Trung Quốc với cuộc chiến chống ô nhiễm không khí

Mặc dù sự tăng trưởng ngoạn mục của kinh tế Trung Quốc là một thành công lớn trong 2 thập niên qua, nhưng điều đó đi kèm với chi phí môi trường quá cao do ô nhiễm tràn lan. Chi phí để xử lý ô nhiễm không khí tại Trung Quốc từ nay đến năm 2017 là 290 tỷ USD.

 

Trung Quốc đang gặp vấn đề ô nhiễm không khí nghiêm trọng trên toàn quốc, nhất là các thành phố lớn. Hồi đầu tháng này, Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc đã xác nhận có 13 tỉnh đang phải chịu mức độ khói bụi cao kỷ lục, khi năm 2013 cũng là năm ô nhiễm nhất tại Trung Quốc trong 52 năm qua.

 

Người dân dùng khẩu trang để đối phó với tình trạng sương mù dày đặc tại Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang ngày 21/10/2013.AFP -TTXVN


Hồi tháng 1/2013, Bắc Kinh đã bị bao phủ bởi tình trạng khói bụi ô nhiễm dày đặc nhất trong nhiều thập niên, khi mật độ các hạt bụi siêu nhỏ có đường kính 2,5 micrômét (PM2.51) - loại bụi được coi là nguy hiểm nhất - vượt quá ngưỡng 500 micrômét/mét khối, cao gấp 20 lần so với mức an toàn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Hồi tháng 10 vừa qua, thủ phủ Cáp Nhĩ Tân của tỉnh Hắc Long Giang cũng phải chịu ô nhiễm khói bụi dày đặc, nhìn từ không gian.


Ô nhiễm khói bụi tại đại lục đã lan từ các trung tâm đô thị lớn là Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu đến các thành phố nằm tại các tỉnh miền trung, miền tây và miền bắc Trung Quốc. Hồi đầu tháng 10, khu vực miền trung và miền đông Trung Quốc đã bị bao phủ bởi màn khói bụi dày đặc ảnh hưởng đến các tỉnh Giang Tô, Chiết Giang, An Huy, Hà Nam và Thượng Hải. Đáng ngại hơn là trong các ngày 18-20/12 vừa qua, truyền thông Trung Quốc đưa tin một số thành phố ở miền tây Trung Quốc, trong đó có các trung tâm du lịch là Lhasa và Tây An bị khói bụi bao phủ. Ngày 22/12, đám mây khói bụi dày đặc bao phủ thành phố Thẩm Dương thuộc tỉnh Liêu Ninh, khiến chính quyền thành phố phải ban hành báo động vàng về chất lượng không khí.


Trước tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng đáng lo ngại, tháng 9/2013, chính phủ Trung Quốc đã ban hành kế hoạch hành động kiểm soát và ngăn chặn ô nhiễm không khí, lưu ý rằng "ô nhiễm không khí tại Trung Quốc là một vấn đề lâu dài. Kiểm soát ô nhiễm không khí là một nhiệm vụ nặng nề, cần nỗ lực liên tục trên nguyên tắc mọi người đều có trách nhiệm đối với việc kiểm soát ô nhiễm không khí". Kế hoạch này cam kết giảm mức độ các hạt bụi ô nhiễm tại những thành phố lớn đi ít nhất 10% vào năm 2017.


Cuộc khủng hoảng này đang buộc chính quyền địa phương và các thành phố phải tìm ra những giải pháp. Sau Bắc Kinh, ngày 15/12 vừa qua, thành phố Thiên Tân, có hơn 14 triệu dân, đã tuyên bố áp đặt hạn ngạch hàng năm đối với biển đăng ký ô tô mới là 100.000 biển/năm, trong đó 60.000 biển số xe sẽ được phát hành thông qua sổ xố và 40.000 biển qua đấu giá.


Nhưng ô nhiễm do ô tô gây ra chỉ là một phần của vấn đề. Theo lưu ý của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), Trung Quốc là quốc gia sản xuất và tiêu thụ than đá lớn nhất thế giới, chiếm khoảng một nửa lượng tiêu thụ than toàn cầu. Than đá đang chiếm tới 70% tổng lượng tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc, đặc biệt cho sản xuất điện. Do vậy, thế tiến thoái lưỡng nan mà chính phủ Trung Quốc đang phải đối mặt là liệu trong nỗ lực cắt giảm ô nhiễm không khí, Bắc Kinh có muốn giảm sản lượng điện hay không, bởi vì số tiền 290 tỷ USD còn cao hơn GDP năm 2012 của hầu hết các nước trên thế giới, kể cả Phần Lan, Israel và Bồ Đào Nha.


Vấn đề ô nhiễm không khí của Trung Quốc đã tích tụ nhiều thập niên và sẽ không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Đó sẽ là một cuộc chiến kéo dài.


Dương Hoa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN