Ấn Độ và nước cờ mở rộng ảnh hưởng ở Trung Á

Trước chuyến thăm 5 nước Trung Á - gồm Uzbekistan, Kazakhstan, Turkmenistan, Kyrgyzstan, Tajikistan - và Nga kéo dài 8 ngày, bắt đầu từ ngày 6/7, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã bày tỏ tin tưởng rằng chuyến thăm này sẽ giúp Ấn Độ thắt chặt hơn nữa quan hệ những nước này cũng như các nước thành viên khác của khối BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Sau chuyến công du 5 nước Trung Á, ông Modi cũng tới Nga để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS và Hội nghị Thượng đỉnh SCO ở Ufa.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov trong cuộc gặp tại thủ đô Tashkent.


Với quyết định tới thăm khu vực này sau khi lên nắm quyền chưa lâu, Thủ tướng Modi đang ngầm tuyên bố về những thay đổi đáng chú ý trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ đối với Trung Á. Kế hoạch tới thăm toàn bộ 5 nước Trung Á đã thể hiện phong cách ngoại giao tích cực của nhà lãnh đạo Ấn Độ, đồng thời phản ánh quyết tâm chính trị mới trong việc đưa New Delhi xích lại gần hơn với khu vực.

Trong bối cảnh Nga nỗ lực tìm lại ưu thế từng có trong khu vực và Trung Quốc không ngừng mở rộng ảnh hưởng, sự năng động về mặt chiến lược đã trở thành mối ưu tiên hàng đầu của khu vực. Các nước Trung Á trông đợi Ấn Độ đóng một vai trò ngày càng lớn và độc lập hơn trong khu vực. Rõ ràng, khái niệm “lớn hơn” và “độc lập” chính là chìa khóa để người ta hiểu rõ hơn những mục tiêu châu Á mà Thủ tướng Modi đang tìm cách thúc đẩy.

Các quốc gia trong khu vực không kỳ vọng Ấn Độ có thể thay thế Mỹ hoặc thách thức người Nga và Trung Quốc, song họ không hề muốn New Delhi cam chịu đóng một vai trò thứ yếu. Điều mà các nước Trung Á muốn chứng kiến là một Ấn Độ mạnh mẽ hơn, với khả năng vận dụng tầm ảnh hưởng của mình để hiện thực hóa những mục tiêu chiến lược. Việc thúc đẩy và củng cố quan hệ với Mỹ, Nga và Trung Quốc cho phép Thủ tướng Modi dung hòa những bất đồng giữa ba cường quốc này, và Mỹ mới đây còn công khai ủng hộ Ấn Độ đóng một vai trò rõ ràng hơn trong khu vực.

Mặc dù năng lực ngoại giao khéo léo có thể giúp Thủ tướng Modi biến bối cảnh hiện nay trở thành ưu thế cho New Delhi, song ông vẫn cần một chiến lược dài hạn để có thể vượt qua các lực cản đối với vai trò của Ấn Độ tại Trung Á. Một trong số các thách thức không nhỏ hiện nay là sự thiếu vắng các kết nối với khu vực. Thỏa thuận gần đây giữa Ấn Độ và Iran về phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển và hành lang vận tải tại Trung Á là những bước tiến quan trọng đầu tiên.

Trên thực tế, khó khăn về mặt địa lý chưa bao giờ cản trở Ấn Độ thúc đẩy quan hệ kinh tế mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, các chính sách thương mại và đầu tư của New Delhi, và khả năng của quốc gia này trong việc triển khai các dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài, đã phần nào hạn chế các hoạt động thương mại của họ trong môi trường khu vực.

Về lĩnh vực an ninh, điều mà khu vực trông đợi chính là việc Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác nhằm chống lại các mối đe dọa hiện hành như khủng bố và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo. Sự trỗi dậy của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) trong khu vực và sự bất ổn chưa có hồi kết của Afghanistan càng khiến các yêu cầu này trở nên cấp thiết. Thủ tướng Modi cần chấm dứt thái độ do dự cố hữu của Ấn Độ để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động ngoại giao quân sự trong khu vực. Để vượt qua những nhược điểm này, Ấn Độ cần có thời gian, song rõ ràng Thủ tướng Modi đang hội đủ “thiên thời - địa lợi - nhân hòa” để tạo ra một khởi đầu mới tại Trung Á.



TTK
Ấn Độ thuê tàu ngầm tấn công hạt nhân của Nga
Ấn Độ thuê tàu ngầm tấn công hạt nhân của Nga

Ấn Độ đang ở trong giai đoạn cuối cùng của tiến trình thương lượng thuê một tàu ngầm tấn công hạt nhân mới của Nga, nhằm tăng sức mạnh cho hạm đội tàu ngầm của nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN