Dù mất đi 81% sức khoẻ do vết thương chiến tranh, nhưng cựu chiến binh Tạ Quang Lộc (TP Vinh, Nghệ An) chưa bao giờ có ý định dừng việc sưu tập ảnh, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hơn 1.000 bức ảnh sưu tầm trong suốt 30 năm qua, mỗi bức ảnh là một câu chuyện cảm động về Bác kính yêu, tất cả được ông nâng niu, gìn giữ rất cẩn thận.
____________________________________
Khi chúng tôi đến thăm, ông Tạ Quang Lộc đang cẩn thận dán lại những bức ảnh trên tấm pa nô lớn để chuẩn bị kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020). Ông cho biết: “Tôi đã tổ chức được 6 pano với hơn 800 ảnh. Còn mấy trăm ảnh nữa, tôi sẽ cố gắng để đưa lên panô, ép plastic và trưng bày tiếp về đời hoạt động cách mạng của Bác, để các tầng lớp nhân dân tìm hiểu”.
Ông Lộc cho biết, từ năm lên 14 tuổi, ông đã bày tỏ lòng kính yêu đến Chủ tịch Hồ Chí Minh qua hàng trăm bài thơ viết về Bác.
Ông Tạ Quang Lộc sinh năm 1942 (quê xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu, Nghệ An), năm 1968 ông viết đơn xin nhập ngũ. Sau thời gian được huấn luyện, ông được điều động vào chiến đấu tại chiến trường B3, B4, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, đường 9 Nam Lào. Trong suốt 5 năm chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, mỗi lúc rảnh rỗi, ông dành thời gian ghi chép cẩn thận những lời căn dặn của Bác Hồ để ngày ngày học tập, làm theo và truyền đạt cho đồng đội.
Năm 1972 tại đường Nam Lào, trong một trận đánh ác liệt với giặc Mỹ, ông Tạ Quang Lộc bị thương nặng, rồi được chuyển ra Bắc, sau đó vào điều trị tại Bệnh viện Quân y 4 với tỷ lệ mất sức 81%. Sau 2 năm điều trị, năm 1974, ông Tạ Quang Lộc trở về quê hương, lập gia đình, làm ăn kinh tế tại địa phương. Năm 1982, gia đình ông chuyển về phường Hưng Dũng, thành phố Vinh và sinh sống bằng nghề vẽ truyền thần.
Ông Tạ Quang Lộc giới thiệu “Thư viện ảnh” về Chủ tịch Hồ Chí Minh:
Hành trình đi sưu tầm những bức ảnh và sách tư liệu về Bác Hồ được ông Tạ Quang Lộc thực hiện từ năm 1990. Ngày đó, một người đồng đội cũ qua chơi, nhớ lại thời gian trong quân ngũ ông vẫn thường sưu tầm, ghi chép các câu chuyện về Bác Hồ, nên đã tặng ông 2 tấm ảnh Bác Hồ thăm hỏi và trò chuyện với các em thiếu nhi. Ông Lộc này ra ý tưởng sưu tầm thật nhiều tấm ảnh về Bác Hồ để mở một phòng triển lãm ảnh riêng về Bác. "Việc làm này được xuất phát từ mục đích đơn giản là nhằm góp phần giúp mọi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ có thể hiểu sâu hơn về quá trình hoạt động cách mạng của Bác, về nhân cách, đạo đức Hồ Chí Minh"- ông Tạ Quang Lộc tâm sự.
Với tâm nguyện đó, suốt 30 năm qua, hơn 1.000 bức ảnh về vị Cha già dân tộc đã được ông Tạ Quang Lộc dày công sưu tầm và bảo quản cẩn thận. “Khi trái gió trở trời, những mảnh đạn trong đầu lại hành hạ tôi, mỗi năm nhập viện không dưới chục lần. Khoản tiền phụ cấp bệnh binh ít lắm, nhưng chỉ cần nghe tin ở đâu có bức ảnh quý về Bác, là tôi đến, bất kỳ xa hay gần. Lần đi xa nhất là vào Sài Gòn, lần thì ra Thủ đô Hà Nội… nguồn kinh phí để tôi thực hiện bộ sưu tầm này được chắt chiu từ chế độ bệnh binh”, ông Lộc hào hứng tâm sự.
Trong nhiều chuyến hành trình tìm ảnh quý về Bác, ông Lộc không thể nào quên kỷ niệm 3 lần bắt xe khách ra Hà Nội, ở nhà trọ, chờ cho chủ nhân bức ảnh đi công tác về rồi tìm mọi cách thuyết phục họ nhượng lại… Cảm phục ông, nhiều người đã tặng lại ông những bức ảnh quý như: Bác Hồ ở đại hội Đảng xã hội Pháp, Bác Hồ thăm một lớp học bình dân, Bác tiếp đón các vận động viên quốc tế tại Phủ Chủ tịch…
Hiểu được tâm huyết của người cựu chiến binh này, Khối Tân Hợp, phường Hưng Dũng nơi ông Tạ Quang Lộc đang sống đã cho ông mượn hội trường Nhà văn hoá để trưng bày “Thư viện” đặc biệt này. Đến thăm thư viện ảnh Bác của ông Tạ Quang Lộc, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng bởi hàng trăm tấm ảnh chụp Bác Hồ qua các thời kỳ đã được ông sưu tầm và lưu giữ.
Để người dân dễ theo dõi, ông Tạ Quang Lộc phân chia kho ảnh của mình thành các chủ đề: Bác Hồ với quê hương, Bác Hồ với quốc tế, Bác Hồ với thiếu nhi… rồi dán lên các tấm pa nô. Ngoài ra, ông còn đóng thêm các kệ sách để xếp hơn 800 cuốn sách các loại mà ông đã xin, sưu tầm được trong suốt những năm qua, giúp người dân trong vùng có điều kiện đọc, nghiên cứu, tự trang bị thêm những kiến thức phong phú về cuộc sống.
Ông tâm sự: “Trong số hơn 1.000 bức ảnh mà tôi sưu tầm suốt mấy chục năm qua, tôi ấn tượng nhất với bức ảnh Bác Hồ tham dự Đại hội V, Quốc tế Cộng sản năm 1924, phát biểu về vấn đề các nước thuộc địa; và bức ảnh Bác dặn dò cụ Huỳnh Thúc Kháng, khi đó là Quyền Chủ tịch nước: “Dĩ bất biến ứng vạn biến” - khi cụ Huỳnh Thúc Kháng tiễn Bác đi thăm Cộng hòa Pháp năm 1946.
Ông Tạ Quang Lộc tâm sự về những bức ảnh mà ông tâm đắc nhất:
Không chỉ là người say mê sưu tầm ảnh Bác, ông Tạ Quang Lộc còn luôn hăng hái tham gia công tác xã hội tại địa phương. Gần 10 năm làm Khối trưởng khối Tân Hợp, phường Hưng Dũng, ông luôn động viên người dân trong khối hăng hái tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Chính vì vậy, nhiều năm qua ông luôn được người dân khối xóm yêu quý, tín nhiệm.
Trăn trở lớn nhất của ông Lộc hiện nay là nguồn kinh phí còn hạn hẹp mà một số chuyên đề ảnh như: Bác Hồ với Quốc tế, Bác Hồ với Thiếu nhi vẫn chưa được ép và lên khung để trưng bày. Bên cạnh đó, nhiều bức ảnh chưa thể xác định rõ ngày, tháng nên gây khó khăn cho việc thuyết minh nguồn gốc, ý nghĩa của các bức ảnh.
"Từ thành công của việc xây dựng "Thư viện ảnh" về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời nhằm đáp ứng nhu cầu của đông đảo bà con, thời gian tới, tôi sẽ hoàn thiện sơ bộ và tổ chức trưng bày những bức ảnh quý của một nhân vật lịch sử cùng thời với Bác Hồ kính yêu: Đại tướng Võ Nguyên Giáp"- ông Tạ Quang Lộc chia sẻ.
Thực hiện: Trung Nguyên
Trình bày: Nguyễn Hà
19/05/2020 12:10