Căn bệnh này tới nay có lẽ vẫn là một “ẩn số” chưa được hóa giải từ khi lần đầu tiên được đề cập trong thông báo khẩn ngày 30/12/2019 của Ủy ban Y tế thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc như một "căn bệnh viêm phổi lạ”.
Thế giới cũng đã biến đổi quá nhanh chóng và theo một cách mà ít người ngờ tới, với sự xuất hiện của những biện pháp phong tỏa, đóng cửa biên giới và những áp lực kinh tế “chưa từng có tiền lệ”. Sáu tháng đầu năm, tức 183 ngày đêm dịch bệnh hoành hành, vẫn còn đó những lo lắng và hoài nghi, những câu hỏi về khả năng con người có thể chế ngự và vượt qua cuộc khủng hoảng vì đại dịch trong sáu tháng tiếp theo, trước khi tròn một năm virus SARS-CoV-2 xuất hiện và "càn quét" Trái Đất.
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Trường Y học nhiệt đới và dịch tễ học London (Anh) Martin Hibberd nhận định thế giới hầu như không chuẩn bị gì cho sự xuất hiện của COVID-19. Chủng virus này chỉ được chú ý khi Trung Quốc ngày 10/1/2020 thông báo ca đầu tiên tử vong. Ngày 13/1, Thái Lan là quốc gia đầu tiên ngoài Trung Quốc xác nhận có bệnh nhân mắc bệnh. Chỉ 10 ngày sau, Vũ Hán trở thành thành phố đầu tiên trên thế giới áp dụng lệnh phong tỏa chưa từng có tiền lệ khi số bệnh nhân tại Trung Quốc đại lục tăng lên 444 người. Khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 11/3 công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu, kêu gọi tất cả các nước cần có hành động khẩn cấp và quyết liệt để kiểm soát tình hình và khống chế sự lây lan, thế giới đã ghi nhận hơn 118.000 ca nhiễm và khoảng 4.500 ca tử vong tại ít nhất 114 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khắp các châu lục.
Qua 6 tháng đầu năm, dịch đã xuất hiện tại 216 quốc gia và vùng lãnh thổ, không kể giàu hay nghèo. Virus được tìm thấy trong cơ thể của tổng cộng hơn 11,5 triệu người, ở mọi địa vị xã hội, độ tuổi hay thu nhập, trong đó hơn 500.000 người đã tử vong. COVID-19 dần chứng tỏ là dịch bệnh tồi tệ hơn mọi dự đoán và kế hoạch ứng phó của con người, khi mà sau 6 tháng chống dịch, WHO phải ghi nhận ngày 4/7 là ngày có số ca mắc mới cao nhất trên toàn thế giới kể từ khi dịch bệnh bùng phát, với tổng cộng 212.326 ca chỉ trong vòng 24 giờ. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres gọi đại dịch COVID-19 là “cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất” mà thế giới phải đối mặt kể từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Sau 183 ngày đêm chiến đấu với dịch bệnh, hầu hết các nước cuối cùng đều thừa nhận biện pháp phong tỏa một cách nghiêm ngặt để hạn chế nguy cơ lây nhiễm là cách hiệu quả nhất giúp bảo vệ mạng sống con người. Nếu như các quốc gia châu Á, đi đầu là Trung Quốc, tiếp đó là châu Phi đã không ngần ngại áp dụng biện pháp này, thì các nước châu Âu và châu Mỹ ban đầu còn do dự, coi đây chỉ là "bệnh cúm mùa", có luồng ý kiến ủng hộ một hình thức miễn dịch cộng đồng.
Tuy nhiên, lý thuyết này nhanh chóng bị loại bỏ khi tại châu Âu, lần lượt các nền kinh tế hàng đầu Italy, Tây Ban Nha, Đức và Anh..., ghi nhận các ca nhiễm và tử vong tăng chóng mặt trong tháng 3, còn tại Mỹ, hình ảnh các bệnh viện và các nhà hỏa táng quá tải xuất hiện trên truyền thông ngày càng nhiều, khiến chính phủ các nước phải thay đổi quan điểm. Tính đến cuối tháng 3, hơn 2 tỷ người dân trên thế giới được yêu cầu ở yên trong nhà, hạn chế ra ngoài để tránh lây lan dịch bệnh.
Đây cũng là lúc dịch bệnh “tăng tốc” khi thời gian để thế giới ghi nhận thêm mỗi 100.000 ca rút ngắn nhanh chóng từ 67 ngày xuống 4 ngày. Cả thế giới thực sự đã bước vào "cuộc chiến" cam go chống đại dịch COVID-19. Các bác sĩ và bệnh viện gồng mình vì bệnh nhân quá tải. Các nước và tổ chức lao vào cuộc đua tìm kiếm phương thuốc điều trị và vaccine ngừa COVID-19 hiệu quả.
