Thông tấn xã Giải phóng ra đời cách đây 60 năm (12/10/1960). Trong hơn 15 năm thực hiện nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền trên chiến trường miền Nam, rất nhiều phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng đã cống hiến, thậm chí đã ngã xuống cho dòng thông tin chảy mãi. Với họ, thời gian sống và làm việc tại đây đã để lại rất nhiều kỷ niệm sâu sắc.

Gần 50 năm đã trôi qua nhưng đối với nhà báo Phạm Nhật Nam, nguyên Phó Giám đốc Cơ quan Đại diện Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại Thành phố Hồ Chí Minh, những ký ức, kỷ niệm về những ngày còn là phóng viên chiến trường vẫn vang mãi trong tâm trí. Đó là những tháng ngày tác nghiệp giữa làn bom đạn của địch, cùng sống, cùng chiến đấu với các chiến sỹ du kích quả cảm, kiên cường ở mảnh đất Tây Ninh và khẳng định vai trò của phóng viên Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP).

Nhà báo Phạm Nhật Nam, nguyên phóng viên khóa GP10 của Việt Nam Thông tấn xã tăng cường cho Thông tấn xã Giải phóng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Năm 1972, chiến trường miền Nam đang trong giai đoạn khốc liệt, lớp phóng viên GP10 với gần 150 sinh viên ưu tú được chọn từ các trường đại học về Việt Nam Thông tấn xã (nay là TTXVN) để đào tạo nghiệp vụ, tăng cường cho TTXGP. Ngày 16/3/1973, nhà báo Phạm Nhật Nam cùng những phóng viên lớp GP10 vào chiến trường khi còn rất trẻ, tràn đầy sức sống, hăng hái, sẵn sàng tự nguyện lên đường làm nhiệm vụ.

“Tại chiến trường ở Tây Ninh, những phóng viên như chúng tôi không chỉ đơn giản làm công tác nghiệp vụ sản xuất tin, bài mà còn phải làm những công việc phục vụ cách mạng như đào hầm tránh bom, tăng gia sản xuất, trồng rau để cải thiện. Tôi được Ban Tuyên huấn Trung ương Cục đưa đi làm công tác phát động quần chúng, vận động nhân dân trong vùng ủng hộ cách mạng”, nhà báo Phạm Nhật Nam chia sẻ.

Địa điểm đầu tiên ông được phân công đến là xã Thanh Điền, một xã nằm trong vành đai bảo vệ thị xã Tây Ninh và bảo vệ các căn cứ quân sự lớn như: Cẩm Giang, Trảng Lớn, Tua Hai… Khu vực này, địch xây dựng các ấp chiến lược kiểu mẫu, có hệ thống đồn bốt dày đặc. Đi cùng nhà báo Phạm Nhật Nam, cán bộ B7  - TTXGP là đồng chí Vũ Đình Hào, cán bộ B3 - Tiểu ban Giáo dục Giải phóng làm tổ trưởng và đồng chí Phạm Quang Nghị (sau này là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội), cán bộ B2 - Tiểu ban Văn nghệ Giải phóng.

Nhà báo Phạm Nhật Nam nhớ lại: “Do chiến trường chia cắt và đặc thù công tác nên dù hoạt động ở cùng một địa bàn nhưng anh em thường chỉ gặp nhau vào dịp cần hội ý, báo cáo công tác hay khi có tình hình đột xuất. Để thuận tiện cho việc bám dân, bám đất, tránh sự phát hiện của địch, mọi người phải chọn những gò đất nổi giữa bốn bề mênh mông nước và những bụi cây rậm rạp làm nơi ẩn náu”.

Phóng viên TTXGP trong trận chống càn Junction City (1967).

Về những khó khăn trong thời khốc liệt ấy, theo nhà báo Phạm Nhật Nam, nhiều đêm địch bắn pháo không theo một quy luật nào, cứ nửa giờ đến một giờ chúng lại bắn một lần, nhiều quả chỉ cách cứ chưa đến 100 mét. Có những khi quần áo ướt chưa kịp thay, chúng lại bắn đợt mới, ông buộc phải nhảy xuống hầm, ngâm mình trong nước lạnh suốt một đêm dài.

Ở vùng chiến trường ác liệt ấy, lằn ranh giữa sự sống và mất mát chỉ trong gang tấc. Nhà báo Phạm Nhật Nam tận mắt chứng kiến tội ác mà quân địch gây ra với đồng bào ta, trong đó bản thân ông thiếu chút nữa cũng trở thành nạn nhân. Đó là vào một ngày công tác ở xã Hòa Hiệp (huyện Châu Thành, Tây Ninh), lúc khoảng 10 giờ, quân địch bất ngờ cho máy bay tấn công, ném bom toàn bộ vùng giải phóng Hòa Hiệp. Trận oanh tạc của địch khiến trên 50 người dân vô tội phải bỏ mạng, bản thân nhà báo Phạm Nhật Nam dù ở trong nơi trú ẩn nhưng cũng bị bom đạn khốc liệt đánh sập hầm. 

Phóng viên ảnh - chiến sĩ Dương Thanh Phong của Thông tấn xã Giải phóng.

May mắn thoát được ra ngoài sau màn dội bom dữ dội, trước mặt ông là cảnh tượng thê lương hoang tàn. “Lúc chui ra khỏi hầm, mọi thứ xung quanh tôi đều cháy rụi, đồ đạc, tư trang của mình cũng không còn lại gì, trong đó có nhiều tư liệu, nhật ký, những ghi chép mỗi ngày... đều mất hết. Tất cả những gì còn lại chỉ là bộ quần áo lấm lem trên người”, nhà báo Phạm Nhật Nam nhớ lại.

Sau khi cùng những người trong xã khắc phục hậu quả, động viên thăm hỏi những người bị ảnh hưởng, ngay lập tức ông bắt tay vào viết. Dù thiết bị tác nghiệp đã bị thiêu rụi nhưng may mắn lúc đó, nhà báo Phạm Nhật Nam tìm được một hiệu ảnh trong vùng giải phóng để mượn đồ tác nghiệp. Khi biết phóng viên TTXGP, chủ tiệm tin tưởng giao cho một máy ảnh cùng bốn cuộn phim vuông. Với “vũ khí” trong tay, nhà báo Phạm Nhật Nam đã ghi lại những tội ác mà quân địch gây ra với đồng bào và ngay đêm đó, ông dồn tâm huyết thực hiện bài tường thuật “Giặc Mỹ lại gây tội ác với đồng bào vùng giải phóng”.

Hoàn thành bài viết trong điều kiện lúc ấy không hề đơn giản nhưng để chuyển bài viết về tòa soạn còn gian nan hơn nhiều, bởi phải về căn cứ mới có thể gửi bài. Từ Hòa Hiệp đến căn cứ không quá xa, nhưng phải đi đường vòng qua đất Campuchia nên đầy khó khăn, nguy hiểm. “Nếu đi một mình chắc chắn sẽ bị quân Pol Pot phát hiện. Bởi vậy, tôi phải chờ đoàn bộ đội với khoảng 20 - 30 chiến sỹ trang bị súng ống đầy đủ, vì trên đường sẽ gặp phải rất nhiều trạm gác của địch. Hành trình từ xã Hòa Hiệp về tới căn cứ chỉ vài chục km nhưng phải mất 14 giờ”, nhà báo Phạm Nhật Nam chia sẻ.

Phòng thu - phát tin, ảnh của TTXGP tại chiến khu "R".

Sau khi chuyển cho đồng chí Nguyễn Đức Giáp (Phó Trưởng ban B7/3 - biên tập tin), bài viết của nhà báo Phạm Nhật Nam được nhà báo Nguyễn Đức Giáp nhận xét đây là bài viết sắc bén, có chiều sâu, câu từ lưu loát, không cần phải chỉnh sửa nội dung. Tuy nhiên, để nêu bật tội ác của địch, lãnh đạo đã đổi tiêu đề thành “Bom Mỹ lại rơi xuống võng em thơ, xuống trang sách học trò”.

Nhà báo Phạm Nhật Nam cho biết, bài viết đó thật sự gây tiếng vang lớn khi đó bởi giá trị tố cáo cao, gây xúc động, đánh thức lương tri, góp phần vào cuộc đấu tranh vạch trần tội ác của giặc. Điều này cũng góp phần đưa uy tín của TTXGP cũng như Việt Nam Thông tấn xã lúc đó lan truyền sâu rộng, khẳng định vị thế của đơn vị, vai trò của phóng viên chiến trường.

