệu người dùng mạng xã hội và 75 triệu người trong số đó sử dụng Facebook.
Mặc dù có tới chính 169 đảng tham gia, song cuộc tổng tuyển cử lần này thực chất chỉ là sự cạnh tranh giữa liên minh đảng Dân chủ Philippines - Quyền lực Nhân dân (PDP-Laban) cầm quyền của Tổng thống Duterte và đảng Dân tộc (NP) với phe đối lập do đảng Tự do (LP) dẫn đầu.
Theo Comele, có 62 ứng cử viên tham gia cuộc đua vào thượng viện lần này. Để duy trì thế đa số tại thượng viện, các đồng minh của Tổng thống Duterte phải giành được ít nhất 5 trong số 12 ghế được bầu lại.
Kể từ khi lên nắm quyền tháng 7/2016, Tổng thống Duterte đã thúc đẩy thực hiện những cam kết đưa khi tranh cử, trong đó có chiến dịch chống tội phạm ma túy không khoan nhượng và trấn áp khủng bố. Giới chức Philippines ước tính gần 5.300 đối tượng buôn bán hoặc sử dụng ma túy đã bị tiêu diệt trong các chiến dịch chống ma túy trên toàn quốc, hàng nghìn kẻ gieo rắc “cái chết trắng” tại Philippines đã bị kết án, tình trạng phạm tội đã giảm.
Quân đội Philippines đã quét sạch các tay súng Hồi giáo cực đoan ủng hộ tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng tại thành phố Marawi miền Nam nước này. Tiến trình thiết lập hòa bình tại khu vực đảo Mindanao cũng đạt được những kết quả ban đầu khi Tổng thống Duterte ký Luật cơ bản về Bangsamoro trao quyền tự trị cho người Hồi giáo thiểu số ở miền Nam nước này nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần nửa thế kỷ tại đây.
Trong khuôn khổ chiến dịch chống tham nhũng, hàng chục quan chức, trong đó có nhiều tướng lĩnh quân đối cấp cao do chính ông bổ nhiệm, đã bị sa thải.
Sau nửa nhiệm kỳ của Tổng thống Duterte, tỷ lệ thất nghiệp của Philippines liên tục giảm và tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt mức 6,2% trong năm 2018. Kết quả khảo sát do Social Weather Stations tiến hành vào cuối tháng 3 vừa qua cho thấy có tới 81% số người được hỏi hài lòng với chính sách của chính quyền Tổng thống Duterte.
Tuy nhiên, an ninh ở miền Nam vẫn là một thách thức lớn với nguy cơ các phần tử khủng bố cực đoan, bao gồm cả các tay súng IS, gia tăng hoạt động, buộc Chính phủ Philippiness phải nhiều lần gia hạn tình trạng thiết quân luật tại Mindanao. Hoạt động trấn áp ma túy mạnh tay của chính quyền được đa số người dân ủng hộ, song cũng gây một số quan ngại về cách thức thực hiện và tính hiệu quả khi nhiều kẻ đầu sỏ đứng đằng sau đường dây buôn bán ma túy vẫn chưa bị trừng trị...
Vấn đề kinh tế - xã hội cũng nảy sinh nhiều bất cập, chi phí sinh hoạt leo tháng khiến lạm phát tăng mạnh lên gần 7% vào cuối năm ngoái. Nhiều ý kiến lo ngại trước tình trạng lao động bản địa bị mất việc làm do người nhập cư gia tăng. Kể từ sau cuộc bầu cử năm 2016, số người Trung Quốc nhập cư vào Philippines tăng 75% lên 200.000 người. Vấn đề thu hút mạnh đầu tư nước ngoài để phát triển cơ sở hạ tầng cũng tạo nguy cơ nợ công tăng lên. Trong khi đó, một số chính sách của Tổng thống Duterte, như quyết định ban bố thiết quân luật tại miền Nam, đã gặp khó khăn tại cơ quan lập pháp, đặc biệt tại thượng viện.
Cuộc bầu cử lần này có ý nghĩa rất quan trọng đối với Tổng thống Duterte, có thể coi như cuộc sát hạch lòng tin của cử tri đối với những kế hoạch cải cách sâu rộng mà ông đang theo đuổi.
Một trong những cam kết của ông Duterte là cải tổ toàn diện Hiến pháp năm 1987, theo hướng đưa Philippines chuyển sang hệ thống chính quyền liên bang, với quyền hành tăng thêm cho tổng thống, cho phép tổng thống được cầm quyền hai nhiệm kỳ 5 năm liên tiếp thay vì một nhiệm kỳ 6 năm như hiện nay, đồng thời cũng trao quyền tự trị nhiều hơn cho người Hồi giáo ở miền Nam.
Việc đảng PDP-Laban cầm quyền và liên minh giành quyền kiểm soát lưỡng viện quốc hội sẽ mang lại cho Tổng thống Duterte sự ủng hộ cần thiết để thông qua những dự luật quan trọng, tiền đề cho loạt kế hoạch cải cách đầy tham vọng này.