Nhà văn Cao Duy Sơn là người sống khá lặng lẽ. Ông âm thầm viết, âm thầm cống hiến cho văn học nghệ thuật hơn 30 năm qua nhiều tác phẩm thành công “Người lang thang”, “Người săn gấu”, “Những chuyện ở lũng Cô Sầu”, “Đàn trời”, “Hoa mận đỏ” (tác phẩm được chuyển thể thành phim “Khỏa nước sông Quy”)...
Tuy nhiên, phải đến khi “Ngôi nhà xưa bên suối” của ông liên tiếp giành giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam 2008, Giải thưởng Văn học ASEAN 2009, người ta mới nhận ra có một “thương hiệu” Cao Duy Sơn - nhà văn chuyên về đề tài miền núi.
Người thợ "đào vàng" cần mẫn…
Nhà văn dân tộc Tày Cao Duy Sơn, tác giả cuốn "Ngôi nhà xưa bên suối". Ảnh: baocaobang.vn |
Cao Duy Sơn viết không nhiều, song ai đã từng đọc tác phẩm của ông đều phải thừa nhận rằng sức hút của các tác phẩm chính là cách nhà văn chuyển tải nét văn hóa của đồng bào miền núi, khai thác tận cùng những điều sâu thẳm và cả những bi kịch phận người. Câu chuyện của ông không chỉ đơn thuần là chuyện kể mà còn là một sự khám phá về đất và người.
Bên tách cà phê thơm nồng, nhà văn chuyên viết về đề tài miền núi ấy cho rằng: Một tác phẩm văn học phải mang được những yếu tố truyền thống và yếu tố văn hóa mới của dân tộc đó. Nhà văn chỉ là người ghi chép lại, tuy nhiên nếu họ chỉ chạy đuổi theo những yếu tố bình thường thì sẽ phí đi thời gian và làm nát cả câu chuyện. Cách tốt nhất là nên gửi gắm toàn bộ tình cảm, ý tưởng vào một nhân vật, một không gian, vừa “trói chặt” người đọc vào những trang viết nhưng đồng thời lại mở ra cho họ những điều lý thú khác, kể cả những điều đau đớn.
Thực tế đã chứng minh muốn viết về đề tài miền núi thì phải bắt đầu từ sự hiểu biết, hay nói cách khác là “thuộc” văn hoá. Các nhà văn như Tô Hoài, Nguyên Ngọc, Ma Văn Kháng, Trung Trung Đỉnh… thành công ở mảng đề tài miền núi là do họ đã nắm được hồn cốt hoá các dân tộc mà họ hướng ngòi bút đến.
Là người con của núi rừng, Cao Duy Sơn có lợi thế đặc biệt khi khai thác đến tận cùng những đổi thay trong cuộc sống, văn hóa và nếp nghĩ của con người.
Ông nhìn thấy một nét đẹp văn hóa mãnh liệt ở ông đã từng sinh sống (thị trấn Cô Sầu, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) và quyết định chọn vùng đất này để khai phá, dãi bày cảm xúc.
Như một người thợ "đào vàng" cần mẫn trên mảnh đất văn chương, Cao Duy Sơn chắt lọc từng con chữ, cân nhắc bố cục, cấu trúc của câu chuyện rồi miệt mài làm giảm những thứ thô ráp của đời sống, gửi gắm tinh hoa của vùng đất vào nhân vật.
Nhà văn Lê Văn Thảo đã nhận xét: Cao Duy Sơn kể về cuộc sống của con người miền núi, nhưng tác phẩm đã vượt ra khỏi ranh giới địa phận người dân tộc mà đạt đến một ý nghĩa sâu xa hơn – nỗi đau chung vẫn hằn trong tâm thức con người.
Hơn 30 năm trời, Cao Duy Sơn mới cho ra đời trên chục đầu sách, trong đó có những cuốn phải 3-4 năm mới hoàn thành. Với ông, viết lách là công việc đòi hỏi sự cẩn trọng nên ông kiên quyết không đưa ra những câu chuyện, vấn đề dễ dãi. Ông cũng khẳng định mình không phải là người có tài năng đặc biệt nên nếu không chăm chỉ sẽ không thể thành công. Bởi vậy khi đã chọn được vùng đất riêng của mình, ông nỗ lực mở được cánh cửa vào vùng đất ấy. Khi cánh cửa được mở, ông viết say mê, hầu như quên hết mọi thứ.
Địa danh Cô Sầu xuất hiện nhiều lần trong tác phẩm của ông khiến người đọc cảm thấy vùng đất ấy thật gần gũi, quen thuộc. Vẫn là không gian trùng điệp, những mảng xanh thẫm núi rừng, nhưng ở mỗi một tác phẩm, Cao Duy Sơn lại có cách làm mới nhân vật, khai thác ở những góc độ mới hơn. Đó là cách ông làm mới mình khi quyết tâm khai phá mảnh đất của riêng trên cánh đồng văn học. Trong những tác phẩm gần đây của ông, không gian như mở rộng hơn. Bên cạnh những con người miền núi sống tại nơi mình cư trú còn có cả những người đang di cư trên khắp dải đất hình chữ S.
