Ba nhân tố kinh tế quyết định sự thành bại của Tổng thống Trump năm 2020

Phần lớn món quà kinh tế mà Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ nhận được năm 2020 đã được chuẩn bị sẵn từ năm 2019. Giờ điều Tổng thống Trump cần là động lực nền kinh tế và thị trường cần kéo dài như vậy thêm 10 tháng nữa cho tới qua ngày bầu cử.

Kinh tế và bầu cử 

Chú thích ảnh
Tổng thống Trump. Ảnh: Getty Images

Theo tờ Politico, các món quà có thể kể tới như: Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt lãi suất, “giai đoạn một” trong thỏa thuận thương mại với Trung Quốc đã “hòm hòm”, Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) phiên bản mới cũng đã hoàn tất.

Khi đó, một câu hỏi lớn với ông Trump khi ông đang đi trên con đường tìm kiếm thêm một nhiệm kỳ tổng thống: Các thị trường và nền kinh tế còn điều gì ngoài dự kiến khiến ông gặp bất lợi trong năm 2020.

Ngay cả tỷ lệ tăng trưởng khoảng 2% và tỷ lệ thất nghiệp dưới 4% cũng đủ để giúp Tổng thống Trump vượt qua tỷ lệ ủng hộ thấp và giành chiến thắng lần nữa.

Tuy nhiên, nếu ông thực sự hy vọng thắng dễ dàng ứng cử viên Dân chủ, ông có thể sẽ cần các thị trường tiếp tục thăng hoa và tăng trưởng nhiều hơn, đặc biệt là ở các tiểu bang tại vùng công nghiệp Trung Tây. 

Ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics nhận định: “Tôi cho rằng tăng trưởng sẽ không tăng tốc lần nữa năm 2020. Đình chiến thương mại đã xóa nguy cơ suy thoái, nhưng không đủ để kích thích tăng trưởng mạnh hơn. Nếu nền kinh tế tăng trưởng 2% và tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu ở mức điển hình thì ông Trump có thể sẽ thắng. Nhưng nếu tỷ lệ cử tri Dân chủ đi bỏ phiếu nhiều hơn, đặc biệt là ở các bang sản xuất có kinh tế yếu kém hơn, các bang này có thể gây ảnh hưởng”.

Trong khi đó, Nhà Trắng và đảng Cộng hòa lại có cách nhìn rất khác. Họ coi thỏa thuận thương mại với Trung Quốc và hiệp định NAFTA là bệ phóng và dự báo sẽ có bùng nổ trong sản xuất và chi phí đầu tư vốn bị đình trệ trước đó, giúp ông Trump thu hút cử tri ở các bang Trung Tây. Họ cũng nói về kế hoạch cắt giảm thuế 2.0 mà ông Trump sẽ thực hiện vào năm 2020 để làm “mồi nhử” cho dù kế hoạch này không có cơ hội trở thành luật năm 2020.

Ông Stephen Moore, chuyên gia kinh tế từng là cố vấn của Tổng thống trong chiến dịch tranh cử, nói: “Miễn là không có suy thoái thì tôi cho rằng Tổng thống Trump đã sẵn sàng. Nếu tăng trưởng mạnh hơn, ông ấy thực sự rất sẵn sàng. Tôi cho rằng chúng ta sẽ tăng trưởng ở mức 2,5 đến 3%. Hai tuần cuối cùng đã rất tốt với Tổng thống Trump nhờ thỏa thuận với Trung Quốc và Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada”.

Khi năm 2019 sắp hết, đây là ba điều quan trọng có thể quyết định thành bại của nền kinh tế và thị trường chứng khoán, tạo lợi thế lớn hoặc gây bất lợi cho ông Trump trong năm bầu cử 2020.

Tình hình sản xuất

Chú thích ảnh
Sản xuất năm 2020 có thể bị tác động lớn khi Boeing ngừng sản xuất máy bay 737 Max. Ảnh: Getty Images

Có lẽ rủi ro lớn nhất với Tổng thống Trump là tình trạng sản xuất sụt giảm kéo dài nhiều tháng qua khi cuộc chiến thương mại bắt đầu gây tác động thực sự. Sản xuất bước vào giai đoạn suy thoái trong mùa hè và chưa phục hồi, dẫn tới kinh tế yếu kém hơn ở các bang mà Tổng thống Trump cần chiến thắng năm 2020. Trong số đó có bang Pennsylvania, nơi tỷ lệ thất nghiệp đang tăng lên 4,2% vào tháng 10.

Michigan cũng có tỷ lệ thất nghiệp 4,1%, cao hơn mức trung bình cả nước và ngành sản xuất giảm trong cả tháng 9 và 10.

Câu hỏi với Tổng thống Trump là liệu chấm dứt áp thuế mới với hàng nhập khẩu Trung Quốc có thay đổi được xu hướng giảm trong ngành sản xuất không. Sản xuất là lát cắt nhỏ trong toàn bộ nền kinh tế Mỹ nhưng lại quan trọng trong thông điệp tranh cử của Tổng thống Trump: “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”.