Nguyên là phóng viên ảnh của TTXGP, từng tác nghiệp tại các chiến trường miền Đông Nam Bộ, nhà báo lão thành Phạm Văn Thính không thể nào quên những ký ức oanh liệt của một thời lửa đạn. Đáng nhớ nhất là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 cách đây 50 năm với những khoảnh khắc được ông ghi lại chân thực qua ống kính, trong đó có bức ảnh “Cầu người” nổi tiếng đã phản ánh tinh thần chiến đấu lạc quan trong bản anh hùng ca cách mạng của quân và dân ta.

Nhà báo lão thành Phạm Văn Thính nay đã 85 tuổi nhưng tinh thần vẫn rất minh mẫn.

Gặp ông Phạm Văn Thính tại chung cư 218 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, khó có thể tin nhà báo lão thành này đã bước sang độ tuổi bát tuần. Ông còn rất minh mẫn và nhanh nhẹn, linh hoạt, đúng với tác phong của một phóng viên chiến trường từng gần nửa thế kỷ đi theo cách mạng. Đặc biệt, ông vẫn nhớ như in từng kỷ niệm, cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp làm báo của mình, từ lúc bắt đầu theo nghiệp báo chí cho đến những ngày mưa bom lửa đạn hoạt động trên chiến trường, khoảnh khắc chụp được bức ảnh quý “Cầu người” và khoảng thời gian tiếp tục cống hiến cho TTXVN sau khi đất nước thống nhất.

Sinh ra ở Quảng Ngãi, hơn 15 tuổi, ông đã đi theo cách mạng, rồi trở thành bộ đội. Hiệp định Geneve 1954 được ký, ông tập kết ra Bắc, được Nhà nước cử đi học. Năm 1963, ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Văn, đến năm 1964 thì trở thành phóng viên ảnh của Việt Nam Thông tấn xã. Năm 1965, ông Thính lên đường vào miền Nam, trở thành phóng viên ảnh của TTXGP thuộc Trung ương Cục miền Nam, tác nghiệp tại các chiến trường trên địa bàn miền Đông Nam Bộ. 

 

Ông Thính nhớ lại, thời điểm này, Quân đội Mỹ đã vào miền Nam Việt Nam và chiến tranh đang ở giai đoạn ác liệt. Mặc dù khó khăn, gian khổ khi vừa chiến đấu, vừa phải làm nhiệm vụ thông tin nhưng những nhà báo - chiến sĩ TTXGP đã không quản ngại hy sinh, kịp thời phản ánh những thông tin “nóng” từ chiến trường, giữ cho dòng thông tin của TTXGP luôn chảy mặc cho mưa bom, lửa đạn của kẻ thù liên tục trút xuống.

“Chiến tranh ác liệt nên mỗi phóng viên của TTXGP khi xuống đơn vị cũng được coi là một người lính, vừa làm nhiệm vụ nhà báo, vừa là chiến sỹ. Đôi lúc, có những thông tin mà phóng viên phải ngồi viết ngay dưới hầm công sự khi quân địch vẫn đang nã súng bên ngoài. Mỗi phóng viên vì vậy ngoài túi phim và máy ảnh còn phải luôn mang theo bên mình rất nhiều đạn, một khẩu súng AK, 2 quả lựu đạn, một quả B40. Tuy tác nghiệp trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ nhưng cũng nhờ thế mà chúng tôi mới phản ánh kịp thời, chân thực cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc, và cũng từ đó tôi mới chụp được bức ảnh quý Cầu người”, ông Thính chia sẻ.

Ông vẫn nhớ rất rõ cái ngày được lệnh hành quân trong dịp Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 cùng Trung đoàn 3B, Sư đoàn 9 tiến về Sài Gòn cánh Quận 5, Quận 6. Khi đến đoạn qua Suối Nhum thuộc Chiến khu D, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, ông bỗng nghe xôn xao phía trước. Theo linh tính nghề nghiệp, ông liền chạy lên để quan sát rõ hơn và thấy một đoàn thanh niên xung phong đang đứng dưới nước làm trụ để bắc ván, tạo thành một chiếc cầu giúp cho việc tải thương binh qua suối được thuận tiện. Trong khoảnh khắc, ông lấy máy, chọn 3 góc độ, bấm 3 kiểu ảnh và ngay sau đó lại nhanh chóng lên đường để theo kịp đoàn quân.

Vào thời khắc đó, ông cũng chỉ nghĩ đơn thuần đây sẽ là bức ảnh đẹp, ý nghĩa. Nhưng khi tráng phim ra, nhìn ngắm bức ảnh kỹ hơn, ông Thính đã xác định đây là bức ảnh báo chí có giá trị và “độc nhất vô nhị” khi đã ghi lại thành công một khoảnh khắc, thể hiện được tinh thần bất khuất trong chiến đấu của người dân Việt Nam, quyết chống đế quốc Mỹ đến cùng cho ngày toàn thắng của dân tộc.

Theo ông Thính, “Cầu người” là một sáng kiến vô cùng độc đáo phản ánh sự linh hoạt, trí thông minh của người lính Việt Nam trong thời khắc chiến đấu hiểm nghèo, đồng thời còn mang tính nhân văn, thể hiện tình yêu thương đồng đội, đồng chí, không để cho các thương binh đau đớn thêm nếu phải ngâm mình trong nước khi qua suối. Nụ cười của nữ chiến sỹ Giáp Thị Thanh Tiến mà sau này ông có cơ duyên gặp lại trong dịp kỷ niệm 40 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 2008, cũng làm tăng thêm giá trị cho bức ảnh khi toát lên được tinh thần lạc quan, yêu đời và nghị lực phi thường của lực lượng thanh niên xung phong tràn trề nhựa sống với khát vọng chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước.

Bức ảnh chiến tranh mang tính biểu tượng "Cầu người" của nhà báo Phạm Văn Thính.

Năm 1976, miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, bức ảnh “Cầu người” của phóng viên ảnh Phạm Văn Thính được triển lãm ở Hungary và được biết đến nhiều trên các phương tiện truyền thông thời gian sau đó, giúp ông được nhận Kỷ niệm chương của Ban Tuyên huấn Trung ương, TTXVN và Kỷ niệm chương của Bộ Giao thông Vận tải. Ông cũng được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba cho quá trình hoạt động cách mạng của mình.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông Thính tiếp tục làm phóng viên của TTXVN thường trú tại tỉnh Lạng Sơn, đến năm 1979 thì chuyển vào thường trú tại tỉnh Thuận Hải (nay là 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận). Đến năm 1983, ông chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh làm việc cho đến khi nghỉ hưu.

Tuổi già, ông Thính cùng vợ là bà Nguyễn Thị Kim Liên, cũng từng là phóng viên TTXVN sống trong khu chung cư của cán bộ, phóng viên TTXVN. Ông bà từng có 3 người con nhưng đều mất sớm do di chứng chất độc da cam từ những ngày chiến tranh khốc liệt. Dù phải trải qua nhiều biến cố, thiệt thòi trong cuộc sống nhưng ông Thính luôn tự hào khi nhớ về những năm tháng hoạt động báo chí trong chiến tranh, tự hào là người phóng viên của TTXGP.

Hơn 37 năm chinh chiến cùng chiếc máy ảnh, nhà báo Nguyễn Văn Khánh, phóng viên của Việt Nam Thông tấn xã được tăng cường cho miền Nam đã ghi lại hàng trăm ngàn bức ảnh từ phim trắng đen đến phim màu, từ chiến trường miền Trung Tây Nguyên đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long, từ nông thôn đến thành thị, từ cuộc sống đời thường của người dân đến các công trình, nhà máy, xí nghiệp đã và sẽ mãi mãi đi vào lịch sử của đất nước Việt Nam.

Nhà báo Nguyễn Văn Khánh (phải), nguyên phóng viên khóa GP10 của Việt Nam Thông tấn xã tăng cường cho Thông tấn xã Giải phóng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Năm 1972, nhà báo Văn Khánh cùng nhiều đồng môn tốt nghiệp Khoa Hóa - Đại học Tổng hợp Hà Nội được điều động tham gia lớp báo chí đầu tiên của Việt Nam Thông tấn xã đào tạo phóng viên tăng cường cho miền Nam (GP10). Một ngày cuối năm, lớp GP10 được xe đưa vào Thanh Hóa, Quảng Bình để rồi từ đây, đoàn phóng viên Thông tấn xã cùng các đoàn quân giải phóng hành trình đi bộ dọc Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam. 

“Hành trình của các nhà báo lúc bấy giờ chẳng khác gì so với quân chủ lực giải phóng. Trên có bom rơi, dưới thì đồi núi trập trùng, rừng thiêng, nước độc. Có lúc qua đất bạn Lào, Campuchia; có lúc tưởng chừng phải ở lại mãi nơi đường Trường Sơn… Gần 2,5 tháng sau, cả đoàn mới đến điểm tập kết khu vực Lò Gò, Tây Ninh”, ông kể lại và thỉnh thoảng chen lẫn vào những câu chuyện vui, buồn của cuộc hành quân năm đó.

Đoàn xe chở phóng viên và trang thiết bị của VNTTX chi viện cho TTXGP trên đường Trường Sơn. Suốt 15 năm (1960 - 1975), VNTTX không ngừng chi viện sức người, sức của cho TTXGP, cùng góp sức hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của sự nghiệp thống nhất Dân tộc, tô thắm trang sử vàng của Thông tấn xã Việt Nam anh hùng.

Sau 15 ngày ở Lò Gò, Tây Ninh, ông được phân công về địa bàn Cần Thơ. “Nơi đây những năm chống Mỹ được coi là địa bàn chiến lược ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là khi Hiệp định Paris được ký kết, cũng là lúc giữa ta và địch đang “giành đất, giành dân” quyết liệt. Đường từ “R” (Tây Ninh) xuống Cần Thơ ngày một khó, có khi là một cuộc hành quân gian nan, khổ cực”, nhà báo Văn Khánh chia sẻ.

Nhớ lại lần tác nghiệp đầu tiên, nhà báo Văn Khánh kể: Khi mới vừa đến cứ, lúc 9 giờ thì nhóm phóng viên được thông báo 10 giờ đi đánh đồn Nhà thờ. “Ừ thì đi, trận đánh ban ngày chắc sẽ có nhiều cơ hội tác nghiệp, nhiều ảnh đẹp”, tôi thầm nghĩ. Song thực tế do địa bàn sông, rạch nhiều, quân ta di chuyển nhanh và liên tục nên không tài nào chụp được ảnh… Sau khi chiếm được đồn, giặc đã rút lui hết, đành phải nhờ mấy anh em quân giải phóng sắp đặt chỗ chụp vài tấm hình rồi rút lui”.

Có lẽ, đó là một trong những trận đánh nhớ nhất trong cuộc đời ông và cũng là bài học đầu tiên về phương thức tác nghiệp của một phóng viên chiến trường. Những lần sau vượt sông, vào cứ hay trận chống càn là mỗi một lần ông rút ra được bài học kinh nghiệm về cách tiếp cận địa bàn, nếp sống, sinh hoạt của người địa phương. Mỗi cuộc hành quân xong, ông về hầm trú ẩn sử dụng nước tráng phim, nước hiện hình, chờ phơi khô rồi cuộn lại và gửi về chiến khu R bằng đường giao liên.

Suốt thời gian ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhà báo Văn Khánh học được nhiều ở người dân địa phương từ cách sinh hoạt, sống, chiến đấu và những kinh nghiệm đó đã giúp ông không ít lần thoát chết. Đó là đi đêm phải cầm đèn pin bằng tay trái để tránh kẻ địch bắn tỉa vì địch luôn nghĩ mình cầm đèn tay phải; khi lạc vào bãi mìn mà ta cài chống càn, phải thật bình tĩnh quay trở ra và nhớ dẫm chân vào đúng dấu chân khi bước vào... Một kinh nghiệm khác mà ông học được trong trận chống càn đó là sự bình tĩnh, trong khi hành quân cần quan sát thật kỹ, kiểm tra dấu đi đường. Đến nơi nào không tiếng chó sủa mà có tiếng trẻ con là bình yên, ngược lại nghe có tiếng chó sủa, không có tiếng trẻ con là nơi đó có giặc đón đầu…

Có lần, ông đang nghe tin tức radio thì bỗng nghe phóng viên Hoàng Hựu kêu to: “Nó bắn pháo điểm” rồi lao nhanh ra mé vườn. Ông kể: "Tôi chụp vội cái bóng đựng quần áo, máy ảnh, phim... lao theo. Ngước nhìn lên, tôi thấy chiếc máy bay F5E ném hai trái bom hình tròn tròn. Kinh nghiệm hồi ở quê, nếu nhìn thấy quả bom như thế thì nó sẽ rơi ngay mình; nếu thấy quả bom dài tức là nó sẽ rơi ở điểm khác. Tôi vội lao xuống cái hố, đội cái bóng lên đầu và nín thở chờ đợi”. Sau hai tiếng nổ đinh tai như xé toang màng nhĩ, khói bụi mù mịt, đất rơi lả tả. Tôi kiểm tra khắp người không thấy bị thương nhưng ngôi nhà mà chúng tôi ở thì bom phạt một nửa, nửa còn lại chơ vơ bốc cháy ngùn ngụt. Hai chiếc máy bay tiếp tục lượn thêm vài vòng, ném thêm 4 trái bom cách xa căn nhà rồi bay khuất tầm mắt.

Phóng viên TTXGP trên đường hành quân.

Cuối năm 1974, nhà báo Văn Khánh cùng nhóm phóng viên GP10 ở Cần Thơ được lệnh trở về chiến khu R, Tây Ninh. Xuất phát từ Rạch Giá đến bờ kênh Nước Đục, nhóm phóng viên tháp tùng đội quân ở Trà Vinh lên miền Đông thì bất ngờ đụng giặc càn tại đây. Ông nhớ lại: 5 giờ chiều, trinh sát báo có ít nhất 13 tiểu đoàn có xe tăng, xe bọc thép, dàn hàng ngang từ Long Châu Hà tràn xuống và đang hướng về phía chúng tôi. Theo lệnh, chúng tôi lùi ra sát bờ kênh Nước Đục, nằm ém ở đó để bảo toàn lực lượng. Lúc này, trinh sát báo, giặc đang tiến về bờ kênh. Vậy là chúng tôi được lệnh bơi sang bên kia kênh, còn trinh sát tiếp tục theo dõi địch. Đang hội ý, chúng tôi lại nghe báo cáo bên này kênh địch còn đông hơn, có cả xe tăng. Trong đoàn, một anh lính E3 bức bối, nổi giận, rút lựu đạn đòi cưa đôi với chúng. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm, cả đoàn đã bò men theo bờ kênh, núp dưới tán lá dừa nước và may mắn thoát được khỏi vòng vây của địch. Chúng tôi tiếp tục vượt biên giới sang đất Campuchia rồi vòng về đất Việt Nam, bảo toàn lực lượng về “R” an toàn”.
 
Sau ngày 30/4/1975, nhiều phóng viên lớp GP10 đã có mặt tại Sài Gòn và tề tựu chung mái nhà Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam. Nhiều phóng viên tiếp tục luân chuyển công tác ở các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ để thực hiện nhiệm vụ thông tin và công cuộc tái thiết, xây dựng đất nước. Nhà báo Văn Khánh được phân công về công tác tại Phòng Ảnh Thành phố Hồ Chí Minh. Những năm đầu thế kỷ 21, nhiều phóng viên TTXVN đã đổi sang nhiều loại máy ảnh hiện đại hơn nhưng riêng nhà báo Nguyễn Văn Khánh vẫn mang bên mình máy ảnh phim hiệu Pentax - đầu đen (Spotmatic SP 1000). Đây được coi là “người đồng chí” cùng kề vai sát cánh, vào sinh ra tử với ông từ lần đầu tiên vào miền Nam cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng và cả lúc về hưu.

Thông tấn xã Giải phóng: Chắc tay bút, vững tay súng

Thu Hương - Tiến Lực - Hồng Giang - Thanh Vũ
Kỳ Thư (tổng hợp)
Ảnh: TTXVN; TTXGP; Video: Vnews
Trình bày: Quốc Bình

03/10/2020 05:30