Liệt sỹ, điện báo viên Đỗ Văn Thịnh quê ở làng An Mô, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Người thân cũng không còn nhớ chính xác ông sinh năm nào, chỉ nhớ khoảng năm 1943-1944. Thuở nhỏ, ông sống cùng gia đình trong ngôi nhà nhỏ nằm sát bờ sông Thạch Hãn đoạn qua làng An Mô, xã Triệu Long. Căn nhà của gia đình nhà báo Đỗ Văn Thịnh rất gần sân bay Ái Tử - một căn cứ quân sự lớn của Mỹ, dòng sông Thạch Hãn và cách Thành cổ Quảng Trị khoảng 3 km về phía Nam. Như vậy là gia đình ông ở giữa vùng địch chiếm đóng nên phải sống theo kiểu “nội bất xuất ngoại bất nhập”.
Ngôi nhà mà liệt sỹ Đỗ Văn Thịnh ở năm xưa nay là căn nhà cấp 4 kiên cố. Vợ chồng anh trai của nhà báo Đỗ Văn Thịnh là ông Đỗ Văn Đạt và bà Lê Thị Song hiện sống ở đây. Chính giữa ngôi nhà là gian thờ tổ tiên và nhà báo, liệt sỹ Đỗ Văn Thịnh. Trong di ảnh điện báo viên, liệt sỹ Đỗ Văn Thịnh có khuôn mặt khôi ngô, thân thiện và mang vẻ thư sinh.
Ông Đỗ Văn Đạt năm nay đã 80 tuổi, sức khỏe giảm sút nhiều và không còn minh mẫn. Bà Lê Thị Song, 77 tuổi, chị dâu của liệt sỹ Đỗ Văn Thịnh sức khỏe còn khá tốt. Bà kể, năm 1963, Đỗ Văn Thịnh theo bố ra tỉnh Hà Nam sinh sống và học tập. Đến năm 1966, Thịnh nhập ngũ rồi làm điện báo viên cho Thông tấn xã Giải phóng, đóng ở mặt trận Trị Thiên, rất hay viết thư về nhà. Nhưng lúc đó, gia đình ở giữa vùng địch chiếm đóng nên sau khi nhận được thư của Thịnh, gia đình chỉ kịp đọc lướt qua một hoặc hai lần rồi đem đốt hoặc hủy ngay. Nếu để lâu hoặc lưu thư lại, địch có thể phát hiện và biết được nhiệm vụ ông đang làm.
Vì vậy, trong số hàng chục bức thư của liệt sỹ Đỗ Văn Thịnh gửi về cho gia đình, chỉ còn lại duy nhất một bức thư được giữ lại. Điều đặc biệt, đây cũng là bức thư cuối cùng mà liệt sỹ Đỗ Văn Thịnh gửi về cho gia đình trước lúc hy sinh. Thực tế là khi nhận được bức thư này thì mẹ và chị gái ông Thịnh cùng mở ra xem. Vừa đọc lướt qua, cụ Nguyễn Thị Loan (mẹ nhà báo Đỗ Văn Thịnh) liền bảo chị gái ông Thịnh đem đi đốt ngay. Thế nhưng, chị gái ông đã bí mật cất giữ nó rất cẩn thận, sau ngày giải phóng mới cho gia đình biết.
Bức thư cuối được liệt sỹ Đỗ Văn Thịnh viết trong một trang rưỡi giấy khổ nhỏ. Trải qua 53 năm, màu giấy của bức thư đã ngả màu vàng úa, nhiều dòng chữ trong thư không còn đọc được. Tuy nhiên, vợ chồng ông Đỗ Văn Đạt và con cháu vẫn luôn giữ gìn rất cẩn thận bức thư này bởi đây là kỷ vật duy nhất còn lại của liệt sỹ, điện báo viên Đỗ Văn Thịnh mà gia đình lưu giữ được. Dòng cuối cùng trong bức thư này nhà báo Đỗ Văn Thịnh viết: “Con trai yêu quý của mẹ và gia đình”, dưới dòng chữ này là chữ ký và đề ngày 30/9/67. Sau khi viết lá thư này khoảng 4 tháng thì nhà báo Đỗ Văn Thịnh hy sinh, vào đầu năm 1968.
Qua lời kể của bà Lê Thị Song và một số dòng chữ còn đọc được trong bức thư, có thể thấy nhà báo Đỗ Văn Thịnh là người con ngoan, hiếu thảo, luôn nhớ lời khuyên của bố mẹ và có mong muốn sớm được đoàn tụ với gia đình... Ở chiến trường, liệt sỹ Đỗ Văn Thịnh cũng rất mong ngóng tin từ gia đình. Trong bức thư, có vài nét chữ viết vội ở chiến trường không được tròn trịa nhưng đầy ắp sự nhớ thương và khát vọng hòa bình để đoàn tụ với gia đình. Qua những bức thư, gia đình biết được làm điện báo viên cũng gặp rất nhiều nguy hiểm. Liệt sỹ Đỗ Văn Thịnh từng kể trong thư, ở chiến trường có lần đang ngồi viết thư thì bom nổ ngay sau lưng, ông bị thương nặng và bất tỉnh. Lúc tỉnh dậy mới biết mình vẫn còn sống.
Ông Đỗ Văn Bá, 85 tuổi, là anh trai của điện báo viên, liệt sỹ Đỗ Văn Thịnh hiện sinh sống ở Hà Nội, luôn rất tự hào mỗi khi kể về người em trai. Ông Đỗ Văn Bá kể: Năm 1966, em trai ông được nhà nước cử đi nước ngoài học tập, để sau khi giải phóng về phục vụ công cuộc xây dựng đất nước. Nhưng em trai ông lại viết đơn tình nguyện nhập ngũ vào chiến trường miền Nam. Đơn phải có người của gia đình ký xác nhận mới được đồng ý. Em trai ông lo bố không đồng ý cho nhập ngũ nên ra sức thuyết phục ông Đỗ Văn Bá ký xác nhận. Và ông Đỗ Văn Bá đã ký tên để nhà báo Đỗ Văn Thịnh nhập ngũ, làm điện báo viên cho Thông tấn xã Giải phóng vào năm 1966. Ngày lên đường nhận nhiệm vụ ở Thông tấn xã Giải phóng, Thịnh rất phấn khởi, hăng hái...
Điện báo viên Đỗ Văn Thịnh hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ ở huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế, khoảng đầu năm 1968, khi ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời với nhiều hoài bão và dự định cho tương lai. Thời điểm này, Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968 đang ở giai đoạn ác liệt nhất. Ông Đỗ Văn Thịnh đã được đưa về an nghỉ tại nghĩa trang quê nhà ở làng An Mô, xã Triệu Long...
Năm 1995, điện báo viên, liệt sỹ Đỗ Văn Thịnh đã được Hội Nhà báo Việt Nam truy tặng Huy hương “Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam”; Thông tấn xã Việt Nam truy tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Thông tấn”.