Thế giới tuần qua: Hạ viện luận tội Tổng thống Trump, COP 25 đánh mất cơ hội giải cứu Trái Đất

Donald Trump trở thành tổng thống thứ ba trong lịch sử Mỹ bị Hạ viện luận tội và Hội nghị COP 25 về biến đổi khí hậu thất bại là hai sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần qua.

Tổng thống Mỹ Donald Trump bị Hạ viện luận tội

Chú thích ảnh
Tổng thống Donald Trump trở thành Tổng thống thứ 3 trong lịch sử Mỹ bị luận tội. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau nhiều tháng điều tra, đảng Dân chủ đã có bước đi lịch sử trong quá trình luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ngày 18/12 (theo giờ Mỹ) đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết về hai điều khoản luận tội lạm dụng quyền lực và cản trở Quốc hội đối với ông chủ Nhà Trắng. Hai điều khoản được thông qua với các kết quả bỏ phiếu mang đậm tính đảng phái. 

Theo các điều khoản luận tội, Tổng thống Trump bị cáo buộc lạm dụng quyền lực và cản trở cuộc điều tra xung quanh nghi vấn nhà lãnh đạo Mỹ gây sức ép đối với giới lãnh đạo Ukraine nhằm tiến hành điều tra cựu Phó Tổng thống Joe Biden.

Bước ngoặt trong cuộc điều tra đã khiến Trump trở thành vị tổng thống Mỹ thứ 3 bị luận tội trong lịch sử nước này và là tổng thống đầu tiên tiếp tục cuộc đua tái tranh cử sau quá trình luận tội, đồng thời mở đường cho một phiên tòa xét xử tại Thượng viện.

Tiến trình phiên xét xử tại Thượng viện sẽ bao gồm 24 giờ cho đảng Dân chủ trình bày cáo trạng, 24 giờ cho luật sư Nhà Trắng phản biện, và nhiều ngày nghe nhân chứng cung cấp lời khai. Ngoài ra, có phiên riêng để các thượng nghị sĩ thẩm vấn đại diện đảng Dân chủ tại Hạ viện và luật sư Nhà Trắng. Sau phiên lập luận cuối cùng của đại diện Hạ viện và Nhà Trắng, Thượng viện Mỹ có 24 giờ đồng hồ để tranh luận. Chủ trì phiên xét xử tại Thượng viện sẽ là Chánh án Tòa án Tối cao John Roberts.

Theo giới phân tích, trong lịch sử, chưa từng có tổng thống Mỹ nào bị bãi nhiệm thông qua tiến trình luận tội được tiến hành theo Hiến pháp Mỹ, và đến nay cũng có rất ít dấu hiệu cho thấy các thượng nghị sĩ sẽ thay đổi điều này, đặc biệt trong bối cảnh đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump đang giữ quyền kiểm soát Thượng viện Mỹ.

Phản ứng trước cuộc bỏ phiếu Hạ viện, Nhà Trắng lên tiếng chỉ trích động thái của đảng Dân chủ, tuyên bố cuộc bỏ phiếu mang tính đảng phái, thiếu quy trình.

Trả lời phóng viên tại cuộc họp báo cuối năm thường niên khi được hỏi về vụ luận tội Tổng thống Mỹ, người đồng cấp Nga Vladimir Putin ngày 19/12 cho rằng các cáo buộc chống lại ông Trump là "bịa đặt", đồng thời bày tỏ tin tưởng Thượng viện Mỹ sẽ không phế truất ông Trump khỏi vị trí lãnh đạo nước Mỹ. 

Giới quan sát nhận định cuộc bỏ phiếu Hạ viện chắc chắn sẽ làm gia tăng căng thẳng hơn nữa ở thủ đô Washington nói riêng và trên khắp đất nước nói chung vốn đang tiến tới bầu cử năm 2020, khi mà những tác động của cuộc luận tội có thể làm thay đổi kết quả phiếu bầu.

COP 25 rơi vào bế tắc

Chú thích ảnh
Các đại biểu chụp ảnh chung tại hội nghị COP 25, Madrid, Tây Ban Nha, ngày 2/12. Ảnh: THX/TTXVN

Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 25) diễn ra tại Madrid (Tây Ban Nha) đã kết thúc với kết quả "khiêm tốn", thể hiện sự bế tắc dù các phiên thảo luận đã được kéo dài thêm 2 ngày so với dự kiến. 

Các cuộc đàm phán được xem là cuộc thử nghiệm ý chí tập thể của chính phủ các nước với lời khuyên của các nhà khoa học về việc cắt giảm khí thải nhà kính nhanh hơn để ngăn chặn nhiệt độ Trái Đất tăng lên. Tuy nhiên, việc nhiều nước lớn như Mỹ, Brazil, Trung Quốc, Australia, Saudi Arabia chống lại áp lực phải tăng cường các nỗ lực chống hiện tượng Trái Đất ấm dần lên, đã gây ra sự chỉ trích của các nước nhỏ hơn và các nhà hoạt động môi trường.

Bên cạnh đó, một điểm bất đồng khác giữa các nước là cách thức tài trợ cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và quản lý các thị trường carbon. Các bên cũng chưa ghi nhận tiến triển đáng kể trong vấn đề bồi thường và hỗ trợ các quốc gia phải hứng chịu tác động tồi tệ nhất của các hình thái thời tiết cực đoan liên quan đến biến đổi khí hậu. 

Kết thúc hội nghị, các quốc gia tham dự COP 25 tại Tây Ban Nha vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Mọi vấn đề còn dang dở sẽ được tiếp tục thảo luận và giải quyết tại COP 26, dự kiến diễn ra tại Glasgow, Anh vào năm 2020. Giới phân tích cảnh báo việc một vài nước có lượng khí thải carbon lớn do dự trong việc thay đổi hành động của mình tại COP 25 báo hiệu nước Anh sẽ đối mặt với trọng trách chính trị to lớn để tổ chức một hội nghị thượng đỉnh đột phá và thành công vào năm tới.

Chia sẻ suy nghĩ về kết quả hội nghị, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 15/12 đã bày tỏ sự thất vọng khi các bên không đưa ra được bộ quy tắc ứng xử, coi đây là cơ hội bị bỏ lỡ trong cuộc chiến chống lại tình trạng nóng lên của Trái Đất.

Hiện nhiệt độ Trái đất đã tăng thêm khoảng 1 độ C và dự kiến sẽ tăng ít nhất thêm 3 độ C, vốn được các nhà khoa học cảnh báo tình trạng này sẽ gây ra những thảm họa thời tiết khắc nghiệt hơn và mực nước biển dâng cao thảm khốc.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Ông Putin tin tưởng Tổng thống Mỹ sẽ vượt qua tiến trình luận tội
Ông Putin tin tưởng Tổng thống Mỹ sẽ vượt qua tiến trình luận tội

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 19/12 nhận định cuộc luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump dựa trên "những bằng chứng giả mạo".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN