Trong hơn 15 năm lịch sử oanh liệt và vẻ vang của mình, Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) đã hoàn thành “sứ mệnh” duy trì mạch thông tin thông suốt, kịp thời về cuộc đấu tranh chính nghĩa của quân và dân miền Nam vì hòa bình, thống nhất nước nhà. Nhiều phóng viên, biên tập viên, điện báo viên... của TTXGP đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ giữa chiến trường, tất cả đều vì một mong muốn dòng thông tin luôn chảy mãi.
Với khẩu hiệu “Làn sóng điện không bao giờ tắt” trong bất cứ tình huống nào dù chống càn hay trên đường di chuyển căn cứ phải mang vác nặng nề, cán bộ TTXGP luôn giữ đúng các phiên làm việc để bảo đảm mạch máu thông tin liên lạc thông suốt. Cùng với việc tổ chức bộ máy hoạt động ngày đêm tại căn cứ, TTXGP lúc nào cũng có lực lượng phóng viên tin, ảnh và điện đài sẵn sàng lên đường đi các mặt trận, các chiến dịch đánh lớn của Quân giải phóng. Cán bộ TTXGP cũng tay viết, tay súng, tay máy như các chiến sĩ cách mạng, kịp thời điện tin về “Tổng xã” để nhanh chóng phát đi, cổ vũ quân dân ta hăng hái chiến đấu.
Nhà báo Thanh Bền, nguyên phóng viên TTXGP kể lại: Trong thời chiến, phóng viên cũng như tất cả cán bộ công nhân viên, nam nữ, kể cả lãnh đạo đều phải tham gia các công việc của bộ đội như: Đào hầm trú ẩn, đào giao thông hào để chiến đấu, cất nhà để ở, đào giếng để có nước ăn uống, đi tải gạo (có khi tải lúa về phải đóng cối xay xát), tải giấy cho nhà in, làm rẫy để có rau xanh, tiếp phẩm thức ăn… Tất cả công việc lao động nặng nhọc đều phải làm thủ công, trông cậy vào đôi vai và đôi chân “vạn dặm” của phóng viên chiến trường. Sau thời gian ổn định nơi ở, phóng viên chiến trường cùng các anh chị bộ đội tham gia tăng gia sản xuất... Khi cần thiết, nguy cấp, phóng viên chiến trường cũng sẵn sàng gác bút, máy điện đài để chuyển sang cầm súng chống lại quân thù.
Trong suốt 15 năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt (1960-1975), TTXGP đã phải thay đổi căn cứ hàng chục lần. Khi ở chiến khu Tây Ninh, khi dời sang Mã Đà (chiến khu Đ, Đồng Nai) rồi quay lại Tây Ninh, có lúc ở giáp biên giới Campuchia, hoặc tạm lánh sang đất bạn Campuchia khi Mỹ mở rộng chiến tranh Đông Dương (1971) rồi lại trở về chiến khu Lò Gò (Tây Ninh) sau Hiệp định Paris (1973). Khi địch càn vào căn cứ, cán bộ, phóng viên, nhân viên TTXGP cầm súng chiến đấu bảo vệ căn cứ và phương tiện làm việc, đồng thời bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt với Hà Nội và các địa phương. Có thể nói, ở đâu có trận đánh là ở đó phóng viên TTXGP có mặt.
Từ đầu năm 1961, Ban An toàn khu quyết định các cơ quan Trung ương tạm di chuyển về căn cứ Mã Đà thuộc chiến khu Đ của miền Đông Nam Bộ. Tại đây, ngày 10/10/1961, Trung ương Cục miền Nam được thành lập thay thế Xứ ủy Nam Bộ. Từ đó, Ban Tuyên giáo Xứ ủy được đổi thành Ban Tuyên huấn Trung ương Cục và cũng từ đó Trung ương Cục có mật danh “R”.
Từ giữa tháng 12/1961 đến tháng 1/1962, các cơ quan R được lệnh quay trở về vùng Bắc Tây Ninh. Riêng Ban Tuyên huấn R và Ban An ninh R được bố trí đóng tại vùng phía Tây quốc lộ 22, tại vùng Suối Cây, bên cạnh trảng Tà Nốt, cách biên giới Campuchia khoảng 3 km theo đường chim bay.
