Nhà báo Nguyễn Đăng Chiến, nguyên phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, nay đã ngoài 70 tuổi, đón tôi tại nhà riêng trên phố Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội) với nụ cười thường trực trên môi. Mỗi câu chuyện kể của ông về những năm tháng tham gia chiến trường, thực hiện công tác phóng viên tại Thông tấn xã Giải phóng đều lấp lánh niềm tự hào.
Năm 1972, chiến trường miền Nam đang diễn ra ác liệt, thực hiện theo chỉ thị của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam Thông tấn xã đã tuyển gần 150 sinh viên ưu tú của các trường đại học tại Hà Nội để đào tạo nghiệp vụ ở địa điểm sơ tán xã Hạ Hiệp, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ (nay là ngoại thành Hà Nội). Đây là lớp phóng viên có quy mô lớn nhất, chất lượng, tăng cường cho Thông tấn xã Giải phóng ở chiến trường miền Nam, rải đều khắp từ Quảng Trị đến Cà Mau. Lớp phóng viên khóa thứ 10 của Việt Nam Thông tấn xã đào tạo phóng viên chiến trường cho Thông tấn xã Giải phóng được đặt tên là GP10.
Nhớ lại những năm tháng tuổi 20 của mình, trong mắt “người lính thông tấn” được bổ sung cho “trận đánh cuối cùng” vẫn ánh lên nét tự hào khi được tham gia chiến trường, hòa mình vào dòng chảy thông tin lịch sử của dân tộc.
“Khi ấy, tôi cùng các đồng nghiệp của mình đều mới ngoài 20 tuổi. Đang trong thời gian cuối thực hiện khóa luận tốt nghiệp Đại học thì chúng tôi được thông báo sẽ nhận công tác tại Việt Nam Thông tấn xã, tham gia lớp phóng viên chiến trường ra mặt trận. Biết rằng lên đường đi chiến trường miền Nam sẽ gian khổ, vất vả, thậm chí đối mặt với cả sự hy sinh nhưng tất cả chúng tôi đều sẵn sàng tự nguyện lên đường làm nhiệm vụ, hừng hực khí thế “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ mà lòng phơi phới dậy tương lai”- nhà báo Nguyễn Đăng Chiến tâm sự.
Ngày 16/3/1973 đánh dấu bước ngoặt không bao giờ quên của các các phóng viên GP10. Rời miền Bắc, vào chiến trường với cây bút, quyển sổ và máy ảnh, họ đón nhận vinh dự và sẵn sàng đối mặt với hy sinh, gian khổ với tâm thế rất đỗi tự hào.
Ô tô tải chở đoàn đến ga Thường Tín chờ tàu hỏa đi tiếp. Tàu chạy đến ga Nghĩa Trang (Thanh Hóa), mọi người phải đeo ba lô nặng đi bộ hơn 20 km qua cầu Hàm Rồng vào thị xã Thanh Hóa vì cầu Hàm Rồng bị bom Mỹ phá hỏng rồi lại tiếp tục lên tàu hỏa vào Vinh. Từ Vinh, đoàn tiếp tục lên các xe tải không mui tiến về phía Nam. Dọc đường đi đều phải bí mật, ngụy trang, đi đêm không được bật đèn pha.
“Sau hơn hai tháng hành quân, chúng tôi thuộc nhóm đầu tiên về đến nơi tập kết là Thông tấn xã Giải phóng đặt tại một khu rừng khộp, sát biên giới Việt Nam - Campuchia thuộc tỉnh Tây Ninh. Trong đoàn hành quân của chúng tôi có 3 người người hy sinh do bị đổ xe trên đường, đó là Liệt sĩ Phạm Thị Kim Oanh, Trần Viết Thuyên và chú Trần Văn Bang, hơn 20 người bị thương phải chuyển vào điều trị tại các trạm quân y gần đó, trong đó nhiều người bị thương nặng phải trở ra Bắc....”, nhà báo Nguyễn Đăng Chiến ngậm ngùi kể lại.
Sau này, nhóm phóng viên GP10 cũng quay trở lại nơi xe lật để tìm mộ 3 liệt sĩ nhưng không thấy, cho đến bây giờ, đây vẫn là điều mà các phóng viên lớp GP10 rất trăn trở.
Cũng là thành viên của lớp GP10, nhà báo Vương Nghĩa Đàn, nguyên phóng viên báo Le Courrier du Vietnam đến nay đã ngoài 70 tuổi. Mỗi lần nhắc đến sự hy sinh của đồng nghiệp đều vẫn rưng rưng nước mắt. Xe chở nhà báo Vương Nghĩa Đàn bị lật tại Bến Thủy, nhiều người bị thương, nhà báo Vương Nghĩa Đàn bị thương ở tay và đầu. Xe phải ở lại Vinh một tuần rồi mới tiếp tục đi. “Dọc đường đi là những cánh rừng cháy xém do chất độc màu da cam. Khi đến Attapu (Lào) nghe được thông tin 3 đồng nghiệp hi sinh, chúng tôi đến thăm mộ, nhìn 3 ngôi mộ nằm liền kề nhau trong rừng mênh mông thấy buồn thương vô cùng”, nhà báo Vương Nghĩa Đàn nhớ lại.
Cùng với nhà báo Vương Nghĩa Đàn, có 15 nữ phóng viên và kỹ thuật viên lớp GP10 vào chiến trường năm ấy. Nhà báo Vương Nghĩa Đàn kể: "Đường Trường Sơn huyền thoại thực sự là cuộc thử sức và thử thách ý chí của mỗi người. Ngày nắng như đổ lửa, đêm lại mưa như trút nước. Có hôm phải hành quân đến 2 - 3 giờ đêm mới tới trạm giao liên. Người mệt lả, mắt díu lại, chúng tôi mắc vội võng vào hai thân cây rồi lăn ra ngủ, gần sáng trời đổ mưa như trút, người nào người nấy ướt như chuột lột. Muỗi rừng to và nhiều vô kể, còn vắt thì nhảy tanh tách dưới chân, bám vào cẳng chân hút no máu rồi tự lăn xuống đất, vết cắn cứ vừa đi vừa rỉ máu, rồi rắn độc cắn, bọ cạp đốt thì gặp rất nhiều. Chưa kể những lúc lên cơn sốt rét vật vã mà chúng tôi gọi đùa là “đóng thuế rừng” phải nằm tại trạm quân y dã chiến ít ngày cho cắt cơn rồi nhập vào đoàn khác đi tiếp”.
Video chia sẻ của phóng viên lớp GP10:
Cố nhà báo Đỗ Phượng, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam đã từng chia sẻ trong cuốn sách “GP10 - Bốn mươi năm một danh hiệu” về lớp phóng viên GP10: “Hàng chục lần điều quân ra chiến trường, có hai lần tôi không bao giờ quên được: Cuộc ra quân lớn năm 1973 dẫu rằng có tai nạn ba lần đổ xe, 3 người hi sinh ngay trên đường ra trận... Cuộc ra quân thứ hai chính là mùa Xuân năm 1975. Tiếng pháo giòn giã báo tin đại thắng từ số 5 Lý Thường Kiệt thì cũng là lúc Tổng xã không còn một phóng viên, điện báo viên dự bị nào. Toàn ngành đã vào trận”.
Đánh giá về đội ngũ phóng viên GP10, cố nhà báo Đỗ Phượng chia sẻ: “Đội quân đông đảo không chỉ làm phóng viên chiến trường mà sau ngày giải phóng miền Nam, họ còn là lực lượng xung kích trên các tuyến thông tin khác nhau của Thông tấn xã, không chỉ tin, ảnh mà cả trong quản lý. Rất thương khi có một số anh chị em không còn, họ về cõi vĩnh hằng trong bệnh tật, trong đó không biết có bao nhiêu di hại của chất độc da cam, của sốt rét rừng và gian truân trong thời chiến. Đối với chúng ta, họ đều là liệt sĩ của ngành thông tấn, đâu cần một giấy tờ chứng nhận nào. Xin mãi mãi nhớ đến họ”.
Sau khi vào đến căn cứ của Thông tấn xã Giải phóng tại Tây Ninh, các phóng viên, kỹ thuật viên được cử đi các nơi, các chiến trường khác nhau.
Tại căn cứ của Thông tấn xã Giải phóng, nhà báo Nguyễn Đăng Chiến cùng 3 đồng nghiệp nữa được phân công về phòng nghiên cứu, có chức năng như Ban thư ký biên tập ngày nay.
“Mùa Xuân năm 1975, tôi được điều chuyển sang tham gia làm phóng viên để chuẩn bị đi chiến trường. Ngày 12/4/1975, giữa lúc cả nước dồn sức cho cuộc tổng công kích giải phóng miền Nam, Thông tấn xã Giải phóng quyết định lập các tổ phóng viên gồm một phóng viên tin, một phóng viên ảnh, hai điện báo viên và một cơ cồn. Ba tổ đó đều do phóng viên lớp GP10 phụ trách, tôi cũng phụ trách một tổ. Chúng tôi ra trận trong tâm thế rất phấn khích, hồ hởi khi được tham gia một chiến dịch mang ý nghĩa vô cùng to lớn với lịch sử dân tộc - Chiến dịch Hồ Chí Minh”, nhà báo Nguyễn Đăng Chiến kể lại.
Ngày 26/4, Chiến dịch giải phóng Sài Gòn mở màn. Khi ấy, nhóm của phóng viên Nguyễn Đăng Chiến đã áp sát Sài Gòn, cuộc chiến càng gần đến ngày kết thúc càng ác liệt.
“Ở mặt trận mà chúng tôi tham gia, tình hình chiến sự cũng rất căng thẳng. Tôi đã phản ánh tình hình chiến trường về tổng xã của Thông tấn xã Giải phóng. Phóng viên ảnh Đình Na trong nhóm chụp được nhiều bức ảnh có giá trị. Sáng 30/4, chúng tôi vào đến nội thành Sài Gòn, hoàn thành mục tiêu chiến dịch. Được tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh là một vinh dự của cả cuộc đời, giúp chúng tôi “lớn hơn”, nhà báo Nguyễn Đăng Chiến kể lại kỷ niệm với niềm tự hào.
Trong mỗi trận đánh lớn, ngay khi tiếng súng vừa dứt, bộ đội còn trên đường hành quân chưa về tới căn cứ, tin của Thông tấn xã Giải phóng đã kịp được phát đi, Đài phát thanh Giải phóng đã loan tin chiến thắng, làm nức lòng quân dân cả nước.
Tinh thần “Làn sóng điện không bao giờ tắt” chảy trong trái tim, mỗi cán bộ nhân viên Thông tấn xã Giải phóng cùng với anh em phóng viên Việt Nam Thông tấn xã vẫn giữ đúng các phiên làm việc để bảo đảm mạch máu thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống, dù đang chống càn hay trên đường di chuyển căn cứ.
Theo thống kê, từ năm 1959 đến năm 1975, Việt Nam Thông tấn xã đã cử vào chiến trường gần 450 người. Trong đó, chi viện cho Tổng xã Thông tấn xã Giải phóng và chiến trường Nam bộ là 236 người. Trong giai đoạn lịch sử này, Việt Nam Thông tấn xã coi việc chi viện cho miền Nam ruột thịt, cho Thông tấn xã Giải phóng là nhiệm vụ thiêng liêng.
Từ đầu năm 1971, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam Thông tấn xã đã tích cực chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật để chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng, cho chiến trường miền Nam, sẵn sàng cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước.
Để tăng cường và phối hợp với Thông tấn xã Giải phóng, Việt Nam Thông tấn xã đã lần lượt "tung" vào chiến trường miền Nam những tổ phóng viên tin, ảnh phục vụ Chiến dịch mùa Xuân 1975. Tháng 3 và tháng 4/1973, ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết, một đoàn hơn 100 phóng viên trẻ tốt nghiệp các trường Đại học Ngoại giao, Tổng hợp, Ngoại ngữ và được bồi dưỡng nghiệp vụ phóng viên tin, ảnh cùng các thiết bị, máy móc, trang bị kỹ thuật truyền thông hiện đại nhất lúc bấy giờ, chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng, chuẩn bị sẵn sàng cho chiến dịch lớn. Theo phân công của Trung ương, đồng chí Trần Thanh Xuân, Phó Tổng biên tập Việt Nam Thông tấn xã được cử vào tăng cường và làm Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng.
Với những phương tiện kỹ thuật hiện đại như máy phát điện 27 kVA, máy phát sóng 1 kW, máy thu phát teletype, telephoto… được tăng cường, cán bộ, nhân viên kỹ thuật Thông tấn xã Giải phóng nhanh chóng triển khai lực lượng, thiết lập một hệ thống thiết bị kỹ thuật mạnh, mở ra bước ngoặt mới mang tính đột phá, đáp ứng tốt nhất yêu cầu thu phát tin, ảnh thông suốt, nhanh nhạy và chính xác từ căn cứ Trung ương Cục miền Nam với Việt Nam Thông tấn xã ở Thủ đô Hà Nội, chuẩn bị sẵn sàng phục vụ cho giai đoạn cách mạng mới: Giải phóng miền Nam. Sau 3 tháng chuẩn bị, đầu tháng 9/1973, từ Trung ương Cục miền Nam ở Tây Ninh (căn cứ R), Thông tấn xã Giải phóng bắt đầu chuyển phát tin ra Thủ đô Hà Nội bằng công nghệ hiện đại mới được tăng cường.
Tiếp theo đoàn chi viện lớn trên, từ cuối năm 1973, năm 1974 và đầu năm 1975, Việt Nam Thông tấn xã tiếp tục cử thêm các đoàn kỹ thuật viên, điện báo viên vào chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng. Với sự chi viện liên tục và hiệu quả từ Việt Nam Thông tấn xã và hậu phương lớn miền Bắc, Thông tấn xã Giải phóng đã phát triển mạnh mẽ, trưởng thành nhanh chóng, trở thành một đơn vị có quy mô lớn nhất trong số các đơn vị của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục lúc bấy giờ. Vào đầu năm 1975, quân số của Thông tấn xã Giải phóng đã lên đến hơn 440 người, với đầy đủ các phòng ban tin, ảnh, văn phòng, kỹ thuật, báo vụ. Trong số này có hàng trăm cử nhân, kỹ sư, cao đẳng kỹ thuật cùng với những thiết bị truyền thông hiện đại nhất thời bấy giờ.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng trong việc đưa tin chiến thắng hàng ngày, vạch trần âm mưu, tội ác và sự ngoan cố của địch, đã góp phần cố vũ mạnh mẽ nhân dân cả nước, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Lực lượng cán bộ, phóng viên, điện báo, kỹ thuật viên Thông tấn xã Giải phóng luôn sát cánh cùng các lực lượng vũ trang, kịp thời đưa tin, ảnh về từng chiến thắng trên khắp các chiến trường. Cán bộ, phóng viên Thông tấn xã Giải phóng vừa phải cầm súng chiến đấu bảo vệ căn cứ chống địch, vừa phải viết tin, chụp ảnh, truyền tin, bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ cho Trung ương Cục, cho Mặt trận, cho Quân ủy miền và chuyển tin ra miền Bắc.
Phóng viên TTXVN trên mọi mặt trận trong suốt chiều dài chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử:
Chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cơ quan Thông tấn xã Giải phóng "tung" ra hai cánh quân lớn. Cánh thứ nhất gồm nhiều mũi, đi trước theo các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn và các tỉnh miền Nam. Nhiều tổ phóng viên, điện báo đã gấp rút được thành lập, khẩn trương bám theo các đơn vị tác chiến ra chiến trường, cùng bộ đội triển khai các mũi tiến công bao vây Sài Gòn. Khi cuộc tổng tấn công bước vào thời điểm quyết định, Tổng xã Thông tấn xã Giải phóng tiếp tục cử nhiều tổ phóng viên chiến trường tỏa đi các địa phương, nhất là các tỉnh lân cận Sài Gòn, theo đoàn Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (bí danh đoàn I4), là mũi “thọc sâu” đầu tiên từ hướng Tây Bắc tiến về Sài Gòn; tổ thông tin của Thông tấn xã Giải phóng đi theo cánh quân 232 của mặt trận Tây - Tây Nam tiến về Sài Gòn, T4 ở vùng Đồng Tháp Mười của Long An…
Cánh thứ hai, cũng là cánh chủ lực, có mật danh là Đoàn H3, do Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng Trần Thanh Xuân dẫn đầu, bao gồm các biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên, hình thành một bộ khung khá đầy đủ, theo đoàn lớn của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục chuẩn bị tiếp quản Sài Gòn. Phóng viên tin, ảnh được phiên chế thành từng tốp, được hướng dẫn, gợi ý về chủ đề, mỗi người được phát một bản đồ về đô thành Sài Gòn có đánh dấu vị trí quan trọng của địch và hướng dẫn đường đi ngắn nhất từ các hướng tới thẳng Dinh Độc Lập.
Ngày 2/4/1975, một đoàn gồm các phóng viên Văn Bảo, Lam Thanh, Phạm Vỵ, Trần Mai Hạnh, Nguyễn Hữu Chí, kỹ sư vô tuyến Phạm Lộc, điện báo viên Cao Xuân Tâm cùng ba lái xe Phí Văn Sửu, Phạm Văn Thu, Đào Trọng Vĩnh do Tổng Biên tập Đào Tùng dẫn đầu, vào chiến trường để phối hợp với Thông tấn xã Giải phóng đưa tin, ảnh về chiến thắng của quân và dân ta.
Ngày 9/4/1975, đoàn vào tới căn cứ của Thông tấn xã Giải phóng. Cuộc gặp mặt với Giám đốc Trần Thanh Xuân cùng anh em cán bộ, phóng viên, công nhân viên Thông tấn xã Giải phóng tại căn cứ vô cùng xúc động, tay bắt mặt mừng không nói nên lời. Ngày 29/4/1975, từ căn cứ “R" (tỉnh Tây Ninh), Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng Trần Thanh Xuân cũng thực hiện lệnh “thần tốc", dẫn đầu đoàn phóng viên, nhân viên kỹ thuật hành quân tiến gấp về Sài Gòn để chứng kiến và ghi lại giờ phút lịch sử: Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng, Chính quyền Sài Gòn sụp đổ.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy thần tốc của quân và dân ta, phóng viên Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng luôn sát cánh bên nhau trên từng mũi tiến quân; cùng có mặt tại các trận đánh, trong năm cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn; có mặt ở tất cả các địa phương. Có phóng viên còn cung cấp bản đồ Sài Gòn cho các chiến sĩ Sư đoàn 304, giúp Sư đoàn và Quân đoàn 2 tiến vào Sài Gòn nhanh chóng. Hành quân đến đâu, điện báo viên lại căng ăng ten, mở đài, liên lạc với Tổng xã ở Hà Nội và điện tin, bài viết vội trên đường tiến quân; sau đó lại tháo gỡ ăng ten, mang máy móc tiếp tục theo bộ đội tiến vào sào huyệt địch.
Những tin, bài, ảnh của phóng viên Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng đã được gửi nhanh ra Hà Nội và Tây Ninh, thông báo giờ phút cáo chung của chế độ Sài Gòn được Mỹ nuôi dưỡng trong 30 năm, đánh dấu thắng lợi trọn vẹn của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Trong trận đánh Dinh Độc lập, các phóng viên Tổ mũi nhọn của Việt Nam Thông tấn xã gồm các nhà báo Vũ Tạo, Đinh Quang Thành, Hứa Kiểm, Trần Mai Hưởng, Ngọc Đản, Hoàng Thiểm, lái xe Ngô Bình, điện báo viên Lê Thái bám sát Quân đoàn 2 tiến vào dinh lũy cuối cùng của Chính quyền Sài Gòn. Cùng với mũi thọc sâu của Sư đoàn 304 và Lữ đoàn xe tăng 203, Tổ mũi nhọn của Việt Nam Thông tấn xã là những người có mặt sớm nhất tại Dinh Độc lập ngay trưa 30/4/1975 và có những tư liệu đầu tiên và chân thực, mang tính lịch sử về sự kiện này.
Trong những tin, bài, ảnh đó có bài tường thuật đầu tiên về Sài Gòn giải phóng của phóng viên Trần Mai Hạnh và những hình ảnh đầu tiên của phóng viên ảnh Văn Bảo được truyền qua căn cứ Thông tấn xã Giải phóng ở Tây Ninh ra Hà Nội trong đêm 30/4/1975.
Tại Hà Nội, trưa 30/4/1975, Tổng xã nhận được tin điện báo của Tổ mũi nhọn theo Sư đoàn 304 và thông tin nghe được từ Đài Sài Gòn phát đi lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống Dương Văn Minh và kêu gọi các lực lượng quân sự còn lại của Chính quyền Sài Gòn đầu hàng, cùng với tin của các hãng Reuters (Anh), UPI (Hãng thông tấn quốc tế)… mô tả xe tăng Quân Giải phóng đã húc đổ cánh cổng Dinh Độc lập; các chiến sĩ Quân Giải phóng cắm cờ trên nóc Dinh; toàn bộ Nội các của Chính quyền Dương Văn Minh đã bị bắt sống; Quân Giải phóng đã làm chủ hoàn toàn thành phố Sài Gòn; người dân Sài Gòn đổ ra đường phố đón chào các chiến sĩ Giải phóng quân từ các mũi tiến vào thành phố.
Ngay lập tức, Ban lãnh đạo Việt Nam Thông tấn xã đã cho làm tin về chiến thắng lịch sử này và đưa lên cấp trên duyệt. Tuy nhiên, chưa đợi tin được duyệt, tràng pháo dài từ tầng trên cùng tòa nhà số 5 Lý Thường Kiệt đã nổ giòn giã (trước đó, Ban Bí thư đã quyết định Việt Nam Thông tấn xã nổ pháo là báo tin vui toàn thắng cho nhân dân). Cả tòa nhà số 5 Lý Thường Kiệt như rung chuyển bởi tiếng hò reo mừng chiến thắng. Trước vườn hoa Tao Đàn (nay là Vườn hoa Jose Marti), trên các đường phố Lý Thường Kiệt, Lê Thánh Tông, cả Nhà hát Lớn đông kín người từ các ngả đổ về trụ sở Việt Nam Thông tấn xã để xem và nghe tin quân ta đánh chiếm Sài Gòn.
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc TTXVN hồi tưởng: Mỗi khi đọc lại các trang sử TTXVN viết về ngày 30/4/1975, các nhà báo thông tấn ngày nay đều trào dâng niềm xúc động và tự hào. Khi lực lượng phóng viên, kỹ thuật viên VNTTX và TTXGP ở Sài Gòn chứng kiến sự cáo chung của nội các Dương Văn Minh và tường thuật bằng tin, bài, hình ảnh thì tại Hà Nội, trước cửa trụ sở VNTTX ở số 5 Lý Thường Kiệt, nhân dân đứng đông như trong ngày hội chờ tin giải phóng Sài Gòn. Khi tiếng nổ ran của băng pháo dài từ nóc nhà số 5 Lý Thường Kiệt thả xuống, cũng là lúc tiếng reo hò của quần chúng vang lên làm nức lòng người. Đó cũng là tiếng pháo đầu tiên ở Hà Nội mừng ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Những trang sử của Thông tấn xã Việt Nam còn lưu rõ không khí vui mừng khôn xiết trong thời khắc lịch sử này: Tiếng vỗ tay, tiếng reo hò vang dội, có cả những giọt nước mắt. Từng đoàn người hồ hởi, phấn khởi nối tiếp nhau kéo đến tràn ngập trước trụ sở Việt Nam Thông tấn xã ngay cả khi tiếng pháo đã ngừng hẳn. Việt Nam Thông tấn xã là cơ quan đầu tiên mang tin vui chiến thắng mà quân dân ta chờ đợi và phải chiến đấu trong suốt 30 năm. Thời khắc đó, tại Hà Nội, cờ đỏ sao vàng tung bay trên khắp các phố phường, công sở, nhà dân. Những thông tin, hình ảnh, các bài tường thuật đầu tiên của phóng viên Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng được phát trong nước và phát ra thế giới, đã kịp thời phản ánh những khoảnh khắc lịch sử Ngày toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; sự sụp đổ của Chính quyền Sài Gòn; sự phá sản Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ.
Các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu và nhiều đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã trực tiếp gặp, nghe các đồng chí lãnh đạo và phóng viên Việt Nam Thông tấn xã báo cáo và xem hình ảnh về quân dân ta giải phóng thành phố Sài Gòn - Gia Định. Các đồng chí đã biểu dương, khen ngợi cán bộ, phóng viên, nhân viên Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng.
Đặt dấu chân lên mọi ngả tiến công của của quân và dân ta, mỗi tác phẩm báo chí của “cánh quân thông tấn” giống như một ghi chép lịch sử, mỗi con người thông tấn như một nhân chứng lịch sử góp phần nên chiến thắng của Việt Nam, trọn vẹn hai miền Bắc - Nam như thế.
Sau ngày giải phóng, nhà báo Nguyễn Đăng Chiến trở thành phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng tại Sài Gòn. Ông cùng các phóng viên khác của Thông tấn xã Việt Nam tiếp tục phản ánh các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh, phục hồi sản xuất, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, trong đó tập trung tuyên truyền về công tác ổn định tình hình chính trị xã hội…
Những sự kiện trọng đại của đất nước sau ngày giải phóng đều có dấu ấn của phóng viên TTXVN. Phóng viên TTXVN đã có mặt và đưa tin về Hội nghị hiệp thương chính trị để bàn về thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước (tháng 11/1975); cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất ngày 25/4/1976 hay kỳ họp đầu tiên Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất khai mạc tại Thủ đô Hà Nội ngày 24/6/1976... Trên tất cả mặt trận kinh tế, văn hóa, chính trị đều có sự góp mặt của phóng viên TTXVN.
Từ các báo cáo mật chứa đựng nhiều thông tin quý giá của TTXVN, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước có thêm cơ sở để dự báo và ra các quyết sách mang lại chiến thắng cho Việt Nam trên chiến trường và trên bàn đàm phán. Điều này giải thích tại sao các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước từng nhiều lần đến thăm và làm việc tại các trụ sở của TTXVN.
Đất nước thống nhất chưa được bao lâu, chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc nổ ra. Các phóng viên của TTXVN tiếp tục lên đường tham gia các cuộc chiến.
Tin tức, hình ảnh đầu tiên về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới ở hai đầu đất nước đều được chuyển về nhanh nhất, chính xác nhất.
Nhiều nhà báo được cử đi làm phóng viên mặt trận biên giới, cùng bộ đội hành quân giúp nước bạn Campuchia giải phóng Phrom Pênh, lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt, một số phóng viên tiếp tục tham gia Đoàn chuyên gia giúp Thông tấn xã Campuchia. Một lần nữa, các nhà báo của TTXVN lại hành quân như những cuộc vượt Trường Sơn, tham gia chiến dịch giải phóng Campuchia. Nhà báo Nguyễn Đăng Chiến nhớ lại: “Đến cuối năm 1978, do tình hình đòi hỏi, Việt Nam quyết định giúp cách mạng Campuchia, trong đó Thông tấn xã Việt Nam có nhiệm vụ giúp bạn xây dựng cơ quan Thông tấn quốc gia. Tôi cùng 5 đồng nghiệp khác trở thành những chuyên gia - phóng viên đầu tiên của Thông tấn xã Campuchia SPK. Một lần nữa, các phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam bước vào cuộc trường chinh gian khổ không kém gì những ngày tháng xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Những đóng góp xứng đáng và sự hy sinh cao cả của các thế hệ cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên Thông tấn xã Giải phóng chính là nét son chói lọi tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Thông tấn xã Việt Nam. Dù ở cương vị nào, vị trí nào các phóng viên TTXVN tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh cũng là những cột trụ của dòng tin cách mạng.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, Thông tấn xã Giải phóng có trên 260 phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, điện báo viên… hy sinh trong khi làm nhiệm vụ thông tin hoặc trực tiếp chiến đấu. Hiện nay, Thông tấn xã Việt Nam nói chung, Thông tấn xã Giải phóng nói riêng là cơ quan báo chí có số lượng nhà báo hy sinh lớn nhất trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Nhiều phóng viên, kỹ thuật viên Thông tấn xã Giải phóng đã vĩnh viễn nằm lại trên những cánh rừng già, đến nay hài cốt vẫn chưa tìm thấy. Hàng chục người khác đã để lại một phần xương máu của mình trên chiến trường.
Công lao của các nhà báo Liệt sĩ của TTXVN đã được nhà nước ghi nhận khi TTXVN là cơ quan báo chí duy nhất ở Việt Nam được phong tặng hai danh hiệu Anh hùng: Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến cứu quốc và Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Bên cạnh đó, TTXVN cũng đã được Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh (2 lần), Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Thành đồng Tổ quốc hạng Nhất, Huân chương Giải phóng hạng Nhất và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và nước ngoài.
Video chia sẻ của nhà báo Trần Mai Hưởng về niềm tự hào các thế hệ phóng viên TTXVN:
Nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN chia sẻ: “Tôi nghĩ hai danh hiệu này rất gắn bó với nhau. Đội ngũ phóng viên chiến trường của TTXVN đã góp sức lớn cho danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, sau này cũng góp sức cho hoạt động đổi mới của ngành để TTXVN hoàn thiện tốt nhiệm vụ thông tin trong thời kỳ mới. Có thể nói đó là thế hệ trụ cột của ngành trong những năm tháng chiến tranh và liền sau đó là những năm hòa bình”.
Chiến tranh là thử thách khắc nghiệt đối với mỗi dân tộc, mỗi con người. Đối với mỗi phóng viên của TTXVN cũng như vậy, họ đã vượt qua những giai đoạn, thời kỳ khó khăn, từ đó đóng góp xuất sắc cho chiến thắng chung của dân tộc. Đồng thời, qua đó rèn luyện được một lớp phóng viên trưởng thành, ngay sau khi hòa bình lặp lại đã tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ của mình. Những năm sau này, đội ngũ đó vẫn là đội ngũ nòng cốt của TTXVN, rất nhiều người đã vươn lên, vượt qua những khó khăn để làm tốt nhiệm vụ của mình. Nhiều nhà báo sau chiến tranh giữ những chức vụ quan trọng của TTXVN là những trưởng phân xã các tỉnh ở phía Nam, phụ trách cơ quan ngành ở các địa bàn, phụ trách các cơ quan đại diện.
“Ngay cả các lãnh đạo của TTXVN như Nhà báo Trần Thanh Xuân Tổng biên tập TTXGP, Phó Tổng giám đốc VNTTX là người trực tiếp vào miền Nam khi chỉ còn 1 lá phổi. Nhà báo Đào Tùng, Tổng giám đốc VNTTX đã trực tiếp dẫn 1 đoàn phóng viên đi thẳng vào trong TTXGP tham gia chỉ đạo thông tin cho Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Có lẽ không có cơ quan nào có lãnh đạo dẫn nhóm nhà báo đi thẳng vào chiến trường như vậy...”, nhà báo Trần Mai Hưởng tự hào.
Trải qua hơn bảy thập kỷ hành trình cùng đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày nay TTXVN đã trở thành một trung tâm thông tin quốc gia tin cậy của Đảng và Nhà nước, một hãng thông tấn có uy tín trong khu vực, hướng tới xây dựng thành tập đoàn truyền thông. TTXVN không ngừng phát triển các hình thức truyền tin đa dạng: trang thông tin, tin truyền thanh, tin truyền hình, báo giấy, báo mạng…
Các phóng viên TTXVN tại 63 cơ quan thường trú ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước và 30 cơ quan thường trú ở khắp các châu lục luôn nỗ lực không ngừng, khẳng định vai trò xung kích tại các điểm nóng thông tin ở trong nước cũng như trên thế giới. Các đơn vị của TTXVN luôn tìm tòi, học hỏi và mạnh dạn thử nghiệm, chủ động tìm hướng đi mới để có thể đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu thông tin của các cơ quan báo chí trong nước và quốc tế, cũng như trực tiếp cung cấp thông tin tới công chúng Việt Nam và trên thế giới.
Nói về 75 năm đồng hành cùng dân tộc của TTXVN, nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc TTXVN đã chia sẻ, mỗi thế hệ có những nhiệm vụ riêng, mỗi thời kỳ có những yêu cầu riêng, nhưng có thể khẳng định trải qua 7 thập kỷ, các “binh chủng” thông tin của TTXVN đã làm nên một “biên niên sử” báo chí về dân tộc Việt Nam anh hùng trong đấu tranh giải phóng dân tộc, cần cù và sáng tạo trong phát triển đất nước, năng động và hòa hiếu trong hội nhập quốc tế ngày nay.
Chia sẻ thông điệp tự hào được là một trong những thành viên của TTXVN tiếp nối mạch thông tin cách mạng được trao truyền từ nhiều thế hệ, nhà báo Nguyễn Đức Lợi khẳng định: “Những hy sinh, cống hiến của các thế hệ nhà báo thông tấn đã giúp TTXVN luôn giữ vững vị thế là trung tâm thông tin chiến lược, tin cậy của Đảng và Nhà nước trong suốt bảy thập kỷ qua. Dòng chữ “TTXVN” bằng tiếng Việt hay “VNA” bằng tiếng Anh xuất hiện trên mỗi sản phẩm thông tin đã trở thành danh xưng đầy tự hào của tất cả những ai đã bước vào “ngôi nhà thông tấn”. Danh xưng ấy cũng là sự nhắc nhở đối với mỗi cán bộ TTXVN hôm nay phải nỗ lực hơn nữa để viết tiếp những trang sử vẻ vang của ngành”.
Ngày 1/9/2020, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã ký Quyết định 1521/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho 15 tập thể vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Thông tấn xã Giải phóng (Thông tấn xã Việt Nam-TTXVN) có tên trong danh sách phong tặng danh hiệu lần này.
Đây là lần thứ ba, TTXVN vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng.
Như vậy, trải qua 75 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển gắn liền với những dấu mốc lịch sử của đất nước, TTXVN đã được phong tặng ba danh hiệu Anh hùng: Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và 2 lần phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Cùng với đó, TTXVN đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, hai Huân chương Hồ Chí Minh, hai Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
Thực hiện: Thu Trang - Lê Sơn
Clip, ảnh: Thu Trang - Lê Sơn, Tư liệu: TTXVN
Trình bày: Đăng Tuệ Thy
08/08/2020 05:04