Các nhà kinh tế cho rằng thỏa thuận với Trung Quốc sẽ không có tác động lớn. Ông Rubeela Farooqi, nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn kinh tế Mỹ High Frequency Economics, nhận định: “Tôi không chắc sẽ có thay đổi bền vững trừ khi các bất ổn quanh vấn đề thương mại biến mất hoàn toàn. Một điều tích cực là mối đe dọa áp thuế mới ít nhất đã không còn”.

Một số chỉ số về chi phí đầu tư có vẻ tích cực. Nhưng không rõ mức tăng chi phí đầu tư mà Nhà Trắng hy vọng có thành hiện thực không.

Sản xuất năm 2020 có thể bị tác động mạnh khi Boeing quyết định ngừng sản xuất máy bay 737 Max sau lo ngại nghiêm trọng về an toàn. Boeing góp một phần lớn trong ngành sản xuất Mỹ và tác động sẽ không chỉ xảy ra với ngành sản xuất máy bay mà còn với toàn bộ chuỗi cung.

Việc Boeing ngừng sản xuất mẫu 737 Max sẽ có thể giảm nửa điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế quý đầu tiên năm 2020. 

Tổng thống Trump lo lắng về tác động của Boeing tới mức ông đã gọi điện trực tiếp cho ông Dennis Muilenburg khi ông này vẫn còn là giám đốc điều hành.

Thị trường chứng khoán

Chú thích ảnh
Tổng thống Trump (trái) và Chủ tịch FED Jerome Powell. Ảnh: Getty Images

Tổng thống Trump thường tự hào về kỷ lục trên thị trường chứng khoán kể từ khi nhậm chức năm 2017. Chỉ số Dow Jones tăng hơn 50% kể từ khi ông Trump được bầu vào tháng 11/2016.

Các chuyên gia thị trường cho rằng việc cắt giảm thuế doanh nghiệp và bãi bỏ một số quy định ngành năng lượng mà Tổng thống Trump thực hiện đã giúp thị trường chứng khoán tăng. Tuy nhiên, FED cũng đóng vai trò quan trọng.

Chứng khoán giảm mạnh vừa nửa sau năm 2018 khi chiến tranh thương mại bùng nổ và FED nhanh chóng can thiệp đầu năm 2019 với một loạt đợt cắt giảm lãi suất, giúp đẩy các thị trường lên cho dù tăng trưởng chung chậm lại và ảnh hưởng của biện pháp giảm thuế nhạt dần.

Tuy nhiên, đầu tháng 12, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết FED giờ không cắt lãi suất nữa, khiến các thị trường mất đi một yếu tố kích thích trong tương lai. Báo cáo việc làm tháng 11 tốt cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn ổn mà không cần kích thích.

Tuy nhiên, điều này không tốt với Tổng thống Trump. Ông đăng lên Twitter ngày 17/12: “Nếu FED giảm lãi suất nữa và nới lỏng định lượng nữa thì sẽ rất tuyệt. Đồng USD đang rất mạnh so với các tiền tệ khác và gần như không có lạm phát. Đã tới lúc thực hiện”.

Tuy nhiên, điều đó có thể không xảy ra. Tăng trưởng sẽ chậm lại và giá trị thị trường cao hiện nay có nghĩa là năm 2020 có thể không phải là năm bùng nổ với Phố Wall.

Bầu cử gây giảm tốc kinh tế 

Chú thích ảnh
Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren và cựu Phó tổng thống Mỹ Biden. Ảnh: POLITICO

Một lo ngại về vấn đề kinh tế và Phố Wall những ngày này là dù luận tội không phải là vấn đề lớn nhưng cuộc bầu cử năm 2020 có thể khiến các thị trường và tăng trưởng kinh tế chậm lại đáng kể.

Khảo sát cho thấy có một cuộc đua sít sao cho dù ứng cử viên đảng Dân chủ là ai. Thậm chí nếu ứng cử viên đó là người trung dung, thân thiện với các doanh nghiệp như cựu Phó Tổng thống Joe Biden thì việc thay đổi quyền lực ở nhánh hành pháp vẫn có thể mang tới thay đổi lớn về pháp lý và chính sách thuế.

Nếu đảng Dân chủ kiểm soát Nhà Trắng thì họ cũng không thể đảo ngược biện pháp giảm thuế của ông Trump khi đảng Cộng hòa nắm giữ ít nhất một viện quốc hội. Tuy nhiên, thay đổi tại Nhà Trắng là mối lo ngại lớn.

Đồng minh của ông Trump cũng lo ngại điều này vì họ không rõ cuộc chạy đua tổng thống tốn kém có thể khiến chi tiêu doanh nghiệp và giá cổ phiếu trì trệ không.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Thế giới tuần qua: Hạ viện luận tội Tổng thống Trump, COP 25 đánh mất cơ hội giải cứu Trái Đất
Thế giới tuần qua: Hạ viện luận tội Tổng thống Trump, COP 25 đánh mất cơ hội giải cứu Trái Đất

Donald Trump trở thành tổng thống thứ ba trong lịch sử Mỹ bị Hạ viện luận tội và Hội nghị COP 25 về biến đổi khí hậu thất bại là hai sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN