Các nghệ sĩ Campuchia biểu diễn tại lễ kỷ niệm 38 năm lật đổ chế độ diệt chủng. Ảnh: EPA/TTXVN |
38 năm đã trôi qua kể từ ngày đất nước và nhân dân Campuchia dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, cùng sự giúp đỡ to lớn, chí tình của quân tình nguyện Việt Nam, đứng lên giải phóng nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Đất nước Campuchia ngày hôm nay đã thực sự hồi sinh và phát triển. Tình hữu nghị, đoàn kết gắn bó giữa hai dân tộc Việt Nam và Campuchia ngày càng bền chặt.
Chế độ diệt chủng tàn bạoNgày 17/4/1975, đất nước Campuchia đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tuy nhiên, nhân dân Campuchia chưa kịp mừng chiến thắng thì đất nước lại rơi vào thảm họa diệt chủng của bè lũ Khmer Đỏ do Polpot, Ieng Sary, Khieu Samphan cầm đầu và đẩy dân tộc Campuchia tới bờ vực của sự diệt vong.
Hộp sọ các nạn nhân được lưu giữ tại Tháp tưởng niệm nạn nhân Khmer Đỏ tại Choeung Ek. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN |
Dưới chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, đất nước Campuchia đã trải qua thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử dân tộc. Người dân Campuchia bị sát hại, bị lùa ra khỏi thành phố và các khu dân cư, quyền công dân bị tước đoạt. Một chế độ không trường học, không chợ búa, không dùng tiền, người dân bị cưỡng bức lao động, chung sống trong các công xã, bị đối xử tàn nhẫn và bị sát hại một cách man rợ... Chỉ trong 3 năm 8 tháng và 20 ngày, chế độ Khmer Đỏ đã giết hại gần 3 triệu người dân Campuchia vô tội, đẩy dân tộc Campuchia đứng trước thảm họa diệt vong. Hàng trăm nghìn người Campuchia đã phải rời quê hương chạy sang Việt Nam để lánh nạn.
Còn đối với Việt Nam, Chế độ diệt chủng Khmer Đỏ thực hiện chính sách thù địch, xuyên tạc lịch sử, huy động phần lớn sức mạnh quân sự, hàng chục sư đoàn chủ lực và nhiều trung đoàn địa phương tiến hành cuộc chiến tranh xâm chiếm biên giới Tây - Nam của Việt Nam. Chúng tàn phá làng mạc, giết hại dã man người dân, kể cả người già, phụ nữ, trẻ em; xâm phạm nghiêm trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Tội ác của chúng đối với nhân dân Việt Nam là không thể dung tha.
Sự giúp đỡ chí tình của Việt NamTrước tình hình đất nước Campuchia nguy vong, các lực lượng cách mạng yêu nước chân chính của Campuchia đã vùng dậy, lập nên Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia để tiến hành cuộc đấu tranh vũ trang chống lại bè lũ diệt chủng. Đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia, đồng thời cũng là để thực hiện quyền tự vệ chính đáng bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng, các chiến sỹ Quân tình nguyện Việt Nam đã không quản hy sinh, sát cánh cùng Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia tiến hành cuộc chiến tranh tự vệ thần tốc, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, đưa đến thắng lợi ngày 7/1/1979 của Cách mạng Campuchia. Với thắng lợi lịch sử này, nhân dân Campuchia đã khép lại một trang sử đen tối, đau thương của dân tộc, thực hiện công cuộc hồi sinh và mở ra kỷ nguyên độc lập, hoà bình, tự do và phát triển cho đất nước Campuchia, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia phát triển lên một giai đoạn mới, gắn bó, tin cậy lẫn nhau.
Sau sứ mệnh lịch sử vô tư, trong sáng, nhiều Đoàn chuyên gia và Quân tình nguyện Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ quốc tế cao cả của mình đối với nhân dân Campuchia và trở về nước. Dù đã về nước nhưng hàng nghìn cán bộ chuyên gia và hàng vạn quân tình nguyện Việt Nam vẫn tiếp tục sát cánh cùng nhân dân Campuchia anh em thực hiện công cuộc hồi sinh dân tộc và ngăn chặn sự quay trở lại của chế độ diệt chủng.
Đất nước Campuchia ngày càng phát triểnBắt đầu từ chiến thắng lịch sử ngày 7/1/1979, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), dân tộc và nhân dân Campuchia đã hồi sinh và làm hết sức mình để vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, thực sự trở thành một quốc gia hòa bình, phát triển ổn định, có quan hệ hữu nghị với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Gần 4 thập kỷ qua, bằng sự nỗ lực không mệt mỏi của nhân dân Campuchia và với sự giúp đỡ to lớn, có hiệu quả của cộng đồng quốc tế, đất nước Chùa Tháp ngày càng phát triển ổn định, nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững nền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và mọi thành quả xã hội.
Trong giai đoạn từ năm 2001 đến 2010, tăng trưởng kinh tế bình quân của Campuchia đạt 7,7% mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 47% năm 1993 xuống còn 29% trong năm 2010. Với những thành tích trên, Campuchia đã lọt vào tốp 10 nước có tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm cao nhất của thế giới, trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 21.
Trong giai đoạn từ 2010 đến 2015, Campuchia đã đạt mức tăng trưởng 7%/năm, đưa thu nhập bình quân đầu người lên gần 1.000 USD, an ninh lương thực được bảo đảm và trở thành một trong các nước xuất khẩu gạo trên thế giới. Phó Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, Victoria Kwakwa cho biết, kinh tế Campuchia có khả năng tăng trưởng khoảng 7,1% trong năm 2016, với tỷ lệ lạm phát ước tính ở mức dưới 1,9%.