Hai tác phẩm đạt Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2017 là “Đàn trời” và “Ngôi nhà xưa bên suối”. Cả 2 tác phẩm này ông không mất quá nhiều thời gian, viết một mạch cho tới khi dừng bút một cách thoải mái, không có bất cứ sự lấn cấn nhưng lại không phải là tác phẩm ông ưng ý nhất. Cuốn “Chòm ba nhà” viết về cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 mới là tác phẩm ông vừa ý nhất cho đến thời điểm này.
Nhà văn cũng vừa xuất bản “Tuyển tập truyện ngắn Cao Duy Sơn” và tái bản “Biệt cánh chim trời” với nhiều chỉnh sửa. Ông bảo sẽ tiếp tục bổ sung “Biệt cánh chim trời” nếu có bản in lần sau nữa. Rồi ông lại đang tiếp tục viết phần 2 của tác phẩm “Đàn trời”, nối tiếp mạch nguồn của phần 1 với những nhân vật cũ nhưng bối cảnh được mở rộng hơn, sâu hơn...
… Và món nợ chưa trả hết
Cô Sầu là nơi in dấu tuổi thơ, gắn bó với những kỷ niệm buồn vui, ân nghĩa quanh đời, vì vậy địa danh này cùng với những số phận con người vùng cao xuất hiện dày đặc trong tác phẩm của Cao Duy Sơn.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cao Thị Hảo ghi nhận rằng: Cao Duy Sơn là người con của dân tộc Tày, ông đã vận dụng rất thành công vốn văn hóa, văn học dân gian Tày, đặc biệt là thành ngữ, tục ngữ, phuối pác, phuối rọi trong ngôn ngữ trần thuật, ngôn ngữ của nhân vật để tạo ra cách nói ngọt tiếng, ngọt lời, tạo hiệu ứng ngọt tim. Có thể nói, trong sáng tác của Cao Duy Sơn, chính ngôn ngữ ảnh hưởng dân gian đã đem lại sắc thái dân dã, mộc mạc nhưng lại rất tươi mới và độc đáo.
Nói về con người vùng cao trong truyện ngắn của Cao Duy Sơn, nhà văn, nhà báo Tiểu Quyên cho rằng họ đầy "những gian truân số phận”... Mỗi câu chuyện là một nỗi đau lăn dài; in dấu lên những cuộc đời đầy sóng gió trong miền yên tĩnh ngỡ là thanh bình giữa chốn núi rừng.
Còn bản thân nhà văn cho rằng mình viết những câu chuyện từ ký ức như là một cách để trả nợ quê hương và cũng là trả món nợ văn chương. Bởi vậy, dù ông có mở rộng không gian viết đến tận Tây Nguyên hay ra Thủ đô theo hành trình của những người miền núi, thì cuối cùng ngòi bút của ông lại quay lại với quê hương.
Nhiều năm trước như để khẳng định quyết tâm “dứt áo ra đi”, ông đã bán ngôi nhà nhỏ bên suối, nơi đã in dấu rất nhiều kỷ niệm vui buồn, nơi vợ chồng ông hạnh phúc đón chào 2 thành viên mới của gia đình. Xong dù có đi đâu, hình ảnh quê nhà đã hằn rất sâu trong tim, như dòng máu ngày đêm chảy trong huyết quản mà có lẽ đến trọn đời, ông cũng không thể nào quên được. Và rồi, tưởng như đã “yên vị” tại Thủ đô, người ta lại thấy ông lụi cụi trở về quê để mua một ngôi nhà. Ngôi nhà này ông cũng khá ưng ý bởi nó không cách ngôi nhà xưa bên suối của ông bao xa và trước nhà cũng có một dòng sông uốn lượn êm ả.
Theo như lời ông nói sau khi hoàn thành xong nghĩa vụ với “đứa thứ 2” (hiện đang là sinh viên báo chí) cũng là lúc nghỉ làm việc ở Hội Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam, ông sẽ trở lại quê hương để trả nốt món nợ đang đè nặng trong lòng. Khi ấy, có lẽ độc giả sẽ thấy một con người khác của ông - một người viết đã kinh qua nhiều biến cố, gom đủ mọi cung bậc cảm xúc với lối viết mới, thoát ra khỏi mọi gò bó.
Dịp này vinh dự nhận được Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, nhà văn Cao Duy Sơn rất vui. Bên cạnh niềm vui đó, ông cũng thấy mình như có thêm trách nhiệm khi đặt bút viết.
Chia tay “người đàn ông ở thung lũng Cô Sầu”, tôi còn vương vấn với những suy tư của ông về văn học các dân tộc thiểu số phía Bắc rằng “biết đâu đấy đó lại là văn học của tương lai!”. Để rồi cùng ông chia sẻ nhiều hy vọng ở lớp tác giả trẻ như Hà Thị Cẩm Anh, Bùi Như Lan, Nông Văn Khiêm, Nông Quốc Lập… sẽ tiếp tục nỗ lực sáng tạo ở mảng đề tài này, không hẳn vì sự nổi tiếng mà vì trách nhiệm với dân tộc mình, cộng đồng mình.