Từ kinh nghiệm quốc tế
Trong chuyến công cán tại đất nước Nhật Bản vào tháng 3/2012, Tổng giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi đã rất ấn tượng về sự thích ứng nhanh nhạy của một hãng thông tấn trong bối cảnh truyền thông số phát triển không ngừng. Trong đó, ông đặc biệt chú ý đến Trung tâm thông tin theo mô hình hội tụ của hãng thông tấn Kyodo News.
Trong các chuyến công tác sau này tại nhiều nước khác, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga..., hay tham dự hội nghị hàng năm của Tổ chức các hãng thông tấn châu Á-Thái Bình Dương (OANA), Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi đã chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của các hãng thông tấn hàng đầu khu vực, như Tân Hoa xã, Yonhap, TASS. Các hãng này bắt nhịp rất nhanh với những tiến bộ của công nghệ truyền thông hiện đại, họ sử dụng robot làm người hướng dẫn chương trình truyền hình, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để sản xuất tin thể thao, phát triển “nền tảng đám mây” để truyền phát thông tin trực tiếp…
“Từ kinh nghiệm tham khảo qua những hoạt động hợp tác quốc tế như vậy, Ban lãnh đạo TTXVN quyết tâm hơn trong việc đẩy nhanh tốc độ và cụ thể hóa các bước để đưa TTXVN trở thành cơ quan thông tấn đa phương tiện chủ lực của quốc gia”, người đứng đầu TTXVN cho biết.
Tổng giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi nhận định: Phát triển báo chí đa phương tiện, đa nền tảng là xu hướng chung trên thế giới hiện nay. TTXVN những năm gần đây đã có những bước đi cụ thể, và trên thực tế đã trở thành một cơ quan thông tấn đa phương tiện, phát triển tất cả các loại hình báo chí: Báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử, truyền thông đa phương tiện và sách.
“Với đầy đủ các loại hình thông tin trên nền tảng kỹ thuật hiện đại, TTXVN không ngừng củng cố vị thế và sức mạnh tổng hợp của một cơ quan thông tấn cung cấp thông tin nguồn cho các cơ quan báo chí trong nước và thế giới, đồng thời cung cấp trực tiếp thông tin tới công chúng”- ông Nguyễn Đức Lợi khẳng định.
Hình thành mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện
Trong lịch sử 75 năm xây dựng và trưởng thành, TTXVN đã sớm hình thành mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện có nhiều loại hình thông tin khác nhau.
TTXVN hiện có 16 đơn vị thông tin gồm 5 ban biên tập tin nguồn (Trong nước, Thế giới, Đối ngoại, Kinh tế và Ảnh), 8 tòa soạn gồm cả báo in và báo điện tử, tạp chí (VietnamPlus, Tin tức, Thể thao & Văn hóa, Việt Nam News, Le Courrier du Vietnam, Báo ảnh Việt Nam, Thời báo Việt-Hàn, Báo ảnh Dân tộc và Miền núi), Trung tâm Truyền hình Thông tấn, Trung tâm thông tin Tư liệu và Đồ họa và Nhà xuất bản Thông tấn, cùng hệ thống 63 Cơ quan thường trú tại các tỉnh, thành trên cả nước và 30 Cơ quan thường trú trên thế giới.
“TTXVN đang nằm trong dòng chảy thông tin thế giới, bắt kịp sự phát triển của truyền thông thế giới về sản xuất các loại hình thông tin hiện đại, đồng thời không ngừng mở rộng kênh phát hành”, ông Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh.
Việc TTXVN ra mắt báo điện tử VietnamPlus năm 2008 và đến năm 2010 chính thức phát sóng kênh Truyền hình Thông tấn (Vnews) là những bước đi tiến tới mục tiêu nói trên, thể hiện tầm nhìn của ban lãnh đạo TTXVN khi đó. Sau này, để thích ứng với những thay đổi về nhu cầu thông tin, năm 2017, TTXVN phát triển Trung tâm thông tin Tư liệu thành Trung tâm thông tin Tư liệu và Đồ họa, sản xuất tin đồ họa tĩnh và động, đồ họa tương tác.
Nhiều tờ báo, trang tin điện tử của TTXVN cũng đã nhanh chóng hình thành các sản phẩm thông tin đa phương tiện, như báo Tin tức, báo Thể thao & Văn hóa, Việt Nam News, Báo ảnh Việt Nam, báo Le Courrier du Vietnam, trang điện tử Bnews… Trong đó, vào ngày 16/1/2017 báo điện tử Tin tức chính thức ra mắt với tên miền www. baotintuc.vn, cạnh tranh về mặt thông tin với hàng trăm tờ báo mạng tại Việt Nam. Đây có thể coi là đột phá đầu tiên của báo trong tiến trình tái cơ cấu sản phẩm thông tin. Với việc kiên trì xây dựng thương hiệu bằng chính chất lượng thông tin, đến nay, baotintuc.vn đã trở thành cái tên được nhận diện rộng rãi trong làng báo và bạn đọc, trở thành trang điện tử có lượt truy cập đứng trong nhóm đầu của ngành.
TTXVN cũng tăng dần số ngữ của Báo ảnh Việt Nam lên 10 ngữ và cho ra mắt tờ Thời báo Việt-Hàn... Ngày 15/9/2015, đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống của Ngành, thông tin chính thống của TTXVN được đưa lên mạng xã hội, mở đầu là quảng bá thông tin tiếng Việt, sau đó phát triển thêm các ngữ Anh, Pháp, Trung và Tây Ban Nha… Tiếp đó, TTXVN cũng đã đưa thông tin của Ngành lên các bảng điện tử công cộng.
Để triển khai được các bước đi đó, TTXVN ưu tiên đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, phát triển hệ thống tác nghiệp đa phương tiện tập trung theo mô hình hội tụ nhằm đảm bảo các yếu tố cần thiết cho việc sản xuất nhiều loại hình sản phẩm trên các nền tảng truyền thông khác nhau. Cùng với đó, công tác chỉ đạo thông tin và quy trình tác nghiệp không ngừng được đổi mới theo hướng chuyên nghiệp hơn. Yếu tố chất lượng thông tin được đề cao với nhiều hình thức cải tiến về nội dung, trong đó tăng cường bài phân tích, chuyên sâu, đẩy mạnh thông tin đấu tranh, phản bác…
Giai đoạn 2015 - 2020, TTXVN đã xây dựng mới hoặc nâng cấp nhiều hệ thống thông tin, nhiều trang thiết bị phần cứng và phần mềm hiện đại được đầu tư; góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực thông tin của TTXVN ở cả ba khâu: Thu thập, xử lý và phân phối thông tin. Việc phát triển các hệ thống công nghệ thông tin cũng đáp ứng kịp thời cho sự tăng trưởng mạnh mẽ lượng truy cập thông tin của TTXVN. Các hệ thống thông tin cũng góp phần quan trọng trong việc mở rộng và nâng cấp trao đổi thông tin giữa TTXVN với khoảng 40 hãng thông tấn và tổ chức báo chí - truyền thông quốc tế.