Trong hai cuộc di chuyển dài ngày từ chiến khu Tây Ninh về chiến khu Đ và trở lại Tây Ninh, trên đường hành quân, khi đến giờ phát tin, các kỹ thuật viên thường phải dừng lại đặt máy thu phát, phát xong bản tin ra Hà Nội lại thu dọn, tiếp tục hành quân. Năm 1962, TTXGP đóng quân tại bìa trảng Cố Vấn, gần biên giới Campuchia.
Từ giữa 1962, Ban Tuyên huấn bắt đầu phân chia các đơn vị chuyên môn thành 11 tiểu ban, trong đó có tiểu ban TTXGP (B7), Đài phát thanh giải phóng (B5), Văn công văn nghệ (B2)… Tiểu ban TTXGP chia làm 2 bộ phận: biên tập (B7) và kỹ thuật (B8), sau mới phát triển thành B7/1, B7/2, B7/3 và B8/1, B8/2. Các đơn vị chuyên môn (các B) ở sát nhau, hằng tuần toàn thể Ban Tuyên huấn đều tập hợp sinh hoạt văn nghệ và học tập thời sự, chính trị, tại Hội trường Ấp Bắc. Sau khi đồng chí Tân Đức được cấp trên điều lên phụ trách Thường trực Ban Tuyên huấn, đồng chí Bùi Thanh Tụng được giao nhiệm vụ Quyền Giám đốc cho đến tháng 5/1965, khi ông nhận nhiệm vụ làm Phó Ban Tuyên huấn T4.
Trong thời gian này, ở các khu đều đã xây dựng được Phân xã TTXGP, hằng ngày cung cấp tin về cho “Tổng xã” ở căn cứ Tây Ninh. Phong trào đấu tranh của quần chúng phá ấp chiến lược và hoạt động vũ trang đang lên mạnh nên tin tức các địa phương cung cấp về rất dồi dào. Lực lượng báo vụ vừa nhận tin các phân xã gửi về và chuyển tin ra Hà Nội, đồng thời nhận tin tham khảo và các loại tin khác của Hà Nội chuyển vào để cung cấp cho lãnh đạo.
Ngoài nguồn tin của các phân xã còn có thông báo của Ban Quân sự và của lãnh đạo Trung ương Cục và các đoàn thể quần chúng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam cung cấp. Đây là các tin tức mật, TTXGP phải biên tập lại cho phù hợp để đưa ra công khai. Ngoài việc biên tập tin để cho Đài Phát thanh Giải phóng phát hàng ngày, TTXGP còn được phân công dự thảo các bức điện chào mừng các tổ chức quốc tế hoặc Chính phủ có quan hệ với Mặt trận…
Từ cuối năm 1963, do yêu cầu của thông tin thời chiến, Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) cũng thành lập Phòng Tin miền Nam để biên soạn bản tin nhanh hàng ngày, phát hành ba buổi/ngày cung cấp cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, các cơ quan nghiên cứu. Ngày 30/11/1963, khi quân đội Sài Gòn, với sự ủng hộ của Mỹ làm đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, Phòng Tin miền Nam đã biên soạn bản Tin nhanh phục vụ Trung ương. Cùng các bản tin khác, bản Tin nhanh đã góp phần cung cấp một lượng thông tin hữu ích cho các đồng chí lãnh đạo.
Tin bài, ảnh về chiến thắng của các đơn vị chủ lực đánh địch chống càn và các chiến trường trọng điểm được các tổ phóng viên và các điện báo viên của cơ quan cử đi gửi về được chuyển ngay về Hà Nội. Trong những trận đánh lớn, ngay khi tiếng súng vừa dứt, bộ đội còn trên đường hành quân chưa về tới căn cứ, tin của TTXGP đã kịp được phát đi, Đài phát thanh Giải phóng đã loan tin chiến thắng, làm nức lòng quân dân cả nước.
Ngoài tin tức, TTXGP cũng đã chuyển phát nhanh ra Hà Nội những bài viết quan trọng của đồng chí Trường Sơn (bí danh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh), các bài bình luận thời sự của nhà báo Thép Mới, tác phẩm "Sống như Anh" nói về gương anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi của nhà báo - nhà văn Trần Đình Vân, để kịp thời động viên tinh thần chiến đấu của toàn dân tộc…
Trong giai đoạn 1960-1965, TTXGP liên tiếp được bổ sung nhân sự từ các địa phương, nhất là từ Đồng bằng sông Cửu Long và từ hậu phương lớn miền Bắc. Các phương tiện kỹ thuật cũng dần dần được đưa từ miền Bắc vào.
Năm 1965, đồng chí Võ Nhân Lý (Vũ Linh, Bảy Lý), Phó Tổng Biên tập VNTTX đã được điều động vào Nam và được cử làm Giám đốc TTXGP. Đến năm 1966, VNTTX tiếp tục chi viện cho TTXGP đội ngũ phóng viên có trình độ đại học, kịp thời bổ sung cho các ban biên tập và các phân xã địa phương và có lực lượng dự phòng đi các chiến trường khi cần thiết. Sau đó, các bộ phận biên tập tin Thế giới, Trong nước, Đối ngoại được thành lập.
Từ sau khi được tăng cường nhân lực và trang thiết bị kỹ thuật, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Võ Nhân Lý, TTXGP đã trưởng thành nhanh chóng. Những cán bộ tại chỗ được trang bị chuyên môn và kiến thức cơ bản, hình thức tổ chức của một cơ quan thông tấn chính quy từng bước được hình thành và hoạt động có hiệu quả. Cơ quan xây dựng hoàn chỉnh các đơn vị tin và ảnh, có phòng phóng viên tin ảnh, biên tập tin đối nội (gồm tổ tin quân sự, chính trị, đô thị), đối ngoại, thế giới, quản lý các phân xã, phòng kỹ thuật thu và phát tin qua hệ thống morse, in, phát hành các loại bản tin phổ biến, tham khảo, tham khảo đặc biệt.
Nhà báo lão thành Vũ Tiến Cường, nguyên phóng viên TTXGP, nay đã hơn 80 tuổi sống ở tỉnh Bến Tre, chia sẻ: Sinh hoạt giao ban nghiệp vụ được tổ chức hằng ngày dưới sự chủ trì của đồng chí Võ Nhân Lý, mọi người được cập nhật thông tin trong và ngoài nước, đồng thời được bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ. Cùng với công tác xuất bản tin tham khảo phục vụ lãnh đạo Trung ương Cục, TTXGP thường xuyên cử các tổ phóng viên tin, ảnh và báo vụ đi đến các mặt trận, kịp thời phản ánh tin tức thời sự tại các chiến trường. Cơ quan TTXGP cũng thành lập một đội du kích được trang bị cả súng chống tăng và súng cối 82 mm để bảo vệ căn cứ.
Trong năm 1965, TTXGP rời căn cứ Suối Cây và tạm trú tại căn cứ Cây-Dầu-Trời-Đánh, sát bờ sông Vàm Cỏ Đông. Đồng chí Võ Nhân Lý quyết định tìm căn cứ mới sát biên giới cạnh phum Thóc Trách của Campuchia. Một năm sau đó, TTXGP đảm trách luôn việc liên lạc phát tin bài của Đài Phát thanh Giải phóng ra Hà Nội để phát bằng máy công suất cao ra cả nước và thế giới. Ngoài ra, TTXGP còn mở thêm một hệ liên lạc mật mã giữa Ban Tuyên huấn và Thường vụ Trung ương Cục.
Tháng 6/1967, Thường vụ Trung ương Cục yêu cầu vừa đẩy mạnh tiến công địch trong mùa mưa, vừa tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền vận động quần chúng làm cho nhân dân miền Nam nhận rõ thắng lợi to lớn của ta, thế thất bại, suy yếu của địch, kiên quyết thực hiện ba mũi giáp công, đập tan thế hai gọng kìm của địch. Đặc biệt, Trung ương Cục yêu cầu TTXGP và các cơ quan thông tin cần hoạt động mạnh mẽ hơn nữa, đổi mới và cải tiến phương thức hoạt động để thực sự trở thành nhân tố thúc đẩy kháng chiến, đánh bại các kế hoạch và biện pháp chiến tranh tâm lý của địch, phát động quần chúng thừa thắng xông lên quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ và tay sai, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân.
"Những nhà báo - chiến sĩ TTXGP đã không quản ngại hy sinh, kịp thời phản ánh những thông tin “nóng hổi” từ chiến trường trong tiếng đạn pháo gầm thét của quân thù. Điều đáng nói là, những thông tin này được các phóng viên ngồi viết ngay dưới hầm công sự để chuyển về cho Tổng xã TTXGP", nhà báo Vũ Tiến Cường bồi hồi nhớ lại.
Tháng 11/1968, thực hiện chỉ đạo của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, TTXGP thành lập Tổ điểm báo Sài Gòn, trú đóng tại rừng chồi Bố Bà Tây, huyện Bến Cầu (Tây Ninh), điểm tin đấu tranh của công nhân lao động và sinh viên học sinh trong đô thị, chuyển nhanh trong ngày về TTXGP bằng điện đài (morse) để biên tập thành tin phát ra cả nước và thế giới.
