3 thách thức với ông Tập Cận Bình trong năm 2014

Thực thi chương trình cải cách kinh tế, duy trì được sự ủng hộ cao từ quần chúng trong cuộc chiến chống tham nhũng và giải quyết những tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ với Nhật Bản là 3 thách thức lớn nhất mà ông Tập Cận Bình sẽ phải đương đầu trong chương trình hành động 2014.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ phải đương đầu với 3 thách thức lớn trong năm 2014. Ảnh: SCMP


Kể từ khi trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 11/2012, ông Tập Cận Bình đã khiến cho các nhà quan sát trở nên lúng túng. Trong khi chiến lược chính trị của ông đòi hỏi phải tăng cường sự kiểm soát của Đảng về vấn đề ý thức hệ, chiến đấu với nạn tham nhũng của giới quan chức, dẹp các cuộc nổi loạn, bảo vệ cho chính sách đối ngoại mang nhiều màu sắc của chủ nghĩa dân tộc hơn thì ông Tập đã tuyên bố một kế hoạch cải tổ táo bạo bất thường.

Thế giới sẽ sớm biết được rằng liệu chương trình hành động đầy tranh cãi của ông Tập có hướng tới việc tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy cải cách nền kinh tế thị trường hay không. Ông Tập đã sử dụng cả năm 2013 để củng cố vị trí và xây dựng chương trình và do đó sang năm 2014, nhà lãnh đạo thế hệ thứ năm của Trung Quốc sẽ bắt đầu thực hiện những cam kết và thể hiện khả năng sử dụng quyền lực đã tích lũy được. Sự thành công của ông Tập sẽ phụ thuộc vào việc ông giải quyết thế nào 3 thách thức lớn.

Thách thức lớn đầu tiên Chủ tịch Tập Cận Bình phải đối đầu trong năm 2014 chính là việc thực thi chương trình cải cách kinh tế, chính sách này đã gây ra cả sự hứng khởi cũng như hoài nghi kể từ khi được tiết lộ vào giữa tháng 11 năm ngoái. Những người lạc quan đánh giá tham vọng của chính sách chính là chứng cứ cho thấy quyết tâm cải cách của ông Tập, trong khi những người hoài nghi cho rằng việc không rõ ràng và thiếu một lịch trình cụ thể của chương trình cải cách là điều cần thận trọng.

Để chứng minh cho những người hoài nghi thấy họ sai, ông Tập phải chuyển đổi những cam kết thành chính sách và những chính sách đưa ra phải cụ thể, tạo ra kết quả mang tính định lượng. Điều này có nghĩa Trung Quốc sẽ bắt đầu năm mới với việc thực thi những cải cách mà chỉ đòi hỏi biện pháp mang tính hành chính, như việc cấp giấy phép hoạt động cho lĩnh vực ngân hàng tư nhân, tăng tính cạnh tranh qua việc gỡ bỏ rào cản để các doanh nghiệp tư nhân có thể tham gia thị trường ngân hàng, tự do hóa tỷ lệ lãi suất và trao đổi tiền tệ, và mở rộng quyền cư trú cho lao động nhập cư tới các thành phố nhỏ và thị trấn.

Ông Tập sẽ phải theo đuổi những biện pháp này bằng cách ban hành quy định pháp luật trong một số lĩnh vực cải cách được cho là gây tranh cãi nhất. Trong đó, cải cách ruộng đất sẽ là vấn đề khó khăn nhất. Chương trình hành động của ông Tập chỉ có thể đưa ra những cam kết không rõ ràng về việc tăng quyền sở hữu cho nông dân, trong khi những tuyên bố chính thức của nhà nước gần đây cho thấy rằng chính quyền muốn giới hạn quyền này lại. Trong bối cảnh này, ông Tập phải thuyết phục công chúng rằng ông sẽ không cho phép các nhóm lợi ích ngăn chặn sự thay đổi.

Thách thức lớn thứ hai mà ông Tập sẽ phải đối mặt trong năm 2014 là duy trì được sự ủng hộ cao của quần chúng với cuộc chiến chống tham nhũng đầy cam go. Trong trường hợp không thu hút được sự ủng hộ từ quần chúng với các kế hoạch cải cách, phương tiện duy nhất ép buộc bộ máy chính trị phải thực thi chương trình hành động của ông là cảnh báo về việc sẽ đưa ra điều tra và truy tố về tham nhũng.