Tỷ lệ hộ nghèo tại Campuchia đã giảm dần mỗi năm và hiện chỉ còn 14% so với mức 53,2% trong năm 2004. Chất lượng cuộc sống của người dân được thay đổi căn bản và từng bước nâng cao. Theo Liên hợp quốc, Campuchia đã đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của tổ chức này, đáng chú ý nhất là sức khỏe bà mẹ và trẻ em, giảm số trẻ sơ sinh tử vong và xóa nạn mù chữ…
Trong lĩnh vực đối ngoại, với chính sách trung lập, không liên kết vĩnh viễn, chú trọng tăng cường quan hệ với các nước lớn, các nước láng giềng và khu vực, Campuchia đã tiến hành thành công công cuộc hội nhập ở cả khu vực và quốc tế. Vai trò và vị thế của Campuchia ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Năm 1999, Campuchia đã gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Năm 2004, Campuchia trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Năm 2012, Campuchia đã đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch ASEAN.
Hiện nay, Vương quốc Campuchia được quốc tế nhìn nhận là một đất nước hòa bình, ổn định, an ninh vững chắc, đề cao dân chủ, nhà nước pháp quyền, tôn trọng nhân quyền và kinh tế phát triển mạnh.
Tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia ngày càng bền chặt
Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng, với hơn 1.137 km biên giới chung trên đất liền, có vùng biển liền kề và sông Mekong nối liền hai nước ra biển. Ngày 24/6/1967, hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Trong lịch sử mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Campuchia anh em, có thể khẳng định, chiến thắng chế độ diệt chủng Khmer Đỏ ngày 7/1/1979 là một sự kiện có nhiều ý nghĩa đáng ghi nhớ nhất.
Tượng đài hữu nghị Việt Nam-Campuchia vừa được khánh thành tại tỉnh Kompong Chhnang. Ảnh: Chí Hùng - Chanh Đa (P/v TTXVN tại Campuchia) |
Ngày nay, các thế hệ lãnh đạo Campuchia cũng đã nhiều lần khẳng định, đất nước Campuchia luôn khắc sâu trong tim công lao của Ðảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân Việt Nam, bằng sự hy sinh cao cả và anh hùng, với tinh thần quốc tế trong sáng, sự giúp đỡ chí tình, không điều kiện, đã sát cánh cùng các lực lượng chính nghĩa và nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, giải phóng đất nước Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, đem lại sự hồi sinh cho đất nước Campuchia. Đây cũng là thắng lợi của sự nghiệp chính nghĩa, của tình đoàn kết chiến đấu giữa hai dân tộc Việt Nam-Campuchia vốn có truyền thống hữu nghị tốt đẹp, giúp đỡ lẫn nhau, nhất là trong những lúc hoạn nạn, khó khăn. Lịch sử sẽ mãi mãi khắc ghi về tình đoàn kết vĩ đại thủy chung trong sáng đó.
Trong những năm qua, quan hệ Việt Nam-Campuchia được lãnh đạo và nhân dân hai nước giữ gìn và thúc đẩy theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, đến nay đang ngày càng “đơm hoa kết trái”. Kết quả hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế và nhiều lĩnh vực khác cũng đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Quan hệ chính trị-ngoại giao Việt Nam - Campuchia không ngừng được thắt chặt thông qua các chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và các bộ, ban, ngành.
Trong lĩnh vực kinh tế-thương mại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Campuchia (sau Thái Lan, Trung Quốc). Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Campuchia năm 2015 đạt 3,37 tỷ USD cao hơn so với 3,31 tỷ USD năm 2014. 8 tháng đầu năm 2016, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt gần 2 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu hơn 1,4 tỷ USD.
Về đầu tư, tính đến tháng 10-2016, các doanh nghiệp Việt Nam đã có 183 dự án tại Campuchia với tổng vốn đăng ký 2,85 tỷ USD. Hiện nay, Việt Nam là nước đứng vị trí thứ 5 về giá trị đầu tư (sau Trung Quốc, Hàn Quốc, EU và Malaysia) trong hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Campuchia. Các dự án đầu tư của Việt Nam sang Campuchia tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, viễn thông, hàng không, khoáng sản, công nghiệp chế biến chế tạo, vận tải kho bãi, thương mại xuất nhập khẩu, y tế, xây dựng, du lịch - khách sạn, bất động sản và các dịch vụ khác. Trong định hướng đầu tư đến năm 2020, nguồn vốn đầu tư của Việt Nam vào Campuchia sẽ đạt 6 tỷ USD.
Hợp tác giữa Campuchia và Việt Nam trong lĩnh vực khoa học, giáo dục, đào tạo, y tế, du lịch cũng phát triển mạnh. Hai nước dành nhiều suất học bổng cho học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh mỗi nước sang học tập. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Việt Nam đã cử nhiều đoàn y, bác sĩ sang Campuchia khám bệnh miễn phí cho nhân dân Campuchia, nhất là người dân sinh sống ở các vùng biên giới hai nước.
Với lịch sử giàu truyền thống đoàn kết, hữu nghị, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau vô tư, trong sáng, có thể khẳng định quan hệ Việt Nam - Campuchia sẽ có nhiều tiềm năng để phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên tầm cao mới.