Tháng 6/1969, khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập, TTXGP là cơ quan đầu tiên phát tin tức về sự kiện lịch sử này cùng với các văn kiện của Chính phủ, làm nức lòng nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Sau đó, tất cả sự kiện lớn khác, TTXGP là người phát ngôn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Với lực lượng phóng viên, biên tập viên và điện báo viên được tăng cường, TTXGP đã phát triển mạnh mẽ. Cùng với bộ phận “Tổng xã” ở chiến khu Tây Ninh (R), TTXGP còn có hệ thống Thông tấn báo chí thuộc Ban Tuyên huấn Đảng ở khắp các khu, tỉnh miền Nam, từ đất mũi Cà Mau ra tận Quảng Trị và Cục Chính trị quân giải phóng miền.
Đồng thời, TTXGP thường xuyên tổ chức lực lượng phóng viên tin, ảnh, điện đài đi tiền phương theo các mũi tiến công của bộ đội trên các mặt trận và các chiến trường trọng điểm. Phân xã TTX Sài Gòn - Gia Định, Đài Minh ngữ hàng ngày phát tin chiến trường Sài Gòn - Gia Định cho TTXGP và nhận tin của VNTTX, TTXGP để phát đi các nơi. Phân xã TTX Sài Gòn - Gia Định còn điểm tin báo chí Sài Gòn công khai hàng ngày cho Trung ương hàng tuần phát cho TTXGP toàn bộ nội dung báo Cờ giải phóng của đô thị.
Nhà báo Thanh Bền, nguyên phóng viên TTXGP, cho biết, tất cả phóng viên chiến trường luôn xác định đi chiến trường là công tác độc lập, không có lãnh đạo chỉ dẫn, không có đồng đội giúp đỡ kịp thời như ở cơ quan, ở hậu phương nhưng luôn ghi nhớ phải có tin, bài chuyển về Tổng xã nhanh nhất.
"Chính vì thế, tôi luôn tâm niệm rằng tin, bài nơi chiến trường gửi về hậu phương quan trọng hơn cả mạng sống của chính mình", nhà báo Thanh Bền chia sẻ.
Tại chiến trường Khu V vô cùng gian khổ ác liệt, dưới mưa bom bão đạn của những trận rải thảm B52, các phóng viên, kỹ thuật viên TTXGP Trung Trung Bộ luôn kiên cường bám trụ để chụp ảnh, viết tin ghi lại những hình ảnh, sự kiện nóng hổi ở chiến trường, góp phần cổ vũ, động viên kịp thời quân dân Quảng Nam - Đà Nẵng và các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên anh dũng chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Những dòng tin, bức ảnh sống động được truyền về “Tổng xã” đã phản ánh trung thực nhất về sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh, những gian khổ, hy sinh và tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân dân ta trên chiến trường Khu V, đó chính là những bằng chứng sống tố cáo với toàn thế giới về tội ác tàn bạo của Mỹ - Ngụy gây ra đối với đồng bào ta.
Nhiều trận đánh thắng địch vang dội có sự tham gia của các nhà báo - chiến sỹ TTXGP khu V đã được ghi vào sổ vàng lịch sử như ngày 20/4/1968, bắn cháy máy bay trinh sát L19 tại cầu Chìm, Trà My; ngày 15/9/1968, bắn diệt 14 tên lính Mỹ xâm lược tại dốc Bình Minh; ngày 10/12/1968, bắn diệt 2 tên lính Mỹ xâm lược ở đồi Dốc Nón; ngày 10/4/1969, bắn diệt 17 tên lính Mỹ xâm lược ở Thôn 4, Trà My… Qua những đợt tham gia chiến dịch, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã khen ngợi TTXGP đưa tin “kịp thời, chính xác, góp phần vào chiến thắng”. Đồng chí còn trực tiếp chỉ đạo đưa tin, bài và duyệt tin, bài của phóng viên.
Cuối chiến dịch, TTXGP tăng cường thêm các phóng viên để viết các gương điển hình tiên tiến. Tại mặt trận Thừa Thiên - Huế, phóng viên Nguyễn Đình Báu đã bắt được tên chỉ huy Mỹ trốn chạy. Trong khi làm nhiệm vụ và tham gia chiến đấu, một số phóng viên đã hy sinh anh dũng, đó là các phóng viên Thẩm Đức Hòa, Nguyễn Đình Báu (hy sinh tại mặt trận Thừa Thiên - Huế), Lương Nghĩa Dũng (hy sinh tại Quảng Trị năm 1972 trong khi cùng chiến sỹ xe tăng truy kích địch).
Trong chiến dịch Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 lịch sử, phóng viên TTXGP có mặt suốt từ Quảng Trị đến mũi Cà Mau. Đồng chí Võ Nhân Lý dẫn đầu hơn 10 phóng viên theo các cánh quân tiến về Sài Gòn. Chiến dịch kéo dài nhiều đợt với sự tham gia lớn nhất của lực lượng thông tấn, đây cũng là thời kỳ mất mát về người lớn nhất của cơ quan trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bám sát chiến trường, các phóng viên TTXGP đã thông tin kịp thời các chiến thắng vang dội của quân và dân miền Nam trong cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân (1968), chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Thông tin của TTXGP đã nhân lên gấp bội hiệu quả của chiến công, góp phần động viên, cổ vũ toàn quân, toàn dân đập tan mọi âm mưu của kẻ thù, quyết chiến quyết thắng quân xâm lược Mỹ và tay sai.
Trong Chiến dịch Chenla 1 (tháng 8/1970), Chenla 2 (tháng 8/1971), Mỹ và quân đội chính quyền Sài Gòn huy động hàng vạn quân cùng với quân đội của Lon Nol - lực lượng thân Mỹ ở Campuchia, tìm cách bao vây tiêu diệt các cơ quan Trung ương Cục miền Nam, trong đó có TTXGP. Lực lượng tự vệ của TTXGP do Giám đốc Vũ Linh chỉ huy vừa bao vây, vừa gọi đầu hàng toàn bộ một tiểu đoàn lính Lon Nol chốt chặn tại Đầm Be (phía Bắc quốc lộ 7), vừa bảo vệ được căn cứ của TTXGP, vừa tạo điều kiện cho các đơn vị khác triển khai xây dựng căn cứ mới.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, TTXGP có trên 240 phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, điện báo viên... hy sinh trong khi làm nhiệm vụ thông tin hoặc trực tiếp chiến đấu, tương đương 50% tổng biên chế của TTXGP vào thời điểm cuối năm 1974. TTXGP là cơ quan báo chí có số lượng nhà báo hy sinh lớn nhất trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Đó thực sự là tổn thất vô cùng lớn, nhưng cũng là niềm tự hào của TTXGP nói riêng, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) nói chung. Nhiều cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên TTXGP đã vĩnh viễn nằm lại trên những cánh rừng, hài cốt của một số anh, chị đến nay vẫn chưa tìm thấy. Hàng chục người khác đã để lại một phần xương máu của mình trên các chiến trường.
Những phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, điện báo viên của TTXGP đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ với những tình huống khác nhau: Ở trận địa chiến đấu của bộ đội, trong các trận chống càn bảo vệ căn cứ… Điển hình như đồng chí Trần Ngọc Đặng tham gia chống càn Junction City tháng 3/1967, đã bắn hỏng xe tăng Mỹ và anh dũng hy sinh, được tuyên dương danh hiệu “Dũng sĩ diệt cơ giới”; đồng chí Trần Văn Minh (chiến đấu cùng đồng chí Đặng) bị thương nặng, bị Mỹ bắt và cưa chân, sau Hiệp định Paris được Mỹ trao trả tù binh. Đồng chí Trương Thị Mai, phóng viên TTXGP ở Trung Nam Bộ bị địch bắt tra tấn dã man nhưng vẫn không một lời khai báo, chấp nhận hy sinh để bảo toàn căn cứ.
Nhiều phóng viên của TTXGP đã hy sinh trong quá trình tác nghiệp, thu thập tin tức ở cơ sở như Nguyễn Thành Công, phóng viên phân xã Kiến Tường (nay là Long An) hy sinh khi về ấp chiến lược Nhơn Hòa Lập nắm tình hình diệt ác, phá kìm năm 1973; phóng viên Bùi Văn Thưởng (bút danh Võ Phát Thưởng) của phân xã Mỹ Tho (nay là Tiền Giang), hy sinh lúc nắm tình hình chiến sự tại xã Mỹ Đức Tây (Cái Bè), bị lính ngụy đánh điểm năm 1969; đồng chí Bùi Văn Tấn, điện báo viên phân xã Mỹ Tho, hy sinh tại xã Tân Phú, nơi xảy ra trận Ấp Bắc 1963.
Sự hy sinh, tổn thất lớn và đau lòng nhất là một số trường hợp hy sinh tập thể, cả một phân xã bị xóa sổ nhiều lần nhưng các phân xã khác của TTXGP vẫn quyết tâm bám trụ đến cùng để hoàn thành nhiệm vụ. Điển hình, Phân xã Kiến Tường, 3 lần bị địch hủy diệt, hàng chục đồng chí hy sinh vào năm 1968; Phân xã Rạch Giá, 5 lần bị địch càn tiêu diệt tập thể, 16 đồng chí đã hy sinh; Phân xã Nam Tây Nguyên (bí danh T10) có 5 đồng chí đều hy sinh vào năm 1969.
Đợt Tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968 vào Sài Gòn cùng với lực lượng Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, đoàn TTXGP được chia theo 3 mũi tiến quân, gồm các phóng viên tin, ảnh và 3 tổ điện đài đã thực hiện những tin, bài, ảnh có giá trị lịch sử, động viên quân dân cả nước. Suốt đợt Tổng tiến công đã có 14 phóng viên tin, ảnh và điện báo viên của TTXGP anh dũng hy sinh. Trong đó, vào ngày 12/1/1968, các đồng chí Phạm Văn Đệ (trưởng đài), Nguyễn Hữu Nhường, điện báo viên của Tổng xã và một điện báo viên của địa phương khi đang làm việc trong hầm trú ẩn ở khu vực ngoại ô Sài Gòn bị một trái bom do máy bay địch ném trúng hầm, cả 3 đồng chí đều hy sinh cùng với máy móc và vũ khí.
Ngoài ra, nhiều đồng chí lãnh đạo, phóng viên của TTXGP đã hy sinh ngay trên đường đi công tác. Một trong những mất mát lớn đó là vào ngày 21/9/1967, đồng chí Bùi Đình Túy (bút danh Đinh Thúy), Phó Giám đốc TTXGP và đồng chí Nguyễn Đình Cước, phóng viên, cùng hy sinh tại Trảng Dầu (Bình Long) do bị địch ném bom sau khi dự Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua trên đường về, mang theo nhiều hình ảnh, tin, bài để tuyên truyền phát huy kết quả Đại hội. Đồng chí Nguyễn Đức Hoằng, Trưởng Phân xã Lộc Ninh - “thủ đô” của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, là một trong những điểm địch trao trả tù binh cho ta nhiều lần nhưng địch vẫn ngoan cố ném bom tiêu diệt nơi này - đã hy sinh trong trong một đợt ném bom của địch…
Đáng nói, trong sự mất mát, hy sinh ấy còn có nhiều gia đình, hai cha con đều là phóng viên ảnh như gia đình ông Trần Bỉnh Khuôl (tức Hai Nhiếp - bố) và Trần Hoài Dũng (con); hai anh em Bùi Văn Thưởng (người có mặt tại trận Ấp Bắc) và Bùi Văn Tấn cùng hy sinh cho sự nghiệp thông tấn. Ở Quảng Đà, trong một lần địch ném bom vào Hòn Tàu, hai cán bộ của TTXGP cùng các cán bộ địa phương đã bị vùi lấp trong một hang đá, mãi những năm gần đây mới tìm được hài cốt. Có phân xã ở Nam Bộ hy sinh tới 21 người nhưng mới xác minh được danh tính 7 người, số còn lại cho tới nay vẫn chưa tìm được hài cốt.
Với những hy sinh như vậy, có thể nói những phóng viên tin, phóng viên ảnh, cán bộ kỹ thuật điện đài, phục vụ công tác thông tin của TTXGP thời chống Mỹ cứu nước thật sự là những chiến sĩ. Để có một dòng tin chiến sự nóng bỏng, một tấm ảnh có sức cổ vũ, được truyền đi một tin nhanh nhất, đội ngũ phóng viên, kỹ thuật viên TTXGP đã phải có mặt tại những nơi nóng bỏng, tại mặt trận như những người lính và cũng hy sinh như những người lính. Họ chính là những nét son chói lọi, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của TTXGP nói riêng và VNTTX (nay là TTXVN) nói chung.
Thông tấn xã Giải phóng: Chắc tay bút, vững tay súng
Nhóm phóng viên TTXVN - Hà Phương (tổng hợp)
Ảnh, đồ họa: TTXGP, TTXVN
Video: Vnews
Trình bày: Quốc Bình
10/10/2020 05:30