Nhưng chiến lược này sẽ khó khăn để thực thi, không chỉ vì vấn đề tham nhũng diễn ra trên diện rộng mà còn là vấn đề trong phân chia lợi ích giữa các phe phái và các nhóm. Một chiến dịch chống tham nhũng nhằm vào một số lượng lớn các quan chức Trung Quốc sẽ dẫn tới hậu quả làm ly kị, bất mãn và phân chia trong giới lãnh đạo ở Trung Quốc.

Thuốc thử chính xác cho ý tưởng của ông Tập sẽ là việc liệu chính quyền của ông có đưa ra xét xử cựu ủy viên Ban thường vụ Bộ chính trị Chu Vĩnh Khang. Theo như những báo cáo chính thức, ông Tập đang ngày càng siết chặt sợi dây trói với Chu Vĩnh Khang với việc bắt giữ rất nhiều phe cánh của ông Chu.

Nhưng việc xét xử một cựu ủy viên Ban thường vụ Bộ chính trị có thể sẽ phá vỡ những điều cấm kỵ tồn tại từ lâu trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bắt đầu từ thời Đặng Tiểu Bình, chế độ hậu Mao Trạch Đông đã làm việc hết sức để đảm bảo sự an toàn cho những quan chức cấp cao nhất, do vậy sai lầm của Mao Trạch Đông đã không dẫn tới những cuộc đấu đá quyền lực nội bộ mang tính sống còn, mà trong cuộc chiến đó không ai được an toàn. Vì vậy, trong quá khứ các thành viên của Bộ Chính trị đã từng là mục tiêu của các cuộc truy tố (đã có 3 thành viên của Bộ chính trị bị bắt giam), tuy nhiên các thành viên trong Ban thường vụ Bộ chính trị thì vẫn là vùng cấm. Bởi vậy, hiện tại ông Tập đang đương đầu với một vấn đề nan giải. Nếu như ông tiếp tục kéo dài quy định bất thành văn không truy tố thậm chí với cả cựu thành viên của Ban thường vụ Bộ chính trị, ông sẽ phải đối đầu với nguy cơ bị giảm sút uy tín trong chiến dịch chống tham nhũng. Nhưng nếu ông đưa cựu đồng cấp vào tù, ông sẽ làm giảm tính cố kết giữa các quan chức cấp cao của Trung Quốc.

Thách thức thứ ba ông Tập phải đối mặt là tránh một cuộc xung đột không cần thiết với Nhật Bản. Trung Quốc vừa mới tuyên bố về Vùng Nhận diện phòng không (ADIZ) bao trùm lên cả nhóm đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku, sau đó là chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới ngôi đền tranh cãi Yasukuni, khiến cho mối quan hệ song phương, hiện đã ở mức thấp nhất trong vòng 40 năm qua, sẽ tiếp tục trở nên tồi tệ hơn.

Ông Tập và các cố vấn không nên có niềm tin ảo tưởng rằng một cuộc xung đột có thể giúp họ nâng cao uy tín trước công chúng. Nhật Bản với sự giúp sức của Mỹ có thể giáng một đòn quân sự đáp trả mạnh mẽ và gây thiệt hại cho Trung Quốc. Với tương lai chính trị phụ thuộc vào khả năng thực hiện những cam kết về cải cách, điều cuối cùng mà ông Tập cần là một chính sách đối ngoại phân tâm (foreign-policy distraction), có nghĩa là từ bỏ các quyết định quân sự mạo hiểm có thể gây ra thất bại thảm hại.

Vẫn còn nhiều vấn đề trở ngại đặt ra cho ông Tập Cận Bình và Trung Quốc vào năm 2014. Điều này cũng đồng nghĩa với việc vẫn còn nhiều khó khăn cho phần còn lại của thế giới.


Đức Trung
(theo P.S)
Trung Quốc với cuộc chiến chống ô nhiễm không khí
Trung Quốc với cuộc chiến chống ô nhiễm không khí

Mặc dù sự tăng trưởng ngoạn mục của kinh tế Trung Quốc là một thành công lớn trong 2 thập niên qua, nhưng điều đó đi kèm với chi phí môi trường quá cao do ô nhiễm tràn lan. Chi phí để xử lý ô nhiễm không khí tại Trung Quốc từ nay đến năm 2017 là 290 tỷ USD.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN