Theo tờ Financial Times, các nhà đầu tư, dẫn đầu bởi hai công ty đầu tư tài chính là General Atlantic và Sequoia Capital, hiện đang thảo luận với Bộ Tài chính Mỹ và các cơ quan quản lý khác để xem liệu việc tách TikTok cũng như lập tường lửa ngăn ứng dụng này khỏi công ty mẹ ở Trung Quốc có thỏa mãn những lo ngại của chính quyền Mỹ về nền tảng chia sẻ video Trung Quốc này hay không. Đây là những thông tin được hai nhân vật liên quan đến quá trình thảo luận cho biết.
Tuần trước, nhóm chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump đã đặt quảng cáo trên Facebook tố TikTok “do thám” người dùng Mỹ - một cáo buộc đã bị TikTok bác bỏ. Trong khi đó, nhiều chỉ trích khác đang nhằm vào những ảnh hưởng khổng lồ của TikTok khi ứng dụng này hiện diện trên điện thoại di động của hàng chục triệu người Mỹ.
Theo kế hoạch của nhóm đầu tư Mỹ, sau thỏa thuận bán TikTok, công ty ByteDance, có trụ sở tại Bắc Kinh hiện đang sở hữu TikTok và một ứng dụng khác là Douyin, sẽ chỉ giữ lại cổ phần thiểu số trong doanh nghiệp quốc tế này và không có quyền biểu quyết. “Đây là kế hoạch khả thi duy nhất”, nguồn tin trên cho biết.
Các nhà đầu tư khác, bao gồm một số công ty tư nhân có trụ sở tại New York và các công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon, cũng đã tiếp cận ByteDance và nhà sáng lập Trương Nhất Minh (Zhang Yiming), để thảo luận về một thỏa thuận tiềm năng mua TikTok. Tuy vậy không công ty nào trong nhóm này hiện tiến xa được như General Atlantic và Sequoia. Một trong các nhà đầu tư cho biết thêm ByteDance hiện còn do dự trong quyết định chia sẻ công nghệ với một công ty đối thủ.
Theo một cố vấn thông thạo tình hình của TikTok, có một số trở ngại trước khi cuộc thảo luận giữa hai bên có thể diễn ra. Nhà Trắng hiện đang xem xét thực thi những hành động chống TikTok, bao gồm đưa ứng dụng này vào danh sách thực thể bị cấm (như Huawei) - một quyết định sẽ ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động của ứng dụng. Vị cố vấn cho hay một số nhóm cứng rắn trong Bộ Ngoại giao và Bộ Tư Pháp Mỹ đang mong muốn ra lệnh cấm này.
Tuần trước, cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Trump, Larry Kudlow cho biết vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra nhưng ngụ ý rằng TikTok có thể “tách khỏi” công ty mẹ Trung Quốc và “hoạt động như một công ty Mỹ độc lập”.
Ngoài ra, thỏa thuận ByteDance mua lại Musical.ly, công ty có văn phòng tại California và được cho là chất xúc tác cho thành công của TikTok, hồi năm 2017 cũng đang bị Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (Cfius) xem xét.
Bộ Tài chính Mỹ, nơi quản lý Cfius, từ chối bình luận về thỏa thuận tiềm năng của nhóm đầu tư Mỹ và về cuộc điều tra của Ủy ban này, lưu ý rằng “về mặt pháp luật, thông tin đệ trình lên Cfius có thể không được Cfius tiết lộ cho công chúng”. Bộ Tài chính Mỹ cũng “không bình luận về những thông tin liên quan đến các vụ việc mà Cfius đang xem xét”.
Hiện chưa rõ giá mà các nhà đầu tư đề xuất trả để mua TikTok là bao nhiêu. ByteDance được định giá 75 tỉ USD trong lần gây quỹ cuối cùng của công ty vào năm 2018. Mặc dù TikTok nhanh chóng tích lũy thêm hàng trăm triệu người dùng ở Ấn Độ và phương Tây, công ty mẹ ByteDance được cho là làm ăn không có lãi với mảng ứng dụng này. Phần lớn lợi nhuận của ByteDance lại đến từ Douyin (TikTok Trung Quốc). “Đó là một ứng dụng non trẻ và còn sớm để đi vào giai đoạn gặt hái tiền. Tuy nhiên đây là một tài sản độc đáo”, môt nhà đầu tư nhận xét.
Trong khi đó, TikTok ra thông báo khẳng định: “Kể từ khi công khai tuyên bố hai tuần trước đây rằng chúng tôi đang đánh giá những thay đổi với cấu trúc kinh doanh của TikTok, đã có nhiều đề xuất từ những người nước ngoài không liên quan đến các cuộc thảo luận nội bộ của công ty. Chúng tôi không bình luận về những tin đồn hay dự đoán. Chúng tôi rất tự tin về thành công trong dài hạn của TikTok và sẽ công bố các kế hoạch của mình khi có”.
General Atlantic và Sequoia hiện cũng từ chối bình luận về những thông tin trên.
Liên quan đến những nỗ lực "bài TikTok" tại Mỹ, Ủy ban Thượng viện Mỹ về An ninh Nội địa và Các vấn đề Chính phủ hôm 22/7 đã thông qua Dự luật không sử dụng TikTok trong các thiết bị chính phủ. Thời gian tới dự luật sẽ được đệ trình lên toàn thể Thượng viện để bỏ phiếu. Trước đó, Hạ viện Mỹ cũng đã bỏ phiếu thông qua lệnh cấm các nhân viên liên bang tải TikTok vào thiết bị do chính phủ cung cấp. Kết quả cuộc bỏ phiếu là 336 phiếu thuận và 71 phiếu chống.
Với việc Hạ viện thông qua và Ủy ban Thượng viện ủng hộ, trong thời gian tới việc cấm sử dụng TikTok tại Mỹ có thể sớm được luật hóa.
Giới trẻ Mỹ trong thời gian qua rất ưa chuộng sử dụng TikTok, điều này khiến giới chức Mỹ quan ngại thông tin cá nhân của người dùng mạng xã hội này có thể bị lạm dụng. Theo một thống kê năm 2019, công dân Mỹ trong độ tuổi từ 16-24 chiếm tới 60% trong số 26,5 triệu người dùng TikTok hàng tháng tại Mỹ.