Sáu tháng qua, những tác động kinh tế của dịch bệnh cũng được định hình rõ ràng hơn do chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn nghiêm trọng, hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa, lâm vào phá sản và hàng triệu người không thể đi làm hoặc mất việc. Giữa tháng Tư, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) phải đảo ngược hoàn toàn dự báo kinh tế toàn cầu năm 2020 tăng trưởng 3,3%, mà tổ chức này đưa ra đầu năm, bằng cảnh báo kinh tế toàn cầu có thể trải qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái những năm 1930, với mức suy giảm 3% trong năm nay.
Đến tháng Sáu, IMF cập nhật dự báo rằng kinh tế thế giới sẽ suy giảm 4%, trong đó hầu hết các khu vực, ngoại trừ một số nơi ở châu Á, đều suy giảm ở mức 2 chữ số. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thì cảnh báo dịch gây ra cuộc khủng hoảng việc làm toàn cầu tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai, có thể “cuốn phăng” 25 triệu việc làm trên toàn cầu. Đây cũng là thời điểm hầu hết các quốc gia trên thế giới đều công bố những gói cứu trợ kinh tế ở mức “chưa từng có” để giúp các doanh nghiệp chống chọi với cú sốc từ đại dịch.
Chính những tác động kinh tế này được cho là nguyên nhân khiến chính phủ nhiều nước phải cân nhắc dần nới lỏng phong tỏa, dù nguy cơ "làn sóng lây nhiễm thứ hai" luôn thường trực. Thực tế thì số ca mắc mới trên toàn cầu lại tăng mạnh trong tháng Sáu, trung bình hơn 100.000 ca/ngày. Dịch có dấu hiệu nóng trở lại tại hầu hết các quốc gia nới lỏng phong tỏa, buộc chính phủ các nước phải xem xét lại hoặc tái áp dụng các biện pháp hạn chế.
Đó là chưa kể những tác động xã hội đáng kể và lâu dài khi cuộc sống con người bị đảo lộn. Đơn cử như việc hơn 1,5 tỷ học sinh, sinh viên toàn cầu phải nghỉ học dài ngày vì COVID-19, không chỉ khiến hoạt động dạy và học bị gián đoạn mà ở nhiều nơi còn làm trầm trọng thêm vấn đề bất bình đẳng trong giáo dục, khoét sâu tình trạng bất bình đẳng xã hội.
Trong bức tranh toàn cầu ứng phó dịch bệnh thì Việt Nam nằm trong số ít quốc gia là "điểm sáng", dù Việt Nam phát hiện ca mắc đầu tiên từ ngày 23/1. Có đường biên giới chung và hoạt động giao thương dày đặc với Trung Quốc, nơi khởi phát dịch bệnh, Việt Nam được cộng đồng quốc tế nhắc tới như một mô hình chống dịch thành công để các nước học hỏi. Tạp chí hàng đầu Mỹ The Nation đánh giá Việt Nam là "quốc gia ứng phó COVID-19 hiệu quả nhất thế giới" khi tới sáng 7/7, nước ta trải qua 82 ngày không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng. Hơn 92% trong tổng số 369 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-đã được công bố khỏi bệnh, không có trường hợp nào tử vong.
Cộng đồng quốc tế nhiều tháng qua liên tục phân tích "bí quyết" chống dịch của Việt Nam, từ phản ứng nhanh chóng rất sớm, chủ động, thông tin chính xác, minh bạch tới sự đồng lòng, quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân. Như đánh giá trên trang Times of India thì “Chính phủ Việt Nam đã chủ động bảo vệ người dân” khi áp dụng những biện pháp phòng và kiểm dịch nghiêm ngặt, triển khai biện pháp cách ly xã hội, đi kèm với gói hỗ trợ tài chính trị giá 62.000 tỷ đồng để đảm bảo an sinh xã hội cho những người lao động bị ảnh hưởng.
Nhờ chống dịch hiệu quả, Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia đã có thể tăng tốc guồng máy kinh tế, tái khởi động du lịch nội địa, đưa cuộc sống trở lại trạng thái "bình thường mới", dù chính quyền vẫn liên tục khuyến cáo người dân không ngừng cảnh giác với virus SARS-CoV-2. Không ít người nước ngoài tại Việt Nam đánh giá đây là quốc gia an toàn nhất và hạnh phúc nhất thế giới trong thời điểm dịch bệnh hoành hành. Những thành công trong chống dịch không chỉ giúp Việt Nam trở thành điểm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, mà còn nâng cao hình ảnh và vị thế của Việt Nam.
Giáo sư dịch bệnh truyền nhiễm tại Đại học Edinburgh (Anh), Mark Woolhouse cho rằng điều quan trọng nhất mà con người nhận thức được trong 6 tháng đầu năm nay là có thể sẽ phải tiếp tục sống chung với virus trong một thời gian lâu hơn nữa, nói cách khác, thời gian này mới chỉ là "6 tháng đầu của một mối quan hệ lâu dài”. Tiến sĩ Robert Glatter tại Bệnh viện Lenox Hill ở thành phố New York (Mỹ) nhận định con người mới chỉ bắt đầu đón nhận "làn sóng" đầu tiên trong đợt dịch bệnh được cho là sẽ liên tục cuộn lên trong một khoảng thời gian chưa xác định, có thể kéo dài tới 1 hay 2 năm tùy thuộc khả năng con người có thể kiềm chế tốc độ lây lan.
Trong dài hạn, một loại vaccine hiệu quả được coi là vũ khí chủ chốt đối phó với dịch bệnh này. Tuy nhiên, hầu hết các nhà khoa học cho rằng đây là triển vọng còn khá xa vời, khó có thể đạt được chỉ trong một hay thậm chí là hai năm. Giáo sư y tế toàn cầu của Đại học Hoàng gia London (Anh) David Nabarro nhấn mạnh không nên quá kỳ vọng một loại vaccine hiệu quả sẽ xuất hiện trong năm nay và giúp giải quyết mọi vấn đề vì ngay cả khi thế giới tìm được vũ khí đó thì việc làm sao để có thể phân bổ tới tất cả 7,8 tỷ người dân trên toàn cầu vẫn là một bài toán khó.
Trong khoảng thời gian từ nay tới khi có vaccine, việc tuân thủ các yêu cầu giãn cách xã hội và vệ sinh dịch tễ được coi là vũ khí chính để chế ngự virus. Giám đốc phụ trách các tình huống khẩn cấp của WHO Michael Ryan cho rằng trong thời gian tới, thay vì áp dụng phong tỏa toàn bộ thì các quốc gia có thể áp dụng chiến lược phong tỏa từng phần, nới lỏng hạn chế tại những vùng có tỷ lệ lây nhiễm thấp và tiếp tục duy trì các biện pháp như giãn cách, rửa tay thường xuyên, tăng cường năng lực xét nghiệm, phát hiện sớm và cách ly kịp thời, truy dấu tiếp xúc. Nhưng tại các quốc gia dịch vẫn đang lây lan một cách khó kiểm soát thì biện pháp hạn chế nghiêm ngặt là điều không thể tránh.
Nhìn lại 6 tháng chống COVID-19 vừa qua, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đánh giá dịch bệnh đã chỉ ra những điều tồi tệ nhất và những điểm tốt đẹp nhất ở thế giới loài người. Có những tấm gương ấm áp về tinh thần chống chọi với dịch bệnh, đoàn kết và sự tử tế, nhưng cũng không thiếu những dấu hiệu của thái độ vô trách nhiệm, cực đoan, của thông tin giả mạo và những âm mưu chính trị. Tuy nhiên, khi dịch bệnh là mối đe dọa không biên giới, thì đoàn kết quốc gia, đoàn kết toàn cầu là yếu tố quan trọng để triển khai một chiến lược toàn diện nhằm kiềm chế lây nhiễm, bảo vệ mạng sống và giảm thiểu những tác động về xã hội và kinh tế.
Toàn thế giới vẫn đang tiếp tục tìm hiểu về loại virus này, cùng lúc tìm cách ngăn chặn nguy cơ lây lan, ứng phó với những tác động cả về y tế và kinh tế, hay nói cách khác là tìm cách “sống chung” trong lúc chờ đợi một loại vaccine hoặc một phác đồ điều trị hiệu quả để có thể đưa thế giới trở lại trạng thái bình thường như trước khi COVID-19 xuất hiện.
Thế giới đã mất mát quá nhiều trong 183 ngày đêm bị virus SARS-CoV-2 tấn công, nhưng khi những nhân viên y tế trên toàn cầu vẫn quên mình tận tâm trên tuyến đầu cứu chữa người bệnh; những nhà khoa học ngày đêm giam mình trong phòng thí nghiệm tìm ra vaccine hay phương thuốc điều trị; đặc biệt khi tình người lan tỏa từ những "ATM gạo" hay "siêu thị hạnh phúc 0 đồng" cung cấp miễn phí nhu yếu phẩm cho những người khó khăn trong đại dịch ở Việt Nam, hay phong trào #Nachbarschaftschallenge ở Đức, nơi những người dùng mạng xã hội tình nguyện giúp người già, người ốm yếu đi chợ và làm những công việc khác trong mùa dịch..., thì cộng đồng quốc tế không đánh mất hy vọng.
Dù dịch bệnh vẫn còn nhiều phức tạp, chưa thể biết ngày kết thúc, nhưng "bài học" của 183 ngày đêm chống dịch đã qua thì rất rõ ràng: chỉ có đồng lòng, các quốc gia mới có thể vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19 để xây dựng một thế giới an toàn hơn, công bằng hơn, xanh hơn và gắn kết hơn