Trong số những phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) được tuyên dương về thành tích đưa tin dịch bệnh COVID-19 vừa qua, có một nữ phóng viên vóc người nhỏ nhắn nhưng hết sức kiên gan, nhiệt thành, bám vững mạch thông tin về dịch bệnh trong suốt thời gian dài. Đó là Tạ Nguyên, nữ phóng viên của báo Tin tức.

Tạ Nguyên kể, cô làm tin ngay từ khi COVID-19 mới chỉ là một căn bệnh được gọi là “viêm phổi lạ”, “chưa rõ nguyên nhân” với những ca bệnh đầu tiên được báo cáo ở Vũ Hán (Trung Quốc). Thế rồi, dịch bùng phát, cùng với nhiều phóng viên theo dõi mảng y tế, Tạ Nguyên bước vào giai đoạn "chiến đấu" thực sự. Liên tục trực tin ca bệnh, diễn biến của dịch và tình hình người bệnh, Tết Nguyên đán vừa qua, cô gần như không có ngày nghỉ.

Những phóng viên TTXVN luôn xác định mình phải là người đưa tin nhanh nhạy nhất, chuẩn xác nhất.

Tạ Nguyên cùng những phóng viên TTXVN luôn xác định mình phải là người đưa tin nhanh nhạy nhất, chuẩn xác nhất và rõ ràng nhất đến bạn đọc vẫn luôn tin tưởng dòng tin chính thống đến từ cơ quan thông tấn quốc gia. “Đây chính là động lực để tôi làm việc quên mệt mỏi”- Tạ Nguyên tâm sự.

Cùng với những hoạt động nỗ lực phòng chống dịch của ngành y, Tạ Nguyên cùng cả ê kíp trực tin của báo Tin tức luôn ở trong tư thế sẵn sàng, đưa tin ở bất cứ thời điểm nào trong ngày có những diễn biến mới về tình hình dịch bệnh.

"Thậm chí có những khi nhận được thông tin sắp có ca bệnh, chỉ chờ kết quả xét nghiệm khẳng định là có thể đưa tin, tôi phải thức tới gần 2 giờ sáng để chờ. Có những ngày chỉ mong cho con ngủ để nhanh chóng ngồi “ôm” máy tính làm việc" - Tạ Nguyên cười hiền khi kể về gần 8 tháng đồng hành cùng các y, bác sĩ chống COVID-19.

Những phóng viên trẻ của TTXVN tác nghiệp trên mọi "mặt trận" và điểm "nóng".

Tinh thần vượt mọi khó khăn để chiến thắng COVID-19 của những phóng viên TTXVN tại tâm dịch miền Trung lại càng mạnh mẽ.

Khi dịch COVID-19 tái bùng phát, lây lan ra nhiều tỉnh, thành trong khu vực, Ban giám đốc Cơ quan TTXVN khu vực Miền Trung, Tây Nguyên đã lập một nhóm gồm các cơ quan thường trú tại địa bàn có dịch và những người trực tiếp làm công tác chống dịch. Từ đó, mọi thông tin về công tác phòng chống dịch từ Ban chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế, Ban chỉ đạo các tỉnh, thành trong khu vực… thường xuyên được cập nhật. Vừa chống dịch ngay từ tâm dịch, vừa tác nghiệp viết tin, bài, ghi hình, chụp ảnh, các “chiến sĩ Thông tấn” luôn căng mình hoàn thành nhiệm vụ.

Không khó khăn vất vả nào ngăn được bước những "chiến sĩ thông tấn".

Phóng viên cơ quan thường trú (CQTT) của TTXVN ở các địa phương cũng không ngần ngại lao vào các "điểm nóng" sự kiện.

Đầu tháng 5/2019, tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là các huyện miền núi phía Tây phải hứng chịu những đợt mưa và lũ quét lớn nhất trong 100 năm qua. Mưa lớn liên tục gây ra tình trạng sạt lở đất trên diện rộng, vùi lấp nhiều nhà dân, phòng học, nhiều tuyến đường giao thông… Suốt một tuần liền, huyện miền núi Quan Sơn bị cô lập hoàn toàn do hệ thống giao thông bị chia cắt. Thông tin từ cơ sở gửi đến CQTT TTXVN tại Thanh Hóa, 14 người dân ở bản Sa Ná, xã Na Mèo (Quan Sơn) bị lũ quét cuốn trôi và mất tích.

Ngay lập tức, CQTT TTXVN tại Thanh Hóa xác minh thông tin, khẩn trương làm thông tin ban đầu, đồng thời phân công phóng viên lên bản Sa Ná trực tiếp nắm thông tin, phản ánh công tác cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm nạn nhân…

Thông tin lũ quét ở bản Sa Ná của TTXVN đưa sớm nhất, ngay sau đó, một loạt các cơ quan báo chí trong tỉnh đã dẫn nguồn tin của TTXVN. Chùm tin, bài về đợt mưa lũ xảy ra đầu tháng 5/2019 tại huyện miền núi Quan Sơn của CQTT tại Thanh Hóa vinh dự giành giải A, Giải báo chí TTXVN năm 2019 ở thể loại tin, bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép…

Nói đến những phóng viên viết thể loại điều tra, không thể không nhắc đến cái tên Võ Mạnh Hùng, phóng viên báo điện tử VietnamPlus. Với việc lựa chọn những đề tài gai góc, không ngại bước trên những hành trình gian khổ, Võ Mạnh Hùng đã nhận về nhiều giải thưởng lớn của nghề báo. Trong đó, vinh dự nhất phải kể đến 2 lần giành giải A Giải báo chí quốc gia các năm 2018 và 2019 với các tác phẩm “Tội ác dưới những tán rừng xanh” và “Mớ bòng bong đấu thầu tập trung: Hà Nội nguy cơ ‘thất thủ’ vì rác thải”.

Mất đến gần một năm trời, đổ mồ hôi và cả máu, Võ Mạnh Hùng đã làm nên cuộc đột kích thành công vào “sào huyệt” của các điểm nóng phá rừng tự nhiên và lý giải phần nào câu hỏi: Vì sao rừng “đổ máu”?

Một năm sau đó, để hoàn thành được loạt bài công phu “Mớ bòng bong đấu thầu tập trung: Hà Nội nguy cơ ‘thất thủ’ vì rác thải”, Võ Mạnh Hùng đã phải dành ra bốn tháng thâm nhập “thế giới” rác thải ở Hà Nội, trải qua những ngày nhịn ăn, cùng công nhân đi thu gom rác để tìm lời giải cho bài toán “ma trận đấu thầu tập trung” kéo dài nhiều năm ở Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước.

Phóng viên "cứng" ở mảng điều tra của TTXVN tâm niệm: “Nếu chỉ đi dự sự kiện bộ ngành, thông tin những nội dung mang tính chính sách, thiếu thực tế thì khó có những bài viết hài lòng chính mình, thuyết phục được bạn đọc. Vì thế, tôi lựa chọn đi sâu vào vấn đề ngay cả khi đề tài có người cho là cũ; xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng chuyến đi thực tế để đưa những “khoảng tối” của vấn đề ra ánh sáng; phân tích, mổ xẻ tới tận gốc rễ bởi không có hướng giải quyết một cách hệ thống từ luật tới thực thi, chắc hẳn sẽ khó tạo ra cái mới”.

Ở địa bàn ngoài nước, các phóng viên thường trú của TTXVN cũng trở thành những người cầm bút quả cảm, đầy trách nhiệm, sẵn sàng đối phó với nhiều nguy cơ và thách thức.

Trong những ngày này, nước Mỹ trở thành tâm dịch của thế giới với số ca nhiễm và tử vong vì virus SARS-CoV-2 tăng chóng mặt, dẫn tới việc quốc gia này có thể mất khả năng kiểm soát. Phóng viên Đặng Huyền, Trưởng CQTT tại Washington (Mỹ) vẫn duy trì tốt công tác thông tin.

Trước những khó khăn nhất là thực hiện những tin hình phản ánh, phỏng vấn người dân hay chuyên gia khi Tổng thống Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp và áp dụng biện pháp giữ khoảng cách xã hội, các phóng viên vẫn cố gắng khắc phục bằng các hình thức linh hoạt như phỏng vấn qua điện thoại, qua Skype, email hay tham gia các sự kiện qua ứng dụng Zoom.

Hình ảnh những phóng viên TTXVN "đậm nét" ở địa bàn nước ngoài.

Từ một tâm dịch COVID-19 khác của thế giới là Hàn Quốc, phóng viên Mạnh Hùng, Trưởng CQTT TTXVN tại Seoul (Hàn Quốc) chia sẻ: “Trong đợt thông tin cao điểm này, để nâng cao chất lượng thông tin trong từng sản phẩm, CQTT Seoul đã đẩy mạnh việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất tin tức. Đó là sử dụng phần mềm để dịch thông tin từ tiếng Hàn sang tiếng Anh, sau đó chuyển sang tiếng Việt. Cách làm này hoàn toàn khả thi và độ chính xác cao nếu trình độ tiếng Anh và nền tảng kiến thức chung của phóng viên tốt. Nhờ thế, có những tin của CQTT còn nhanh hơn cả các nguồn tin phương Tây, bởi chính là dựa vào nguồn tin của nước sở tại”.

Lấy truyền thống anh hùng của thế hệ nhà báo đi trước làm chỗ dựa, lấy thực tế cuộc sống làm chất liệu, sử dụng công nghệ làm phương tiện, các phóng viên TTXVN hôm nay đang nỗ lực mỗi ngày. Bằng trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị, bằng thái độ sống, bằng tinh thần đi đến tận cùng sự thật, mỗi thành viên của TTXVN đã và đang truyền cảm hứng cho thế hệ sau, cùng xây dựng nên một TTXVN - chủ lực của dòng thông tin cách mạng.

Thực hiện: Lê Sơn
Ảnh, tư liệu: TTXVN
Trình bày: Đăng Tuệ Thy

13/09/2020 08:45