Suốt chặng đường 75 năm đồng hành cùng những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tự hào là cơ quan báo chí được 3 lần đón nhận danh hiệu Anh hùng: Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2001) và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2005 và 2020). Đây chính là sự đánh giá cao của Đảng và Nhà nước đối với những đóng góp quan trọng của TTXVN trong sự nghiệp chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngược dòng lịch sử, ngày 15/9/1945, từ Đài phát sóng vô tuyến Bạch Mai, Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) đã phát đi toàn thế giới toàn văn bản Tuyên ngôn Độc lập cùng danh sách các thành viên Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thời khắc thiêng liêng ấy được in đậm trong lịch sử thông tin nước nhà và ngày 15/9 trở thành Ngày truyền thống của TTXVN.
Nhưng, ra đời chưa được bao lâu, nước Việt Nam non trẻ đã phải bước vào cuộc kháng chiến đầy gian khổ và ác liệt. Phóng viên TTXVN luôn có mặt ở đầu nguồn tin tức, luôn sống ở những thời điểm nóng của thời cuộc, phản ánh một cách chân thực và sinh động cuộc sống, chiến đấu và lao động của toàn dân tộc. Từ Nam Bộ kháng chiến cho đến các chiến dịch Việt Bắc, Biên giới, Hòa Bình, Tây Bắc, Hà Nam Ninh, Bình Trị Thiên, các chiến trường Lào, Campuchia, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử…, không một hướng tiến công, địa bàn chiến đấu nào thiếu vắng người chiến sĩ ngành Thông tấn. Phóng viên tin - ảnh VNTTX cũng có mặt ở Hội nghị Geneva, trong các cuộc đàm phán quân sự Việt - Pháp ở Trung Giã để kịp thời đưa tin các sự kiện quân sự, ngoại giao.
Sau năm 1954, miền Bắc được giải phóng, đất nước tạm thời bị chia cắt, VNTTX lại bước vào giai đoạn phát triển mới: vừa thông tin về công tác cải tạo và xây dựng miền Bắc XHCN, vừa thông tin về cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ở hậu phương lớn miền Bắc, từ năm 1964, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra cả nước, phóng viên VNTTX không chỉ đi đầu trong thông tin về xây dựng hậu phương lớn XHCN, góp phần làm dấy lên một cao trào thi đua ái quốc rộng khắp, cổ vũ các phong trào: “Mỗi người làm việc bằng hai”, thanh niên “Ba sẵn sàng”, phụ nữ “Ba đảm đang”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Vì tiền tuyến lớn anh hùng”, nhân rộng các điển hình “Sóng Duyên Hải”, “Gió Đại Phong”, “Cờ Ba Nhất”, “Tiếng trống Bắc Lý”, mà còn đêm ngày bám sát công xưởng, ruộng đồng, có mặt bên các trận địa phòng không và trên mọi ngả đường chiến tranh để có những thông tin nhanh nhạy, sắc bén về cuộc chiến đấu thần thánh của dân tộc.
Ở tiền tuyến miền Nam, phóng viên Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP, được thành lập năm 1960) sát cánh cùng các lực lượng vũ trang, kịp thời đưa tin - ảnh về từng chiến thắng trên khắp chiến trường Trị Thiên, Tây Nguyên, khu V, Nam Bộ, tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 và nhiều chiến dịch khác để đi tới ngày toàn thắng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (30/4/1975). Có thể nói, bằng vũ khí tin - ảnh, phóng viên VNTTX và TTXGP đã góp phần cùng quân dân cả nước lần lượt đánh bại các chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ.
Tin tức về những chiến công vang dội trên cả hai miền Nam - Bắc không những góp phần to lớn động viên nhân dân cả nước mà còn làm nức lòng nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Không những thế, những bản tin, bức ảnh của phóng viên thông tấn là những bằng chứng hùng hồn tố cáo tội ác man rợ của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai gây ra cho nhân dân Việt Nam, làm thức tỉnh lương tri toàn nhân loại, tạo nên làn sóng phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ngay trong lòng nước Mỹ, hình thành phong trào đoàn kết với nhân dân Việt Nam trên toàn thế giới, góp phần không nhỏ vào thắng lợi của kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.
Thông tin về chiến thắng quân sự ở hai miền, về xây dựng và bảo vệ miền Bắc XHCN, về thắng lợi ngoại giao tại Hội nghị Paris và đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 sẽ mãi mãi được ghi lại trong những trang sử hào hùng của TTXVN.
Ngay sau khi đất nước thống nhất, trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và phía Tây Nam, phóng viên TTXVN đã có mặt theo các mũi tiến quân, đưa tin ảnh kịp thời. Phóng viên Thông tấn cũng luôn có mặt tại các điểm nóng, những điểm nhạy cảm về tôn giáo, dân tộc, ở vùng sâu vùng xa để nắm bắt tình hình, thông tin kịp thời, chính xác cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Sau khi thống nhất đất nước, thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Việt Nam Thông tấn xã (ra đời năm 1945) và Thông tấn xã Giải phóng, cơ quan thông tin chính thức của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam (ra đời ngày 12/10/1960), đã chính thức hợp nhất với tên gọi là Thông tấn xã Việt Nam, hòa với khí thế cách mạng chung của toàn dân tộc, bước vào giai đoạn mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Suốt chặng đường 75 năm đồng hành cùng đất nước, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng và Nhà nước, TTXVN không ngừng lớn mạnh, phát triển vượt bậc, trở thành trung tâm thông tin chiến lược tin cậy của Đảng và Nhà nước, một hãng thông tấn có uy tín trong khu vực.
TTXVN là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng thông tấn Nhà nước trong việc đăng, phát thông tin, văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước; cung cấp thông tin phục vụ yêu cầu lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước; thu thập, phổ biến thông tin bằng các loại hình báo chí và truyền thông đa phương tiện, phục vụ các cơ quan thông tin đại chúng, công chúng và các đối tượng khác trong và ngoài nước.
Là một trong 6 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện quốc gia, với trên 60 sản phẩm thông tin thuộc mọi loại hình (báo in, báo nói, báo ảnh, báo truyền hình, báo điện tử), được thực hiện bởi đội ngũ trên 1.000 phóng viên, biên tập viên trong và ngoài nước (trong tổng số trên 2.200 cán bộ, công nhân viên toàn ngành), TTXVN là cơ quan báo chí có nhiều sản phẩm và loại hình thông tin nhất cả nước. Hệ thống 63 cơ quan thường trú tại tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 30 cơ quan thường trú ở ngoài nước đóng tại các địa bàn trọng điểm trên khắp các châu lục là một ưu thế của TTXVN mà không một cơ quan báo chí nào khác ở Việt Nam có được.
Là trung tâm thông tin đối ngoại quan trọng nhất của cả nước, TTXVN có các bản tin nguồn phát ra thế giới bằng 6 thứ tiếng Việt, Anh, Trung, Pháp, Nga và Tây Ban Nha cùng các tờ báo in, báo điện tử... xuất bản bằng 9 ngoại ngữ.
TTXVN được giao nhiệm vụ xuất bản các ấn phẩm báo chí bằng ngôn ngữ của tất cả các dân tộc thiểu số có chữ viết ở Việt Nam (hiện Báo ảnh song ngữ Dân tộc & Miền núi được xuất bản bằng tiếng Việt và 12 tiếng dân tộc thiểu số).
TTXVN hiện có quan hệ hợp tác song phương và đa phương với trên 40 hãng thông tấn và tổ chức báo chí quốc tế lớn trên thế giới (như AFP, Reuters, AP, TASS, Tân Hoa xã, Kyodo, Prensa Latina...) và là Ủy viên Ban chấp hành tổ chức các hãng thông tấn Châu Á - Thái Bình Dương (OANA). Nguồn tin chính thống của TTXVN được đăng tải rộng rãi trên các kênh truyền thông của các hãng đối tác đã góp phần nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền đối ngoại của Việt Nam đến với bạn bè thế giới.
Luôn nỗ lực thực hiện tốt chức năng của một hãng thông tấn quốc gia, cung cấp kịp thời thông tin thời sự về mọi mặt của đời sống xã hội trong nước và quốc tế cho hệ thống truyền thông trong và ngoài nước với một nguồn tin chính thống được cập nhật liên tục; đồng thời trực tiếp đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng bằng các sản phẩm truyền thông đa dạng, hấp dẫn trên nền tảng công nghệ hiện đại, TTXVN giữ vững vị thế là dòng thông tin chủ lưu có vai trò định hướng thông tin, là trung tâm thông tin chiến lược tin cậy của Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.
Ngày 14/6/2001, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đức Lương đã ký Quyết định số 456/2001/QĐ-CTN "về việc phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động" cho TTXVN vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ đổi mới 1989-1999, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Trong công cuộc đổi mới, TTXVN đã kịp thời tuyên truyền sâu rộng đường lối, chủ trương, quan điểm đổi mới kinh tế đất nước, tư duy kinh tế mới, phân tích những mặt hạn chế của cơ chế cũ; cổ vũ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và những thành tựu bước đầu đạt được của công cuộc đổi mới đất nước.
Trên lĩnh vực thông tin đối nội, ngay từ đầu những năm 80, TTXVN đã mạnh dạn cải tiến một bước nội dung và hình thức thông tin cho phù hợp với tình hình mới. Kiên trì bài học phát hiện điển hình, nêu gương điển hình, học tập điển hình, nhân rộng điển hình, một mặt giới thiệu những điển hình của phương thức làm ăn mới, mặt khác phê phán mạnh mẽ những mặt tiêu cực trong xã hội.
Thông tin đối ngoại của TTXVN phản ánh kịp thời những hoạt động đối ngoại phong phú nhiều mặt của Đảng và Chính phủ; giới thiệu với bên ngoài về đường lối đối ngoại đa phương hoá, đa dạng hoá cũng như những thành tựu đổi mới. Thông tin đối ngoại không chỉ chú ý đến những thông tin chính trị ngoại giao mà còn chú ý ngày càng nhiều đến các vấn đề kinh tế, văn hoá, xã hội... hay giới thiệu về chính sách, pháp luật, đất nước, con người của Việt Nam. Số lượng và chất lượng thông tin ngày càng được nâng cao.
TTXVN còn thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, thu thập, quản lý và khai thác tốt kho lưu trữ tư liệu phim quốc gia với 1 triệu kiểu phim tư liệu có giá trị, trong đó có hàng vạn kiểu phim gốc quý giá về lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng giành độc lập và thống nhất Tổ quốc, hơn 5.000 kiểu phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh và hàng nghìn kiểu phim về cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Trong giai đoạn này, TTXVN đã nỗ lực trên mọi mặt, đổi mới thông tin, đổi mới kỹ thuật, đổi mới quản lý, đào tạo nhân lực theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả. Từ chỗ chỉ có 12 bản tin và một tờ báo tháng thì năm 2001, TTXVN có 35 ấn phẩm, trong đó có các loại hình Tin tham khảo, Tin phổ biến, các tờ báo đối nội, đối ngoại ra hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, các Tài liệu chuyên đề, các bản tin và báo điện tử bằng 5 ngữ Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Nga, Việt... với 61 phân xã trong nước, 23 phân xã ở khắp 5 châu lục. Từ tháng 9/1999, với sự ra đời của Trung tâm Nghe - nhìn Thông tấn, TTXVN đã bắt đầu phát triển hình thức thông tin bằng hình ảnh động và chuẩn bị cho những bước phát triển xa hơn về kỹ thuật ảnh mới sau này.
Ngày 17/3/2005, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đức Lương đã ký Quyết định số 205/2005/QĐ-CTN "về việc phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân" cho Việt Nam Thông tấn xã (nay là TTXVN) vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Trong hai cuộc kháng chiến đầy gian khổ và hy sinh của dân tộc, những người làm báo của TTXVN đã thực sự là những chiến sỹ trên chiến trường, chiến đấu bằng cả ngòi bút và súng đạn. Đặc biệt, trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, VNTTX ở miền Bắc đã chi viện cho chiến trường miền Nam trên 450 cán bộ chủ chốt, phóng viên, biên tập viên, nhân viên kỹ thuật, chưa kể hàng trăm lượt cán bộ, phóng viên, biên tập viên và nhân viên kỹ thuật từ miền Bắc theo các mũi tiến quân, tham gia các chiến dịch ở khắp các chiến trường miền Nam, Lào, Campuchia. Không một chiến trường, không một hướng tiến công, không một địa bàn chiến đấu nào vắng mặt phóng viên của TTXVN.
Cán bộ, phóng viên TTXVN đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hy sinh để phát tin, ảnh nhanh chóng, kịp thời, chính xác về cuộc chiến đấu của quân và dân ta ở miền Nam, cổ vũ mạnh mẽ những gương chiến đấu hy sinh, góp phần tạo ra phong trào thi đua sôi nổi ở cả tiền tuyến và hậu phương quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thông tin của TTXVN còn là nguồn tin hết sức quan trọng, giúp Trung ương phân tích, nhận định tình hình để đi đến quyết định có tính chiến lược, chỉ đạo kịp thời hoạt động trên chiến trường.
Trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước, có gần 260 phóng viên, biên tập viên và nhân viên kỹ thuật đã anh dũng hy sinh trên khắp các chiến trường từ Việt Bắc tới Cà Mau và làm nhiệm vụ quốc tế, chiếm hơn 25% số cán bộ nhân viên TTXVN trong thời kỳ chiến tranh, chiếm bốn phần năm số nhà báo cả nước hy sinh. Ðó là sự hy sinh, là sự đóng góp to lớn của TTXVN cho sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Ngày 1/9/2020, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã ký Quyết định 1521/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho 15 tập thể vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) có tên trong danh sách này.
TTXGP là cơ quan phát ngôn và thông tấn chính thức của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, có nhiệm vụ phổ biến tin tức và kinh nghiệm đấu tranh phong phú của đồng bào ở khắp nơi, phản ánh uy thế ngày càng lớn của phong trào cách mạng và sự suy sụp của tập đoàn thống trị miền Nam. Ngoài ra, Giải phóng xã cũng cung cấp tài liệu về tình hình địch và ta để vạch trần âm mưu, ý đồ của địch cũng như để làm sáng tỏ đường lối, chính sách của cách mạng.
Trong hơn 15 năm ra đời và phát triển dưới bom đạn kẻ thù (1960-1975), TTXGP luôn duy trì “mạch máu” thông tin và có mặt ở hầu hết các mặt trận, điểm nóng trên chiến trường miền Nam. Đặc biệt, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, TTXGP tung ra hai cánh quân lớn cùng với phóng viên VNTTX xã bám sát các đơn vị chủ lực, thông tin nhanh về các trận đánh, về tình hình chiến trường, về các bước tiến quân như vũ bão của bộ đội, tiếp quản các vùng giải phóng… Nhờ vậy, phóng viên Thông tấn xã đã kịp thời ghi lại thời khắc lịch sử của dân tộc.
TTXGP còn là đơn vị chủ lực thông tin về hai phái đoàn của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đấu tranh ngoại giao với phái đoàn của Mỹ và của ngụy quyền Sài Gòn tại Hội nghị Paris về Việt Nam. Hằng ngày, các phái đoàn đàm phán của ta đều nhận được bản tin của TTXGP, phục vụ đắc lực công việc đàm phán, đồng thời tạo dư luận đồng tình trong nước và quốc tế. Cùng với cuộc đấu tranh của nhân dân ta trên mặt trận quân sự, cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao cũng đã góp phần làm nên sức mạnh tổng hợp, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn mùa Xuân 1975.
Với việc thực hiện xuất sắc nhiệm vụ thông tin và trực tiếp tham gia chiến đấu với những chiến công và sự hy sinh to lớn, TTXGP đã góp phần tích cực vào trang sử oanh liệt của quân và dân miền Nam anh dũng, bất khuất, tô thắm thêm lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Một mùa thu nữa lại về! Niềm vui, niềm tự hào của những người làm báo TTXVN càng tăng lên gấp bội khi danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mà Thông tấn xã Giải phóng được phong tặng lần này đúng vào dịp TTXVN kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống vẻ vang. Và đây là lần thứ 3, hãng Thông tấn quốc gia được đón nhận danh hiệu Anh hùng.
Ký ức phóng viên chiến trường TTXVN:
Bài: Phước Sang - Minh Duyên
Ảnh: TTXVN, TTXGP; Video: Vnews
Trình bày: Quốc Bình
07/09/2020 07:00