Trên khắp các lĩnh vực quốc phòng, thương mại, công nghệ, nhân quyền..., những hành động "ăn miếng trả miếng" từ hai bên đã leo thang mạnh mẽ dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, dù không ít lần ông bày tỏ ngưỡng mộ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Washington thậm chí đang cân nhắc một lệnh cấm nhập cảnh cứng rắn nhằm vào giới chức Trung Quốc và có thể trục xuất bất cứ người nào hiện đang ở Mỹ - một động thái chắc chắn sẽ kích động đòn trả đũa nhằm vào công dân Mỹ từ phía Bắc Kinh.
"Tôi cho rằng chúng ta đang ở trong vòng xoáy nguy hiểm, không phải là không có nguyên nhân nhưng sẽ không có kỹ năng ngoại giao phù hợp nào có thể kìm lại xu hướng này", Orville Schell, Giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ - Trung tại Hiệp hội Châu Á, nhận định. Theo ông Schell, mức độ nghiêm trọng của cuộc đối đầu “đã vượt khỏi những thách thức cụ thể và có thể giải quyết sang một cuộc đụng độ về hệ thống và các giá trị”.
Theo tờ New York Times, dưới đây là những điểm nghẽn làm gia tăng căng thẳng giữa hai cường quốc đứng đầu thế giới trong những năm qua:
Đại dịch COVID và tâm lý bài Trung
Tổng thống Trump và các quan chức Mỹ đã đổ lỗi cho Trung Quốc về sự lây lan của đại dịch COVID-19, vốn bùng phát đầu tiên tại Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) vào cuối năm 2019 trước khi càn quét khắp thế giới. Họ nhiều lần mô tả virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-10 bằng các cụm từ mang tính kỳ thị, như “virus Vũ Hán”, “virus Trung Quốc”.
Hôm 4/7, ông Trump tuyên bố Trung Quốc “phải chịu hoàn toàn trách nhiệm” về dịch COVID. Chính quyền Mỹ cũng đã ngừng tài trợ và rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới, cáo buộc tổ chức này thiên vị và làm ngơ cho những phản ứng ban đầu với dịch bệnh của Trung Quốc. Ngày 21/7, Bộ Tư pháp Mỹ còn cáo buộc các hacker Trung Quốc tìm cách đánh cắp thông tin về nghiên cứu vắc-xin COVID-19 của Mỹ.
Về phần mình, Trung Quốc bác bỏ những công kích của chính quyền Mỹ về dịch COVID-19, đồng thời chỉ trích những phản ứng yếu kém của Nhà Trắng trước đại dịch. Các cơ quan tuyên truyền của Trung Quốc thậm chí còn lan truyền giả thuyết, dù không có bằng chứng, rằng binh sĩ Mỹ có thể là nguồn gốc ban đầu của virus SARS-CoV-2 khi họ tới thăm Vũ Hán vào tháng 10/2019.
Cuộc chiến thương mại “bầm dập” cả hai
Ông Trump đã đắc cử Tổng thống Mỹ năm 2016, một phần nhờ khai thác chiến dịch cáo buộc Trung Quốc lạm dụng mối quan hệ thương mại giữa hai nước bằng cách xuất khẩu sang Mỹ nhiều hơn là mua hàng hóa Mỹ. Trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên, ông đã áp đặt một loạt thuế trừng phạt lên hàng hóa Trung Quốc, sau đó là những động thái trả đũa của Bắc Kính, khiến cuộc chiến thương mại giữa hai nước đến nay đã kéo dài hơn 2 năm. Mặc dù thỏa thuận “đình chiến” có hiệu lực vào tháng 1/2020 với việc ký kết cái gọi là thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1”, nhưng hầu hết các loại thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu giữa hai nước vẫn chưa được dỡ bỏ.
Căng thẳng ở Biển Đông
Chính quyền Tổng thống Trump đã tăng cường thách thức các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi vận hành những tuyến đường thủy sống còn của thế giới. Trong tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, người từng mô tả Trung Quốc là "mối đe dọa an ninh lớn", cho rằng những tuyên bố của Trung Quốc ở Biển Đông là “hoàn toàn phi pháp”, và gây ra nguy cơ đối đầu quân sự giữa hải quân Mỹ-Trung ở Thái Bình Dương.
