Ẩn số trên đường đua

Ngày 14/5, trên 64,1 triệu cử tri Thổ Nhĩ Kỳ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội nước này. Đây được coi là cuộc sát hạch quan trọng đối với là đương kim Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.

Chú thích ảnh
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu trong cuộc vận động tranh cử ở thành phố Mardin ngày 10/5/2023. Ảnh: Anadolu/TTXVN

Trong danh sách ứng cử viên tuyên bố tranh cử tổng thống có 3 cái tên, nhưng trên thực tế đây chỉ là “cuộc đua song mã” giữa một bên là đương kim Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và một bên là lãnh đạo đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) đối lập, ông Kemal Kilicdaroglu. Cho đến thời điểm này, người giành chiến thắng vẫn được xem là ẩn số do tỷ lệ ủng hộ hai ứng cử viên không có bứt phá, dù lợi thế có phần hơi nghiêng về ông Kilicdaroglu.

Từng là thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn 2003 - 2014 và từ năm 2014 đến nay đảm nhận cương vị tổng thống, không thể phủ nhận dưới sự lãnh đạo của ông Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ đã có tầm ảnh hưởng tương đối lớn với quốc tế và khu vực. Tuy nhiên, cùng với cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài và lạm phát phi mã vốn đã tạo ra thách thức đối với Thổ Nhĩ Kỳ trong vài năm qua, thảm họa động đất kinh hoàng xảy ra ngày 6/2 vừa qua làm gần 50.000 người thiệt mạng, hàng trăm nghìn người bị thương, được xem là yếu tố làm đảo lộn cục diện chính trị của quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) này. 

Việc Tổng thống Erdogan, chỉ 3 tuần sau động đất, thông báo giữ nguyên kế hoạch tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 14/5, được đánh giá là “rủi ro” trong bối cảnh ông cùng đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền bị công chúng chỉ trích trong nhiều vấn đề. Chính phủ của ông Erdogan bị đánh giá thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp trong xử lý khủng hoảng, đặc biệt việc triển khai công tác tìm kiếm và cứu hộ quá chậm chạp làm số thương vong tăng cao. Không những thế, dư luận còn đặt câu hỏi về số tiền “khổng lồ” thu được từ cái gọi là “thuế động đất”, được áp dụng từ năm 2002 (với tổng số tiền khoảng 4,7 tỷ USD), đã được sử dụng vào mục đích gì.

Sau thảm họa động đất, gần 3 triệu người dân mất nhà cửa phải đi sơ tán, đồng nghĩa với việc ông Erdogan mất đi một lượng cử tri lớn tại những khu vực miền Nam, nơi vốn được coi là thành trì của ông và AKP. Đây cũng được xem là tổn thất không hề nhỏ đối với Tổng thống Erdogan.

Trong tuyên bố vận động tranh cử, ông Erdogan cam kết chính phủ mới sẽ dồn lực để giải quyết khủng hoảng kinh tế, xây nhà ở cho người thu nhập thấp, giảm tỷ lệ lạm phát đã nằm ngoài tầm kiểm soát trong một thời gian dài. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng tuyên bố đó chưa đủ để phục hồi niềm tin của công chúng.

Số liệu thống kê gần đây nhất cho biết lạm phát đã chính thức vượt 50% trong tháng 3 và tỷ lệ thất nghiệp là khoảng 11%. Theo các chuyên gia tài chính, con số này trên thực tế còn cao hơn nhiều, với lạm phát có thể lên tới hơn 100% và thất nghiệp là 23%. Trong khi đó, đồng nội tệ mất giá không phanh. Chỉ trong vòng một năm, từ đầu năm 2021 đến đầu năm 2022, đồng lira đã mất giá 83% và đà suy giảm vẫn chưa dừng lại. Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2023, đồng nội tệ đã mất thêm 40% giá trị so với đồng USD.

Dù đã có dấu hiệu ổn định hơn trong những tháng gần đây, nhưng chi phí sinh hoạt cao, kéo dài vẫn đè nặng lên các hộ gia đình, siết chặt thu nhập cũng như các khoản tiết kiệm của họ. Cùng với những khó khăn này, chi phí tái thiết đất nước ước tính lên đến trên 100 tỷ euro (110 tỷ USD).

Sau khoảng 2 thập niên cầm quyền, ông Erdogan đang phải đứng trước một phép thử lớn khi cuộc bầu cử năm nay mang đến kịch bản chưa từng có: Đương kim tổng thống tranh cử với lãnh đạo đảng CHP, đồng thời là ứng cử viên của khối Liên minh Dân tộc gồm 6 đảng đối lập, vốn không có truyền thống đồng quan điểm về hệ tư tưởng - ông Kemal Kilicdaroglu.

Là một nhà kinh tế học được đào tạo bài bản, đồng thời là nhân viên lâu năm của Bộ Tài chính, ông Kilicdaroglu cũng từng chạy đua trong cuộc tổng tuyển cử tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2011, nhưng thua cuộc. Lần này, với khẩu hiệu tranh cử: “thịnh vượng, hòa bình và hạnh phúc” cùng cam kết thay đổi lớn đường lối lãnh đạo đất nước, ông Kilicdaroglu đang nhận được sự ủng hộ đáng kể từ những cử tri, vốn thất vọng về cách điều hành của ông Erdogan trong những năm gần đây. Ngoài liên minh của mình, ông Kilicdaroglu còn có sự hậu thuẫn không chính thức của đảng Dân chủ nhân dân (HDP) thân người Kurd, một lực lượng đóng vai trò khá quan trọng trong cuộc bầu cử lần này.

HDP hồi tháng 3 tuyên bố không đưa ra ứng cử viên tổng thống của riêng mình. Các nhà phân tích cho rằng những người ủng hộ đảng HDP, vốn có mối quan hệ không mấy thiện chí với AKP, có thể sẽ quay sang bỏ phiếu cho đối thủ chính của ông Erdogan. Chiếm 12 - 15% trong tổng số cử tri đi bầu, HDP sẽ trở thành nhân tố tạo nên sự khác biệt trong trường hợp cần tới vòng 2 bầu cử, và sự trợ giúp như vậy đang giúp Liên minh Dân tộc có lợi thế. Chưa kể, ông Kilicdaroglu cùng với 2 phó tổng thống được chỉ định nếu thắng cử, đang là 3 nhà lãnh đạo được yêu thích nhất trong nước, điều đó khiến sức hấp dẫn của liên minh đối lập ngày càng tăng.

Dù các cuộc thăm dò trước bầu cử không hoàn toàn đáng tin cậy, nhưng những kết quả khảo sát gần đây đều cho thấy ứng cử viên Kilicdaroglu dẫn trước đương kim Tổng thống Erdogan. Theo kết quả thăm dò của 5 hãng khác nhau thực hiện và công bố ngày 11/5, ông Kilicdaroglu dẫn với cách biệt trên 5%, thậm chí theo thăm dò của Piar và Alf, ứng cử viên đối lập có thể chiến thắng ngay vòng 1 khi giành hơn 50% số phiếu ủng hộ. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý ông Erdogan là một chính trị gia lão luyện và đầy kinh nghiệm,  từng vượt qua âm mưu đảo chính quân sự năm 2016 và tái đắc cử ngay từ vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống năm 2018. 

Giới quan sát cho rằng kết quả cuộc bầu cử lần này sẽ ảnh hưởng lớn tới khu vực vì Thổ Nhĩ Kỳ đóng một vai trò quan trọng, tích cực trong tình hình Syria, đàm phán Astana, đàm phán Nga - Ukraine, vấn đề lương thực từ Ukraine qua Thổ Nhĩ Kỳ tới Trung Đông, châu Phi. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang dần nối lại quan hệ với các nước láng giềng.

Cuộc bầu cử này cũng sẽ định hình lại một số vấn đề trong chính sách đối ngoại, gồm vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO; mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Nga; chính sách di cư; vai trò đối với bất ổn an ninh châu Âu; bất hòa với Hy Lạp; căng thẳng ở Đông Địa Trung Hải… Theo giới chuyên gia, đây cũng là những vấn đề nổi cộm nhất của chính quyền Tổng thống Erdogan trong nhiều năm qua.

Bất kể ai là người chiến thắng, đều phải gánh vác một “sứ mệnh” vô cùng khó khăn, đó là đưa nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng, đặc biệt là tái thiết đất nước sau thảm họa động đất. Nếu thắng cử, ông Erdogan, với sự hậu thuẫn mạnh mẽ cả từ quyền lực và các thể chế điều hành nhà nước sẵn có, có thể tiếp tục hiện thực hóa những tham vọng còn dang dở. Trong khi ông Kilicdaroglu, dù có cách tiếp cận mềm mỏng hơn, chưa chắc đã dễ dàng trong việc điều hành một chính phủ với 6 chính đảng vốn không có truyền thống đồng quan điểm về hệ tư tưởng.

Phương Hoa (TTXVN)
Đảng Cộng hòa có nguy cơ mất ưu thế trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024
Đảng Cộng hòa có nguy cơ mất ưu thế trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024

Ngày 9/4, báo Politico đã đánh giá sức mạnh của đảng Cộng hòa và thực trạng trong thời điểm cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa chính thức phải ra hầu tòa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN