Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ông Hòa bà Bình có 4 người con đều đã trưởng thành, ngoài con trai cả đang định cư ở Mỹ, 3 người còn lại vẫn ở Thái Lan và giúp bố mẹ quản lý chuỗi nhà hàng Bếp Sài Gòn tại một số trung tâm thương mại của Tập đoàn Central ở thủ đô Bangkok. Tết năm nay, gia đình ông bà có thêm niềm vui khi vừa dọn đến ngôi nhà mới ở huyện Sam Khod, tỉnh Pathum Thani giáp Bangkok.
Đúng ngày 23 tháng Chạp, gia đình ông Hòa sửa soạn chu đáo cho lễ cúng tiễn ông Công ông Táo. Mâm cúng mang đầy hương vị truyền thống từ quê hương Lệ Sơn, Quảng Bình của ông qua bàn tay chế biến khéo léo của người vợ gốc Huế, với các món mặn như bánh chưng, dưa món, gà luộc nguyên con, gà xé phay, tôm hấp, ram (nem rán), bò kho cho tới các món ngọt như xôi vò, mứt gừng, mứt dừa, mứt cà chua, cũng không thiếu hoa quả, trà rượu, vàng hương, giấy tiền, quần áo để cúng tổ tiên. Đặc biệt, trên bàn lễ còn có chậu nước nhỏ với 3 con cá vàng óng ả. Ông Hòa vui vẻ cho biết ông đã lái xe về chợ Chatuchak ở Bangkok để tìm và may mắn mua được 3 con cá vàng đúng như ý.
Đúng 10 giờ sáng, khi mâm lễ đã được bày biện hoàn tất, ông Hòa thắp đèn nhang, kính cẩn bắt đầu lễ cúng tạ ơn tổ tiên, tạ ơn các Táo đã phù hộ độ trì cho gia đình năm qua được mạnh khỏe, làm ăn phát đạt và cầu nguyện năm mới được bình an may mắn. Bà Bình vợ ông và hai người bạn trong Hội người Việt Nam tại Bangkok và vùng phụ cận sau thời gian tất bật ở bếp để chuẩn bị cho mâm cúng cũng đã kịp thay sang áo dài truyền thống để ra làm lễ.
Trong không khí ấm áp của buổi lễ, bà Nguyễn Thị Lý, hội viên Hội người Việt Nam tại Bangkok và vùng phụ cận cho biết phần đông các gia đình người Việt ở Bangkok vẫn theo truyền thống cúng Tết từ ngày 23 tháng Chạp. Đối với kiều bào Việt Nam tại Thái Lan, không khí những ngày giáp Tết cổ truyền cũng nhộn nhịp, tất bật không khác ở nhà vì ai ai cũng náo nức đi sắm sửa đồ lễ để thực hiện lễ cúng theo truyền thống của Việt Nam. Bà Lý chia sẻ rằng dù ở xa quê hương nhưng họ vẫn luôn theo dõi tình hình tin tức ở Việt Nam để dạy con cháu làm theo, giữ mãi truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.
Kết thúc lễ cúng, gia đình ông Hòa thực hiện hóa vàng ngay ngoài sân theo đúng phong tục tập quán quê hương. Ông Hòa cho biết đến ngày 30 Tết, gia đình ông sẽ làm một mâm cỗ tương tự để đón các Táo trở về nhà. Tết này, ông bà sẽ du Xuân lên miền Đông Bắc Thái Lan, nơi đặt chân đầu tiên trên đất Thái của bố mẹ ông năm xưa, để thăm lại cảnh cũ và cùng “ôn cố tri tân” với những bạn bè Việt kiều của mình.