Cuộc chiến công nghệ lan rộng
Trung Quốc từ lâu đã bị chính quyền Mỹ cáo buộc đánh cắp công nghệ Mỹ. Nhà Trắng liên tục leo thang các cáo buộc nhằm kêu gọi sự ủng hộ quốc tế với việc liệt Huawei, tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc, vào danh sách đen. Mỹ coi Huawei là mặt trận hàng đầu trong các nỗ lực của Trung Quốc nhằm thâm nhập vào hạ tầng viễn thông của các quốc gia khác vì lợi ích chiến lược.
Giám đốc Tài chính của Huawei, bà Mạnh Vãn Châu, cũng là con gái của nhà sáng lập tập đoàn, đã bị bắt giữ tại Canada vào tháng 12/2018 theo yêu cầu của Bộ Tư pháp Mỹ. Tuần trước, Anh tuyên bố đứng về phía Mỹ, cấm các sản phẩm của Huawei hiện diện trong hệ thống mạng không dây tốc độ cao của nước này.
Trục xuất các nhà báo và nhân viên truyền thông
Cáo buộc truyền thông nhà nước Trung Quốc khuấy động các chương trình tuyên truyền chống Mỹ, chính quyền Tổng thống Trump đã giới hạn nghiêm ngặt số lượng công dân Trung Quốc được làm việc cho các tổ chức báo chí Trung Quốc tại Mỹ. Bắc Kinh đáp trả bằng cách ra lệnh trục xuất nhà báo làm việc cho các tờ báo lớn của Mỹ như New York Times, Washington Post và Wall Street Journal, cũng như gia tăng trở ngại đối với giới báo chí Mỹ khi tác nghiệp tại Trung Quốc.
Lo ngại nguy cơ phóng viên bị hạn chế làm việc tại Trung Quốc, tờ New York Times tuần trước đã thông báo điều chuyển phần lớn đầu mối thông tin quan trọng của họ tại Hong Kong tới Seoul, Hàn Quốc.
Trục xuất sinh viên
Theo những quan chức hiểu biết về vấn đề, chính quyền Tổng thống Trump đã tiến hành nhiều bước đi nhằm hủy bỏ thị thực của hàng ngàn sinh viên và nghiên cứu sinh Trung Quốc tại Mỹ, là những người có mối quan hệ trực tiếp với những trường đại học có liên quan đến Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Những động thái như vậy có nguy cơ dẫn đến thêm nhiều quy định hạn chế về giáo dục và chính phủ Trung Quốc có thể sẽ đáp trả bằng cách thực hiện lệnh cấm cấp visa cho công dân Mỹ.
Vấn đề Hong Kong, Tân Cương, Đài Loan
Tháng 11/2019, Tổng thống Trump, với sự ủng hộ của lưỡng đảng, đã ký ban hành luật cho phép trừng phạt các quan chức Trung Quốc và Hong Kong liên quan đến phong trào biểu tình tại đặc khu hành chính này.
Hôm 14/7 vừa qua, ông Trump thông báo đã ban hành một sắc lệnh hành pháp chấm dứt những ưu đãi thương mại đối với Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), liên quan việc Trung Quốc thông qua Luật Bảo vệ an ninh quốc gia tại Hong Kong. Bắc Kinh đã chỉ trích những biện pháp này và tuyên bố sẽ trả đũa.
Cũng trong tháng 7 này, chính phủ Mỹ thông báo áp đặt trừng phạt đối với một loạt quan chức Trung Quốc về “vấn đề nhân quyền” liên quan tới cộng đồng dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương. Trong số này có cả các quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc, như Bí thư Đảng ủy Tân Cương. Đáp lại, Bắc Kinh tuyên bố sẽ trả đũa nhằm vào các cơ quan và cá nhân Mỹ, cho rằng các hành động của Mỹ nhân danh bảo vệ người dân sống ở bất cứ nơi nào tại Trung Quốc là sự can thiệp trắng trợn vào nền chính trị nội bộ của nước này.
Vào tháng 5/2020, chính quyền Tổng thống Trump đã phê duyệt bán vũ khí trị giá 180 triệu USD cho Đài Loan (Trung Quốc), như một phần trong hợp đồng vũ khí lớn hơn nhiều. Động thái này cũng đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc.